,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
187521
Lăn cùng những vòng xe ba gác
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Lăn cùng những vòng xe ba gác

Cập nhật lúc 15:46, Thứ Sáu, 16/01/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ông Năm Long giục tôi ngồi sau chiếc ba gác già nua. Qua con hẻm bên đường Trần Văn Kiểu, Q.6 mấp mô, ông còng lưng, đôi chân run bần bật trên bàn đạp, phào phào kêu tôi góp sức đẩy chiếc thùng xe đầy sắt thép đang ngắc ngứ. Cái xe nấc lên, rồi nghẹn , đứng chịu trận. “Thấy chưa, tui đã bảo nhà báo nên viết về xe hơi, tìm hiểu cục sắt vụn này làm gì. Phơi mình trên ba gác chỉ chúng tui mới chịu nổi!”.

Ông Năm Long sau chuyến hàng nặng.

“Để cháu gọi thợ sửa” - tôi nói. “Đừng, thế có mà chết tiền! Với lại xe tui chỉ tui sửa được”. Ông vừa lắc lắc bánh xe trẹo sang một bên vừa thì thầm: “Khung xe từ ống típ Pháp. Sên líp Trung Quốc. Bánh xe thồ Việt Nam. Mấy nước hợp tác sản xuất cơ đấy. Vậy mà hư hoài”…

Rồi chiếc xe cũng chịu bò đi, sau khi ông chủ lấy búa gõ kênh kếch vào con ốc đỏ như tôm luộc cho nong ra, cân lại bánh, và tống vài cái long-đen vào trục. Đến điểm đỗ, tôi cùng ông chuyển từng cây sắt xuống. Nắng rát rạt. Khát, định xin nước, thì người mướn kêu: “Ê, ba gác, còn cái cánh cửa kìa!”.

Xong việc, chúng tôi về ngã ba Hàm Tử - An Bình, Q.5, đợi khách. Ông kể: “Tui đã gần 70 tuổi. Người già, xe già chỉ bắt nạt hàng nhẹ thôi. Người ta thấy vậy cũng không muốn mướn, nên chạy mướn chỉ là phụ, chủ yếu mua gom ve chai bán cho đại lý. Nhưng với tui, cái xe này cũng sang chán. Trước, tui phải gánh quang gánh đi gom. Cách đây 3 năm, có người thương tui, bán rẻ cho cái xe này, chỉ lấy 100.000 đồng”. “Bác quê ở đâu?”. “Chả nhớ nữa. Chỉ biết từ nhỏ tui đã ở thành phố này”. “Bác tên Năm Long à? Chữ này phải không?”. “Ờ…ờ, tui không biết chữ”…

Ấy, bác đừng nhìn thẳng vào máy ảnh, cứ tự nhiên. Thế” - tôi bấm máy… Ông rút nhanh tờ 10.000 đồng nhàu nhĩ đặt cạnh hai ly cà - phê: “Để tui trả tiền cho. Cám ơn anh. Từ ngày làm căn cước đến nay tui mới lại được chụp ảnh”. Ông cúi xuống, bóc miếng cao dán đen nhẻm ở cổ chân, thay bằng miếng mới: “Ráng đạp nhiều, nhức đấy. Phải chịu thôi. Bà nhà tôi bệnh tim, huyết áp nặng, mấy năm nay không làm được gì. Giờ mà mình cũng lăn đùng ra, thì tiền thuốc cho vợ, tiền nhà, tiền ăn, tiền nợ lấy đâu ra!”. “Tiền nợ ạ?”. “Nợ chứ. Chạy cả ngày được vài chục. Bà nhà tui đi viện một lần hết tiền triệu… Mà thôi, kể chi hoài chuyện buồn”. Ông phả hơi thuốc dài. Cuộn khói quánh lại, rồi tan dần…

Ngày khác, tôi rong ruổi cùng Khanh, một thanh niên làm công nhân Đội công trình đô thị Q.7, làm “thằng ba gác” quèn chở rác. Tôi cởi giầy tất, đi đôi dép lê, nói với Khanh mình là “sinh viên ngành môi trường đi thực tế”. Chúng tôi đẩy xe gom rác dọc đường Trần Xuân Soạn, Q.7. Được một lát, tôi mỏi chân, Khanh dng lại mua túi nước mía. Tôi hút một hơi rồi kêu: “Sao chua quá!”. “Xe rác lớn thế kia, ngửi gì chả thấy chua!” – cô hàng nước cau mày. Tôi chọn góc xe thơm tho nhất, nơi có bịch vỏ lon bò-húc, Heniken, treo túi nước mía dành tí nữa uống tiếp.

Xe ba gác chở rác.

Khanh vùng bước. Rồi chạy. Dáng chạy của riêng những anh ba gác chở nặng. Một người tng đạp ba gác lâu năm tâm sự: Đi ba gác nhiều, rủ người yêu dạo chơi công viên, cõng người yêu mà ngỡ đang kéo ba gác...

Khanh quê Cà Mau, hiện hưởng lương tháng 500-600 nghìn, không bảo hiểm. Lúc trước tôi hỏi: “Bạn tên gì?”. “Khăn”. “Khanh? Công hầu khanh tướng hả?”. Tiếng cười của tôi tắt ngấm khi Khanh trừng mắt. Bây giờ, Khanh lại trừng mắt khi tôi xin chụp ảnh (chắc Khanh đoán ra tôi là phóng viên): “Làm gì? Đưa tùm lum tùm la lên báo bôi bác à?”.

Ấm áp những vòng xe lam lũ

Vậy rồi tôi cũng tìm ra căn phòng trọ hơn 10m2 của ông Năm Long ở đường Phú Định, Q.8, khi ông vừa về đến nơi. Ông trao bịch đồ chơi vừa nhặt nhạnh từ đống ve chai cho vợ, bà Nguyễn Thị Mén, để cháu nội chơi. Ông bà có ba con. Một người đã mất vì bệnh tim, hai người làm thợ hồ, buôn bán vặt, lại đẻ nhiều nên nghèo hoàn nghèo. Cách đây chừng 10 năm, ông bà phải bán căn nhà ở Lãnh Binh Thăng chia tiền cho con cháu và trang trải nợ nần. Từ đó, cặp vợ chồng già phải cắp chiếu đi thuê nhà.

Bà bệnh đã bốn năm, mọi chuyện trong nhà một mình ông lo. Ông thành người đo chai nước mắm, đếm củ dưa hành. Ông chọn những cái xoong, cái chảo dúm dó trong mớ sắt vụn, mang về, gò lại cho vợ nấu nướng. Mấy ghế nhựa, tủ đựng đồ ăn, tủ quần áo kia cũng thế, chở về, rửa sạch, thậm chí sơn lại cũng sang ra trò. Còn cái giường sắt lúc đầu rời từng mảnh, lắp vào vẫn thiếu, phải săn thêm mấy bộ phận nữa.

Được cái nhiều người thương. Bà chủ mỗi dịp thu tiền nhà lại đến từng phòng giục toáy, nói băm nói bổ, nhưng qua cửa phòng ông bà thì lặng thinh. Bà Việt kiều có nhà đằng trước, một lần về nước, cho áo len; thấy ông không mặc mà nhường bà, lại cho cái nữa. Hàng xóm mua nồi cơm điện mới, cho nồi cũ. Quyển lịch cũng vậy, có nhà được tặng nhiều quá, treo không hết, lúc ông đến mua ve chai, bỏ luôn vào bịch nilon của ông.

Ông Năm Long chăm sóc vợ.

Đến tuổi chán cơm thèm đất rồi, nhưng ông vẫn dậy lúc 5h30 sáng đi làm, mặc cái lưng, cái chân đau như giần. Gặp mấy cụ già thảnh thơi tập thể dục bên đường, tự mình an ủi: đạp xe cũng là vận động. So với trước giải phóng, cuộc sống bây giờ khá hơn. Ngày lễ, tết, ông bà vẫn được các tổ chức từ thiện tặng gạo, bánh trái. Nhưng từ khi bán nhà, không còn hộ khẩu thường trú, không có sổ bảo hiểm y tế.

Những cảnh đầm ấm gắn với những chiếc xe ba gác bần hàn không phải hiếm.Một ngày khác, trong vai người đi tìm mối để bán đồ cũ cho cơ quan, tôi có dịp phóng xe cạnh cái ba gác của vợ chồng ông Hai Cò, 63 tuổi. Chiều nay cũng như mọi ngày, sau mấy tiếng đồng hồ len lỏi vào ngõ ngách, vợ chồng ông chất đầy đồ gia dụng quá đát lên xe. Ông ngồi lên yên đạp; bà khom người phía trước kéo. Được một lát, biết vợ mỏi, ông giục bà đạp để mình kéo. Thêm quãng đường nữa, nhìn mồ hôi hoen áo chồng, bà giục ông lên xe. Cứ thế, đoạn đường hai cây số có năm, bảy lượt thay đổi. Thỉnh thoảng bà càu nhàu với ông mấy câu về giá cả đắt rẻ như người chỉ huy, nhưng khi dừng ở quán bên đường, lại rót nước đưa chồng trước.

Nhà ông bà Hai Cò trong con hẻm nhỏ đường Dương Bá Trạc, Q.8, nơi của những hộ chạy ba gác mua ve chai, sắt vụn. Có người kể, trước ông tên Hai Có, nhưng sau lại được gọi là Hai Cò; chắc tại ông nghèo, nghèo thế có nỗi gì, lại gầy như cò, như hạc nữa. Ông bà có ba con. Tôi định hỏi xem họ sống thế nào, nhưng nhìn mấy đứa cháu lê la sàn nhà, kêu nheo nhéo vì ông bà không quay quạt điện về phía chúng, lại thôi.

Thấy tôi ghi chép, bà Hai Cò dò xét: “Chú là nhà báo à? Mớ đồ thải này có gì mà điều tra!”. “Không, cháu ghi địa chỉ để sau có gì bán báo cho bác”. “Chú ở đâu ta?”. “Cháu ở quận 1”. Bà nhìn qua con hẻm sâu thông thống về phía xa, nơi thấp thoáng tòa cao ốc vừa lên đèn, chép miệng: “Xa lắm!”

  • Theo thống kê năm 1997, TP.HCM có 4.798 ba gác đạp, riêng Q.1 có 1.947 cái. Ba gác máy hiện phát triển mạnh hơn. 
  • Nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam: “Ba gác” có nghĩa ba bánh. “Gác” là cách gọi khác của “bánh”. Xe ba gác xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn, khi cảng, bến xe bung ra làm tăng nhu cầu vận chuyển. Nhiều nhất vào giữa thế kỷ này. Đây cũng là thời điểm xuất hiện ba gác máy, một loại xe cải tiến từ ba gác đạp. TP.HCM là nơi có nhiều ba gác nhất. Ba gác tập trung ở các quận có nhiều người lao động chân tay, buôn bán nhỏ như: Q.6, Q.7, Q.8… Ba gác là phương tiện chuyên chở hữu hiệu trong làm ăn nhỏ, nhưng dễ gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Người dùng ba gác phần nhiều chưa hiểu biết luật giao thông.
  • Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Huy Phú: Ba gác là một đặc trưng văn hóa Nam bộ. Đây là loại xe kết hợp giữa xe đạp và xe kéo. Người miền Bắc ít dùng ba gác phần vì đã có thói quen dùng xe hai sọt trong nông nghiệp, phần vì xích lô miền Bắc gầm thấp, có thể thay ba gác.
  •   Phạm Cường
,
,