,
221
451
Phóng sự
phongsu
/psks/phongsu/
80169
Chuyện đời thường của 'con trâu' có 3 tỷ USD
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Chuyện đời thường của 'con trâu' có 3 tỷ USD

Cập nhật lúc 12:28, Thứ Sáu, 18/07/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ông luôn tự hào mình là một con trâu - Con trâu của năm Đinh Sửu (1937) đầy quyết tâm, quyết đoán, chăm chỉ và mạnh mẽ. Ông không phải trâu Việt, không phải trâu Tàu, mà là trâu Mỹ - một con trâu chăm chỉ cày bừa trên cánh đồng tri thức để rồi 'tạm' gặt hái được khoảng 3  tỷ USD. Nhưng nếu gặp ông ở Hà Nội hay Hạ Long, bạn không thể tưởng tượng đó là một trong 100 người giàu nhất thế giới.

Ông là Patrick J.McGovern, người chủ và người sáng lập một đế chế truyền thông có mặt trên 80 quốc gia với hàng trăm ấn phẩm đủ các thứ tiếng. Khai sinh Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (International Data Group - IDG) năm 27 tuổi, hiện Pat - như tên thân mật mọi người thường gọi ông - là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp truyền thông toàn cầu.

Ông giản dị hơn mọi người có thể tưởng tượng

Ông rất khác với những triệu phú khác đã từng đến Việt Nam. Không limousine hay vệ sĩ tháp tùng, dễ gần và giản dị. Ông luôn muốn được tận hưởng, khám phá cuộc sống ở mọi miền đất từ góc nhìn của những người bình thường nhất...

Ngày cuối tuần 13/7, bà McGovern muốn cùng chồng dạo chơi ở Hạ Long. ''Chắc họ sẽ đi bằng trực thăng như bao đoàn khách du lịch nước ngoài khác, và cả đoàn tùy tùng'' - cánh phóng viên đoán già đoán non. Nhưng không, lúc 6h5' sáng Chủ nhật, đón vợ chồng nhà tỷ phú này ở trước cửa khách sạn Sofitel Metropole lại là một chiếc Mitsubishi Jolie rất bình dân được thuê trước đó. Cũng chẳng có tùy tùng, chỉ có người bạn thân Hugo Shong và cô hướng dẫn viên.

- Tại sao ông bà không chọn một chiếc máy bay bay cho đỡ mệt?

- Bà Lore Harp McGovern: Vì chúng tôi muốn được quan sát và học hỏi càng nhiều càng tốt. Đi xe có thể nhìn thấy nào phố, nào thị trấn, nào những cánh đồng, và nhất là chúng tôi có thể quan sát con người Việt Nam. Tôi rất cảm phục những người phụ nữ của đất nước này. Khi chúng tôi đi qua vào sáng sớm, họ đang cấy lúa. Khi chúng tôi đi về vào chiều muộn, họ vẫn ở đó, và cấy lúa. Nhìn họ nhỏ bé, lam lũ nhưng thật mạnh mẽ. Đó mới thực là Việt Nam. Không thể nhìn Việt Nam từ trên cao, hãy ở ngang hàng với họ.

- Bà chắc đã đi nhiều nơi ở Việt Nam!

- Lore: Vâng, đất nước các bạn rất đẹp. Hạ Long, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Sapa... Đâu cũng đẹp. Chúng tôi đã bay từ Sài Gòn xưa, tức là TP.HCM nay ra Đà Nẵng rồi ở khu nghỉ tuyệt đẹp Victoria, trú tại một khách sạn ở Hội An, thăm phố cổ và thưởng thức những món ăn ngon. Ngày hôm sau lại đi xe qua một con đèo rất dài. Tên gì ấy nhỉ? À vâng, đúng rồi, đèo Hải Vân để đến Huế. Vợ chồng tôi đã đi thăm rất nhiều ngôi chùa cổ, thăm Thành Nội. Tại đó, tôi kể cho Pat nghe lịch sử đa văn hóa của Việt Nam. Đất nước các bạn mỏng mà dài, nhìn ra biển. Mọi người dân nơi đây như đều muốn ùa ra biển. Chúng tôi cũng thế.

Bà Lore luôn nói ''Tôi yêu Việt Nam''

Đây là lần thứ hai tôi đến Hạ Long, còn Pat là lần đầu. Một kỳ quan của thế giới đấy. Lãng mạn, kỳ bí. Mỗi lần đến đây, tôi lại cảm lại bộ phim Đông Dương nổi tiếng do Catherine Deneuve thủ vai. 1969 hòn đảo muôn hình vạn trạng.

Nhưng mà này, tôi không thích bàn tay con người động vào Hạ Long. Những công trình xây dựng ở đó đang tàn phá giá trị và vẻ đẹp hoang sơ của sóng nước nơi đây.

- Pat: Tôi ấn tượng với nơi nào nhất ư? Khó như hỏi tôi yêu đứa con nào nhất vậy. Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng mà tôi và vợ tôi đều rất thích. (Cười)

Giữa sóng nước Hạ Long, đôi vợ chồng gần 70 tuổi này vẫn còn rất nồng nàn. Những cử chỉ và lời lẽ tôn trọng dành cho nhau tại lễ khai mạc Triển lãm Vietnam Computerworld, những buổi tiếp kiến các quan chức Chính phủ Việt Nam, gặp gỡ với báo chí chỉ nói lên rằng: họ là những người có văn hóa, lịch thiệp và ủng hộ tư tưởng nam nữ bình quyền. Nhưng nếu được tận mắt thấy sự chăm sóc họ dành cho nhau, ông bà già cầm khăn lạnh lau mặt cho nhau, ôm hôn nhau nồng nhiệt trên boong tàu, sẽ có những người trẻ tuổi tự hỏi liệu mình có còn yêu cuộc sống này như họ? Tại các buổi lễ này nọ, độc mồm thì nói là họ đang diễn, chứ tại Hạ Long, chỉ thấy sóng nước mênh mông, nào có ai làm khán giả cho họ diễn.

Trong động Thiên Cung ở Hạ Long

Bữa ấy ông không complê, bà không trang phục dạ hội. Tôi thấy thú thú khi nhìn cảnh một ông tỷ phú có mấy tỷ USD to uỳnh, mồ hôi ướt đẫm, hớn hở hì hụi leo vào động Thiên Cung không ngớt lời khen ''Đẹp quá!''.

- Lore: Tôi là hướng dẫn viên du lịch của ông ấy đấy. (Cười)

- Pat: Bà ấy đúng là hướng dẫn viên du lịch của tôi. Chúng tôi cùng có 4 lần đến Việt Nam. Nhưng tôi bận quá. Năm 1998, bà ấy từng một mình qua đây đi du lịch trong hai tuần. Bà ấy cũng đọc nhiều sách về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

- Ông bà có đi shopping không?

- Pat: Có chứ. Chúng tôi đi mua quà cho các cháu, 4 đứa con và bạn bè nữa. Tôi có một đứa cháu trai và một đứa nữa sắp ra đời. Đến mỗi nơi, chúng tôi lại mua một ít sản vật làm kỷ niệm.

Buổi sáng 14/7. Bà tỷ phú một mình ra... phố Hàng Gai. Bà cũng chọn đồ, ngắm nghía và mặc cả như ai. Bà mua mấy cái áo cánh xinh xinh cho thằng cháu, mấy bộ trải giường thêu hoa cho con gái, một bộ đũa chạm bạc. Hẳn chủ mấy cửa hàng không thể nghĩ rằng cái bà Tây đang ra sức mặc cả với mình dư tiền mua đứt hàng của cả mấy khu phố cổ. "Đồ ở đấy đẹp thật! Nhưng tôi không có nhiều thời gian. Trước khi đi, tôi đã biết mình phải mua gì và cứ thế mà thẳng tiến. "Tôi có mặc cả, phải mặc cả chứ, nhất định phải mặc cả".

- Bà không cảm thấy sợ khi đi một mình ra phố ư?

- Sợ gì nhỉ? Tôi chưa bao giờ sợ cái gì. Tôi thấy ở Việt Nam rất an toàn. (Cười)

- Hình như khi ở TP.HCM, bà có mua áo dài?

- Tôi không mua. Trước khi tôi đi, tôi được hỏi là có muốn mặc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam không. Khi tôi đến TP.HCM, đã có hai thợ may chờ sẵn để đo cho tôi. Tôi không thể hình dung nổi là cái áo dài may cho tôi trông sẽ như thế nào. Tôi là một bà Tây to đùng mà phụ nữ Việt Nam thì nhỏ bé thế kia. Mọi người cứ bảo là yên tâm, sẽ không sao đâu. Hôm sau, người ta mang áo đến, kèm theo một cái quần dài trắng nữa. Khi tôi mặc, ai cũng khen. Trông được lắm, rất dễ chịu và nữ tính. Tôi rất thích.

- Bà có thấy là áo dài Việt Nam rất gợi cảm không?

- Hả? Công nhận. Rất gợi cảm. Nó giấu diếm mọi thứ và phô bày mọi thứ. (Cười)

- Còn ông? Ông có mua sắm gì cho mình không?

Chắc ông Pat là một người rất yêu vợ!

- Tôi có mua một bức tranh sơn dầu. Bức tranh vẽ hai nửa khuôn mặt. Một bên là sự sầu muộn và nước mắt. Một bên là hạnh phúc và nụ cười. Cuộc đời cũng vậy thôi. Vợ chồng tôi rất thích nghiên cứu về não, và đã lập ra một viện nghiên cứu về não nằm trong trường đại học Công nghệ Massachusetts (MIT). Đây là bức tranh hoàn hảo để treo ở đó.

- Ông có biết bức tranh đó do một nữ họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam vẽ không?

- Tôi có biết, sau khi tôi đã mua bức tranh. Tôi đem lòng yêu chủ đề và cách thể hiện bức tranh nên hỏi ai là người vẽ ra nó. Tôi biết cô ấy sống ở TP.HCM và là vợ của một nhạc sĩ violon cũng nổi tiếng. (Nữ họa sĩ Châu Giang - TG)

- Lore: Tôi thích tranh của họa sĩ Việt Nam, nhất là sơn mài. Tranh Việt Nam vẫn giữ được nét tự nhiên, không quá lạm dụng kỹ thuật. Lần này, tôi không có thời gian nên không mua được nhiều.

- Pat: Vợ tôi bây giờ lại thích nấu ăn theo kiểu Việt Nam, vì tôi thích đồ ăn Việt Nam mà. Rất ngon đấy. Nhất định chúng tôi sẽ sớm quay trở lại Việt Nam, nhiều lần nữa. Vợ chồng tôi sẽ mang các cháu theo, để chúng cảm nhận được sự hồn hậu, hiếu khách của con người Việt Nam, vẻ đẹp nên thơ của đất nước Việt Nam. Những gì mình thấy hay, thấy đẹp thì cũng muốn con cháu mình được tận hưởng, phải không nào?

- Lore: Hôm nay tôi đã gửi một tấm thiệp cho thằng cháu tôi. Lần trước đến Việt Nam. Nó còn chưa sinh, lúc đấy chưa biết sẽ là trai hay gái. Giờ thì đã 18 tháng tuổi rồi, theo cách tính của Việt Nam là 2 tuổi rưỡi đấy. Tôi viết cho nó rằng khi nào nó đến đây, Việt Nam hẳn sẽ hoàn toàn khác. Nhìn vào tấm thiệp, tôi sẽ giảng giải cho nó điều tôi thấy, điều tôi học hỏi ở đây 10, 12 năm về trước. (Cười) Mà này, tôi thật sự không muốn chị coi tôi là những nhà tỷ phú vì chúng tôi không sống như thế đâu. Chúng tôi có tập đoàn, chúng tôi hay đi đây đi đó. Nhưng chúng tôi cũng là những con người, giản dị và bình thường thôi. Ai làm gì chúng tôi làm nấy. Mọi người làm được gì thì chúng tôi cũng làm được. Đừng nhìn chúng tôi như nhìn tỷ phú.

  • Đặng Hương
,
,