|
Phụ nữ sau khi sinh dễ trầm uất. |
Sau khi sinh từ một vài ngày đến 6 tháng, một số phụ nữ bị trầm uất với các hiện tượng buồn chán, trầm cảm hoặc nặng hơn, tâm thần. Những thất vọng về tình cảm cùng sự sa sút về thể lực sau cuộc vượt cạn có thể sẽ không gặm nhấm tinh thần sản phụ, nếu chị em hiểu biết về chứng bệnh thường gặp này và được gia đình hoặc chuyên gia y tế giúp vượt qua.
Theo các chuyên gia tâm thần học, khoảng 60-70% phụ nữ sau khi sinh một vài ngày cảm thấy thất vọng, buồn chán (cảm giác này thường thoảng qua, hiếm khi tồn tại 2 tuần sau ca sinh). Trầm cảm sau sinh có thể phát triển bất kỳ lúc nào trong 6 tháng đầu tiên; phần lớn kéo dài hơn 2 tuần. Còn hiện tượng tâm thần thường xuất hiện trong 3 tuần sau khi sinh.
Buồn, thất vọng
Sản phụ mắc chứng này thường có biểu hiện mất ngủ, khóc, trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng, đau đầu, kém tập trung, lú lẫn... Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là những thất vọng về tình cảm sau cuộc sinh đẻ kéo dài, sự mệt mỏi sau khi chuyển dạ, vì chăm sóc con nhỏ cùng nỗi đau đớn sau sinh. Đặc biệt, sau khi bị khâu tầng sinh môn, sau mổ đẻ, hồi phục sau những biến chứng của thai nghén, sinh đẻ (như nhiễm trùng, mất máu, những thay đổi về cơ thể...), sản phụ càng dễ mắc các chứng trầm uất.
Các sản phụ bị buồn chán, thất vọng sau sinh không cần điều trị đặc biệt. Người thân chỉ cần động viên, an ủi sản phụ rằng triệu chứng đó rất phổ biến và chỉ thoảng qua.
Trầm cảm
Hiện tượng này biểu hiện giống như buồn, thất vọng, kèm thêm cảm giác chán nản, sa sút tình cảm, vô cảm, bạc nhược, dễ bị kích thích, bứt rứt, khó có cảm tình với em bé, không tràn đầy tình cảm của người mẹ, chán ăn, có cảm giác bị xúc phạm, lưỡng lự, thiếu quả quyết, thường than phiền về cơ thể.
Người dễ mắc trầm cảm sau sinh là những phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vợ chồng; lỡ có thai ngoài kế hoạch; gia đình có tiền sử trầm cảm, bạo lực thể xác; có tiền sử trầm cảm trong lần sinh trước; quá lo lắng khi mang thai...
Ngoài ra, viêm tuyến giáp cũng gây cho sản phụ chứng trầm cảm. Khoảng 4-7% sản phụ có sự bất thường về chức năng tuyến giáp, xảy ra sau khi sinh 2-3 tháng. Lúc này sản phụ có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân và hay đánh trống ngực. Tiếp đó là thiểu năng tuyến giáp. Phần lớn sản phụ sẽ trở về với tình trạng tuyến giáp bình thường, nhưng có khoảng 10-30% chị em bị thiểu năng tuyến giáp vĩnh viễn.
Khi xuất hiện triệu chứng trầm cảm, sản phụ cần tới bác sĩ tâm thần để được điều trị thích hợp. Cần rất thận trọng khi dùng thuốc chống trầm cảm khi đang cho con bú. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, sản phụ nên ngừng cho con bú. Những sản phụ bị suy tuyến giáp sẽ được bác sĩ cho dùng hormon tuyến giáp thay thế cho đến khi trở lại trạng thái bình thường.
Tâm thần sau đẻ
Ngoài những triệu chứng của hai loại hiện tượng trên, tâm thần sau đẻ còn có thêm những dấu hiệu sau:
- Có ý nghĩ tự tử hoặc đã cố gắng tự tử... - Có đe doạ bạo lực hoặc bạo lực thực sự với em bé. - Rối loạn nhận thức. - Chậm vận động tinh thần hoặc mắc chứng giảm trương lực. - Bị kích động vận động. - Biểu hiện tình cảm không thích hợp. - Có những ảo giác; đặc biệt nguy hiểm là những ảo giác sai khiến sản phụ làm hại con mình. - Quan tâm quá mức vế sức khoẻ của con. - Hoang tưởng con mình hoặc bị chết hoặc là bị khuyết tật. - Có những biểu hiện của tâm thần phân liệt.
Những phụ nữ dễ bị tâm thần sau đẻ là những người có tiền sử rối loạn tình cảm hai cực, tiền sử bị tâm thần sau đẻ; có thai lần đầu tiên; mổ đẻ... Khi mắc chứng tâm thần, sản phụ cần được nhập viện để bác sĩ tâm thần khám và điều trị. Các thuốc điều trị tâm thần đều bài tiết qua sữa nên sản phụ cần dừng cho con bú ngay khi bắt đầu dùng thuốc.
BS. Đỗ Thị Hợp, Khoa học & Đời sống |