Bệnh to đầu, chi
10:46' 28/11/2003 (GMT+7)

Do khối u nhỏ ở tuyến yên, trẻ em phát triển thành khổng lồ, người lớn bị dị dạng xương sọ; bàn tay chân dày, rộng, khớp đau, bụng và nội tạng rất to. Bệnh hiếm gặp và có tên Acromegalia.

Người bị bệnh Acromegalia cao hơn người thường 20-30cm.

Theo các nhà chuyên môn, to đầu chi là bệnh nội tiết do thuỳ trước tuyến yên gây thay đổi hình dáng con người. Bệnh được mô tả của Pierre Marie năm 1886; sau đó được Béclere chụp điện quang phát hiện tổn thương ở sọ não và Cushing xác định trong u tuyến yên có tế bào ái toan.

Tỷ lệ người mắc bệnh to đầu chi khoảng 50-70 bệnh nhân/1 triệu dân.

Biểu hiện

Do dị dạng về xương sọ và các đầu chi, người bệnh có trán thấp, da dày, nhờn, nếp nhăn sâu. Cung lông mày và gò má nhô cao. Mũi tẹt, bè, rộng, to. Môi dày, cong. Răng thưa, lưỡi to và dày. tai vểnh. Hàm dưới nhô hẳn lên làm cằm chìa ra phía trước. Bàn tay, bàn chân dày, rộng, các ngón tay, chân mập như quả chuối mắn, móng to. Các chi, xương sọ của người bị to đầu chi cũng to, dày, u chẩm và hai xương chũm gồ lên. Tất cả những thay đổi này làm bệnh nhân phải luôn thay đổi cỡ giày, nhẫn và mũ.

Cùng với đầu, chi, bệnh nhân còn bị to bụng như có cổ chướng. Nội tạng gan, tim lách, ruột đều to. Về nội tiết, bệnh nhân có những thay đổi như nữ thì vô kinh, chảy sữa, rậm lông; nam thì bất lực. Huyết áp tăng, chuyển hoá cơ bản tăng. Có những cơn vã mồ hôi, đau đầu, đau khớp, mệt mỏi. Mắt nhìn hạn chế về phía hai bên thái dương.

Lúc này, nếu chụp X-quang sẽ thấy các xoang mặt, xoang trán rộng ra, xương sọ to, dày ra. Các xương tay, chân dày màng xương. Có hiện tượng loãng xương, gai xương. Hố yên rộng ra, các mỏm yên mỏng, có khi bị tiêu mất.

Tiến triển & biến chứng

Bệnh Acromegalia, do khối u tuyến yên có đặc điểm là u nhỏ và thường lành tính, tiến triển có khi kéo dài 20-30 năm. Trong thời gian đó, có những đợt cường tuyến yên xen kẽ với thời kỳ đỡ. Nếu bệnh nhân đi khám sớm, khối u còn nhỏ, điều trị bằng quang tuyến. Nếu u to thì cắt bằng phẫu thuật có thể khỏi.

Tuy nhiên, do bệnh tiến triển chậm, người bệnh thường đến viện khi đã ở giai đoạn muộn cũng với các hậu quả xấu. Biến chứng hay gặp là thoái hoá khớp, gai xương, giảm thi lực, thị trường, tim to, sỏi thận. Ngoài ra, còn bị các biến chứng thần kinh do khối u to chèn ép nội sọ, biến chứng tiểu đường, tiết sữa tự nhiên.

Thể đặc biệt


Ngoài nguyên nhân gây bệnh chính là u tuyến yên, u tuyến yên còn do u phổi, u tuỵ... Nếu u thuỳ trước tuyến yên xuất hiện ở trẻ em thì sẽ sinh ra chứng ''người khổng lồ''. Người bệnh có thân hình cao (1,95m với nam và 1,8m với nữ), to. Họ thường mắc chứng chậm chạp và yếu vì có thể bị thêm một số bệnh nội tiết khác do cường tuyến yên.

Trong hoàn cảnh nào đó, khi người đã có hình dáng to cao rồi mà điều trị khỏi bệnh bằng phẫu thuật và quang tuyến (đôi khi khối u hoại tử, tức tự khỏi), người bệnh sẽ khoẻ mạnh bình thường.

Lưu ý

Những người có các biểu hiện của bệnh u tuyến yên nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và xác định đúng bệnh. Ngày nay, với kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, cùng với phương pháp chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ, người ta có thể xác định chính xác vị trí các khối u có đường kính trên dưới 1cm. Với các phương pháp mổ hiện đại, quang tuyến trị liệu và điều trị nội khoa, nhiều bệnh nhân đã thoát hiểm nghèo.

TS. Đào Kỳ Hưng, Khoa học & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tại sao chếnh choáng khi ngủ dậy? (27/11/2003)
Thuốc nhỏ mắt có thể gây mù mắt (26/11/2003)
Quế có ích cho bệnh nhân tiểu đường (26/11/2003)
Để bớt đau trong những "ngày ấy" (25/11/2003)
Giải đáp băn khoăn về thuốc tránh thai (25/11/2003)
Ai không được đi máy bay? (24/11/2003)
Khản tiếng do viêm thanh quản (24/11/2003)
Người suy thận mạn nên ăn gì? (22/11/2003)
Tránh ''cây'' mọc trong tai (22/11/2003)
Để sinh con không quá nhẹ cân (22/11/2003)
Khi nào khẳng định mắc bệnh đái tháo đường? (21/11/2003)
Dùng thuốc sai, trẻ bị tai biến gì? (19/11/2003)
Phòng trị chảy máu cam bằng thuốc Đông y (19/11/2003)
Phụ nữ dùng estrogen thế nào cho an toàn? (18/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang