Phòng tránh bệnh cúm A, có thể... ăn thịt gà?
22:28' 16/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tuy cúm A chưa bùng phát thành dịch nhưng do tính chất khá nguy hiểm của nó, hiện nay nhiều người không dám ăn thịt gà vì sợ bị "lây cúm gà". Cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này, về các loại cúm động vật và bệnh cúm ở người.

Khi có biểu hiện của cúm, cần đến ngay trung tâm y tế

Thưa TS, hiện nay có bao nhiêu loại cúm và loại nào nguy hiểm nhất?

- Cúm là một bệnh truyền nhiễm virus có tính chất lây lan nhanh và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không tính đến những năm có dịch cúm thì hàng năm trên thế giới có 10.000-20.000 người tử vong vì bệnh này. Vào những năm có dịch, con số này lên đến 100.000 người.

Có 3 týp virus gây bệnh cúm là A, B và C. Trong đó, cúm týp A và B thường gây nên đại dịch; týp C thường chỉ gây những viêm nhiễm hô hấp nhẹ. Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm nhưng không có gì đáng ngại.

TS có thể nói rõ hơn về biểu hiện của từng loại cúm A?

- Việc định ra các týp của virus cúm A là dựa vào đặc điểm cấu trúc khác nhau của các protein nằm trên bề mặt của chúng là H (Hemaglumin) và N (Neuraminidaza). Virus cúm týp B không được chia ra các phân týp (subtype) vì sự biến đổi kháng nguyên bề mặt của týp này xảy ra chậm hơn nhiều so với virus cúm týp A. Trong 15 phân týp H và 9 phân týp N của virus cúm A, có 3 phân týp (H1, H2 và H3) và 2 phân týp (N1 và N2) là nguyên nhân chính gây bệnh cho người.

Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, cúm A có khả năng thay đổi kháng nguyên chống lại kháng thể của người bệnh. Ngoài ra, cúm A gây bệnh cho người và cúm A gây bệnh cho gia súc sinh ra chủng mới khác với virus cũ.

Do đó, hiện chúng tôi vẫn chưa đưa ra được các biểu hiện đặc trưng của cúm A, bởi cúm A cũng có các triệu chứng như cúm thông thường.

Liệu có khả năng cúm gà lây sang người để tạo thành dịch cúm?

- Do virus cúm týp B chỉ lưu hành rộng rãi ở người nên loại này sẽ khó hình thành các biến chứng mới. Ngược lại, virus cúm A có hệ thống vật chủ đa dạng từ gia cầm như vịt, gà đến lợn, ngựa, chim, người.

Các nghiên cứu cho thấy lợn là cơ thể vật chủ mẫn cảm với nhiều loại virus cúm, kể cả của gia cầm hay của người. Nếu trong trường hợp một con lợn nhiễm cả virus của gia cầm và người thì  cơ thể vật nuôi này có thể tạo nên một virus có hầu hết gen của người và một H hay một N (hoặc cả H và N) của virus gia cầm. Chủng mới sinh ra này có khả năng gây nhiễm cho người và truyền từ người này sang người khác.

Nguy hiểm nhất là các kháng nguyên bề mặt thay đổi, chưa từng có ở các chủng đã lưu hành từ trước đến nay. Do đó, cơ thể chúng ta sẽ không kịp sinh ra kháng thể chống lại, nên cũng có nghĩa là vì vậy, dịch bệnh cúm mới xảy ra.

Đâu là các triệu chứng biểu hiện của cúm?

- Bệnh nhân mắc bệnh cúm sẽ có biểu hiện sốt cao, nhức đầu, đau mỏi toàn thân... Khi sốt cao, bệnh nhân mệt mỏi, môi khô, huyết áp giao động. Các dấu hiệu của tổn thương đường hô hấp cũng xuất hiện, như viêm long, ngạt tắc mũi, rát họng, ho khan...

Bệnh cúm thường lành tính nhưng nếu ở thể nặng có biến chứng sẽ dễ gây tử vong. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, dùng vắc-xin có thể hạn chế cúm.

Bệnh cúm A hiện xảy ra vào đúng thời điểm dịch cúm gà đang bùng phát. Vậy người dân có thể ăn thịt gà (dĩ nhiên không phải là gà chết vì bệnh hay gà bệnh)?

- Mặc dù virus H5N1 được tìm thấy ở gia cầm song sẽ hoàn toàn không có hại nếu ta ăn thịt gà đã được nấu kỹ.

Tuy vậy, trứng của gà mắc bệnh cúm cũng có khả năng lây bệnh. Người dân không nên ăn trứng sống. Những thực phẩm này khi được nấu chín sẽ không có khả năng lây bệnh vì H5N1 sẽ chết ở nhiệt độ 700 C.

Mặt khác, do các chất dịch của gà bị bệnh có thể chứa virus nên phải rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với chúng. Thận trọng không nên để trẻ em tiếp xúc với chim và gà. Những người phải tiếp xúc với cúm gà ở động vật cần được trang bị đầy đủ trang phục ngừa bệnh và thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, cũng như ở các biện pháp phòng chống dịch SARS.

Lệ Hà (thực hiện)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vitamin D giúp phòng bệnh viêm khớp và đa xơ cứng (15/01/2004)
Cách ly người bệnh có dấu hiệu liên quan đến cúm gà (14/01/2004)
Chuỗi MANS - hy vọng mới cho bệnh nhân hen suyễn (14/01/2004)
Thêm một trường hợp nhập viện (14/01/2004)
Thêm một trường hợp nhập viện (14/01/2004)
Bệnh nhân tử vong do "cúm Hong Kong" (14/01/2004)
Bị tiểu đường, phải ăn uống ra sao? (13/01/2004)
Đã tìm ra virus H5N1 gây ra cúm A! (12/01/2004)
Hạt nano gây nguy hiểm cho não người (11/01/2004)
Cảnh giác trước các biểu hiện ho (10/01/2004)
Cơ sở y tế không được từ chối cấp cứu (09/01/2004)
''Trẻ tử vong tại Viện Nhi Trung ương không phải do dịch'' (09/01/2004)
4 ca phẫu thuật tim hở tại Hàn Quốc thành công (07/01/2004)
Một cháu bé bị chuột cắn nát bàn chân (06/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang