Clip 3: Đi qua những "vùng đất chết" miệt biên viễn
- Cao Bằng là tỉnh miền núi đang đau đầu nhất trong việc đối mặt giải quyết những hậu quả nghiêm trọng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại địa phương khi hàng loạt những hậu quả về phá vỡ môi sinh, môi trường, cảnh quan – cuộc sống bị đảo lộn…
Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày
Những hình ảnh này được nhóm PV VietNamNet ghi tại Bản Nùng (thôn Pắc Pó, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Vùng đất này có thể gọi tên là những "vùng đất chết", bởi nó tan hoang hơn những gì mà các phương tiện thông tin đã từng phản ánh.
Và, càng khó có thể tin được rằng, trước đấy, nó là một thung lũng bằng phẳng và đẹp.
Chính những người dân nơi đây đã giết chết thung lũng phì nhiêu này. Chính tay họ lật tung, đào xới mảnh đất trước kia họ trồng cấy lương thực, hoa màu… để mót, đãi, đào, hút… các loại sa khoáng.
Lòng suối bị lật tung và khoét thủng với những hố quặng sâu hoắm. Những đống đất đá thải khổng lồ chất đống và che lấp con đường độc đạo. Hàng trăm người dân với các dụng cụ khai khoáng thủ công ẩn hiện dưới những hố quặng sâu hoắm, những đống đất đá ùn ùn vô tội vạ…
Tiếng máy nổ chạy dầu ùng ục đêm ngày. Những chiếc lán tạm bợ phủ vải bạt xanh là nơi cất giữ các phương tiện khai khoáng, đồng thời cũng là chỗ ngủ nghỉ của dân quặng thổ phỉ.
Kết cục của quãng thời gian nói trên, suối Nùng và thung lũng Pắc Bó biến thành một bãi chiến trường ngổn ngang những núi đất, đá thải khổng lồ. Dòng nước sền sệt đỏ quạch này tự tìm đường, len lỏi dưới chân những đống đất đá thải dồn về những vũng trũng, sâu, tạo thành những chiếc ao tự tạo.
Còn đây là những hình ảnh ghi được tại một mỏ khai thác caolanh nằm ngay cạnh khu vực rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén, cách bản Nùng chừng 30km.
Cũng tại khu vực này, UBND tỉnh Cao Bằng ký Quyết định việc xây dựng khu sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, giao UBND huyện Nguyên Bình là đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu sinh thái.
Thế nhưng, QĐ ký chưa ráo mực, cũng vẫn lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng lại phê duyệt cấp phép cho HTX Vận tải Chiến Công được phép khai thác khoảng sản tại mỏ Tài Soỏng (thuộc xã Phan Thanh) và một doanh nghiệp khác (Cty Khai thác khoáng sản Tiến Hiếu) khai thác cao lanh trên đỉnh núi, nằm liền một vệt thượng nguồn con suối cung cấp nước cho sông Năng, cũng là nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thuộc các xã Hoa Thám, Hưng Đạo, Tam Kim nằm dưới chân dãy Phia Oắc, Phia Đén.
Nước thải công nghiệp phục vụ trong quá trình khai thác cao lanh của đơn vị này, theo dòng suối và mưa rửa trôi đã lấp đầy lòng suối, và cao lanh trắng xóa đã làm hoang hóa những vạt ruộng của bà con người Mán dưới chân dốc.
Nhãn tiền, những hộ dân người Mán của xã Phan Thanh, sau khi phải chấp nhận nhận tiền đền bù của HTX Vận tải Chiến Công và đất nông nghiệp bị “cao lanh hóa” đã trở thành những “nông dân danh nghĩa” vì không có ruộng.
Và biết đâu một ngày không xa, họ lại trở thành những "quặng tặc" vì một lý do đơn giản: không có ruộng để sinh sống
Chẳng biết đến bao giờ, những vùng đất chết tại Nguyên Bình mới được hồi sinh? Có lẽ sẽ là rất lâu nêu như không nói là không thể. Và, không biết đến bao giờ Nguyên Bình mới cứu sống được những dòng suối như thế này?
-
Nhóm PV Điều tra