Đã tìm ra virus H5N1 gây ra cúm A!
23:25' 12/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Làm sao để phòng chống là câu hỏi chúng tôi nêu lên, sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) đã phát hiện ''thủ phạm'' gây cúm A ở trẻ em tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương chính là virus H5N1.

H5N1 có ở gà và người bị cúm

Trong khi vẫn chưa xác định được loại virus ở một số mẫu bệnh phẩm thu từ các bệnh nhi đã tử vong ở BV Nhi Trung ương, một số mẫu xét nghiệm khác do Viện VSDTTƯ nghiên cứu đã cho kết quả: đúng là virus cúm A (Avian influenza týp A, kháng nguyên H5N1) gây ra. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tìm ra chủng loại virus này gây bệnh ở người.

Influenza virus có kích thước 100-200nm (0,1-0,2 micron), có bộ gen là RNA gồm tám mảnh rời nhau. Bao quanh bộ gen là lớp vỏ protein mang hai kháng nguyên chính: H (hemagglutinin, từ H1 đến H13) và N (neuraminidase, từ N1 đến N7).

Hiện nay, Việt Nam mới xác định được kháng nguyên H là H5, còn kháng nguyên N phải chờ kết quả xét nghiệm thực hiện ở Mỹ.

GS Hoàng Thủy Long, Viện trưởng Viện VSDTTƯ, cho biết: "Hàng năm, Viện chúng tôi đã phân loại được 3 loại virus cúm: A, B và C. Trong đó, virus cúm A là phổ biến và dễ tạo thành dịch hơn cả. Virus H5N1 là một chủng loại của virus cúm A. Phân týp (subtype) H5N1 của týp (type) A là chủng cúm rất nguy hiểm, có thể lây bệnh từ gà sang cả người lớn và trẻ em một cách gián tiếp thông qua quá trình thích ứng ở một khâu trung gian nào đó (qua động vật có vú như lợn hoặc một loài động vật khác). Dù khả năng lây lan bệnh này không diễn ra ồ ạt như dịch SARS song chúng ta cũng nên thận trọng".

Theo GS Long, Viện đang tổ chức một đoàn công tác về địa phương của 1 bệnh nhi đã chết để tìm hiểu bệnh. "Việc phát bệnh cúm dạng A hiện còn lẻ tẻ, chưa phải là dịch" - ông nói - "Thế nhưng bên cạnh việc ngăn chặn dịch cúm gà, chúng ta cần phải đề phòng bằng nhiều cách như ăn uống đầy đủ, nâng cao thể trạng, súc họng, nhỏ mũi bằng các dung dịch sát trùng. Nếu có các triệu chứng về đường hô hấp thì nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi và điều trị".

GS Long cũng bật mí: Viện VSDTTƯ đang tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc-xin kháng lại virus này. Tuy vậy, phải vào khoảng... mùa đông tới, mới có vắc-xin điều trị riêng với H5N1.

 

''Không phải là dịch, nhưng cần phòng tránh''

Trả lời câu hỏi liệu nguy cơ bùng phát thành dịch có xảy ra, khi hiện nay số người tử vong do cúm týp A có tăng, Thạc sĩ Trần Thanh Dương (phó Phòng Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS) khẳng định:

- Đã có 12 ca mắc cúm A tại 7 tỉnh, thành (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc), trong đó có 11 trường hợp tử vong. Tuy vậy, tôi khẳng định rằng đây không phải là dịch, chỉ là cúm tản phát  (thời gian ủ bệnh khoảng 3-5 ngày). Theo ghi nhận, ở một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Canada,... đã có biến chủng của cúm A. Do đó, nếu xảy ra biến chủng, khi ấy bệnh sẽ bùng phát thành dịch.

- Người dân cần làm gì để phòng chống bệnh này một cách tốt nhất?

- ThS Trần Thanh Dương: Cúm là một căn bệnh nghiêm trọng liên quan tới đường hô hấp với đặc trưng là sốt, ho, đau đầu, đau cơ, sổ mũi, ho khan và đau họng. Những người bị bệnh tim, tiểu đường cần phòng bệnh cao hơn. Trong mùa cúm, tốt hơn hết là nên tránh các chỗ công cộng đông người, nơi có hệ thống thông khí kém.

Do các chất dịch của gà bị bệnh có thể chứa virus nên phải rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với chúng. Ngoài việc tiêm vắc-xin, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo, người dân có thể dùng các biện pháp hóa học dự phòng khác như tiêm hoặc uống Hydroclorid Amanhtadin hoặc Hydroclorid Rimanhtadin. Những chất này có thể khống chế sự phát triển của virus. Hiện nay, Việt Nam đang sử dung một loại vắc-xin phòng cúm là Ravincrinic do Aventins Pasteur sản xuất. Đây là loại vắc-xin đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng với giá 165.000 đồng/liều. Nhưng hiện thuốc đã hết, từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ liên hệ mua thuốc phục vụ người dân.

- Thưa ông, hiện đã có phác đồ điều trị chưa?

- Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) và BV Nhi Trung ương đang tiếp tục tìm hiểu để đưa ra phác đồ điều trị. Khi chưa có phác đồ điều trị thì dùng các biện pháp dự phòng như tiêm vắc-xin, cách ly, sát trùng, tẩy uế,... Sử dụng nước súc miệng, khẩu trang, thuốc nhỏ mũi là rất cần thiết. 

  • Lệ Hà  

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ nhiệm bộ môn virus - Viện Thú y: Đến nay, đã xác định được... "bề mặt" của virus là týp H5, trùng với týp virus cúm gà ở Hong Kong. Điều chưa từng xảy ra là H5 ở Việt Nam không chỉ gây chết gà mà còn gây chết ngan, vịt. Hiện đã có hai trung tâm nghiên cứu virus lớn nhất thế giới ở Mỹ và Úc đồng ý tiếp nhận mẫu virus cúm gà ở Việt Nam để tiến hành xét nghiệm. Trung tâm Thú y Vùng TP.HCM đã gửi mẫu sang Úc, còn Viện Thú y gửi ba mẫu virus ở gà, ngan, vịt sang Trung tâm Khống chế dịch bệnh của Mỹ (CDC) theo đường hàng không. Dự kiến năm ngày nữa sẽ có kết quả.

 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hạt nano gây nguy hiểm cho não người (11/01/2004)
Cảnh giác trước các biểu hiện ho (10/01/2004)
Cơ sở y tế không được từ chối cấp cứu (09/01/2004)
''Trẻ tử vong tại Viện Nhi Trung ương không phải do dịch'' (09/01/2004)
4 ca phẫu thuật tim hở tại Hàn Quốc thành công (07/01/2004)
Một cháu bé bị chuột cắn nát bàn chân (06/01/2004)
Những biến chứng do mọc răng khôn (06/01/2004)
Năm 2003 số người mắc AIDS giảm 32% (06/01/2004)
Trung Quốc khẳng định ca SARS đầu tiên (06/01/2004)
Có thể thay đổi cặp ghép gan đầu tiên ở VN (05/01/2004)
Hơn 30.000 người nghèo tìm thấy... ánh sáng (05/01/2004)
“P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam” đến Điện Biên (05/01/2004)
Xét nghiệm công thức máu nói lên điều gì? (04/01/2004)
Thêm một sản phẩm sữa mới dành cho trẻ em (02/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang