Thêm chuyện lạ ở Hà Tĩnh:

Không chịu giao đất GPMB thì... nghỉ việc

Cập nhật lúc 08:10, 14/07/2010 (GMT+7)

- Để đạt được mục đích GPMB do chính mình đề xướng, bằng văn bản hành chính, UBND TP. Hà Tĩnh đề nghị một số cơ quan có cán bộ công nhân viên chức chưa chấp nhận phương án đền bù để GPMB Dự án đường bao phía tây thành phố cho nghỉ việc ở cơ quan để... "tập trung thực hiện GPMB".

Việc chính quyền địa phương ở thành phố Hà Tĩnh sử dụng văn bản hành chính nhà nước gây "áp lực" với các cơ quan hành chính, sự nghiệp không thuộc phạm vi quản lý, kỷ luật, buộc nghỉ việc cán bộ, công chức trong khi triển khai dự án đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Chây lỳ thì nghỉ việc?

Đầu tháng 6/2010, VietNamNet nhận được đơn của 7 hộ dân ở khối phố 8 - phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh về việc đền bù di dời tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Đường bao phía Tây chưa thỏa đáng.

Một trong những lý do khiến người dân bức xúc và lo lắng là việc GPMB ở gia đình hoàn toàn tách biệt, không liên quan đến cơ quan mà họ đang công tác nhưng lại bị vị Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh có văn bản đề nghị cơ quan họ đang làm việc cho "nghỉ việc ở cơ quan", "kiểm điểm trách nhiệm".

Ngày 1/6, Ông Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh có văn bản số: 553/UBND về việc giải quyết công tác GPMB “Dự án đường bao phía Tây” gửi 2 cơ quan chủ quản của vợ chồng anh Nguyễn Việt Cường và chị Nguyễn Thị Nhuần với nội dung:

“Đây là một trong 7 trường hợp cố tình chây lì không chấp hành, thực hiện và là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ của dự án, gây tốn kém tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích của công cộng, lợi ích của nhân dân làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn.

UBND thành phố đề nghị Ban giám hiệu trường trung cấp Nghề Hà Tĩnh cho ông Nguyễn Việt Cường; Bệnh viện Lao Hà Tĩnh cho bà Nguyễn Thị Nhuần nghỉ việc một thời gian ở cơ quan để tập trung thực hiện công tác GPMB”.­­­­

Mô tả ảnh.

Công văn của Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh đề nghị Trường trung cấp Nghề Hà Tĩnh và Bệnh viện Lao Hà Tĩnh cho vợ chồng Cường - Nhuần nghỉ việc và kiểm điểm.

Không những thế ông Trần Thế Dũng còn: “Đề nghị quý cơ quan kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức mình quản lý về việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa phương cư trú”.

Trên thực tế vợ chồng anh Cường không hề vi phạm pháp luật, không vi phạm quy chế ở cơ quan.

Anh Cường rất bức xúc vì bị liệt vào danh sách “chây lì” của UBND TP, làm ảnh hưởng uy tín của anh đối với đồng nghiệp và học viên: “Gia đình tôi không chây lì, không vi phạm pháp luật. UBND Thành phố chưa đền bù và giải thích thỏa đáng nên chúng tôi chưa di dời. Tôi thấy vợ chồng mình bị xúc phạm. Hơn nữa, khi chưa có kết luận của các cơ quan có chức năng mà ông Chủ tịch Thành phố yêu cầu 2 cơ quan vợ chồng tôi kiểm điểm và cho nghỉ việc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tâm lý của cả gia đình”.

Cùng thời điểm trên, ông Trần Thế Dũng ra công văn số 552, yêu cầu trường THPT Phan Đình Phùng “kiểm điểm cán bộ, công chức mình quản lý” và “tạm thời không bố trí công việc một thời gian” đối với thầy Nguyễn Hữu Thái, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng (một trong bảy hộ chưa di dời trong dự án trên).

Thầy Thái không đồng tình với cách hành xử của Thành phố bởi lý do “việc dân sự ở địa phương không liên quan đến công tác ở trường học”.

Muốn cho nghỉ việc phải có lý do!

Ngày 18/6, bác sỹ Nguyễn Lương Xu, Giám đốc bệnh viện Lao Hà Tĩnh, nơi chị Nguyễn Thị Nhuần đang công tác cho hay: Chị Nhuần công tác ở đây bình thường, đến nay chưa vi phạm kỷ luật gì.

"Trước yêu cầu cho nghỉ việc và kiểm điểm của Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh, tôi thấy chưa đúng nên không làm, giải phóng di dời nơi ở của chị Nhuần không liên quan đến lao động cũng như công việc của cơ quan”, ông Xu nói.

Mô tả ảnh.

Ngôi nhà của 2 vợ chồng anh Cường và chị Nhuần nằm trong diện phải giải toả để GPMB cho dự án đường phía tây TP. Hà Tĩnh. Chưa thoả đáng với phương án của Hội đồng đền bù GPMB nên anh chị chưa bàn giao. Thế nhưng, khi chưa nhận được văn bản giải quyết khiếu nại thì anh chị lại bị UBND TP. Hà Tĩnh ra văn bản gửi cho cơ quan mà 2 vợ chồng đang công tác đề nghị nghỉ việc (?!)

Ngày 21/6, P.v VietNamNet cũng có cuộc trao đổi ngắn với Ban giám hiệu trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh và nhận được sự phản ứng quyết liệt của đơn vị này trước công văn yêu câu giáo viên Nguyễn Việt Cường nghỉ việc của ông Trần Thế Dũng.

Chúng tôi không đồng tình với yêu cầu của công văn số 553. Muốn kiếm điểm hay cho nghỉ việc thì phải cho biết cụ thể lý do, sự việc. Tôi biết biết kiểm điểm nhân viên của mình thế nào, trong khi anh Cường làm việc rất tốt?”, lãnh đạo Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Việt Hải- Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, cơ quan chủ quản của giáo viên Nguyễn Hữu Thái, bị đề nghị "không bố trí công việc một thời gian" thì khẳng định:

Quan điểm của tôi là nên giải quyết mọi việc đúng pháp luật. Chủ tịch thành phố giao hiệu trưởng, yêu cầu giáo viên nghỉ việc là không thể được, nhà trường muốn cho nghỉ thì phải qua ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Cũng trong ngày 21/6, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tỏ rõ quan điểm của mình: Việc chuyên môn không liên quan đến việc GPMB, nếu cho nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

Như vậy, yêu cầu/ đề nghị của Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh không những không nhận được sự đồng thuận của người dân, ngay cả các cơ quan mà người dân đang công tác bất bình trước đề nghị “cho nghỉ việc và kiểm điểm” cán bộ của họ.

Cho thấy, UBND TP. ban hành văn bản một cách không hợp lý nhằm làm giảm uy tín của các hộ dân trong diện GPMB nơi những người này đang công tác.

Đáng chú ý, các cơ quan tiếp nhận những văn bản hành chính trên không thuộc sự quản lý về mặt tổ chức và chuyên môn của UBND thành phố Hà Tĩnh.

Ở một diễn biến khác, cuối tháng 4/2010, những hộ dân cho hay đơn thư họ đã gửi tới UBND tỉnh Hà Tĩnh, một tuần sau đã có công văn hướng dẫn và đề nghị gửi đơn đến UBND thành phố. Các hộ dân này đã gữi đơn đến UBND thành phố nhưng đến nay chưa có ai trả lời nhưng lại buộc dân phải di dời theo phương án hỗ trợ và tái định cư mà dân không đồng thuận.

Điều đáng nói là một số hộ dân ở đây nhận một văn bản gọi là phương án bồi thường hỗ trợ và tại định cư nhưng không có chữ ký và con dấu.

Theo tìm hiểu của VietNamNet thì nguyên nhân ra đời của những văn bản "đặc biệt" trên đây do một số hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù GPMB của UBND TP. Hà Tĩnh. Việc ban hành các văn bản này nhằm gây áp lực buộc các hộ dân phải di dời dù họ không muốn.

  • Trí Thức - Kiều Trinh
    (còn nữa)

Ý kiến của bạn

Các tin khác