Khoảng 30 năm trước, các bậc cha mẹ thường cho trẻ ăn dặm ngay trong vài tháng đầu, thậm chí là từ tuần đầu. Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng, trẻ sớm dùng thức ăn đặc dễ bị béo phì hoặc bệnh tiểu đường về sau.
|
Cần tập cho bé ăn dặm từ từ. |
Nếu bạn hỏi bất cứ ông bố bà mẹ trẻ nào về một vấn đề liên quan tới việc chăm sóc trẻ, bạn sẽ thấy ai cũng có quan điểm của mình và không ngần ngại chia sẻ ý kiến đó. Nên cho bé ăn dặm vào mấy tháng tuổi luôn là chủ đề của những cuộc tranh luận nóng bỏng giữa bạn bè hoặc giữa các thành viên của gia đình.
Sau đây, bác sĩ Loraine Stern - giáo sư nhi khoa tại trường Đại học danh tiếng UCLA của Mỹ - sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp nhất trong việc cho trẻ ăn dặm. Hy vọng là những lời khuyên thiết thực của ông sẽ biến bữa ăn của bé thành niềm vui cho cả gia đình.
Các bác sĩ nhi khoa thường khuyên cha mẹ cho con ăn dặm ở độ tuổi nào?
Hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên chỉ nên bắt đầu cho các trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường ăn dặm lúc 6 tháng tuổi. Tất cả các trẻ đều được sinh ra với cái gọi là phản xạ đẩy ra, một cơ chế tự vệ sống còn. Theo bản năng, trẻ sẽ đẩy ra khỏi miệng tất cả những gì nửa cứng nửa mềm, và bất cứ thứ gì không mềm như sữa mẹ hoặc sữa pha. Thông thường, trước độ tuổi 4-6 tháng, trẻ còn chưa được chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận việc đưa thức ăn nghiền nhừ vào miệng và đẩy chúng tới phần sau miệng.
Một lý do nữa giải thích tại sao phải đợi tới 6 tháng mới cho bé ăn dặm, đó là ăn dặm sớm liên quan tới chứng béo phì. Về mặt lý thuyết, thực phẩm duy nhất mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời là sữa mẹ hoặc sữa bột.
Mới đây, Tạp chí của Hiệp Hội Y khoa Hoa Kỳ đã đăng kết luận của một nghiên cứu thực hiện trên những trẻ có tiền sử gia đình bị tiểu đường typ 1 (loại xuất hiện ở trẻ em và cần điều trị bằng insulin). Các cháu bé được theo dõi từ khi mới sinh tới 4-5 tuổi. Kết quả cho thấy, những cháu được ăn dặm sớm có nguy cơ cao hơn trong việc hình thành kháng thể chống tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy, và do đó dễ bị bệnh tiểu đường typ 1 hơn. Nói cách khác, việc cho trẻ có tiền sử tiểu đường trong gia đình ăn dặm sớm làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường về sau này.
Tại sao phải cho trẻ ăn dặm?
Về mặt dinh dưỡng, ngoài sữa mẹ hoặc sữa bò, trẻ còn cần được bổ sung những thực phẩm khác vào 6 tháng tuổi. Mối quan tâm chính của chúng ta là sắt. Tại thời điểm 6-9 tháng, nguồn dự trữ sắt có từ khi sinh của trẻ sẽ bị cạn kiệt và do đó cần được bổ sung. Thực phẩm đầu tiên có thể cho trẻ dùng là bột ngũ cốc bổ sung sắt. Sau 6 tháng, trẻ cần được cung cấp các thực phẩm đa dạng hơn.
Tại sao một số bậc cha mẹ lại muốn cho con ăn dặm sớm?
Có một vài lý do. Thứ nhất là bà nội hoặc bà ngoại thường nói với họ rằng, em bé sẽ ngủ qua đêm tốt hơn nếu được ăn thức ăn đặc. Mà rất không may điều này lại là sự thực. Thứ hai là nhiều khi cha mẹ nghĩ rằng con mình cần ăn nhiều hơn. Hôm nay, tôi vừa nhận được cú điện thoại của một bà mẹ có đứa con 2 tháng tuổi. Theo bà, cứ 3 giờ một lần, cháu bé bú hết một bình sữa 240-260 ml mà vẫn có vẻ đói. Rất có thể là bé có nhu cầu được mút, vậy thì hãy cho bé cái núm giả, thay vì cho bé ăn. Đứa trẻ muốn mút sẽ nhanh chóng hài lòng và đi vào giấc ngủ, còn trẻ đói sẽ vẫn cần ăn.
Làm thế nào để biết một đứa trẻ đã sẵn sàng dùng thực phẩm đặc?
Đó là lúc trẻ nhìn vào những thứ mà bạn hoặc các thành viên khác trong gia đình ăn; bé quan tâm tới những đồ ăn này và tìm cách lấy chúng. Nhưng kể cả khi lấy được, bé vẫn chưa hoàn toàn hài lòng.
Có ngoại lệ cho mốc 6 tháng được khuyến cáo không?
Có. Đó là những trẻ mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, với biểu hiện thường xuyên nôn chớ sau khi ăn. Đôi khi các bác sĩ khuyên cha mẹ dùng bột gạo hoặc bột ngũ cốc làm đặc bình sữa, với hy vọng trẻ khó bị nôn hơn. Tuy nhiên, kết luận của các nghiên cứu về hiệu quả của việc làm đặc sữa rất khác nhau, và hiện còn chưa rõ liệu nó có tác dụng thật hay không.
Đối tượng thứ hai là những đứa trẻ rất mập. Tôi đã gặp trường hợp một trẻ cân nặng 4,5kg khi sinh. Một vài trong số những trẻ này thực sự hay đói, và lúc này có thể cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi - nếu bác sĩ nhi khoa khuyên.
Nên tập cho bé ăn dặm như thế nào?
Cần cho trẻ ăn bằng thìa. Nếu bé chưa sẵn sàng ngậm thìa và đẩy thức ăn tới phần sau của miệng, chúng sẽ thổi phì phì khiến bột rơi hết xuống cằm. Nếu bé đã sẵn sàng, bạn cần tập cho bé ăn dặm vào thời điểm rỗi rãi của ngày. Lúc đầu, hãy cho bé tập ăn 1 lần mỗi ngày. Không nên làm điều này vào buổi sáng, khi các thành viên khác trong gia đình đang bận rộn chuẩn bị đi làm. Bạn có thể cho bé ăn đặc vào trước giờ nghỉ trưa chẳng hạn, nhớ là cần làm từ tốn và đừng sốt ruột. Hãy tập cho bé ăn 1 thìa, rồi tăng dần lên thành 4-5 thìa.
Việc tập cho trẻ ăn dặm phải được thực hiện một cách từ từ, không nên cho bé tập ăn cùng lúc nhiều thực phẩm mới. Ví dụ, sau khi tập ăn được khoảng 4 thìa bột, bạn hãy bắt đầu cho bé ăn quả hoặc rau. Tốt nhất là nên dùng rau trước, vì quả thường ngọt và do đó trẻ có thể khó chấp nhận rau hơn nếu đã biết mùi vị của quả.
Đôi lúc, khi bạn cho con ăn thức ăn mới, bé sẽ làm bộ dạng buồn cười và lắc đầu. Như vậy không hẳn là bé không thích nó, có thể bé làm vậy chỉ vì chưa quen thôi. Hãy thử lại đồ ăn mới này 2-3 lần nữa.
Làm sao có thể biết bé bị dị ứng với thức ăn?
Nếu dị ứng, bẽ sẽ bị nổi ban quanh miệng, đau bụng hoặc tiêu chảy. Và thực chất mà nói, đó cũng chưa hẳn là dị ứng, đơn giản là bé không dung nạp được thực phẩm này. Tuy nhiên, có một điều mà cha mẹ cần ghi nhớ là khi bắt đầu cho bé ăn dặm, nhất là khi đã đưa vào chế độ ăn nhiều thực phẩm đa dạng, phân của bé sẽ thay đổi cả về màu sắc và mật độ.
Sau khi cho bé ăn dặm, cần đợi bao lâu để cai sữa mẹ hoặc ngừng dùng sữa bột cho trẻ nhỏ?
Trẻ có thể ngừng uống sữa bột dành cho trẻ nhỏ và chuyển sang dùng sữa bò thông thường khi lên 1 tuổi. Còn cho con bú mẹ tới bao giờ ư? Hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên các bà mẹ cho con bú ít nhất là tới 1 tuổi. Điều này có nghĩa là phụ nữ có thể cho con bú lâu hơn nếu họ muốn, vì kể cả tới lúc này, ích lợi của sữa mẹ vẫn còn. Tuy nhiên, họ không bắt buộc phải làm điều đó. Việc cho bé bú mẹ ít nhất 4-6 tháng đầu mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen, dị ứng và bệnh béo phì.
Trong năm đầu tiên, cha mẹ không nên cho trẻ dùng thức ăn nào?
Mật ong. Nếu mật ong được dùng trong những thực phẩm nướng chín thì không sao. Nhưng mật ong tươi thì tuyệt đối không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì nó chứa các nang của vi trùng gây bệnh botulism (chứng ngộ độc thực phẩm hay gặp khi ăn đồ hộp hỏng). Dạ dày của trẻ lớn hơn và người trưởng thành tiêu hủy được các nang này, nhưng với trẻ nhỏ thì không.
Một thứ nữa mà chúng tôi khuyên phụ huynh nên tránh là lòng trắng trứng. Nguy cớ dị ứng với lòng trắng trứng sẽ tăng cao nếu cho trẻ ăn trong năm đầu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể cho bé dưới 1 tuổi ăn lòng đỏ trứng.
Riêng về nước quả, không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước quả, và với các bé trên 6 tháng cũng không nên dùng quá 120-150 ml mỗi ngày. Trong khi chứa một số vitamin và một chút cácbon hydrát, nước quả không chứa chất xơ và có rất ít protein. Nó có thể khiến trẻ mau chóng có cảm giác no, và sẽ từ chối những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng khác.
Phải làm sao nếu bé không thích một loại thực phẩm nào đó?
Đôi khi bé thực sự rất rất ghét những thực phẩm như cà rốt hay đậu quả, kể cả khi bạn đã thử 4-5 lần. Nếu đúng như vậy thì không nên ép bé ăn, hãy dùng thực phẩm khác để thay thế. Cuộc đời vẫn tươi đẹp nếu thiếu những món này mà!
(Huyền Trâm - Theo Healthology) |