,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
513508
Đòi công lý ở tuổi 84
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Đòi công lý ở tuổi 84

Cập nhật lúc 14:51, Thứ Tư, 22/09/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Một cuộc đời mà gần 20 năm gắn liền với 2 lần bị hàm oan, vào tù ra khám, ông lão giờ chỉ còn lại một thân hình da bọc xương. Tuổi  đã cận kề ngày về với tổ tiên nhưng lão vẫn chống nạng tha hương cầu thực, dành dụm chút tiền đòi lại công lý. 

84 tuổi đời, với hơn 60 năm lao động cật lực, làm đủ mọi nghề từ làm ruộng đến chạy xích lô và bây giờ, ông Nguyễn Công Ơi, sinh năm 1921, trú ấp An Phú, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang làm bảo vệ cho một xí nghiệp ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Tài sản quí nhất của ông lão là 1 cây tó (cây nạng) chắp vá tự làm lấy và 1 chồng đơn thư khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại do bị xử oan.

Gặp chúng tôi, câu chuyện 20 năm về trước được lão chắp vá trong uất ức nghẹn ngào, lúc được lúc mất...

Bị cưỡng bức lao động vì tội "nhìn thấy ghét"!

Năm 1986, tỉnh Tiền Giang có chủ trương rà soát lại một số đối tượng cộm cán, chống phá chính quyền, phạm tội hình sự để lập danh sách đưa đi cưỡng bức lao động. Võ Thanh Hùng, cán bộ CSHS Công an tỉnh Tiền Giang được cử về xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo để làm việc này.

Soạn: AM 143332 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Lão Ơi đang trình bày nổi oan khuất của mình.

Thay vì phải họp dân, lấy ý kiến, Võ Thanh Hùng chỉ đến gặp trưởng công an ấp An Phú Ngô Văn Luốc xin cung cấp tên tuổi một số đối tượng thuộc diện trên để lên danh sách. Chỉ vì “nhìn thằng cha thấy ghét” nên ông Luốc đã tưởng tượng ra một bảng thành tích bất hảo dành cho ông Ơi mà ai đọc qua cũng thấy... lạnh người: "là một kẻ chuyên đi nhậu say về xách dao rượt chém tập đoàn sản xuất; chống đối chính quyền và cán bộ làm nhiệm vụ bằng... dao; chửi bới chính quyền và bà con chòm xóm; không chấp hành chủ trương chính sách của địa phương và tố gian cán bộ ấp, xã, huyện, tỉnh..." Cầm bản “thành tích” này của lão Ơi, Võ Thanh Hùng về báo cáo cấp trên và thế là ông lão nông tri điền hiển nhiên lọt vào danh sách đen.

Trong quá trình rà soát lần cuối, lãnh đạo phòng cảnh sát hình sự thấy hồ sơ lão Ơi còn thiếu 1 bản xác minh về lý lịch nên cử một cán bộ khác  là anh Nguyễn Văn Bé của phòng về xã bổ sung. Không biết vì sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông Bé lại tìm đến đúng ông Luốc và bản lý lịch của lão Ơi lại tiếp tục được bịa ra cho phù hợp với hồ sơ và đã được xác nhận bởi Trưởng công an và Chủ tịch UBND xã An Thạnh Thủy.

Với hồ sơ này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định cưỡng bức lao động 12 tháng đối với lão Ơi (lúc này lão Ơi hơn 66 tuổi) tại trại Cải tạo Mỹ Phước, thuộc công an tỉnh Tiền Giang. Cải tạo được 6 tháng, lão Ơi được thả ra trước thời hạn do cải tạo tốt và thường xuyên bị bệnh tật.

Sau khi ra trại vào tháng 9/1987, lão Ơi quyết đi tìm sự thật và lẽ công bằng. Với 4 năm ròng rã gửi đơn khiếu nại từ ấp đến xã, huyện, tỉnh và cả trung ương, cuối cùng lão cũng tìm thấy công lý. Thanh tra công an tỉnh Tiền Giang và các ngành chức năng vào cuộc và đã phát hiện hồ sơ cải tạo đối với lão Ơi là hoàn toàn sai sự thật.

Công lý đã đứng về phía người ngay, 3 người đã gây ra oan trái cho lão Ơi là Nguyễn Văn Luốc, Võ Thanh Hùng và Nguyễn Văn Bé đã bị đưa ra xét xử hình sự về tội “cung cấp tài liệu sai sự thật” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án 6 tháng tù giam cho mỗi tên. Những người khác cũng nhận hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Nhưng niềm vui được minh oan chưa được bao lâu, lão Ơi lại tiếp tục rơi vào vòng lao lý khác.

Ngồi tù vì các cơ quan tố tụng tính sai !?

Soạn: AM 143344 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chồng hồ sơ và cây nạng gỗ là những tài sản quý nhất của ông Ơi.

Do có tranh chấp đất đai với người hàng xóm, lão Ơi nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết nhưng đều bị bác đơn. Nghĩ rằng mình bị xử ép nên lão đâm ra bất tuân các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của xã, huyện. Ngày 8/10/1991, với hành vi “Vi phạm các qui định về quản lý và bảo vệ đất đai”, lão Ơi phải “cõng” trên lưng bản án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo của TAND tỉnh Tiền Giang.

Sau khi chấp hành án xong, năm 1994, lão Ơi lại tiếp tục làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc giải quyết tranh chấp đất đai trước đây của lão. Các cơ quan trung ương đã làm phiếu chuyển đơn về địa phương giải quyết theo thẩm quyền.

Khi có những phiếu chuyển này,  lão Ơi đã có những việc làm quá khích nên bị công an thành phố Mỹ Tho bắt tạm giữ và sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can với lão về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Sau 4 tháng bị tạm giam, ngày 16/1/1995 lão Ơi được thả ra để chữa bệnh.

Hai tháng sau, lão đem đơn đến UBND tỉnh Tiền Giang xin gặp Chủ tịch tỉnh để trình bày vụ việc. Lúc này sợ lão Ơi “quậy” nên cán bộ bảo vệ mời ra bằng cách vặn tay ngược ra sau. Đau chịu không xiết, lão Ơi la làng và khóc lóc. Thế là lão lại được mời về trại tạm giam công an Mỹ Tho vì có hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. ...

Lẽ ra với hành vi này, lão Ơi chỉ bị xử lý hành chính nhưng do “tính toán nhầm” về thời điểm xem xét tiền án nên các cơ quan tố tụng Mỹ Tho cho rằng lão thuộc trường hợp tái phạm. Chính vì cái “nhầm” chết người này mà lão Ơi bị xử phạt 9 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp thêm 24 tháng tù cho hưởng án treo thành án giam. Bản án của TAND TP. Mỹ Tho buộc lão Ơi phải chấp hành tổng cộng 33 tháng tù giam.

Dù làm đơn kháng cáo kêu oan, nhưng TAND tỉnh Tiền Giang vẫn y án sơ thẩm. Chấp hành án tù được 9 tháng, lão Ơi lại được xét tha trước thời hạn vì có nhiều thứ bệnh trong người.

Ra tù, lão Ơi lại đi kêu oan tiếp và lần này điểm đến là VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, VKSND Tối cao phát hiện các cơ quan tố tụng TP. Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang có sự nhầm lẫn trong việc xác định thời điểm chấp hành án treo của lão Ơi. Theo đó, đến thời điểm lão Ơi đến Sở Địa chính tỉnh Tiền Giang khiếu nại, làm mất trật tự thì bản án 24 tháng tù cho hưởng án treo về tội “vi phạm quản lý và bảo vệ đất đai” của lão Ơi đã chấp hành xong nên không thể coi là trường hợp tái phạm. Do vậy không thể xét xử lão Ơi thêm tội mới là “Gây rối trật tự công cộng”, khi hành vi gây rối chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Từ phát hiện này, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng xử hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Ngày 31/5/2001, Tòa hình sự TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử giám đốc thẩm và tuyên hủy cả 2 bản án sơ, phúc thẩm của TAND TP. Mỹ Tho và TAND tỉnh Tiền Giang. Tuyên bố lão Ơi không phạm tội “gây rối trật tự công cộng”.

Lần được giải oan này, lão Ơi vừa tròn 80 tuổi.

Sống lay lắt chờ bồi thường

Soạn: AM 143348 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Lão Ơi và vết tích của chiến tranh: một mảnh bom còn nằm lại trong đùi.

Sau lần giải oan thứ 2, nhà cửa tan nát, ruộng vườn mất hết, lão Ơi không còn “mảnh đất để cắm dùi” phải tha hương cầu thực. Cảm thương hoàn cảnh của lão, chủ cơ sở sản xuất thép tại quận Tân Phú, TP.HCM vời lão lên làm bảo vệ, trông coi đồ đạc của xưởng, mỗi tháng trả 600 ngàn đồng.

Hàng ngày từ tờ mờ sáng, lão Ơi phải dậy mở cửa xưởng cho công nhân vào làm và công việc chỉ chấm dứt khi đường phố đã lên đèn. Hôm nào, xưởng nhiều việc, công nhân tăng ca thì thời gian làm việc của lão cũng bị kéo dài theo, có khi đến 21-22h đêm. Tối đến, khi mọi người đã ra về, lão Ơi dùng mặt bàn nơi làm việc ban ngày của lão làm chỗ ngủ qua đêm.

Mới đây, lão Ơi làm đơn gửi TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xử oan về tội “gây rối trật tự công cộng” với số tiền là 65 triệu đồng. Thế nhưng đã mấy tháng nay, TAND huyện Chợ Gạo cứ mời lên mời xuống để thương lượng nhưng lần nào cũng không thành. Mỗi lần như vậy là mỗi lần khó cho lão. Tiền xe đi về mất cả trăm ngàn, một số tiền mà lão còng lưng làm cả tuần mới có được. Cứ cái đà này, đến ngày được bồi thường không khéo lão phải chi phí bạc triệu.

Theo thống kê của TAND tỉnh Tiền Giang, đến nay đã xác định 4 trường hợp bị oan có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số đó duy nhất 1 trường hợp đã thỏa thuận được mức bồi thường. Đó là trường hợp của ông Trần Văn Chiến ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang đã chấp nhận số tiền bồi thường 252 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ này TAND tỉnh Tiền Giang chưa tổ chức xin lỗi công khai và số tiền ấy ông Chiến vẫn chưa nhận được do chờ TAND Tối cao chuyển tiền vào. Ba trường hợp còn lại chưa được giải quyết.

Ngoài việc yêu cầu bồi thường, lão Ơi còn một nỗi niềm nữa là xin xác nhận thương binh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận cũng vì mấy cái án oan ác nghiệt này. Theo hồ sơ xin xác nhận thương binh, lão Ơi trong những năm kháng chiến chống Pháp là công an xung phong huyện Chợ Gạo, thuộc Tổ ám sát trừ gian. Trong một lần công đồn địch (4/1948), lão Ơi bị thương, mảnh bom găm vào đùi đã làm chân phải lão liệt đi.

Soạn: AM 143360 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Lão Ơi và những nỗi niềm chất chứa.

Việc lão Ơi bị thương đã được những người thủ trưởng trực tiếp trước kia xác nhận nhưng đến nay thì vẫn bị tắc ở đâu đó. Cho nên, dù cuộc đời đã đến ngày xế bóng, hai điều mà lão mong chờ (bồi thường do bị xử oan và xác nhận thương binh) vẫn chưa đến.

Lão Ơi lại rưng rức khóc, “liệu tôi phải đợi chờ đến bao lâu nữa hả chú?”, lão bỗng dưng hỏi ngang.

 Câu hỏi này quả là quá khó cho chúng tôi. Chỉ còn cách ngồi nhìn ông lão “gần đất, xa trời” với bao nổi niềm chất chứa. 

  • Tấn Thuấn

,
,