Một số câu hỏi thường gặp về chứng rụng tóc
14:42' 25/12/2003 (GMT+7)
Theo ước tính, da đầu của mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc, trong đó trung bình mỗi ngày có 100 sợi bị rụng. Câu chuyện tưởng như đơn giản này lại làm đau đầu rất nhiều khổ chủ.

Người ta có thể chia những sợi tóc bình thường thành 2 loại, tùy theo giai đoạn phát triển: giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn ngủ yên. Khoảng 80% tóc trên đầu là tóc tăng trưởng và 20% là tóc ngủ. Trái với điều người ta vẫn tưởng, cạo tóc hoặc những thay đổi hoóc môn (ví dụ trong thời kỳ kinh nguyệt) không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới sự tăng trưởng của tóc.

Có nhiều dạng rụng tóc: rụng tóc sau stress, hói từng mảng hình đồng xu, rụng tóc do nội tiết tố nam (kiểu hói của nam giới)... Hói do nội tiết tố nam thường xuất hiện ở những người 20 hoặc ngoài 30 tuổi; tóc họ bị rụng dần dần, chủ yếu là ở đỉnh đầu và ở các góc trên đường viền tóc của trán. Cơ chế của hiện tượng này hiện còn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các yếu tố di truyền và nội tiết nam được khẳng định là những thủ phạm chính.  

Stress có phải là yếu tố gây rụng tóc không?

Stress không gây ra rụng tóc, nó chỉ làm tồi tệ hơn tình trạng vốn đã xấu của tóc. Ví dụ, ở phụ nữ, chứng rụng tóc thường xuất hiện sau những thay đổi mạnh đột ngột của toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như thai kỳ. Điều này có thể dẫn tới việc rụng tóc ồ ạt và đáng lo ngại ở phụ nữ trong vài tháng đầu sau khi sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tạm thời và có khả năng hồi phục hoàn toàn.

DHT là gì và nó tham gia vào quá trình rụng tóc thế nào?

DHT là chữ viết tắt của dihydrotestosterone. Đây chính là dạng hoạt tính của hoóc môn nam testosterone. Người ta cho rằng, hàm lượng cao của DHT ở một số nang tóc chính là yếu tố khởi phát bệnh hói ở nam giới. Các thuốc điều trị hói hiện hành đều hướng tới ngăn ngừa sự chuyển đối từ testosterone thành dạng hoạt tính DHT.  

Có mối liên hệ giữa di truyền và rụng tóc ?

Tuy không phải nguyên nhân ban đầu của chứng rụng tóc nam, di truyền lại có vai trò quan trọng trong rụng tóc ở nữ. Tuy nhiên, đây vẫn là một bệnh lý đa nguyên nhân. Hiện còn chưa rõ, nguy cơ bị hói ở con cái sẽ cao hơn nếu người bị rụng tóc là cha hay mẹ.  

Rụng tóc có thể xuất hiện ở thanh niên hay không?

Trong một số trường hợp không điển hình, rụng tóc nam có thể xuất hiện từ 15 tuổi. Nếu người cha từng mắc chứng rụng tóc nam sớm thì nguy cơ bị bệnh này ở con trai cũng tăng. Chứng hói từng mảng hình đồng xu còn có thể xuất hiện sớm hơn nhiều, thậm chí ở trẻ 1 tuổi. 

Vì sao một số người đột nhiên bị rụng rất nhiều tóc?

Các tác nhân gây stress cho toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như bệnh tật, sốt cao, thai kỳ, giảm hoặc tăng cân quá nhiều… có thể dẫn tới rụng tóc tạm thời. Trong khi nhiều sợi tóc đột ngột chuyển từ giai đoạn mọc sang giai đoạn ngủ, lại có thêm nhiều sợi đang ngủ bị rụng đi. Tuy nhiên, kiểu rụng tóc này chỉ mang tính tạm thời và có thể hồi phục được. 

Dầu gội đầu và các sản phẩm chăm sóc tóc khác có gây rụng tóc không?

Tình trạng dị ứng với bất cứ thành phần nào của dầu gội đầu hay các sản phẩm chăm sóc tóc đều có thể gây rụng tóc. Nước gội đầu tuy đã được thiết kế rất an toàn nhưng bao giờ cũng có người nào đó phản ứng với nó. Các thuốc nhuộm tóc, duỗi tóc và các sản phẩm khác có thể gây viêm da đầu và dẫn tới rụng tóc.

Kiểu đầu có thể khiến tóc rụng ?

Một số kiểu đầu có thể góp phần làm rụng tóc, ví dụ như khi bạn kéo mạnh tóc về phía sau và tết tóc quá chặt. Nếu giữ kiểu đầu này lâu, tóc có thể rụng nhiều và để lại sẹo khó hồi phục.

Có thuốc điều trị rụng tóc chưa?

Phổ biến nhất hiện nay là hai loại thuốc minoxidilfenasteride dùng để điều trị chứng rụng tóc do nội tiết tố:

1. Minoxidil (biệt dược là Rogaine) là một loại dầu, dùng để bôi lên da đầu 2 lần mỗi ngày, hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu. Khi sử dụng đường tiêm hoặc đường uống, minoxidil làm giảm huyết áp rất hiệu quả nên thường được dùng để cấp cứu bệnh nhân cao huyết áp nặng. Tình cờ khi dùng thuốc với mục đích nói trên, các bác sĩ phát hiện ra rằng tóc của những bệnh nhân bị hói đã mọc tốt hơn. Tác dụng chính của minoxidil là giảm rụng tóc và duy trì những tóc còn lại. Thuốc tỏ ra hiệu quả hơn đối với vùng đỉnh đầu, và kém hiệu quả đối với hai góc trán. Cơ chế cụ thể của minoxidil vẫn chưa được làm rõ, nhưng phần lớn các chuyên gia cho rằng, nó làm giãn các mạch máu ở da đầu, giúp cải thiện dinh dưỡng nang tóc.

Dung dịch minoxidil bôi thường được bán dưới hai dạng: 2% và 5%. Nói chung, dung dịch 5% hiệu quả hơn nhiều trong việc duy trì những tóc còn sót lại và kích thích tóc mới mọc. Tuy nhiên, không được phép dùng loại 5% cho phụ nữ vì nó có thể kích thích mọc lông ở hai bên má, mặc dù hiện tượng này chỉ mang tính tạm thời.

2. Fenasteride (Propecia, Proscar) tỏ ra hiệu quả trong điều trị chứng rụng tóc nam thể nhẹ và trung bình. Nó làm tăng số lượng tóc trên đầu, giảm số tóc rụng và cải thiện hình thức. Kết quả này được rút ra từ một nghiên cứu kéo dài 24 tháng ở nam giới 18-41 tuổi. Khoảng 80% nam giới dùng fenasteride duy trì được số lượng tóc cơ bản của mình (so với 28% ở nhóm dùng giả dược). Ngoài ra, 66% số người dùng thuốc nhận thấy tóc mọc lại một cách rõ rệt (so với 7% ở nhóm dùng giả dược). Fenasteride có tác dụng ngăn tetosterone chuyển thành dạng hoạt tính, giúp tóc mọc lại.

Phải mất bao lâu mới thấy được hiệu quả của việc điều trị?

Đối với hói kiểu nam, cả hai loại minoxidilfenasteride, cần dùng thuốc 12 tháng thì mới có thể thấy được hiệu quả. Còn với những dạng rụng tóc tạm thời khác, mỗi cá nhân sẽ được điều trị tùy theo nhu cầu riêng.

Khi nào thì nên tính chuyện cấy tóc?

Một bệnh nhân nam trước và sau cấy tóc.

Đó hoàn toàn là quyết định của mỗi cá nhân. Sự thành công của phương pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lượng tóc của người hiến cũng như số vùng cần được phủ tóc. Về nguyên tắc, cấy tóc sẽ thành công hơn nếu vẫn có tóc để ngụy trang vùng đã phẫu thuật.

Cấy tóc có hiệu quả không?

Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt ra từ vùng gáy những mẩu da nhỏ, mang trung bình 1-7 sợi tóc, rồi chuyển chúng tới ghép cho những vùng hói ở trán hoặc đỉnh đầu. Phương pháp này tỏ ra rất hiệu quả đối với phần lớn các dạng rụng tóc, ví dụ như hói kiểu nam giới. Nó cũng đặc biệt hiệu quả trong ngụy trang các vết sẹo sau phẫu thuật thẩm mỹ mặt (nâng da mặt, nâng trán…). Và điều quan trọng hơn cả là kết quả thu được sẽ là vĩnh viễn.

(Huyền Trâm, theo Healthology)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bệnh cúm nguy hiểm hơn ta tưởng (24/12/2003)
Khi nào nên cho trẻ dùng thức ăn đặc? (22/12/2003)
Một số kiến thức cơ bản trong lựa chọn kháng sinh (22/12/2003)
Ăn Chocolate - Lợi nhiều hơn hại (21/12/2003)
Mẹ nhẹ cân dễ gặp rủi ro trong quá trình sinh con (21/12/2003)
8 lợi ích rõ ràng của cà phê (18/12/2003)
Khi cơ thể rung tiếng chuông cảnh báo: STRESS (18/12/2003)
Mẹ lùn bố béo sinh con bệnh tật (17/12/2003)
Đoán sức khoẻ qua móng tay (16/12/2003)
Bệnh nhân nên học cách tự đo huyết áp (16/12/2003)
Đái tháo đường - nguy cơ với bào thai (15/12/2003)
Để giữ cho bàn tay luôn đẹp (13/12/2003)
Bướu não trẻ em sẽ ít nguy hiểm nếu phát hiện sớm (13/12/2003)
Chuyện đó của bạn “nóng” ở mức nào? (12/12/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang