Chữa chứng tự hãn theo kinh nghiệm dân gian
17:43' 29/11/2003 (GMT+7)

Trời không nóng, không hoạt động gắng sức nhưng mồ hôi vẫn đầm đìa toàn thân hoặc ở một chỗ nào đó trên cơ thể. Chứng bệnh này được Y học cổ truyền gọi là tự hãn, trị bằng day bấm huyệt, dùng trà, thuốc hoặc ăn uống.

Có thể trị chứng vã mồ hôi bất kỳ lúc nào (tự hãn) bằng nhiều cách.

Theo y học hiện đại, tự hãn là một triệu chứng thường thấy trong nhiều bệnh lý như suy tuyến giáp, rối loạn thần kinh thực vật, thấp khớp, lao, hạ đường huyết, giai đoạn hồi phục của một số bệnh truyền nhiễm.

Trong y học cổ truyền, tự hãn được phân thành ba thể bệnh:

- Dinh vệ bất hòa: Vã mồ hôi nhiều kèm theo triệu chứng sợ gió, toàn thân đau nhức, có thể có cảm giác sốt nhẹ, đau đầu, đau gáy, mạch phù hoãn, rêu lưỡi trắng mỏng.

- Phế tỳ khí hư: Có bệnh lý đường hô hấp mạn tính, nhất là bệnh lý hen suyễn, mệt mỏi như mất sức, mồ hôi vã ra nhiều ngay cả khi nghỉ ngơi, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, chậm tiêu, dễ rối loạn tiêu hóa, mạch hư nhược, rêu lưỡi trắng mỏng.

- Lý nhiệt chưng bức: Có cảm giác nóng bức phát sốt, vã mồ hôi toàn thân hay ở đầu, tay chân hoặc nửa người, môi khô miệng khát, mắt đỏ, thích uống nước lạnh, ngực bụng đầy tức, nóng lòng bàn tay và bàn chân, tinh thần bức bối, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, mạch hoạt sác hoặc trầm thực, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dính hoặc vàng khô.

Điều trị

Day bấm huyệt:

Hàng ngày, dùng ngón tay cái hay ngón trỏ day bấm hai huyệt Quan nguyên và Khí hải theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải, mỗi huyệt chừng 2 phút, nhằm mục đích ôn dương liễm hãn (làm phấn chấn dương khí mà cầm mồ hôi).

Vị trí huyệt Quan nguyên: lấy ở điểm nối 3/5 trên và 2/5 dưới của đoạn nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu. Vị trí huyệt Khí hải: lấy ở điểm nối 1,5/5 trên với 3,5/5 dưới của đoạn nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu.

Thuốc sắc:

Có thể dùng một trong những bài thuốc sau:

- Phù tiểu mạch 30g, ma hoàng căn 9g, sắc kỹ, chia uống hai lần sáng và chiều.
- Ðậu đen 100g, táo đỏ 20 quả, hoàng kỳ 50g, sắc uống.
- Nhân sâm 5g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, ngũ vị tử 8g, sắc uống.
- Phù tiểu mạch 50g, long nhãn 12g, táo đỏ 6 quả, cam thảo 10g, sắc uống.
- Mộc nhĩ 50g, lá dâu 30g, đại táo 6 quả, sắc uống.
- Nhân sâm 9g, hoàng kỳ 9g, bạch truật 9g, bạch linh 9g, táo nhân 9g, bạch thược 9g, thục địa 9g, sinh mẫu lệ 9g, ô mai 9g, phù tiểu mạch 12g, đại táo 6 quả, sắc uống.

Trà dược:

Có thể chọn dùng một trong những loại trà dược sau:

- Lá trà 3g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 15g, phù tiểu mạch 25g, cam thảo 3g.
- Bạch nhân sâm 6g, liên nhục 10g, đường phèn vừa đủ.
- Thái tử sâm 15g, bách hợp 15g, sa sâm 15g, kẹo mạch nha 50g.
- Kỷ tử 20g, ngũ vị tử 9g.

Cách dùng: Tất cả các vị thuốc trong mỗi loại trà dược đều sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15-20 phút là có thể dùng được, uống thay nước trong ngày.

Thuốc bột:

Dùng nhân sâm 10g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 15g, ba thứ sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước ấm.

Công dụng: Ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn. Ðây chính là bài thuốc cổ Sinh mạch ẩm hay còn gọi là Sinh mạch tán, trong đó nhân sâm bổ phế ích khí và làm sinh dịch mới. Mạch môn dưỡng âm thanh phế; Ngũ vị tử bổ ích tâm khí, liễm phế và cầm mồ hôi. Ba vị hợp dùng: một bổ, một thanh, một liễm làm cho phần khí được hồi phục, phần âm được bổ sung và mồ hôi không vã ra nữa.

Món ăn - bài thuốc:

Có thể chọn dùng một trong những món ăn - bài thuốc:

- Tim lợn 1 quả, hoàng kỳ 15g. Tim lợn bổ đôi rồi cho hoàng kỳ vào trong, dùng chỉ khâu kín lại, đem hầm chín ăn.
- Thịt gà 250g, phù tiểu mạch 30g, ngũ vị tử 10g. Thịt gà rửa sạch, thái miếng rồi đem hầm với phù tiểu mạch và ngũ vị tử, khi chín chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn.
- Hoàng kỳ 30g, táo đỏ 5 quả, gạo tẻ 100g. Sắc kỹ hoàng kỳ, lấy nước bỏ bã rồi cho gạo tẻ và táo đỏ vào nấu nhừ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
- Cá chạch 5 con, gừng tươi 5 lát, hoàng kỳ 25g, đẳng sâm 25g, hoài sơn 50g, táo đỏ 5 quả. Cá chạch làm sạch, rán vàng rồi đem hầm cùng các vị thuốc, khi chín chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Ðắp thuốc:

- Ngũ bội tử và long cốt nung lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, dùng lượng vừa đủ trộn với nước chín rồi đắp vào rốn, bên ngoài cố định bằng băng keo.
- Ngũ bội tử 20g, phèn phi 15g, hai thứ sấy khô, tán bột, mỗi lần dùng 3g trộn với nước chín rồi đắp vào rốn, bên ngoài cố định bằng băng keo.
- Ngũ bội tử, ngũ vị tử và phù tiểu mạch lượng bằng nhau; sấy khô, tán bột, mỗi lần lấy một ít trộn với nước chín rồi đắp vào rốn.
- Uất kim 30g, ngũ bội tử 9g, hai thứ sấy khô, tán bột; mỗi lần lấy 10-15g trộn với mật ong rồi đắp vào hai đầu vú, cố định bên ngoài bằng băng keo.

Tắm thuốc:

Có thể chọn dùng một trong những cách tắm thuốc:

- Mạch môn 30g, ngải cứu 30g, ngũ vị tử 50g, hoàng bá 40g. Các vị sắc kỹ lấy nước bỏ bã, chế thêm nước nguội rồi tắm ngâm toàn thân hoặc bộ phận nơi kín gió.
- Hoàng 2 kỳ 150g, ma hoàng căn 120g, bạch truật 100g, phòng phong 100g, bạch chỉ 100g, ngải cứu 100g. Tất cả sắc kỹ trong 30 phút, bỏ bã lấy nước, chế thêm nước nguội rồi tắm ngâm toàn thân hoặc bộ phận chừng 20 phút, mỗi ngày 2 lần.
- Hoàng bá 30g, long cốt 30g, phèn chua 10g, ngũ bội tử 15g, uất kim 15g, hòe hoa 15g. Tất cả đem sắc kỹ trong 30 phút, đổ ra chậu, trước xông hơi sau ngâm rửa bộ phận hay đổ mồ hôi chừng 30 phút, mỗi ngày làm 2 lần sáng và chiều.

Cứu huyệt:

Chọn dùng một trong hai cách:

- Dùng điếu ngải cứu huyệt Âm khích trong 30 phút, mỗi ngày 1 lần. Cách làm điếu ngải: Lấy lá ngải cứu phơi khô trong bóng râm, cho vào cối giã thật mịn, loại bỏ gân xơ rồi dùng giấy mỏng cuốn thành từng điếu như cuốn thuốc lá. Vị trí huyệt Âm khích: Dùng ngón tay cái đặt trên lằn chỉ cổ tay ngay dưới ô mô út thấy có một cục cứng, đó là xương đậu, từ đây đo lên phía trên cẳng tay 0,5 tấc để lấy huyệt.

- Hoàng kỳ 20g, ngũ bội tử 10g, phù tiểu mạch 10g, phòng phong 15g, bạch truật 20g, uất kim 10g. Tất cả tán mịn, lấy lượng vừa đủ trộn với rượu trắng rồi đắp lên rốn và huyệt Khí hải, tiếp đó đốt điếu ngải cứu lên phía trên, mỗi huyệt chừng 30 phút, mỗi ngày 1 lần.

Chú ý: Ðể thu được hiệu quả cao và bền vững, khi trị liệu tùy theo điều kiện nên chọn dùng phối hợp từ 2 hoặc nhiều phương pháp với nhau. Ðiều cần lưu ý là phải thực hành đúng kỹ thuật, đều đặn và thực sự kiên trì mới đạt hiệu quả như mong muốn.

ThS. Hoàng Khánh Toàn, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trị chứng kinh bế, băng lậu phụ nữ bằng Đông y (28/11/2003)
Trị cảm lạnh bằng Đông y (28/11/2003)
Bệnh to đầu, chi (28/11/2003)
Tại sao chếnh choáng khi ngủ dậy? (27/11/2003)
Thuốc nhỏ mắt có thể gây mù mắt (26/11/2003)
Quế có ích cho bệnh nhân tiểu đường (26/11/2003)
Để bớt đau trong những "ngày ấy" (25/11/2003)
Giải đáp băn khoăn về thuốc tránh thai (25/11/2003)
Ai không được đi máy bay? (24/11/2003)
Khản tiếng do viêm thanh quản (24/11/2003)
Người suy thận mạn nên ăn gì? (22/11/2003)
Tránh ''cây'' mọc trong tai (22/11/2003)
Để sinh con không quá nhẹ cân (22/11/2003)
Khi nào khẳng định mắc bệnh đái tháo đường? (21/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang