"Tối hậu thư" nhiệt tình đòi "bức tử" một vùng đất?
- Điều khó hiểu, tại dự án khai thác mỏ vàng tại Bản Um – Pác Háo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), trong khi chính quyền địa phương và người dân kiên quyết giữ đất, thì tỉnh lại liên tục “nã” huyện và xã phải nhanh chóng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao đất cho chủ đầu tư.
Bài 1: Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Bài 2: Xâm nhập chợ quặng lậu vùng biên
Bài 3: Những vùng đất chết khi chưa kịp... "sống"
Bài 4: "Tùng xẻo" cả đất nông nghiệp để đào vàng
Bài 5: Tiết lộ động trời chuyện "chạy" dự án ở Cao Bằng
Bài 6: Quyết tâm "xẻ thịt" cả "Đà Lạt của vùng Đông Bắc"
Cám ơn lời nói thật của một quan chức
Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày
Clip 3: Đi qua những "vùng đất chết" miệt biên viễn
Vì sao UBND tỉnh Cao Bằng lại rốt ráo "ép" huyện và xã “hy sinh” 13 ha đất nông nghiệp cho 160kg vàng, trong khi, để có một mét đất nông nghiệp tại địa bàn núi đá, thời gian đánh đổi phải tính bằng thế kỷ?
Tỉnh rốt ráo “nã” huyện?
Trở lại câu chuyện bức xúc của người dân và lãnh đạo xã Tam Kim khi Phó Chủ tịch (P.CT) UBND tỉnh Nông Văn Páo phê duyệt đơn xin khai thác khoáng sản tại xã Tam Kim, và đơn phương ra quyết định thu hồi gần 13ha, trong đó quá nửa là đất nông nghiệp của người dân để Cty Cổ phần Chuyển giao công nghệ Quốc tế ASEAN khai thác vàng.
Bà Mã Thị Ình, chủ tịch huyện Nguyên Bình lấy làm khó hiểu rằng: không biết lý do gì mà lãnh đạo tỉnh, cụ thể là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nông Văn Páo lại ráo riết yêu cầu huyện phải nhanh chóng tiến hành GPMB để giao đất cho doanh nghiệp (DN), bất chấp sự phản đối của người dân?.
Bà Mã Thị Ình nói: “Ngay cả điểm Tam Kim, anh Páo (ông Nông Văn Páo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – PV) trực tiếp gọi điện cho tôi bảo: “Dự án ở Tam Kim bây giờ như thế nào, vì sao đến bây giờ vẫn chưa bàn giao mặt bằng? Tôi nghĩ là chỗ này bàn giao mặt bằng có gì khó đâu? Đề nghị đồng chí bàn giao một phần trước cho DN”.
Tôi chỉ biết trả lời rằng: đã xin ý kiến của thường vụ Tỉnh ủy nhưng chưa được trả lời, phải chờ ý kiến của Tỉnh ủy đã. Anh ấy bảo: Thế bây giờ Ủy ban tỉnh chỉ đạo không phải là cấp trên chỉ đạo à? Tôi lại nói: Em không phải là không triển khai nhưng vấn đề (người) dân có đồng tình hay không mới là quan trọng".
Việc thu hồi đất, GPMB tại Tam Kim đang là "nhiệm vụ bất khả thi" đối với chính quyền sở tại. Tỉnh liên tục ra "tối hậu thư", yêu cầu địa phương khẩn trương giao đất cho DN, còn người dân nơi đây thì kiên quyết "tử thủ" để bảo vệ diện tích đất NN này. |
Cũng trong buổi làm việc với P.V VietNamNet, bà Ình tiết lộ: “Ngay cả hôm đi triển khai việc giải tỏa các điểm khai thác trái phép tại các huyện đang nóng về vấn đề khai thác khoáng sản (ngày 03/4/2010), Chủ tịch UBND huyện Hòa An đưa ra một văn bản có dấu đỏ của anh Páo, thì anh ấy (ông Páo) lại chối: “Làm gì có chuyện đó”.
Cái này (bút phê của P.CT UBND tỉnh Cao Bằng Nông Văn Páo - PV) cũng tương đương như là một giấy phép rồi chứ còn gì? Một đồng chí lãnh đạo tỉnh mà nói như vậy thì không hay lắm. Thà biết là sai thì cứ im lặng đi…”.
Không chỉ “đôn đốc” bằng điện thoại, UBND tỉnh, Sở TN-MT… cũng liên tục gửi công văn, văn bản yêu cầu huyện Nguyên Bình “đẩy mạnh tiến độ GPMB để giao đất cho DN”.
Ngày 22/1/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký văn bản số 98/UBND-NC về việc giải quyết kiến nghị của nhân dân về dự án khai thác vàng tại Bản Um – Pác Háo. Tại văn bản này, ông Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đã tự tay “gia hạn” khai thác cho đơn vị này từ 02 năm lên 03 năm (tại QĐ số 1569/QĐ – UBND ngày 29/8/2008, P.CT UBND tỉnh Cao Bằng Nông Văn Páo ký QĐ cấp phép cho doanh nghiệp Asean khai thác vàng tại điểm xa Tam Kim, thời gian khai thác là 02 năm).
Ngày 31/3/2009, cũng chính ông Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng lại tiếp tục ký công văn số 491/UBND – NĐ gửi UBND huyện Nguyên Bình về việc GPMB khai thác khoáng sản tại Bản Um – Pác Háo, xã Tam Kim, trong đó có nội dung: Lập ngay phương án, áp giá tính tiền bồi thường, hỗ trợ và thông báo cho từng hộ dân được biết; xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện; vận đồng cán bộ, đảng viên có đất bị thu hồi chấp hành trước; mời riêng các hộ gia đình, cá nhân chưa đồng thuận để vận động tuyên truyền; có biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình cản trở, chống đối…
Ngày 29/5/2009, ông Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký tiếp công văn số 966/UBND – NĐ về việc tăng cường đẩy mạnh công tác GPMB thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh để thiết thực kỷ niệm 510 năm ngày thành lập tỉnh và 59 năm giải phóng Cao Bằng.
Đây chỉ là một trong những văn bản mà tỉnh Cao Bằng gửi, yêu cầu chính quyền sở tại khẩn trương GPMB để giao đất cho doanh nghiệp. |
Ngày 15/6/2009, UBND tỉnh lại gửi "trát” về huyện Nguyên Bình bằng công văn số 1212/UBND-NĐ chỉ đạo UBND huyện Nguyên Bình thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục người dân xã Tam Kim đẩy mạnh tiến độ giao đất cho Ban GPMB.
Song song với sự “nỗ lực” không mệt mỏi của các cơ quan cấp tỉnh về việc “ép” huyện, xã phải GBMB, phía chủ đầu tư điểm khai thác vàng Bản Um – Pác Háo cũng đưa ra mọi “chiêu thức” để vận động người dân.
Ngày 05/5/2009, Cty Cổ phần Chuyển giao Công nghệ quốc tế ASEAN tổ chức cho lãnh đạo xã và người dân xã Tam Kim đi “thăm quan mô hình hoàn thổ” tại những điểm khai thác quặng đã hết thời hạn tại tỉnh Bắc Kạn.
Tuy nhiên, Tam Kim không mấy mặn mà.
Chưa hết, ngày 17/9/2009, phía chủ đầu tư lại tự ra “Bản cam kết hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác” để mong người dân ủng hộ mà bàn giao mặt bằng.
Cho nên, dù chưa tiến hành khai thác nhưng số tiền xin ký quỹ hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác (hơn 1,65 tỷ đồng); cùng tiền thuế khai thác khoáng sản trong 02 năm là 6 tỷ đồng, đã nộp trước 70% theo quy định (tương đương 4,2 tỷ đồng).
Tổng cộng, phía Cty ASEAN đã bỏ ra gần 6 tỷ đồng nằm “đắp chiếu” trong hơn 1 năm qua.
Khi cho chúng tôi xem những văn bản này, bà Ình cũng lấy làm khó hiểu và đưa ra quan điểm cá nhân, rằng “chắc chắn có chuyện “chạy” dự án. Còn chạy vào đâu, thì mảng của người nào, người ấy mới biết”.
Vì sao UBND tỉnh Cao Bằng, vì sao những lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh Cao Bằng lại rốt ráo đốc thúc huyện, xã phải nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho DN, trong khi người dân và chính quyền cơ sở lại hết sức phản đối?
Điều này, có thể chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Trong khi đó, chủ đầu tư (Cty CP chuyển giao công nghệ quốc tế ASEAN có trụ sở ngoài Hà Nội) đã nộp tất cả các loại phí được công bố công khai là trên dưới 6 tỷ đồng để có được dự án khai thác 160kg vàng sa khoáng.
4 văn bản xử lý 5 đơn vị khai khoáng ban hành trong cùng 1 ngày!
Chắc chắn, Cao Bằng là tỉnh miền núi đang đau đầu nhất trong việc đối mặt giải quyết những hậu quả nghiêm trọng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại địa phương, khi hàng loạt những hậu quả về phá vỡ môi sinh, môi trường, cảnh quan – cuộc sống bị đảo lộn…; vấn nạn khai thác khoáng sản thổ phỉ và xuất lậu quặng thô sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch.
Đó là điều dễ hiểu, khi có thời điểm, trong một ngày Cao Bằng ban hành tới… 4 văn bản xử lý, dừng mỏ, đình chỉ sản xuất… 5 đơn vị khai thác khoáng sản được chính các ngành chức năng Cao Bằng ký quyết định cấp phép.
Ngày 15/4/2010, P.CT UBND tỉnh Cao Bằng Lý Hải Hầu đã ký các QĐ số 635; QĐ số 636; QĐ số 637; QĐ số 638 về việc yêu cầu Cty Cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng ngừng khai thác quặng sắt – mangan tại khu vực Tài Soỏng (xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình); yêu cầu HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công dừng khai thác quặng thiếc – vonfram cũng tại mỏ Tài Soỏng.
Đồng thời, tỉnh Cao Bằng yêu cầu đình chỉ hoạt động khai khoáng tại điểm vàng Phiêng Đẩy của Cty TNHH Bảo Phát; đóng cửa mỏ, di dời thiết bị ra khỏi điểm vàng Khau Xiểm của Cty CPPT Kinh tế Đại Bảo; di dời thiết bị, tài sản ra khỏi điểm vàng Khau Xiểm của Cty TNHH Hoàng Ngọc vì những lý do các đơn vị khai khoáng gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm khu vực rừng phòng hộ.
Không biết, đến bao giờ thì những "vùng đất chết" như thế này mới được hồi sinh khi mà việc cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản ở Cao Bằng còn quá lỏng lẻo? |
Trước đó, ngày 12/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Páo cũng ký quyết định số 606 về việc kiểm tra, xử lý việc nạo vét thủy điện Nà Ngần và Tà Sa.
Theo đó, Cty TNHH khoáng sản thương mại Nam Vũ được UBND tỉnh cấp giấy phép số 374/GP-UBND ngày 18/3/2010 về khai thác cát, cuội sỏi thuộc đoạn sông thuộc xóm Nà Ngàn đến xóm Bản Chang (xã Trương Lương, huyện Hòa An).
Nhưng ngay sau đó, đơn vị này đã ký hợp đồng số 431/HĐ-2010 với Cty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng để nạo vét đầu đập các thủy điện Tà Sa, Nà Ngàn, Na Han, Bản Pắt.
Tại thời điểm đoàn công tác kiểm tra, đơn vị này đã không thực hiện đúng nội dung đề án, vị trí nạo vét ở khu vực đầu đập mà tiến hành nạo vét cả ở khu vực dưới chân đập thủy điện Nà Ngàn.
Điều đáng nói, chỉ đến khi người dân tố cáo DN này đã lợi dụng giấy phép khai thác cát, sỏi, cuội để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh mới hay biết và vội vã ban hành quyết định xử lý.
Cùng ngày (ngày 12/4/2010), Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng gấp rút ban hành Chỉ thị số 59 – CT/TU do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Nương ký về việc xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép vi phạm Luật bảo vệ môi trường trên sông Hiến; khu vực rừng dặc dụng Phia Oắc và các địa bàn khác trong phạm vi tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do Phó Chủ tịch Thường trực làm trưởng ban.
Với hiện trạng khai thác khoáng sản tại Cao Bằng đang diễn ra, cùng việc ban hành hàng loạt các QĐ xử lý những đơn vị vi phạm hoạt động khai khoáng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng trong cùng một thời gian ngắn, điều ấy cũng đủ vẽ lên bức tranh xám xịt về bản đồ hoạt động ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Cao Bằng.
- Nhóm PV Điều tra