"Tùng xẻo" cả đất nông nghiệp để đào vàng
- Bất chấp ý kiến phản đối của người dân cũng như lãnh đạo xã Tam Kim, UBND tỉnh Cao Bằng vẫn ký quyết định đồng ý cho Công ty Cổ phần chuyển giao công nghệ Asean khai thác vàng trên diện tích gần 13 ha đất nông nghiệp (NN) thuộc huyện Nguyên Bình.
Quyết định này đã gặp phải làn sóng chống đối dữ dội từ những người dân bởi lý do: không đất, người dân lấy gì để tồn tại?
Bài 1: Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Bài 2: Xâm nhập chợ quặng lậu vùng biên
Bài 3: Những vùng đất chết khi chưa kịp... "sống"
Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày
Clip 3: Đi qua những "vùng đất chết" miệt biên viễn
13 ha đất nông nghiệp có giá 160kg vàng?
Thôn Pắc Dài nằm trọn trong một thung lũng khá bằng phẳng của xã Tam Kim (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Cách đó không xa là khu rừng Trần Hưng Dạo - khu di tích lịch sử quốc gia, nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời.
Từ trước đến nay, 58 hộ dân nơi đây vẫn sống thủy chung với nghề nông, mỗi năm 2 vụ lúa và 1 vụ màu.
Cả một thung lũng bằng phẳng, phì nhiêu mà như lời của chủ tịch xã Tam Kim, ông Tô Đình Hải, thì ở cái "rốn" quặng của tỉnh Cao Bằng này, hiếm kiếm được một thung lũng nào đẹp hơn thế, phì nhiêu hơn thế, đang đứng trước nguy cơ biến thành một khai trường, sẽ bị máy móc cày nát vì những cái lợi trước mắt - vàng sa khoáng.
Người dân nơi thôn Pắc Dài đều biết rất rõ, rằng dưới những thửa ruộng kia có rất nhiều vàng sa khoáng. Nhưng, vì để giữ đất, giữ ruộng, họ không nỡ đưa máy móc vào khai thác vàng trên những thửa ruộng đó.
Bởi, đó là hương ước của làng từ bao đời nay.
Gần 13 ha đất nông nghiệp màu mỡ, nuôi sống người dân thôn Pắc Dài từ bao đời nay đã được tỉnh Cao Bằng giao cho Doanh nghiệp để tiến hành khai thác vàng.
Một ngày năm 2008, người dân nơi thôn Pắc Dài thấy một đoàn xe nối gót kéo đến rồi đo đạc, chỉ trỏ vào khu ruộng. Người dân tò mò chạy đi hỏi thì được trả lời: Đo đất để cấp sổ đỏ cho dân.
Trong một lần đi công tác tại thị xã Cao Bằng, ông chủ tịch xã mới ngã ngửa khi hay tin: toàn bộ khu đất gần 13 ha đất nông nghiệp (NN) tại thôn Pắc Dài đã được tỉnh cấp cho một doanh nghiệp để khai thác vàng trong vòng 2 năm.
Lúc này ông mới chợt nhớ: hóa ra, đoàn công tác của tỉnh bảo về đo đạc đất để cấp sổ đỏ cho dân chỉ để nhằm mục đích khảo sát, đo đạc lập bản đồ… thu hồi đất.
Vẫn không hiểu lí do tại sao tỉnh lại cấp đất cho Doanh nghiệp tiến hành khai thác vàng mà không thông qua chính quyền xã và người dân cũng không hay biết, ông Hải lại lọ mọ lên huyện để tìm hiểu.
Lúc này, ông mới nhận ra: UBND tỉnh đã bỏ qua chính quyền sở tại để cấp đất thẳng cho Doanh nghiệp (DN).
Tiếp tục lần mò, cuối cùng ông cũng nhận được quyết định thu hồi đất do Phó Chủ tịch Cao Bằng – ông Nông Văn Páo kí.
Trong quyết định số 2489/QĐ-UBND cấp ngày 5/11/2008 ghi rõ:"Thu hồi đất đai và giao cho UBND huyện Nguyên Bình giải phóng mặt bằng cho công ty Cổ phần chuyển giao công nghệ ASEAN khai thác khoáng sản vàng với tổng diện tích đất thu hồi là 128.480m2. Địa điểm: xóm bản Um -Pác Háo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình".
Quyết định "đổi 13 ha đất nông nghiệp lấy 160kg vàng" do Phó chủ tịch tỉnh Cao Bằng - ông Nông Văn Páo ký.
Trước đó gần 1 tháng, ngày 14/10/2008, UBND tỉnh Cao Bằng đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần chuyển giao công nghệ ASEAN.
Quyết định này ngay lập tức bị người dân nơi đây phản đối kịch liệt. Thậm chí, ông Bí thư chi bộ thôn Pắc Dài đã làm đơn xin từ chức để phản đối việc tỉnh lấy đất nông nghiệp của dân giao cho doanh nghiệp này.
Lí do mà người dân đưa ra: lấy hết đất nông nghiệp thì người dân sẽ sống bằng nghề gì? Vì sao một dự án lớn như thế, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và đời sống của người dân nhưng họ không được bàn bạc gì hết?.
Những tập đơn thư dày đã được người dân Pắc Dài gửi đến các cơ quan chức năng từ huyện cho đến tỉnh để phản đối việc UBND tỉnh Cao Bằng lấy đất NN của người dân giao cho doanh nghiệp.
Trong lúc người dân đang kịch liệt phản đối dự án này và tuyên bố "tử thủ" để bảo vệ từng tấc đất mà đời cha ông để lại thì các cơ quan chức năng ở Cao Bằng liên tiếp ra những công văn đốc thúc chính quyền sở tại đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao đất cho DN.
Phía Sở TNMT cũng đã ký văn bản đồng ý cho DN này được thuê đất để khai thác khoáng sản.
Sẵn sàng từ chức để bảo vệ đất cho dân
Chủ tịch xã Tam Kim, ông Tô Đình Hải ngao ngán thở dài vì dự án này. 12 năm làm chủ tịch, chưa bao giờ ông rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" như bây giờ.
Trước đến nay, chưa có việc gì mà cấp trên giao ông lại không hoàn thành, các dự án khác vào Tam Kim đều suôn sẻ. Cũng chưa có một quyết định của tỉnh nào mà người dân lại phản đối kịch liệt như thế.
Nếu chấp hành theo quyết định giao đất của UBND tỉnh thì sẽ bị làng xóm tẩy chay, xa lánh. Còn nếu không thực thi quyết định của cấp trên thì lại bị khép vào "tội" không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo lời ông Tô Đình Hải thì người dân Tam Kim đều biết dưới đất ruộng của mình có vàng, nhưng vì để bảo vệ diện tích đất đấy cho con cháu đời sau, không một người dân nào đứng ra đào vàng.
Người dân xã Tam Kim đều biết dưới đất ruộng của mình có rất nhiều vàng, nhưng vì để bảo vệ diện tích đất cho con cháu đời sau, không một người dân nào đứng ra đào vàng. Thế nhưng, bất chấp sự phản đối của người dân, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng vẫn cấp phép cho DN tiến hành khai thác vàng. 13 ha đất NN này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì những cái lợi nhãn tiền.
Người dân nơi đây sống theo hương ước của xóm, nếu ai cố ý làm sai thì sẽ bị tẩy chay. Hương ước của xóm làng bảo rằng: không vì cái lợi trước mắt mà cày xới đồng ruộng để tìm vàng, thì y như rằng, họ thực hiện răp rắp.
Nếu đào vàng, thì họ đã làm từ lâu rồi.
"Người dân biết là có vàng dưới đất nhà mình nhưng vẫn không làm, vậy thì cớ sao tỉnh lại đồng ý cho Doanh nghiệp đưa máy móc vào, đào tung diện tích đất trồng lương thực ổn định của người dân từ bao đời nay. Dân phản đối là đúng. Tư duy của người dân như vậy cũng là đúng rồi.
Nhiều đoàn công tác của tỉnh đã từng xuống đây để thuyết phục dân. Nhưng, dân đã mất lòng tin ngay từ ban đầu nên giờ nói gì họ cũng không nghe. Giá như ngay từ ban đầu, khi doanh nghiệp tiến hành thăm dò, đo đạc diện tích để lập dự án mà thông qua xã và dân thì chắc sẽ không dẫn đến tình trạng này.
Chủ tịch xã Tam Kim - ông Tô Đình Hải bảo sẵn sàng từ chức để bảo vệ diện tích đất nông nghiêp.
Đoàn công tác lúc đầu đi kiểm tra (năm 2008) lại nói là: kiểm tra đất để cấp sổ đỏ cho người dân, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ngay cả như chúng tôi là lãnh đạo xã cũng không biết là họ về để đo đạc, kiểm đếm, khoanh vẽ bản đồ" - ông Hải cho hay.
Cũng theo lời ông chủ tịch xã, lý do mà người dân không đồng ý cho doanh nghiệp nhảy vào khai thác còn bởi phía đơn vị khai thác không đưa ra một giải pháp gì đối với những hộ dân mất hết đất, mà dân thì cần có đất để canh tác.
Mỗi vụ, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng bao đời nay họ vẫn sống như vậy, sống từ đất, nhờ đất, sống bằng sức lao động của mình.
Còn nếu nhà nước giao đất cho doanh nghiệp, người dân cầm một cục tiền, ăn hết rồi xong, rồi còn đời con, đời cháu sống bằng cái gì? Ý kiến của người dân là vậy, còn phía doanh nghiệp thì cho rằng: đã đền bù tiền cho dân rồi thì thôi.
"Nếu như bây giờ, lãnh đạo tỉnh bảo sẽ cách chức của tôi vì không hoàn thành nhiệm vụ do trên giao phó, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Nhưng cách chức tôi xong thì phải ngừng không cho doanh nghiệp làm vàng nữa. Còn cách chức xong mà vẫn làm thì tôi cũng không chấp nhận. Tôi sẵn sàng bị cách chức để ngăn chặn không cho khai thác vàng tại đây.
Dân không đồng tình cho doanh nghiệp nhảy vào khai thác, mình là cán bộ do dân bầu, dân cử thì phải thực hiện ý nguyện của nhân dân chứ. Nếu là lấy đất để phục vụ cho quốc phòng thì dân chúng tôi sẽ đồng ý ngay. Ở miền núi như thế này, muốn tìm một cánh đồng trù phú rộng hơn 13 ha như thế này là rất hiếm. DN vào khai thác rồi thì cánh đồng này sẽ trở thành hoang phế"- ông Hải tỏ rõ quan điểm.
Liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp tại thôn Pắc Dài, Chủ tịch huyện Nguyên Bình - bà Mã Thị Ình cũng lên tiếng phản đối. Theo bà chủ tịch thì trong tổng diện tích thu hồi 13ha thì có tới có 7ha là đất nông nghiệp, số còn lại là đất bãi bồi và đất lòng sông. Theo dự án này thì nhiều hộ còn mất cả đất ở nữa. Vừa mất đất nông nghiệp, vừa mất cả đất ở nên người dân đã phản đối. Phía huyện ủy Nguyên Bình cũng đã có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng xem xét lại về dự án này. Tuy nhiên, UBND tỉnh Cao Bằng đã phớt lờ những văn bản đó.
-
Nhóm PV Điều tra
(Còn tiếp)