Thêm 2 tỉnh có bệnh nhân nghi mắc cúm A: Sóc Trăng, Đồng Tháp
21:29' 29/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo GS Hoàng Thủy Long, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hôm nay 28/1, Sóc Trăng và Đồng Tháp đã có một số trường hợp đầu tiên nghi mắc bệnh cúm týp A. Như vậy, đến nay việc nghi nhiễm cúm A trên người đã xảy ra tại 16/64 tỉnh, thành với 61 trường hợp. TP.HCM đề nghị nhập khẩu thêm thuốc đặc trị bệnh cúm A.

GS Hoàng Thuỷ Long cho biết: Chưa kể 3 bệnh nhân vừa được tiếp nhận ở TP.HCM, trong 58 trường hợp còn lại, có 20 bệnh nhân mắc cúm A và 10 trường hợp mắc cúm A chủng H5N1 (2 ở TP.HCM và 8 ở miền Bắc). Số người tử vong do cúm A đã lên tới con số 19.

Tại TP.HCM, ngoài 2 bệnh nhi nhiễm cúm A như VietNamNet đã đưa tin, ngày 26/1 BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã nhận điều trị thêm 3 bệnh nhân khác bị nghi nhiễm virus cúm A H5N1. Trong đó có 1 trường hợp tên T.T.K.H., 16 tuổi, ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng, nhà có gà chết bệnh và gia đình đã ăn chừng 10 con gà trong số này. Phim X-quang cho thấy T.T.K.H. bị tổn thương lan toả hai bên phổi, bị suy hô hấp, phải thở máy. 2 bệnh nhân còn lại, cùng nhập viện ngày 26/1 với T.T.K.H., đều ở TP.HCM: một người là bác sĩ thú y ở Tân Bình tên H.P.S., 29 tuổi (đã tiếp xúc và làm việc trong môi trường có gà bệnh, gà chết), và một là bệnh nhi T.D.K., 4 tuổi, ở Cát Lái, Quận 2 - ảnh X-quang cho thấy phổi bị tổn thương. Tuy vậy, đến chiều 28/1 BV Bệnh nhiệt đới vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về việc 3 bệnh nhân trên, hiện đang điều trị tại Khoa Nhiễm D, có mắc bệnh cúm A H5N1 hay không.

GS Lê Đăng Hà, viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) khám cho bệnh nhân nghi mắc cúm A.

Vào sáng nay 28/1, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xác nhận 2 bệnh nhân Lê Hạnh và Lê Hồng đã tử vong (em ruột của bệnh nhân Lê Hùng, đã tử vong trước đó) do nhiễm cúm A chủng H5N1. Tuy nhiên, GS Hoàng Thủy Long khẳng định: ''Hiện nay, khả năng virus cúm A lây từ người sang người đang tiếp tục được nghiên cứu làm rõ. Chúng tôi không kịp xác định bệnh nhân Lê Hùng có nhiễm H5N1 không, nên không thể khẳng định hai người em bị lây nhiễm từ anh sang. Hơn nữa, vợ của bệnh nhân Lê Hùng có triệu chứng cúm nhưng đã hồi phục''.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho 2 trường hợp nhập viện ở Viện Y học lâm sàng nhiệt đới không phải là cúm mà chỉ là... viêm phổi do thời tiết quá lạnh.

Tình hình bệnh cúm còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm thời tiết miền Bắc đang có rét đậm. Đây là bệnh nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khan. Người bệnh chết do suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và tụt huyết áp, đặc biệt khi huyết áp tụt lại không có loại thuốc nào nâng huyết áp lên được.

Bộ Y tế cũng đã ban hành biện pháp hướng dẫn phòng chống cúm bằng cách vệ sinh cá nhân, ăn uống; hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; tăng cường sức khoẻ và khả năng phòng bệnh; khi có biểu hiện bệnh cúm phải đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Hiện Bộ Y tế đã cung cấp 300 bộ quần áo, mũ găng tay cho cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị, và hỗ trợ gần 2 tỉ đồng cho BV Nhi Trung ương mua máy thở, tăng cường cấp cứu điều trị bệnh nhân.

BS Trần Tịnh Hiền, phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết hiện có bốn loại thuốc đặc trị bệnh cúm A H5N1 là Amantadin, Rimantadin, Zanamivir và Oseltavimin. Tuy nhiên, qua thử nghiệm, virus A H5N1 đã kháng ba loại trên, chỉ có Oseltavimin là có hiệu nghiệm. BV Bệnh Nhiệt đới hiện có đủ thuốc đặc trị song đang đề nghị TP.HCM xin nhập khẩu thêm thuốc đặc trị này để dự phòng.

Chiều 27/1, hai chuyên gia của Trung tâm Phòng chống - Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đã cùng đại diện Sở Y tế TP.HCM đến phường Tân Định, Quận 1 để khảo sát các yếu tố dịch tễ tại nhà của bệnh nhi đầu tiên tử vong vì cúm gà ở TP.HCM.

CDC sẽ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ TP.HCM về huấn luyện đào tạo, sinh phẩm chẩn đoán, hệ thống giám sát bệnh,... và cùng ngành y tế TP.HCM đi tìm lời đáp cho việc lây lan cúm gà từ gia cầm sang người, nhất là tìm hiểu xem liệu có khả năng tái tổ hợp giữa virus H5N1 với virus cúm dạng khác ở người  để tạo nên loại virus biến thể rất độc hại.

  • Lệ Hà - Phi Long - Hoài Nguyễn

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nên ăn gì khi thiếu... thịt và trứng gà? (29/01/2004)
TPHCM: Ngày mai, nhiều điểm bán chim cảnh sẽ phải ngưng bán (29/01/2004)
WHO tập huấn phòng chống lây lan cúm gà (29/01/2004)
Hợp tác liên vùng chống cúm gà, ADB hỗ trợ 800.000 USD (29/01/2004)
Làm đẹp da bằng... rau quả (29/01/2004)
Tại sao mẹ nên bế con bên tay trái? (29/01/2004)
Tại sao fluor lại bảo vệ răng khỏi bị sâu? (29/01/2004)
Dịch cúm gà đã xuất hiện tại Hà Nội (29/01/2004)
Đà Nẵng: Em bé thứ 100, từ phương pháp thụ tinh nhân tạo (28/01/2004)
CRP - Nguy cơ của chị em “quá tải” về trọng lượng (28/01/2004)
Chuột ra đời từ thụ tinh nơi ống nghiệm: lo nhiều, nhớ kém (28/01/2004)
Giám sát chặt tình hình cúm gà và cúm A ở 10 tỉnh, thành (26/01/2004)
Nhuộm tóc lâu năm, dễ mắc... ung thư bạch huyết (25/01/2004)
Thêm 4 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện ở Hà Nội (24/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang