Hỏi: Hai chân tôi luôn có cảm giác nặng, mắt cá hơi nề, thỉnh thoảng có triệu chứng chuột rút rất đau ở bắp chân. Đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị suy tĩnh mạch. Xin hỏi ngoài uống thuốc theo đơn, tôi cần làm gì thêm để triệu chứng thuyên giảm?
|
Năng vận động- cách tốt nhất làm thuyên giảm triệu chứng nặng nề, chuột rút khi bị suy tĩnh mạch. |
Trả lời: Bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Chú ý thư giãn đôi chân: tránh đứng lâu một chỗ vì tư thế này rất bất lợi cho tuần hoàn tĩnh mạch vận chuyển máu về tim. Khi đó, trọng lượng của cơ thể sẽ dồn máu xuống chân khiến các tĩnh mạch bị ứ trệ, giãn ra.
- Tránh ngồi ''chết'' hàng giờ tại chỗ. Ít nhất mỗi tiếng phải đứng dậy đi lại khoảng 5-10 phút. Động tác ngồi gập gối hoặc bắt chéo chân sẽ cản trở máu trở về tim.
- Nếu có điều kiện, tìm cách ngồi gác chân cao. Nên nâng cao phía chân giường lên khoảng 5cm.
- Thường xuyên vận động. Nên chọn một loại hình thể thao giúp tăng cường tuần hoàn tĩnh mạch đưa máu trở về tim và ít gây thương tổn cho chân như bơi lội, đạp xe, chơi gôn, đi bộ... Không nên chơi bóng bàn, bóng chuyền...
- Không đi giầy gót nhọn, cao quá 3cm. Gót giầy cao sẽ cản trở sự co bóp tự nhiên của gan bàn chân khi đi lại.
- Không nên mặc quần áo vải dày kiểu bó sát đùi (quần jean) gây đè ép lên hệ thống tuần hoàn tĩnh mạch.
- Chú ý không để dư thừa trọng lượng vì béo phì là yếu tố gây suy tĩnh mạch.
- Tránh tắm hơi, đứng gần bếp lò, phơi nắng vì nhiệt độ cao không tốt cho tĩnh mạch chân. Người bị suy tĩnh mạch chân có thể lội nước biển, nhưng không nên đi chân đất trên bờ cát ở biển vì trong những ngày nắng nóng, đặc biệt từ khoảng 12-16h, lớp cát bờ biển có thể lên đến nhiệt độ 50oC.
- Uống đủ nước trong ngày (khoảng 2 lít, không kể lượng nước chứa trong thực phẩm), nhất là vào mùa hè và khi phải vận động nhiều. uống từng lượng nhỏ, chia đều trong ngày và uống ngay cả khi không có cảm giác khát.
BS. Quốc Trung, Khoa học & Đời sống
|