(VietNamNet) - Theo tin từ BV Nhi Đồng I (TP.HCM), từ đầu năm 2004 đến nay, số trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng gia tăng. Tháng 1/2004 đã có 336 ca nhập viện, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 22% ca là SXH độ 3, độ 4. Bệnh nhân khu vực TP.HCM chiếm khoảng 70% tổng số bệnh nhân nhập viện. Tại thời điểm này, có 9 ca nặng đang được điều trị.
Được biết năm 2003, BV Nhi Đồng I có 3.092 ca mắc SXH, trong đó 708 trường hợp bị sốc nặng. Những tháng cuối năm, lượng bệnh nhân liên tục tăng cao: tháng 10 - 428 ca, tháng 11 - 360 ca, tháng 12 - 572 ca và giữ mức cao cho đến nay.
Trong khi đó, theo báo cáo của Dự án quốc gia phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam (Viện Pasteur TP.HCM), trong năm 2003 có 11/19 tỉnh, thành xuất hiện bệnh SXH: Tiền Giang, TP.HCM, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Tây Ninh, Trà Vinh, Long An, An Giang. Tính chung toàn khu vực, số mắc trong năm 2003 là 38.165 trường hợp, tăng 74% so với năm 2002 (21.908 ca). Số ca tử vong trong năm 2003 tăng 60% so với 2002 (69/43), mặc dù tỷ lệ tử vong ở độ SXH 3,4 và tỷ lệ tử vong trên tổng số nhiễm bệnh có khuynh hướng giảm dần.
|
Muỗi vằn Aedes aegypti gây bệnh SXH. |
Tỷ lệ SXH người lớn (>15 tuổi) chiếm 30%, tăng gần 30% so với các năm 2001, 2002. Đặc biệt, tỷ lệ ca SXH nặng cũng tăng cao. Theo nhận xét của Viện Pasteur, số ca SXH trong năm 2003 bắt đầu tăng từ tháng 5-6 và tiếp tục tăng đến những tháng cuối năm 2003, cao nhất trong các năm từ 2000-2003.
Trong hoạt động phòng, chống SXH của các tỉnh phía Nam trong năm 2003 vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Chẳng hạn, chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng còn tổ chức dàn trải, không dựa vào đường cong dự báo dịch hay tình hình giám sát dịch tễ, huyết thanh virus, khiến cho tổ chức trên diện quá rộng, không đánh giá được hiệu quả thiết thực, gây lãng phí...
Dự báo trong năm 2004, tình hình nhiễm SXH và tử vong vì SXH sẽ tăng cao trong các tháng đầu năm.
Vân Điển |