Hỏi: Trước đây mẹ tôi bị bệnh tiểu đường. Hiện tôi đang mang thai cháu đầu, liệu tôi có thể mắc bệnh tiểu đường lúc mang thai?
Trả lời: Có thể gặp một tỷ lệ nhỏ, khoảng 3-4% phụ nữ mang thai bị bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện vào cuối thời kỳ thai nghén nhưng cũng có thể sớm hơn. Khả năng mắc bệnh tiểu đường lúc mang thai chủ yếu do rối loạn chuyển hoá. Lúc này, nhu cầu cung cấp năng lượng của người mẹ tăng lên cùng với sự phát triển của thai nhi đòi hỏi một lượng insulin nhiều hơn để đưa đường từ máu vào tế bào (insulin là một hormon của tuyến tuỵ có tác dụng điều hoà đường huyết). Nhu cầu insulin cho người mẹ ở các tháng cuối thai nghén có thể tăng gấp 2-3 lần người bình thường.
Mặt khác, bệnh tiểu đường cũng có thể xuất hiện do cơ thể người mẹ sinh ra các nội tiết tố có tác dụng kháng lại hiệu lực của insulin (gọi là kháng insulin).
Những yếu tố dễ gây bệnh tiểu đường lúc mang thai
- Cơ địa béo phì. - Tiểu sử gia đình có người mắc bệnh (nhất là bên ngoại). - Tiền sử đã sinh con nặng trên 4kg, hay bị sảy thai hoặc thai chết lưu mà không rõ nguyên nhân, phụ nữ sinh nở muộn (trên 30 tuổi).
Hậu quả
Bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai có thể gây đẻ khó nếu trẻ nặng trên 4kg. Trẻ sinh ra không còn bị ảnh hưởng của tình trạng tăng đường huyết của cơ thể mẹ, nhưng lại chưa kịp điều chỉnh mức insulin về mức bình thường, và có thể gây nên tình trạng hạ đường huyết cho thai nhi. Đây là một biến chứng nặng cần được lưu ý. Ngoài ra, đứa trẻ có thể bị vàng da, hạ canxi huyết, dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Đối với người mẹ, hay xuất hiện tình trạng nhiễm độc thai nghén dẫn đến tiền sản giật, sản giật, đẻ non do đa ối. Vì vậy, khi mang thai, các bà mẹ cần tuân thủ quy định về khám thai định kỳ. Nếu có nghi ngờ, phải làm các xét nghiệm cơ bản (đường huyết, đường niệu) và khám xét toàn diện, mới có kết luận chính xác và phương pháp điều trị kịp thời.
BS. Kim Loan, Khoa học & Đời sống
|