,
221
781
Ký sự nhân vật
nhanvat
/psks/nhanvat/
493054
Lá thư của một LS và bài thơ 'Màu tím hoa sim'
1
Article
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
,

Lá thư của một LS và bài thơ 'Màu tím hoa sim'

Cập nhật lúc 08:52, Thứ Tư, 28/07/2004 (GMT+7)
,

Ông là anh cả của nhân vật chính trong "Màu tím hoa sim": "Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng/ Có em chưa biết nói"...

Trung tướng Phạm Hồng Cư bên tấm bia ghi tên người anh ruột- liệt sĩ Lê Đỗ Khôi.

Người viết bức thư cuối cùng này là Lê Đỗ Khôi, người xã Đông Cương (Đông Sơn, Thanh Hóa). Thư gửi cho mẹ trên đường hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lê Đỗ Khôi ngày ấy chưa tới 30 tuổi, đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165 Thành đồng Biên giới, Đại đoàn 312. Là anh cả trong một gia đình trí thức đông anh em ở tỉnh Thanh Hóa, người em tiếp theo của ông là Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Người em thứ ba là Lê Đỗ An, tức Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn - Phó Ban dân vận Trung ương. Ba anh em ông có người em gái là Lê Đỗ Thị Ninh - là nhân vật chính trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan viết năm 1948.

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại trường hợp hy sinh của Lê Đỗ Khôi: "Anh cả tôi từng là cán bộ chỉ huy pháo binh ở trận địa Xuân Tảo, ngoại thành Hà Nội. Tại đây, đơn vị đã cùng Pháo đài Láng nổ những phát súng đầu tiên vào thành Hà Nội mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đúng 10h sáng ngày 7/5/1954, Đại đoàn 312 chuẩn bị tiến công vào Sở chỉ huy của địch ở Mường Thanh thì bom địch dội trúng Sở chỉ huy Tiểu đoàn 115 của anh Khôi. Cả Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã hy sinh, anh Khôi mất trước giờ toàn thắng có vài tiếng đồng hồ. Anh mất đi khi mới có người yêu hẹn ở hậu phương ngày về sẽ làm lễ thành hôn". Người yêu của anh Khôi là một cô gái ngoại thành, cháu ruột một trí thức cách mạng ở vùng Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh. Người con gái mà anh Khôi hẹn về làm lễ thành hôn, sau tiếp quản Thủ đô, được tin người yêu đã mất, cô đau đớn buồn tủi và mãi tới 5 năm sau mới đi lấy chồng.

Còn bức thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Đỗ Khôi đã được gia đình cất giữ vừa đúng 50 năm. Vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP, Trung tướng Phạm Hồng Cư mới đưa tôi xem bức thư đó, nội dung như sau: "Má con ở nhà độ này có khỏe không, chắc là má con đã già nhiều và có phần yếu vì sức khỏe của má con không được dồi dào lắm. Con nhờ ba chuyển tất cả tình nhớ yêu của con cho má, và mong má con sống khỏe đến ngày chúng con trở về đông đủ trong vinh quang của dân tộc, hạnh phúc gia đình nhà ta lại bền chặt gấp bội xưa. Mấy em con Bình, Thái, Ngọc, Xuyên chắc chúng nó lớn rồi. Con không nhận ra chúng nếu gặp buổi đầu tiên, cũng như hôm con gặp em Cát mãi mới nhận ra. Cuối cùng con kính chúc ba má lúc nào cũng khỏe, cũng hăng hái bền bỉ kháng chiến và chúng con luôn luôn cố gắng phục vụ để hoàn thành nhiệm vụ với gia đình và đất nước. 1/11/1953. Con Lê Đỗ Khôi".

Bức thư ngắn gọn xúc động với tấm lòng thành kính của một người con. Bức thư đến tay thân mẫu của liệt sĩ thì người cha thân yêu của anh cũng qua đời vào tháng 6/1954, tức là sau khi Khôi hy sinh một tháng. Một gia đình trong hai tháng có hai cái tang lớn, thật đau đớn biết bao.

Trong một buổi giao lưu mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tướng Phạm Hồng Cư (ngày ở Điện Biên, ông là Phó chính ủy Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 trấn giữ cánh đồng phía tây Điện Biên) thay mặt các cựu chiến binh Điện Biên đã phát biểu: "Trong chiến thắng Điện Biên có biết bao liệt sĩ đã nằm lại trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Chính người anh cả của tôi là Lê Đỗ Khôi đã nằm lại cách đây có hơn 100m, anh tôi hy sinh vào một buổi sớm trước giờ toàn thắng ở Điện Biên...". Có một điều thật xúc động là trong các tấm bia liệt sĩ ở Điện Biên thì có tới 5 người tên là Khôi quê Thanh Hóa: Hoàng Văn Khôi, Lê Văn Khôi, Trịnh Văn Khôi và 2 người tên Nguyễn Văn Khôi. Nhiều lần về Điện Biên, các em của Lê Đỗ Khôi lên viếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên thấy tên anh Khôi nhưng khác họ nên đã từng nghĩ rằng có thể Ban quản lý nghĩa trang ghi nhầm.

Nhưng đúng vào dịp 50 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, một người em của liệt sĩ Khôi được sự giúp đỡ tận tình của Sở LĐTBXH Lai Châu cho đọc tất cả tên các liệt sĩ đã được ghi vào sổ vàng để tìm xem vì sao tên anh mình chưa có, hay chưa đúng họ. Trung tướng Hồng Cư lại vào. Sau đó, Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị) đã có công văn gửi Cục quản lý chính sách người có công (Bộ LĐTBXH) để đính chính và bổ sung tên liệt sĩ Lê Đỗ Khôi. Trong dịp được đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã được nhìn tận mắt tên người anh ruột của mình Lê Đỗ Khôi trên tấm bia ở hàng cuối cùng, đó là danh sách bổ sung mới nhất nhân dịp Chiến thắng ĐBP.

Người mẹ của liệt sĩ Lê Đỗ Khôi mà anh đã viết trong bức thư cuối cùng là con gái của một vị khoa bảng ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ hoạt động trong Hội Mẹ chiến sĩ, chăm sóc động viên các cán bộ chiến sĩ ở Liên khu 4 và Thanh Hóa. Sau ngày người cha thân yêu của Lê Đỗ Khôi (là ông Lê Đỗ Kỷ, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946) qua đời thì gia đình đón thân mẫu của ông ra Hà Nội, ở khu phố Phạm Đình Hổ. Bà là một Đảng viên tích cực hoạt động trong chi bộ và tổ dân phố. Sau khi bà qua đời, nhiều tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ ở Liên khu 4 và Thanh Hóa thường ghé qua nhà thắp hương tưởng niệm vì một thời bà đã có công chăm sóc họ. Họ nhớ về bà như một người mẹ chiến sĩ yêu quý.

Đó là một gia đình trí thức, một gia đình kháng chiến từng bước vào bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Nhiều thế hệ sau này vẫn tìm đến bài thơ Màu tím hoa sim để nhớ về một chặng đường văn học, một chặng đường kháng chiến và một chặng đường đời. Người con gái của Màu tím hoa sim chính là vợ của Hữu Loan, ngày cô mất mới có 18 tuổi và cô là người con thứ tư trong gia đình. Cô có ba người anh và một đàn em nhỏ nên mở đầu bài thơ ta thấy Hữu Loan rất đột ngột hạ bút: "Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng/ Có em chưa biết nói/ Khi tóc nàng đang xanh/ tôi người Vệ quốc quân/ xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái".

Rồi Hữu Loan lại viết thêm về khung cảnh người vợ nhỏ mới mất ở Thanh Hóa: "Chiều hành quân/ qua những đồi sim/ Những đồi sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt".

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, nhớ về liệt sĩ Lê Đỗ Khôi và gia đình anh. Trên đất nước thân yêu của chúng ta có biết bao gia đình như thế.

(Nguyễn Văn Vĩnh - TP)

,
,