Bệnh tật do tác dụng phụ của thuốc
10:48' 13/05/2003 (GMT+7)

Khi dùng thuốc, người ta chỉ nghĩ đến tác dụng chính của nó là trị bệnh. Thế nhưng ít ai để ý đến ''con dao hai lưỡi'' này, với các tác dụng phụ có thể xảy ra tức khắc với người dùng như dị ứng, sốc phản vệ... hoặc nhiều loại bệnh xuất hiện sau đó vài năm.

Ngộ độc cấp tính và ngộ độc mạn tính do thuốc

Người tự ý dùng thuốc thường chỉ chú ý đến mục tiêu chính - đó là tác dụng trị bệnh của thuốc, nhưng lại hay bỏ qua phần tác dụng phụ, thận trọng, chống chỉ định. Sơ xuất này có thể dẫn đến hiện tượng ngộ độc.

- Ngộ độc cấp tính: Dễ thấy nhất như dị ứng, nổi mề đay, tụt huyết áp do mao mạch giãn nở, tay chân lạnh run. Người bị ngộ độc cấp tính vì dùng thuốc còn có thể nặng hơn, như bị hội chứng Stevens-johnson hoặc thật nặng như sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Ngộ độc cấp tính dễ phát hiện vì thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc; thường được ghi nhận và người dùng chú ý đề phòng.

- Ngộ độc mạn tính: Một số hoạt chất thuốc (kể cả vitamin) chỉ có tác động gây hại sau khi tích tụ nhiều lần trong cơ thể và trong khoảng thời gian lâu dài, có khi đến 10-20 năm sau. Đây chính là nguyên nhân gây ra những cái chết từ từ do lạm dụng thuốc. Vào thập niên 50, nhiều bệnh nhân lao phải điều trị lâu dài bằng Streptomycine, vì vậy những năm sau đó đã bị lãng tai hoặc điếc một bên tai, điều này cho thấy tác dụng gây hại lâu dài của thuốc. Rồi những người dùng Tetracycline dài ngày sau đó thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mãn tính. Tháng 6 năm qua bà Ranh Raja, 43 tuổi, đã chết vì suy gan do dùng thuốc giảm cân Slim 10 của Trung Quốc tại Bệnh viện Gleneagles (Singapore). Đấy là chưa kể những người khác trong tình trạng suy kiệt.

Những thuốc thận trọng khi dùng

- Viagra: Đã có 616 người tử vong sau khi uống thuốc trị rối loạn cường dương Sildénafil (còn gọi là Viagra). Phản ứng phụ này, theo Trung tâm Dược cảnh giác Upsalla, thường xảy ra với người có tiền căn huyết áp và bệnh tiểu đường. Còn theo Viện Tim mạch học Hoa Kỳ, đã có những trường hợp tai biến trên tim ở những người dưới 65 tuổi không có tiền căn tai biến tim mạch khi dùng liều thông thường cho phép của Viagra (50mg).

Nhiều trung tâm dược khác trên thế giới đã thống kê nhiều tác dụng phụ do Viagra gây ra như nhức đầu, khó tiêu, rối loạn thị giác, kể cả cương đau khi không có hành vi giao hợp. Chưa kể các trường hợp tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim không dẫn đến tử vong.

- Thuốc cảm chứa Phenylropanolamin (PPA, phổ biến từ trước đến nay) đã bị Chính phủ Mỹ cảnh báo sẽ đình chỉ việc bán tự do từ 6/11/2000 (theo tin từ AFP). Cơ quan Quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng chuẩn bị cấm sử dụng chất PPA và khuyến cáo không nên dùng loại thuốc cảm chứa hàm lượng cao chất này. Còn theo Santes (9/2001), phân tử PPA thường được bán tự do nhưng có chỉ định cần tôn trọng liều dùng (không quá 5 ngày theo liều được hướng dẫn) và chú ý các chống chỉ định (không dùng cho người cao huyết áp, có tiền căn tai biến mạch máu não...). Ngoài ra, nếu gặp những phản ứng nghi ngờ sau khi dùng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị biết. Tại Pháp, từ tháng 7/2001 các thuốc cảm chứa PPA chỉ được mua dùng 1 lần theo toa của bác sĩ và không nên tự ý dùng lại toa thuốc cũ.

Còn theo quyết định của cơ quan An toàn Y tế Pháp, từ đầu tháng 8/2001 các loại thuốc trị cảm, sổ mũi có chứa PPA sẽ không còn được dùng trong danh mục thuốc không cần toa, mà chỉ được kê dùng không quá 5 ngày, không tiếp tục cho dùng thêm để phòng những tai biến xuất huyết não trầm trọng mà chúng gây ra.

- Thuốc giảm đau: Ngày 17/2/2002, một bệnh nhân tên L.T.K sau khi trị đau khớp cổ tay bằng uống thuốc giảm đau thế hệ mới 2 lần đã qua đời do huyết áp tụt quá nhanh, nhịp tim chậm. Một bản tin của AFP về công trình nghiên cứu của bệnh viện Cleve-land Clinic Foundation cho thấy, khả năng gây tai biến tim mạch của nhóm anti COX 2 chuyên trị đau khớp không gây kích ứng dạ dày như Celebrex, Vioxx là rất lớn, với gần 7.000 báo cáo về các phản ứng tiêu cực này.

- Thuốc giảm béo: Trong năm qua, một tai biến khác cũng được dư luận chú ý, đó là tử vong do dùng thuốc giảm béo chứa độc chất fenfluramine. Còn chuyện tai nghễnh ngãng, rối loạn đường tiêu hóa do dùng thuốc thì đã xảy ra rất nhiều.

Ngày nay, các nhà sản xuất dược phẩm có rất nhiều "độc chiêu" để cạnh tranh, quảng cáo nhằm chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy chúng ta cần hết sức tỉnh táo, không nên lạm dụng thuốc, ngay cả các loại thuốc bổ.

DS. Trương Tất Thọ, theo Thuốc&Sức khoẻ

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tự chữa căng vú trước kỳ kinh bằng thuốc dân gian (13/05/2003)
Sang chấn tâm lý do sức ép thi cử (12/05/2003)
Già trước tuổi (12/05/2003)
Gãy xương ở phụ nữ có thai (10/05/2003)
Hội chứng nhà kín (08/05/2003)
Học sinh ôn thi nên ăn gì? (07/05/2003)
10% trẻ em dị ứng do thực phẩm (02/05/2003)
Ăn gì để chọn giới tính cho con? (01/05/2003)
Tăng, giảm cân nhờ đồ uống (30/04/2003)
5 giai đoạn bổ sung thực phẩm cho bà mẹ tương lai (25/04/2003)
Cây sống đời chữa bách bệnh (05/04/2003)
Xử trí khi bị phơi nhiễm HIV (08/03/2003)
Trẻ ho uống gì? (28/02/2003)
Có bầu lúc nào tốt nhất? (11/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang