,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
87033
Thái Lan không chỉ có sex
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Thái Lan không chỉ có sex

Cập nhật lúc 11:20, Thứ Sáu, 01/08/2003 (GMT+7)
,

Du khách Việt Nam thăm Hoàng Cung
(VietNamNet) - Anh Tana Roong, một người Thái hiện đang sống ở Bangkok cho biết: "Người Thái cũng chả ưa gì sex show, đã có thời, do sức ép của dư luận, Chính phủ Thái Lan đã thẳng tay dẹp bỏ các tụ điểm ăn chơi tai tiếng này, nhưng nếu dẹp sex show đi thì lượng du khách sẽ giảm đi một nửa". Đó là lý do để sex show tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, trên đất nước Phật giáo này còn có nhiều điều đáng nói. Đặc biệt là những thành tựu kinh tế, dịch vụ trong cộng đồng dân cư có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Sau khi phóng sự: "Đi xem sex show đêm Bangkok" của Công Thành lên mạng, VietNamNet đã nhận được hàng trăm bức thư của bạn đọc. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi tính sinh động, xác thực thông tin của nhà báo Công Thành trong phóng sự trên, còn có không ít ý kiến cho rằng Thái Lan không chỉ có sex!

Sex show, một động lực của ngành công nghiệp không khói

Trong chuyến đi thăm Hoàng Cung, tôi đã có dịp làm quen với cô Thity Ban, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học Hoàng Gia Thái Lan, thấy tôi băn khoăn về hiện tượng sex show khá phổ biến ở Bangkok, đây có phải là một đặc trưng văn hoá của người Thái? Thity Ban cho biết: "Sex show du nhập vào đất Thái qua con đường của lính viễn chinh Mỹ. Trong những năm 60, để phục vụ cho cuộc chiến tranh Việt Nam, cách Pattaya không xa về phía Nam, người Mỹ đã xây dựng căn cứ quân sự Utapao lớn nhất Đông Nam Á. Ở đó có sân bay hạng nặng cho máy bay chiến lược B52 lên xuống, có căn cứ hậu cần, được coi là cái "dạ dày" của cuộc chiến tranh Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu giải trí của quân đội Mỹ trong những ngày đối mặt với cuộc chiến tranh khốc liệt và tuyệt vọng, người Mỹ đã cho xây dựng những quán bar đầu tiên ở Pattaya".

Hơn 30 năm qua, từ một làng chài nhỏ bé không được ai biết đến, Pattaya đã "liên tục phát triển" để trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng với quy mô hơn 1 triệu dân với hàng trăm ngàn phòng khách sạn đủ các loại sao. Nếu như ở Hà Nội khách sạn 4 - 5 sao chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì ở Pattaya, những loại khác sạn cỡ như vậy không thể nào kể xiết. Từ trên tầng thượng khách sạn Golden Beach, phóng tầm mắt ra xa, những building chọc trời như những chiếc bút chì dựng đứng san sát nhau.

Con đường từ Bangkok tới Pattaya dài 160 km, được mở rộng  42 mét cho 8 làn xe nhưng cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã trở nên quá tải. Chính phủ Thái Lan đã cho xây dựng thêm một con đường cao tốc chạy trên cao. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 đã làm cho công trình này bị dở dang. Ngày nay khi đi từ Bangkok tới Pattaya sẽ gặp những đoạn đứt quãng, vết tích dang dở từ cuộc đại khủng khoảng năm nào chưa khắc phục được.

Ở Pattaya hay ở Bangkok, nếu bước ra khỏi khách sạn, du khách đều được các "tiếp thị sex" chăm sóc đến nơi đến chốn bằng một thứ tiếng Anh, kết hợp tiếng Thái, tiếng Hoa hợp "đồng binh chủng". Trong vai một du khách ngây ngô luôn luôn ngạc nhiên trước những hiện tượng tục tĩu đang được kể ra từ miệng một người am tường mọi góc khuất của đời sống xứ ăn chơi Pattaya - Pak Sỉn, một tay taxi da đen cháy, mặc áo đồng phục màu xám, bám tôi dai như đỉa khi tôi vừa rời Golden Beach - hào hứng ba hoa: "Show Thái với 10 tiết mục khí công, dùng "của quý" phụ nữ để viết, vẽ, hút thuốc và cả… bật nắp chai bia… Show Nga với những cô gái da trắng tóc vàng, xinh đẹp như các hoa hậu hoàn vũ "nuy"100%... Nếu anh thích, có thể được chiều từ A tới Z với giá chỉ 1.500 baht  (600.000 VNĐ)!".

Trước những chiêu "tiếp thị sex" của cánh taxi, anh bạn tôi, người mà chúng tôi vẫn thường đùa là một "thầy tu" thời nay cũng tặc lưỡi: "Quyết đi một show để cho biết, không vào hang làm sao xem được cọp!". Thế mới biết, người Thái chỉ cần du khách tặc lưỡi một cái đã có thể kiếm được 700 baht. Với 70% trong số 6 tỷ người của nhân loại là người lớn, chỉ cần 1% trong số họ tặc lưỡi là đã có 420 triệu người muốn đến Thái Lan…. Đáp ứng trí tò mò là điều đầu tiên tạo nên sự hấp dẫn. Đây chính là cái logic của sự nhộn nhịp du khách ở Thái Lan.

Một trăm baht cho một phút bay lượn trên bầu trời vịnh Siam và…

Trước khi ra đảo Coral trên vịnh Siam (Thái Lan) chúng tôi được mời tham dự trò chơi nhảy dù, trò này tạo cho người chơi một cảm giác lạ. Sau khi mặc bộ đồ chuyên dụng được bảo hiểm chu đáo, một chiếc ca nô sẽ mở hết tốc lực lướt trên mặt nước với 40 hải lý/giờ đưa du khách bay lên độ cao ngót trăm mét so với mặt biển. Phút bàng hoàng trong giây lát qua nhanh, vịnh Siam dưới tầm mắt bốn bề mênh mông sóng nước. Nhưng chỉ 3 phút bay lượn trên bầu trời, du khách sẽ tiếp đất về với đời thực. Chi phí 300 baht (120.000 VNĐ), tính ra chi phí cho mỗi phút bay lượn hết 100 baht. Rõ ràng, ít có trò chơi nào dẫu xa xỉ đến đâu cũng không đến nỗi tốn kém đến vậy. Nếu bạn xin bay 3 vòng chỉ mất có 800 baht, khuyến mãi mà! Giá cả này đã được thông báo trước đó rất lâu nhưng ai cũng háo hức một lần được thử cảm giác đó, chỉ trừ những người yếu tim.

Trong buổi sáng đầu tiên ở Pattaya, dòng người tiếp tục xếp hàng để đợi đến lượt mình. Buổi chiều khi trở về đất liền, mọi người được giới thiệu tập ảnh rất đẹp, sinh động ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ khi bay lượn trên bầu trời, giá mỗi tấm ảnh chỉ có…100 baht (40.000 VNĐ). Đã mất tiền sang tận đất Thái, không mấy ai nỡ tiếc 40 ngàn đồng cho khoảnh khắc đáng nhớ đó!

Ở sân bay Đôn Mường, một cô gái Thái xinh tươi trong nụ cười rạng rỡ: "Xawadi kha!" (Xin chào quý khách!) và choàng vào vai du khách một dây hoa phong lan tươi thắm ngát hương thơm. Không mấy ai để ý tới ánh đèn flash bật sáng, ngày hôm sau, du khách lại được mời… mua bức ảnh của chính mình! Nếu như người Việt Nam lấy tiền của du khách bằng cách chào mời, chèo kéo dễ gây phản cảm cho du khách thì người Thái lấy tiền bằng cách phục vụ họ với chất lượng dịch vụ cao. Bạn có thể trả tiền nếu hài lòng với chất lượng dịch vụ và cũng có thể từ chối vẫn được “Thank you!” (Cảm ơn!).

Với 62 triệu dân nhưng năm ngoái Thái Lan đã đón tới 11 triệu lượt khách du lịch (con số này của Việt Nam là 2 triệu). Trong năm 2003, nếu không có đại dịch SARS, mục tiêu đón 12 triệu lượt khách đến Thái Lan sẽ nằm trong tầm tay. Ngành dịch vụ ở Thái Lan mỗi năm mang lại cho đất nước này hơn 197 tỷ USD (chiếm 47% trong tổng số 420 tỷ USD, GDP của Thái Lan), trong đó du lịch là ngành mũi nhọn trong lĩnh vực dịch vụ. Du lịch mang lại ngoại tệ mạnh, du lịch mang lại việc làm cho người lao động và du lịch mang lại sự phồn thịnh cho đất nước Thái Lan, bởi du lịch không chỉ có show, mà du lịch còn tạo ra sự hài lòng cho du khách.

Những giá trị truyền thống được bảo tồn.

Với lịch sử hơn 700 năm, so với các nước Đông Nam Á, Thái Lan là một nước sinh sau đẻ muộn, tuy nhiên nước này đã bảo tồn và lưu giữ được một hệ thống di sản vật chất và văn hoá đồ sộ, riêng có không dễ nhầm lẫn với quốc gia nào. Dân số 95% theo đạo Phật, Thái Lan được coi là xứ sở của chùa chiền. Chỉ riêng thành phố Bangkok đã có hơn 4.000 ngôi chùa. Ngoài một số chùa được xây dựng từ thời mới lập quốc còn lại là mới xây dựng. Chùa xây dựng sau to đẹp và đồ sộ hơn chùa trước. Chùa chiền được coi là nơi sinh hoạt văn hoá của người Thái. Các nhà sư đồng thời cũng là những nhà giáo, dạy thần dân đạo làm người, cách thức tu nhân tích đức và cả kiến thức phổ thông (Theo giáo luật của nhà Phật, thanh niên trước khi lấy vợ phải qua từ 6 tháng đến 3 năm đi tu ở chùa).

Chùa Phật Vàng ở khu China town (phố Tàu), nơi còn lưu giữ bức tượng Phật bằng vàng nặng 5,5 tấn, lớn nhất thế giới, trong chùa còn có trường học phổ thông xây 4 tầng với sân chơi khá rộng. Cô Thitty Ma, hướng dẫn viên cho tôi biết: “Đây là trường của nhà chùa dành cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.”  Giờ ra chơi, nhìn các em trong đồng phục học sinh quần sooc xanh, áo trắng nô đùa trên sân, chúng tôi hiểu rằng, thế hệ trẻ của Thái Lan được chăm sóc rất tốt. Nhà chùa không chỉ có vai trò đối với tâm linh của phật tử mà còn có vai trò đối với xã hội. Cũng chính vì lý do đó mà hàng trăm ngôi chùa được tôn tạo, xây dựng mới mỗi năm với chi phí hàng tỷ baht đều do phật tử tự nguyện đóng góp mà không phải thông qua một chế tài thuế má nào.

Chụp ảnh lưu niệm với sinh viên đại học Hoàng Gia

Di tích vừa mang tính văn hoá vừa mang tính tôn giáo của Thái Lan được thế giới biết đến là Cung điện Hoàng Gia, diện tích 218.400 m2, được bao bọc bởi bức tường được xây dựng năm 1783. Ở giữa là các văn phòng nội các của Hoàng cung nơi đặt tượng Phật Ngọc. Sau sự sụp đổ của triều đại Ayudhtaya người Xiêm giành lại chủ quyền và lấy nơi đây làm nơi đóng đô. Vua Rama I chiếm ngôi dời trung tâm hành chính về đây, bắt đầu xây dựng các đền đài cung điện để làm nơi ở và làm việc của Hoàng Gia. Rất nhiều lâu đài đã được xây dựng lên nhưng ngày nay chỉ còn lại khu vực nằm trong các bức tường bao bọc gọi là Hoàng cung. Trong khuôn viên gần 22 héc ta đó vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn hàng trăm công trình kiến trúc, công trình nào cũng mang đậm dấu ấn nghệ thuật của người Thái mang đậm dấu ấn Phật giáo với hình ảnh đức Phật ngồi xếp bằng nghiêm trang tụng kinh gõ mõ.

Nếu như hệ thống đền đài của người Việt thường xây một tầng, lợp ngói vẩy với những mái nhọn hình đao thì các công trình ở Hoàng cung có sự tiếp cận thành tựu kiến trúc phương Tây. Đó là những cột chịu lực bằng bê tông và được xây dựng nhiều tầng làm cho Hoàng cung vừa uy nghiêm vừa đồ sộ nhưng không kém phần hiện đại. Cô Bi hướng dẫn viên người Thái dặn du khách phải ăn mặc nghiêm chỉnh, quần dài, áo sơ mi không được hở nách hở rốn (Nếu là mặc váy thì phải dài phủ kín gối; mặc áo pull có cổ, phải đi giày hoặc đi dép quai hậu…), đó là hàng loạt quy định nghiêm ngặt  cho du khách đi thăm Hoàng cung, những ai không bận y phục đúng yêu cầu sẽ được vệ binh bảo vệ Hoàng cung mời ra ngoài và buộc phải thuê quần áo ở cửa hiệu gần đó với giá 30 baht. Người Thái có thể thông thoáng trong việc du nhập lối sống Mỹ nhưng không phải vì thế mà họ lơi lỏng kỷ cương nơi chùa chiền.

Thái Lan còn là đất nước làm tốt việc bảo tồn thiên nhiên. Nếu các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi nơi có một vườn thú với vài nghìn cá thể thì khu vực ngoại ô Bankok và phụ cận đã có hàng chục vườn thú các loại. Vườn thú Safari world cách Bangkok 30 km là một vườn thú tư nhân nhưng quy mô đến 500 héc ta và được đầu tư khá quy mô với 400 công nhân làm việc thường xuyên. Nơi đây, thú nuôi được thả tự do đi lại không có bất cứ một cái chuồng nào, chỉ là mái che bằng lá và cột gỗ, không có tường bao.  Với cách lấy ngắn nuôi dài, nuôi dưỡng để thu lợi, thu lợi để tiếp tục nuôi dưỡng, ngày nay, vườn thú này đã phát triển được một số lượng cá thể mà bất cứ vườn thú quy mô nào cũng phải mơ ước. Hầu như không thiếu một loài gì: từ voi, hổ, gấu, báo, sư tử, đà điểu, ngựa vằn, hươu sao, tê giác, dê, gà, bò, khỉ đến rắn rết, chim, vịt… đều sinh sản một cách tự nhiên theo đúng nghĩa “đất lành chim đậu”. Ngoài Safari world, Thái Lan còn có trại cá sấu lớn nhất thế giới với hơn 60.000 con, có trại hổ Sriracha với hơn 5.000 con, trại nuôi rắn độc có cả nghìn con… đều với quy mô hàng trăm héc ta.

Rời Thái Lan, chúng tôi phải mất gần một giờ đồng hồ để làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Đôn Mường. Được biết, công suất của Đôn Mường được thiết kế cho 5 triệu lượt khách qua lại nhưng hiện nay lượng khách qua đây đã lên tới hơn 7 triệu lượt, đó là lý do của sự chậm trễ. Mọi chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Thái Lan đều đạt ở mức độ cao khiến nhiều quốc gia trong khu vực phải mơ ước. Phải chăng bên cạnh việc chấp nhận sự du nhập của lối sống trái với thuần phong mỹ tục như một chiêu để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, người Thái còn biết bảo tồn tôn tạo những giá trị tinh thần của cha ông để lại.

  • Phan Thế Hải
,
,