Đã có một thời gian dài, chocolate bị coi là tác nhân gây ra chứng đau nửa đầu và bệnh béo phì. Thế nhưng những nghiên cứu mới đây lại đảo ngược quan điểm đó. Người ta phát hiện ra rằng nếu uống cacao hoặc ăn chocolate ở mức độ vừa đủ lại rất tốt cho sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tim, ung thư và các bệnh do thoái hoá khác.
Các chất dinh dưỡng trong chocolate
Các loại chocolate khác nhau có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau, tuỳ thuộc vào công thức chế biến mỗi loại. Thông thường trong chocolate chứa:
- Protein: cần cho sự nuôi dưỡng và phục hồi các tế bào.
- Chất béo: chủ yếu là các chất béo đã bão hoà, chiếm đến 50% thành phần chocolate.
- Vitamin E: một loại vitamin có thể hoà tan các chất béo, rất cần thiết cho sự phát triển của màng tế bào.
- Canxi, photpho và magiê: những chất khoáng giúp xương và răng chắc khoẻ.
- Chất sắt: không thể thiếu trong quá trình hình thành hêmôglôbin – một loại hợp chất mang ôxi đến cho máu.
- Caffêin: Chất kích thích hệ thần kinh.
- Chất đồng: trợ giúp cho việc chuyển hoá chất sắt, tạo nên melanin (trong tóc và da) và các chức năng của hệ thần kinh trung ương.
- Các loại hoá chất từ thực vật có tác dụng chống ôxi hoá (ví dụ như chất flavonoids) : hạt cacao – thành phần chủ yếu trong chocolate – chứa hơn 600 loại hoá chất từ thực vật, trong đó có các chất chống ôxi hoá có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim và ung thư.
Chocolate có phải nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu?
Hiện tượng đau nửa đầu xuất phát từ những cơn co thắt các động mạch dẫn tới não. Người ta vẫn chưa biết rõ cơ chế của hiện tượng này là gì, nhưng các nghiên cứu cho thấy bệnh chỉ phát khi có tác nhân kích thích. Một vài loại thức ăn, trong đó có chocolate, thường bị cho là những nhân tố kích thích nói trên. Song hầu hết các cuộc thử nghiệm tiến hành với các bệnh nhân bị đau nửa đầu đã chứng minh rằng một mình chocolate không thể tự làm phát bệnh được. Phải có thêm nhiều nhân tố khác nữa cùng xảy ra một lúc (như stress và hoóc-môn) mới có thể gây ra chứng đau nửa đầu.
Ăn nhiều chocolate dễ bị mụn trứng cá?
Theo một nghiên cứu mới đây của trường đại học Melbourne (Úc), 70% số người được phỏng vấn cho rằng thức ăn (trong đó có chocolate) là một trong những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá. Thế nhưng cho đến nay chưa có một bằng chứng cụ thể nào về điều này cả. Người ta chưa hề tìm thấy một hợp chất nào, một thành phần nào trong chocolate làm mụn trứng cá sinh sôi. Mặc dù vậy, một vài nhà khoa học cũng đã khuyến cáo rằng ăn các loại thực phẩm chứa nhiều glycaemic kết hợp với hydrat-carbon đã tinh chế với liều lượng cao có khả năng kích thích quá trình tạo mụn trứng cá.
Chocolate và bệnh béo phì
Khi ăn nhiều hơn nhu cầu tiêu hao năng lượng, cơ thể chúng ta sẽ tích trữ năng lượng lại dưới dạng mỡ. chocolate là loại thực phẩm có hàm lượng năng lượng rất lớn, khoảng 2200kJ trên 100g. Tuy nhiên sẽ là không đúng nếu cho rằng cứ ăn nhiều chocolate thì bị béo phì, vì việc ăn thường xuyên các thức ăn nói chung chứa nhiều năng lượng mới là cách nhanh nhất khiến chúng ta tăng cân. Vì thế, một người có chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể ăn chocolate mà không sợ bị béo. Người Mêxicô truyền thống thường sử dụng chocolate trong các món ăn với rau và thịt trắng. Với cách ăn như vậy, hàm lượng năng lượng trong chocolate sẽ giảm vì đã được các chất có hàm lượng năng lượng thấp (rau và thịt) làm chocolate "loãng" đi.
Bệnh nhân đái đường có nên ăn chocolate?
Các nhà nghiên cứu cho rằng người mắc bệnh đái đường có thể ăn một lượng nhỏ chocolate mà không sợ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng kiểm soát đường glucô trong cơ thể.
Một loại chất béo đã bão hoà tốt
Trong thành phần của chocolate có đến 50% là chất béo. Thông thường, nồng độ cholesterol trong máu sẽ tăng cao khi ta ăn các thức ăn chứa nhiều chất béo đã bão hoà. Tuy nhiên, loại chất béo đã bão hoà chủ yếu có trong chocolate – axít stearic – lại không hề gây ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu. Vì vậy, chocolate an toàn đối với những người đang muốn giảm khẩu phần chất béo bão hoà để kiểm soát mỡ máu.
Chocolate có tác dụng gì đối với bệnh tim và ung thư ?
Hạt cacao chứa một loại chất chống ôxi hoá - catechin - có tác dụng làm tăng kháng thể ngăn ngừa các bệnh do thoái hoá như ung thư, bệnh tim. Catechin cũng có trong rau quả, tuy nhiên cơ thể chúng ta cần hấp thụ càng nhiều loại catechin càng tốt. Catechin cũng được tìm thấy trong chè, tuy nhiên lượng chất chống ôxi hoá này ở chocolate nhiều hơn hẳn, đặc biệt là chocolate đen. Một vài dấu hiệu cho thấy cacao còn giúp ngăn ngừa quá trình ôxi hoá của cholesterol trong máu và làm giảm nguy cơ đông máu. Song, những bằng chứng chứng tỏ chocolate có tác dụng tốt cho sức khoẻ của tim vẫn còn chưa rõ ràng.
Cacao và chocolate
Nếu muốn cơ thể hấp thụ được các chất chống ôxi hoá mà không phải ăn nhiều chất béo, bạn nên uống cacao thay cho việc ăn chocolate, bởi cacao chứa ít chất béo hơn chocolate nhiều. Trà cũng là một giải pháp tốt, tuy không chứa nhiều chất chống ôxi hoá bằng cacao hoặc chocolate nhưng lại không hề có chất béo.
Những điều cần ghi nhớ
- Chocolate không phải là tác nhân trực tiếp gây mụn trứng cá.
- Loại chất béo chủ yếu trong chocolate là axít stearic, không làm tăng lượng cholesterol trong máu.
- Chocolate và cacao chứa các loại catechin có khả năng giúp cơ thể ngăn ngừa các bệnh do thoái hoá như ung thư.
- Chocolate dù sao vẫn là một loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, chỉ nên ăn một cách vừa phải, hạn chế.
- Uống cacao cũng hấp thụ được lượng chất chống ôxi hoá như ăn chocolate, nhưng lại tránh được việc phải tiêu thụ nhiều chất béo.
(Hoàng Minh - Theo www.betterhealth.vic.gov.au) |