,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
543258
Bài 1: Con đường ùn tắc... 3 năm
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Bài 1: Con đường ùn tắc... 3 năm

Cập nhật lúc 17:18, Thứ Sáu, 12/11/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Được Chính phủ phê duyệt từ 3 năm trước, nhưng đến nay đoạn đường Khuất Duy Tiến (nằm trong Dự án đường vành đai III Mai Dịch - Pháp Vân, Hà Nội) vẫn trong cảnh thi công dang dở. Người dân sống trong cảnh nhà cửa dột nát, thừa bụi đất nhưng không nước sạch…

Đoạn “phố chết”

Soạn: AM 193447 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nếu không có cây cột chống này thì mái nhà sẽ đổ sập xuống.

Tháng 11, nắng vàng và gió hanh se sắt. Từng đoàn ô tô, xe máy chạy rầm rập trên con đường vành đai III với 2 làn đường rộng thênh thang. Qua ngã tư giao với đường... đoàn xe nghẽn lại, vón cục chen chúc tiến từng mét vào đường Khuất Duy Tiến chỉ rộng vẻn vẻn 7m. Những động cơ gầm gừ, khói đặc và khét lẹt. Chốc chốc từng đám bụi cuộn lên mù mịt nuốt chửng dãy nhà cấp 4 lụp xụp lợp mái xi măng và vá víu bằng những tấm rèm, mảnh áo đi mưa... Trong gian quán nhỏ tại số 510 đường Khuất Duy Tiến, 4 bề che chắn kín mít chỉ để lộ chiếc tủ kính đựng hàng hoá, bà Lý Thị Lĩnh không ngừng đi lại. Trên tay bà chiếc khăn ướt không ngừng lau những lớp bụi chốc chốc lại phủ đầy mặt bàn và mấy chiếc ghế nhựa.

Theo lời bà Lĩnh, năm 1990 bà mua lại mảnh đất 270m2 và ngôi nhà của chủ cũ trên mặt đường Khuất Duy Tiến. Từ đó đến nay, gia đình bà sống ổn định trên nhà và đất này. Tháng 5/2001, Chính phủ có quyết định giải phóng mặt bằng để làm đường vành đai III. Nhà bà Lĩnh sẽ phải cắt một phần đất để mở rộng đường này. Tuy nhiên, mới chỉ có quãng đường từ Mai Dịch đến ngã tư giao với đường cao tốc Láng Hoà Lạc được hoàn thành. Đến đoạn đường Khuất Duy Tiến này thì dự án tắc lại. Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương không thống nhất được với nhau về quy hoạch, chính sách đền bù. 3 năm qua, bà sống trong cảnh phấp phỏng chờ đợi. Nhà cửa xuống cấp nứt dột. Ngày nắng thì bụi phủ tứ phía. Ngày mưa, mái nhà dột tứ tung phải căng bạt hứng nước.

Chỉ tay vào cây luồng dựng chình ình giữa nhà chống lên mái nhà đang võng xuống, ông Nguyễn Văn Trứ than thở: “Nhà làm tạm, hơn 10 năm rồi giờ không được sửa chữa nâng cấp lúc nào cũng như cái bẫy, không chống thì đổ từ lâu rồi...”. Hàng xóm của bà, nhà bà Bùi Thị Hiền ở 414 Khuất Duy Tiến tháng 7/2003 trời không mưa không bão mà nhà vẫn đổ sụp. Nhà ông Nguyễn Văn Vịnh, bà Nguyễn Thị Chinh cũng chung số phận. Ông Dương Văn Thanh, tổ trưởng tổ 2 phường Nhân Chính thống kê: “Tổ 2 hiện có 108 hộ dân. 80% đang sống trong những ngôi nhà cấp 4 dột nát xuống cấp và có thể sập đổ bất cứ lúc nào".

3 năm qua, con đường thi công dang dở. Đây là một trong những đoạn đường trở thành nơi tập kết rác thải xây dựng và đất đá. Đến nay đất đá đổ nhiều cao lên như một quả đồi. Ngày đêm xe ôtô chạy cuốn bụi đất mù trời. Thức ăn không dám dùng lồng bàn đậy vì bụi vẫn lọt. Bể nước cũng đậy kín cả ngày, ấm chén bát đĩa cũng phải cho vào thùng đóng gói tránh bụi, đến bữa ăn mới dám đem ra dùng.

Soạn: AM 193449 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bà Lĩnh lọc nước giếng khoan để nấu ăn.

Sống đã vất vả, ăn ở còn vất vả hơn. Đường hẹp, nhiều bụi nhưng nước sạch thì hoàn toàn không có. Trước năm 2001, khu phố vẫn được dùng nước sạch của công ty cấp nước. Từ năm 200, nước bị cắt không rõ nguyên nhân. Chưa giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án nên cũng không đặt được đường ống dẫn nước mới. Người dân phải khoan giếng lấy nước và lọc bằng bể thủ công để dùng tạm. Không được xây bể chứa nước kiên cố, mỗi hộ dân phải mua hàng trăm chiếc xô nhựa hoặc vỏ thùng đựng sơn để chứa nước. Không ai dám đảm bảo nguồn nước này hợp vệ sinh. Không có nước, không có cả điện. Cho đến nay 108 hộ dân tại đây vẫn chưa có đường điện riêng. Để có điện sinh hoạt, những năm qua, toàn bộ các hộ dân sống trên tuyến phố Khuất Duy Tiến phải dùng điện nhờ của trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (Bộ Công an).

3 năm sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp không cơ sở hạ tầng và cũng bằng ấy năm người dân không được làm sổ đỏ, không tách hộ. Hiện trong khu phố nhiều người đến tuổi lập gia đình nhưng chưa dám kết hôn vì không chỗ ở, không tách hộ khẩu được. Anh Trần Nguyên Sơn trú tại số nhà 426 thừa nhận: “Cuộc sống khó khăn và tạm bợ, mâu thuẫn gia đình ngày càng gia tăng khiến tôi và vợ tôi quyết định ly hôn". Ông Thanh, tổ trưởng tổ 2, phường Nhân Chính khẳng định: “Liên tục trong các năm 2003 và 2004, tổ 2 phường Nhân Chính đã có 3 trường hợp ly hôn vì nguyên nhân này".

Mất việc, mang nợ vì… con đường

Soạn: AM 193455 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Quán nước của ông Lý dưới chân khu chung cư.

8h sáng, ông già Nguyễn Văn Lý tuổi tóc bạc phơ còng lưng đẩy chiếc xe gỗ trên vỉa hè. Dừng xe, ông thận trọng mở tủ sắp từng món hàng lên bàn. Lơ thơ vài quả ổi, bình trà đá, chai nước cam... Năm 1991, ông mua lại ngôi nhà và diện tích đất 100m2 tại tổ 1 phường Nhân Chính. Từ đó ông sinh cơ lập nghiệp tại đây. Tháng 11/2003, ông cùng 23 hộ dân thực hiện việc di chuyển để Nhà nước giải phóng mặt bằng mở rộng lòng đường.

Sau khi bàn giao mặt bằng, ông cùng các hộ dân được xét nguyện vọng mua nhà chung cư tại khu chung cư Trung Hoà - Nhân Chính. Ông Lý được mua ngôi nhà 67m2. Với diện tích đất và tài sản tại tổ 1 phường Nhân Chính, ông được Ban Quản lý dự án hỗ trợ 192.488.238 đồng. Tuy nhiên, trị giá của căn nhà chung cư lại là 252 triệu đồng. Vậy là ông còn nợ lại nhà nước hơn 62 triệu đồng, được trả dần trong 10 năm.

Ông Đỗ Ngọc Hiểu, tổ trưởng tổ 1 phường Nhân Chính cho biết: “Hầu hết các hộ khi mua chung cư đều phải phụ thêm tiền và phải nợ tiền trả dần trong 10 năm. Tổng số nợ của 11 hộ mua nhà chung cư đã lên đến 1.053.148.029 đồng. Hộ phải nợ nhiều nhất là ông Lê Đức Tuấn với số nợ hơn 167 triệu đồng”. Mắc nợ nần các hộ dân này còn mất luôn cả kế sinh nhai.

Soạn: AM 193459 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Sau 3 năm, đoạn đường vành đai 3 này vẫn là đống phế thải.

Ngày trước, còn sống tại mặt đường Khuất Duy Tiến họ đều là những người sinh sống bằng những dịch vụ như bán hàng ăn, sửa chữa xe máy, hoặc xây nhà cho sinh viên thuê... Mỗi tháng cũng kiếm được ngót 1 triệu, cộng với tiền lương hưu, cuộc sống cũng tươm tất. Ngày chuyển lên chung cư, môi trường sống thay đổi, bí bách vì mất một khoản thu nhập lớn, ông Lý đẩy cái hòm gỗ xuống chân cầu thang bán nước. Ông Hiểu cắp chiếc bơm với bộ đồ nghề ngồi chân cầu thang chờ người thủng lốp xe thì vá.

Khách hàng chỉ là những người trong chung cư, ngồi cả ngày không kiếm nổi chục nghìn. Ông Hiểu cho biết: “Những gia đình chuyển đến đây đều chưa tìm được việc làm thêm. Chính vì vậy sẽ rất khó để trả khoản nợ tiền mua nhà chung cư của Nhà nước".

Chuyển đến sống trong khu chung cư mới, tuy rằng nhà cửa, môi trường sống khang trang sạch đẹp hơn nhưng lại mất đi khoản thu nhập hàng tháng không nhỏ cộng với một khoản nợ khổng lồ không biết đến bao giờ mới trả hết, phải chăng cũng là một lý do khiến những người dân nơi đây ngại di dời?

  • Hoàng An

Bài 2: Vòng vo quanh việc mở đường

,
,