Phụ nữ dùng estrogen thế nào cho an toàn?
16:50' 18/11/2003 (GMT+7)
Nhờ có estrogen, cơ thể người phụ nữ không chỉ mềm mại đầy nữ tính mà còn duy trì quan hệ tình dục. Khi khả năng sản sinh thứ chất kỳ diệu này kém đi, các bà các cô buộc phải dùng liệu pháp bổ sung. Thế nhưng, điều trị hormone thay thế như dùng dao hai lưỡi.
 
Estrogen là một hormone do buồng trứng tiết ra, trước đây thường gọi là nội tiết tố nữ. Thuật ngữ estrogen bắt nguồn từ gốc Latin: estrus có nghĩa là động dục - vì người ta thấy nồng độ estrogen trong máu tăng rất cao ở động vật trong thời kỳ động dục.

Trên thực tế, estrogen là một danh từ chung để chỉ ba chất là estron, estradiol và estriol, được ký hiệu là E1, E2, E3. Ba chất này có chung một cấu trúc hóa học, đó là có nhân steroid nên về cơ bản là giống nhau (tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau). Trong đó Estradiol là chất được sử dụng nhiều nhất.

Nguồn gốc

Estrogen được các tế bào hạt của buồng trứng tiết ra. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn mãn kinh, nghĩa là trong cơ thể cũng có một số cơ quan tiết ra một lượng nhỏ những chất có cấu trúc hóa học gần giống như cấu trúc của estrogen và được chuyển hóa thành estrogen, hiện tượng này được gọi là thơm hóa ateroid.

Ví dụ như khi mãn kinh, buồng trứng không tiết ra estrogen nữa, nhưng tuyến thượng thận lại tiết ra androstenedion và các mô mỡ, một số tổ chức khác của cơ thể chuyển hóa thành estrogen, vì vậy cơ thể luôn có một lượng nhỏ estrogen để duy trì những chức năng của estrogen ở phụ nữ.

Tác dụng

- Giúp cơ thể người phụ nữ có dáng vẻ mềm mại. Estrogen giữ nước trong cơ thể và mỡ ở dưới da nên da dẻ phụ nữ mịn màng và hồng hào.

- Làm cơ thể phụ nữ phát triển những tính chất sinh dục phụ như mọc lông nách, lông mu, làm cho vú phát triển (tăng sinh các ống sữa và phát triển các mô mỡ nên vú to và chắc).

- Làm tử cung, âm đạo, bộ phận sinh dục ngoài phát triển, niêm mạc âm đạo phát triển, chứa nhiều glycogen, làm môi trường âm đạo luôn ở trạng thái acid, chống nhiễm khuẩn.

- Làm niêm mạc tử cung phát triển và phối hợp với progesteron tạo thành kinh nguyệt.

- Bảo vệ tim mạch: Ðiều hòa chuyển vận ion, đặc biệt là ion canxi vào tế bào, ngăn xơ vữa động mạch do ngăn cản quá trình oxy hóa các lipoprotein tỷ trọng thấp (Low Density Lipoprotein - LDP) trong máu, ngăn cản bệnh xơ vữa mạch vành. Làm giãn động mạch vành, tăng lưu lượng động mạch vành, giãn mạch, chống tăng huyết áp.

- Ngăn chặn loãng xương: Giúp gắn kết canxi vào khung xương đồng thời lưu giữ canxi trong xương, góp phần chống tiêu xương và mất xương.

- Góp phần làm tăng khả năng tình dục.

Thiếu estrogen và các triệu chứng

Khi nào gọi là thiếu estrogen? Ðó là những trường hợp buồng trứng bắt đầu suy giảm, hoạt động không tốt, chế tiết ít estrogen, mãn kinh, suy buồng trứng, cắt bỏ buồng trứng, tia xạ vào buồng trứng.

Triệu chứng thiếu estrogen đều giống nhau ở những người đã từng hành kinh nhưng thôi không hành kinh nữa và thường gặp ở những người mãn kinh. Cần phân biệt mãn kinh với những người bị vô kinh thứ phát. Tuy nhiên nếu vô kinh thứ phát không được điều trị mà hiện tượng vô kinh kéo dài trên một năm, thiếu estrogen thì cũng có những triệu chứng như người đã mãn kinh.

Triệu chứng thiếu estrogen biểu hiện ở nhiều hội chứng:

- Thay đổi về kinh nguyệt: Kinh mau, kinh thưa, thiểu kinh, vòng kinh ngắn dần, lượng kinh ít dần rồi ngừng hẳn. Nguyên nhân là do giảm thiểu estrogen và đó là những vòng kinh không phóng noãn (không rụng trứng).

- Hội chứng rối loạn vận mạch: Là hiện tượng có những cơn bốc hỏa, nóng bừng ở phần trên của cơ thể, lan lên cổ, lên mặt, làm người nóng bừng, giãn mạch nên mặt đỏ bừng. Lạnh đầu chi, ra mồ hôi về ban đêm làm mất ngủ, người lúc nóng, lúc lạnh. Chóng mặt, nhức đầu do rối loạn thăng bằng, nhiều khi thấy đất trời ngả nghiêng, chao đảo, có cảm giác như say xe, say tàu. Tần suất và mức độ nặng nhẹ của các cơn bốc hỏa cũng như khả năng thích ứng tùy thuộc từng cá thể.

- Rối loạn về tâm thần: Lo lắng, hồi hộp, nhiều khi tim đập nhanh, giảm trí nhớ, hay quên. Bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của bệnh Alzheimer, không tập trung tư tưởng, thay đổi tính tình, hay cáu gắt, hờn giận, mất bình tĩnh, mất tự tin, dễ buồn nản và lâm vào tình trạng trầm cảm.

- Thay đổi về giải phẫu: Vì mất tổ chức mỡ dưới da nên da mất độ chun giãn, không còn trơn bóng và trở nên nhăn nheo. Mất lớp mỡ dưới da và mô đệm nên ngực lép. Các tuyến mồ hôi, tuyến bã giảm hoạt động nên lông, tóc khô giòn, dễ gãy, bạc màu, dễ rụng.

- Giảm thiểu đường tiết niệu: Niệu đạo ngắn, trương lực cơ bàng quang kém, cơ thắt vân cổ bàng quang yếu nên dễ bị són tiểu, nước tiểu lắng đọng ở bàng quang, dễ viêm nhiễm đường tiết niệu.

- Thay đổi về cơ quan sinh sản: Buồng trứng, tử cung, cổ tử cung teo nhỏ. Âm đạo ngắn, hẹp, niêm mạc mỏng. Âm hộ, các môi lớn và môi bé teo nhỏ, các tuyến giảm thiểu, ít chế tiết chất nhầy, dễ viêm nhiễm do tạp khuẩn. Ðau và dễ bị tổn thương khi sinh hoạt tình dục. Giảm khoái cảm và ham muốn tình dục.

- Ảnh hưởng đến khung xương: Giảm sự hấp thu calci vào xương, làm loãng xương rồi mất xương. Hậu quả của sự thiếu hụt calci ở khung xương là các đốt sống bị lún, xẹp, làm giảm chiều cao, lưng còng, xương dòn, xốp, dễ gãy. Dễ bị gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi gây tử vong cao.

- Bệnh tim mạch: Tăng 2-4 lần so với người chưa mãn kinh. Tăng huyết áp, tăng bệnh mạch vành, tăng nguy cơ huyết khối.

Sử dụng estrogen như thế nào là hợp lý?

Do estrogen đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống người phụ nữ nên khi bị thiếu hụt, như bị cắt bỏ hai buồng trứng, suy sớm buồng trứng (đặc biệt là ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh), sự thiếu hụt estrogen càng nhiều, cơ thể càng đòi hỏi phải được bổ sung estrogen thay thế để giảm thiểu những rối loạn và phiền muộn do thiếu estrogen. Việc điều trị bổ sung estrogen được gọi là liệu pháp hormone thay thế.

Liệu pháp hormone thay thế:

Do cơ thể thiếu estrogen gây nên những phiền muộn cả về thể chất lẫn tâm thần nên người ta đã thực hiện điều trị bổ sung estrogen để làm hạn chế hoặc giảm thiểu các triệu chứng trên và được gọi là liệu pháp hormone thay thế.

Tuy nhiên liệu pháp này không thể đáp ứng đầy đủ lượng estrogen như khi còn hành kinh bình thường mà chỉ đưa một lượng nhỏ estrogen vào cơ thể, vì vậy còn gọi là bổ sung estrogen.

Lợi ích của liệu pháp bổ sung estrogen là để làm giảm các triệu chứng vận mạch, giảm các triệu chứng ngoài da, giảm các triệu chứng teo ở hệ niệu dục, có lợi cho hệ thống xương, làm giảm hiện tượng xốp và tiêu xương, hạn chế và giảm tỷ lệ gãy xương, có lợi đến hệ tim mạch là hạn chế bệnh tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu. Bổ sung estrogen còn có những lợi ích khác như làm tăng ham muốn tình dục, tăng tưới máu não, tăng trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Ðiều trị bổ sung estrogen có hại không?

Ðiều trị hormone thay thế là con dao hai lưỡi, có những ưu điểm như đã nêu trên, nhưng cũng tồn tại nhiều nhược điểm nếu sử dụng không đúng chỉ định, theo dõi không tốt và điều trị kéo dài, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Những tác hại khi điều trị estrogen là làm quá sản nội mạc tử cung, gây nguy cơ ung thư nội tử cung; gây các bệnh vú như đau, cương vú, ung thư, làm tăng huyết áp, tăng các bệnh huyết khối.

Những nguyên tắc cần phải tuân thủ khi điều trị estrogen:


Những nguyên tắc chính của liệu pháp hormone thay thế bao gồm:

- Giải thích cho người sử dụng hiểu rõ việc dùng estrogen chỉ là để cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không thể có tác dụng "cải lão hoàn đồng". Phải dùng estrogen liên tục và kết hợp với progesteron ít nhất là 10 ngày/tháng (10-14 ngày). Nên sử dụng sớm ngay ở thời kỳ chuyển tiếp (quanh mãn kinh). Ðặc biệt khi sử dụng estrogen thì bệnh nhân phải được theo dõi cẩn thận (khám phụ khoa định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết).

Ðiều trị thế nào là hợp lý?

Trước hết là phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám kỹ xem có cần thiết phải điều trị estrogen thay thế không? Nếu có yêu cầu điều trị thì phải được khám lâm sàng cẩn thận. Xét nghiệm đầy đủ các thông số cần thiết, phải loại trừ những nhóm người có nguy cơ cao về ung thư. Loại trừ các chống chỉ định sử dụng estrogen. Theo dõi cẩn thận và chặt chẽ bằng khám lâm sàng và định kỳ.

Các trường hợp không được sử dụng estrogen

- Những người trong gia đình có bà, mẹ, chị em bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
- Người ra huyết âm đạo nhưng chưa rõ nguyên nhân.
- Người có khối u ở tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, các bệnh về gan mật.
- Phụ nữ có thai.
- Người có các khối u lành và ác tính ở vú, lạc nội mạc tử cung, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ...

Thuốc điều trị hormone thay thế phổ biến hiện nay và cách sử dụng


Hiện nay trên thị trường có rất nhiều biệt dược (tên thuốc) có chứa estrogen. Hay gặp nhất là các loại viên thuốc tránh thai kết hợp (hoặc viên nén chỉ có riêng estrogen), loại gel hoặc dạng kem để bôi qua da hoặc âm đạo, loại nhũ tương như viên nang để đặt âm đạo hoặc miếng dán qua da của hãng TEDIS. Có loại estrogen bôi qua da cũng rất tiện lợi.

Loại thuốc dạng uống thì phức tạp và độc hơn, nhưng do thuốc tác dụng đến toàn thân nên đạt kết quả nhanh. Khi muốn dừng thuốc, phải chờ một thời gian để thuốc được chuyển hóa bước đầu tại gan, vì thế có thể gây độc cho gan.

Tốt nhất là dùng thuốc bôi tại chỗ, bao gồm thuốc đặt âm đạo và bôi hoặc miếng dán qua da. Thuốc đặt âm đạo sẽ ngấm qua niêm mạc, làm niêm mạc âm đạo phát triển tốt, chứa nhiều glucogen, sau đó thuốc ngấm đến tạng đích.

Thuốc dán hoặc bôi qua da được các mạch máu dưới da hấp thu từ từ rồi vào máu đi tới tạng đích. Ðường bôi qua da có nhiều ưu điểm hơn.

Cách sử dụng thuốc bôi qua da

Bôi thuốc sau khi đã làm vệ sinh sạch sẽ, lên một vùng da rộng vừa đủ và mỏng để thuốc dễ được hấp thu như mặt trước cánh tay, bụng, đùi. Tự mình bôi thuốc và thoa nhẹ nhàng, không nhờ người khác giúp vì sẽ làm giảm lượng thuốc do dính vào tay. Ðặc điểm loại gel estrogen này là không màu, không mùi, không nhờn, không dính, không vấy bẩn và khô rất nhanh.

Kèm theo với ống thuốc có một thước đo, chỉ cần ấn nhẹ hai lần là đầy lòng thước đo (chứa 2,5g gel tương ứng với 1,5mg estrogen). Bôi ngày 1 lần, kéo dài trong 24-30 ngày, nhưng từ ngày thứ 16 phải bổ sung thêm progesteron như Utrogestant 100mg ngày 2 viên uống hoặc đặt âm đạo. Nếu như chẳng may (rất hiếm khi xảy ra) gặp triệu chứng khó chịu vì da bị kích thích do các chất phụ gia của thuốc thì chỉ cần rửa đi là hết.

Khi nào dùng quá liều estrogen?


Ðó là khi thấy xuất hiện những triệu chứng như đau, cương tức vú, buồn nôn, căng tức bụng, tăng cân. Lúc này nên giảm liều. Mỗi cá thể có một liều đáp ứng với estrogen, vì vậy tốt nhất hãy đến thầy thuốc chuyên khoa để được tư vấn và khám cẩn thận, từ đó hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chu đáo để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

TS. Vương Tiến Hoà, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Di tinh và di niệu (18/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (18/11/2003)
Để có đêm tân hôn tuyệt diệu (17/11/2003)
Thuốc phiện và béo phì - kẻ thù của khả năng sinh sản (17/11/2003)
Tiểu đường khi mang thai (16/11/2003)
Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính (16/11/2003)
Phòng chữa bệnh ung thư da (16/11/2003)
Mẹ làm gì khi con táo bón? (16/11/2003)
Đồng tính luyến ái, do khiếm khuyết thể chất hay tinh thần? (15/11/2003)
Quả trám chữa bệnh mùa đông (14/11/2003)
Chữa viêm môi (13/11/2003)
Bài tập thể dục cho phụ nữ mang thai (13/11/2003)
Thuốc tránh thai đắt có phải là thuốc tốt? (13/11/2003)
Chàm núm vú (12/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang