Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai
09:31' 04/10/2003 (GMT+7)

Mang thai với phụ nữ là một việc lớn trong đời, hạnh phúc nhưng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Ngoài việc khám thai định kỳ, phụ nữ cần biết cách tự phát hiện các dấu hiệu khác thường để giữ gìn bản thân và bảo vệ thai nhi trong giai đoạn đặc biệt này.

Thai máy (thai đạp)

Thai động là biểu hiện thai nhi tồn tại, mỗi ngày theo dõi xác định thai động có thể biết trước sự an nguy của thai. Phải đến tháng thứ 4-5 của thai kỳ, người mẹ mới có thể cảm thấy thai máy. Tuy vậy, trên thực tế thai nhi đã hoạt động ngay từ khi mới hình thành, song còn yếu nên chưa thể cảm thấy được. Càng đủ tháng thì thai máy càng khoẻ.

Khi mang thai quá kỳ, hiện tượng thai động sẽ giảm đi chút ít. Nếu thai động giảm dần đi, sau đó mất hẳn từ 24-28 tiếng thì thai nhi có thể chết. Vì thế, khi thấy thai nhi giảm động phải theo dõi ngay để vào viện kiểm tra xác định lại tình trạng của thai, cấp cứu kịp thời, giảm bớt tử vong cho thai.

Chiều cao đáy tử cung

Đo chiều cao đáy tử cung phải bắt đầu từ tuần 28 sau khi mang thai. Nếu thai phụ không thể đến bệnh viện kiểm tra theo định kỳ thì việc đo này càng quan trọng hơn.

Chiều cao đáy tử cung được tính từ chính giữa bụng dưới (đáy tử cung) xuống đến xương mu. Mỗi tuần nên đo 1 lần (bình thường chiều cao này tăng từ 0,5-1,5cm). Nếu trong 3 tuần liên tục (đo 3 lần) chiều cao đáy tử cung không tăng thì có khả năng thai nhi phát triển chậm. Nếu trong 1 tuần mà chiều cao này tăng quá 8cm thì có thể do đa ối, cấn đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Một số triệu chứng khác

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ dễ có vấn đề hơn lúc bình thường. Nếu thấy các triệu chứng sau đây thì cần phải đề cao cảnh giác, kịp thời đến bệnh viện điều trị.

- Nôn mửa nhiều lần: Nôn mửa nhẹ là biểu hiện thường thấy nhất trong thời kỳ có thai ở giai đoạn đầu, vài tuần sẽ hết không cần điều trị gì. Nhưng nôn mửa nhiều lần và dữ dội, ăn vào thứ gì nôn ra thứ ấy, thậm chí kể cả nước uống, có thể dẫn tới mất nước và điện giải, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con, cần đi khám và điều trị ngay.

- Đau bụng dưới: Đau bụng từng cơn, có cảm giác đau đẻ, kèm theo mỏi lưng, nhất là có hiện tượng chảy máu âm đạo- dấu hiệu báo trước của sẩy thai hoặc đẻ non, rau tiền đạo...

- Phù nặng: Vào quý giữa và cuối của thời kỳ mang thai, người phụ nữ có thể bị xuống máu chân gây phù nhưng không khó chịu gì; hiện tượng này không đáng bận tâm. Nhưng nếu nghiêm trọng có kèm huyết áp tăng thì phải nghĩ đến nhiễm độc thai nghén.

- Cân nặng tăng quá nhanh: Nếu mỗi tuần thai phụ tăng cân quá 400g thì có khả năng con sinh đôi, đa ối hoặc nhiễm độc thai nghén... cần đi khám ngay.

- Bị cảm, cúm, sởi: Trong 3, 4 tháng đầu của thời kỳ thai nghén mà thai phụ bị nhiễm sởi hoặc cúm thì rất nguy hại cho thai nhi, có thể làm cho 30-50% thai nhi bị quái thai. Vì vậy nếu xác định bị cúm hoặc sởi thì nên đi khám toàn diện tại khoa sản phụ để bác sĩ áp dụng các biện pháp bổ cứu hoặc khi cần thì nạo bỏ thai.

- Tiểu tiện khác thường: Nếu tiểu tiện có cảm giác rát đau hoặc có đau bụng, bị lạnh và sốt, có khả năng bị viêm nhiễm hệ tiết niệu.

- Sợ hãi, thở gấp: Cuối kỳ mang thai, nếu người phụ nữ khi làm việc nặng thường thấy sợ hãi, thở ngắn, hụt hơi thì phần nhiều là hiện tượng bình thường. Nhưng nếu hoạt động nhẹ hoặc ở trạng thái nghỉ ngơi cũng bị hoảng hốt, thở gấp rõ rệt hoặc tim đập mạnh, khó thở đến mức không nằm được thì có thể nghĩ đến bệnh tim, cần đi khám và điều trị sớm.
 
- Sốt, hạch limpho sưng to: Thai phụ mắc một bệnh nhiễm trùng nào đó. nếu có mệt mỏi, vàng da, ăn kém, nên nghĩ đến bệnh viêm gan siêu vi trùng.

- Âm đạo chảy ra chất như nước: Cần kiểm tra xem có phải là nước ối không; cần cảnh giác với màng thai bị rách sớm hoặc đẻ non.

- Âm đạo chảy máu: Nếu thấy âm đạo chảy máu thì là hiện tượng không thể coi thường. Nếu thấy đau bụng dưới thì có thể nghĩ đến sẩy thai, chửa ngoài dạ con, nhau thai bị rách sớm hoặc đẻ non cần phải đến bệnh viện sớm.. Nhưng trong 1 tháng đầu mang thai, có thể có chút ít kinh nguyệt, nếu không thấy triệu chứng gì khác thì đó là hiện tượng bình thường.

Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai có thể thấy những triệu chứng như co gân chân, bí đại tiện, giãn tĩnh mạch, thiếu máu... Đây đều là hiện tượng sinh lý, không nên dùng thuốc điều trị; chỉ cần đi khám khi thấy kèm theo các biến đổi có tính bệnh lý.

Việc tự theo dõi quá trình mang thai của mình thường có tính khách quan hơn so với việc kiểm tra trước khi đẻ tại bệnh viện, sự kết hợp chặt chẽ hai việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sức khoẻ cho phụ nữ mang thai.

BS. Minh Nguyệt, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chữa bệnh 'máu trắng' trẻ em (04/10/2003)
Hạn chế triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch (03/10/2003)
Trị lang ben (02/10/2003)
Nguời bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn uống gì? (02/10/2003)
Để cá làm lợi cho sức khoẻ (02/10/2003)
Nuôi dưỡng người bệnh ung thư (01/10/2003)
Xử trí khi thân nhiệt trẻ sơ sinh thay đổi (01/10/2003)
Phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt (01/10/2003)
Bệnh hen có nguy hiểm cho thai nghén? (30/09/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư (03/11/2003)
9 dấu hiệu báo động bệnh ung thư (29/09/2003)
Sốt xuất huyết và biến chứng chảy máu trong nhãn cầu (29/09/2003)
Đau mỏm cụt sau cắt bỏ chi (29/09/2003)
Khi nào uống vitamin? (26/09/2003)
Chống hạ can xi huyết ở trẻ nhỏ (26/09/2003)
Tro ve dau trang