(VietNamNet) - Đó là phản ứng tức thì của Sở Y tế TP.HCM, sau khi phát hiện hai bệnh nhi ở thành phố bị nhiễm cúm týp A. Trong đó, một bệnh nhi ở Quận 1 đã tử vong. Phỏng vấn nhanh của VietNamNet về tình hình sức khoẻ của bệnh nhi còn lại, bé N.D.H.A. ở Gò Vấp, và về các hoạt động khẩn cấp phòng chống cúm tại TP.HCM.
Chiều Mùng 3 Tết (23/1), khi tiếp chúng tôi qua điện thoại, BS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã nói ngay: "Tôi vừa ký một văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế ở thành phố về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng chống bệnh cúm trong nhân dân. Hiện văn bản đã được chuyển tới các cơ sở và sẽ đưa lên website Medinet của ngành y tế thành phố...".
Thưa bác sĩ, chúng tôi được biết tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng II đã có hai bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm virus cúm týp A H5N1, theo kết quả xét nghiệm của BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trong đó, bệnh nhi - một bé trai - ngụ ở Quận I đã tử vong. Bệnh nhi còn lại, bé gái N.D.H.A. nhà ở Gò Vấp, đã được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Phòng chống cúm khẩn cấp, nhất là với trẻ em
Trong văn bản ban hành vào chiều Mùng 3 Tết về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng chống bệnh cúm trong nhân dân, Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh:
Khi phát hiện bệnh nhân bị sốt cao liên tục, có các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp (ho, sổ mũi, khó thở…) - đặc biệt đối với người dân, nhất là trẻ em, sống trong các vùng có dịch gia cầm hoặc chung quanh các chợ, các khu vực có buôn bán gia cầm, hoặc có tiếp xúc với người bị cúm nặng - các cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức điều trị cách ly tại chỗ và báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP để được hỗ trợ chẩn đoán và xử trí kịp thời…
Các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện phải báo cáo khẩn với UBND quận, huyện về nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gà trong nhân dân và đề xuất UBND chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, UBND phường xã tăng cường công tác thông tin hướng dẫn người dân đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các yêu cầu giữ gìn sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng ngừa bệnh cúm và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời…
Trường hợp TTYTDP thông báo kết quả chẩn đoán từ bệnh nhân là nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm cúm gà, phải chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được điều trị cách ly và thực hiện đầy đủ các yêu cầu thanh khử trùng môi trường…
Riêng BV Bệnh nhiệt đới có trách nhiệm tổ chức khu điều trị cách ly tuyệt đối cho các bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định nhiễm cúm gà. Sẵn sàng hội chẩn các trường hợp bệnh khi có yêu cầu của TTYTDP hoặc TTYT quận, huyện và sẵn sàng tiếp nhận, chữa trị bện nhân nghi ngờ nhiễm cúm gà, v.v…
TTYTDP phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới, các TTYT và Chi cục Thú Y TP.HCM tổ chức huấn luyện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chung và các bệnh lây qua đường hô hấp cho cán bộ y tế, thú y, môi trường có tiếp xúc, thực hiện nhiệm vụ trong vùng có dịch trên gia cầm, cán bộ y tế trong các khoa nhiễm, các BV nhi, khoa nhi trong các BV đa khoa và TTYT quận, huyện… |
Chúng tôi đã liên lạc với BV Bệnh nhiệt đới để thăm hỏi diễn biến bệnh tình của bé H.A. song bị... từ chối cung cấp thông tin. Bác sĩ có thế tóm tắt về tình trạng sức khoẻ của bệnh nhi này trong hôm nay, Mùng 3 Tết, để bạn đọc VietNamNet cùng quan tâm theo dõi?
- Bác sĩ Lê Trường Giang: Xin báo với các bạn một tin lạc quan: Sức khoẻ bé H.A. hiện đã khá hơn. Bé đã hết sốt, bớt khó thở và hình phổi đã cải thiện. Tuy vậy, bé vẫn được chăm sóc đặc biệt và vẫn hưởng chế độ điều trị cách ly.
Hiện nay, văn bản chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các cơ sở y tế phải tăng cường cảnh giác và thực hiện nghiêm các yêu cầu giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp bệnh và nghi ngờ mắc bệnh để tiến hành chữa trị kịp thời và tổ chức khống chế sự lan truyền của bệnh một cách hiệu quả.
Ở nhà bé H.A. hay quanh nhà bé có nơi nào nuôi gà, nhất là đã phát hiện gà bị chết hàng loạt chăng?
- Chúng tôi đã kiểm tra, và không thấy có những điều mà VietNamNet quan tâm. Theo xác minh của chúng tôi, trên đường tới trường, bé H.A. có đi ngang một nơi buôn bán và làm thịt gà.
Được biết Sở Y tế TP.HCM đã có kế hoạch đưa mẫu bệnh phẩm của bé H.A. sang Hong Kong để chẩn đoán chính xác dòng virus H5N1 và nếu trùng với loại đã gây ra dịch cúm gà năm 1997 ở Hong Kong thì sẽ tham khảo phác đồ điều trị của họ. Hiện nay, việc làm này đã được thực hiện đến đâu, thưa bác sĩ?
- Do chúng ta đang ở vào dịp... Tết nên mẫu bệnh phẩm này vẫn chưa thể gởi sang Hong Kong. Chúng tôi còn phải... chờ tới khi có chuyến bay thích hợp, có thể là vào Mùng 6 Tết.
Trong khi đó, việc phòng tránh ngay tại nhà bệnh nhi H.A và tại khu vực đã được thực hiện ra sao trong những ngày Tết này?
- Từ chiều Mùng 1 Tết, Sở Y tế chúng tôi đã đến làm việc với UBND quận Gò Vấp và chủ tịch UBND phường 16, nơi xảy ra trường hợp nhiễm virus cúm gà H5N1 ở bé H.A. Chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương thống nhất các biện pháp phòng dịch. Hiện việc sát trùng đã được tiến hành tại khu vực liên quan ở Phuờng 16. Sở Y tế TP.HCM đã cấp thuốc sát trùng cho cả các hộ quanh nhà bệnh nhi này để họ cùng lau nhà, diệt trùng, v.v... Hôm nay, chúng tôi cũng đã thu mẫu bệnh phẩm của tất cả người trong nhà của bệnh nhi này để mang về xét nghiệm...
Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, bà Phạm Thị Thanh Tú, phó chủ tịch UBND Quận Gò Vấp, cho biết thêm: Bé H.A.là học sinh lớp Ba 6 trường tiểu học Phan Chu Trinh, song lại học ở một phòng mượn tạm bên trường THCS Phan Tây Hồ. Vì vậy, hàng ngày bé có đi ngang một trạm trung chuyển bán sỉ gà các loại ở Phường 16. Hiện nay, việc buôn bán gà tại đây và ở các chợ trong Quận Gò Vấp đều đã đình chỉ theo chỉ đạo của thành phố. Mặt khác, UBND Quận đã có văn bản chỉ đạo cho các UBND và Trạm Y tế ở 12 phường về việc cung cấp thông tin chính thức để người dân khỏi hoang mang. Mặt khác, các Trạm Y tế phường cũng phải tăng cường theo dõi và giám sát tình hình dịch cúm trên gia cầm, cùng các trường hợp bệnh nhân bị sốt cao liên tục, bị ho và sổ mũi, khó thở,... để hỗ trợ đưa đi chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.
- Đức Nguyên - Cam Lu (thực hiện)
|