Những người thiền tịnh với núi rừng
(VietNamNet) - Trên những nẻo đường lữ hành xa xôi, nếu để tâm một chút ta sẽ nhận ra được nhiều điều thú vị mà có thể chưa ai từng nói đến hoặc chưa mấy ai biết đến, mặc dù chẳng cần phải là những nhà nghiên cứu hay là nhà chuyên môn uyên thâm. Những phát hiện nho nhỏ như thế chính là niềm hạnh phúc ấm áp và đầy bất ngờ cho những tâm hồn rộng mở của nhưng ai ưa phiêu du.
Vẻ đẹp bảng lảng của Sapa dễ kéo con người về tâm trạng hướng thiền. |
Vẩn vơ ngồi nghĩ về các thị trấn du lịch trên núi cao là Đà Lạt, Tam Đảo và Sa Pa, tôi chợt nhận ra một tính cách chung khá rõ nét của những người đã sống những năm dài của tuổi tráng niên trong các con phố vắng của các thị trấn nằm lọt thỏm giữa núi rừng mênh mông này vào các năm tháng bị bỏ hoang. Rất nhiều người vào độ tuổi từ 50 đến 80 ở các nơi này thường là những người hiền hoà, ít sôi nổi, kiệm lời nhưng thâm trầm sâu sắc và đều có con mắt tinh đời. Nếu cần tìm ra một từ để mô tả những tính cách chung ấy thì có thể gọi đó là tâm tính hướng thiền. Đặc biệt là có người còn lưu giữ được nhiều kỷ niệm, nhiều hiểu biết về những vùng đất đã một thời bị lãng quên này, đôi khi tới mức như các cuốn từ điển sống của địa phương vậy. Nếu không bị vội vã câu thúc để mà có thể thảnh thơi trò chuyện với những người như vậy thì thật là hạnh phúc.
1. ...Hầu hết du khách Pháp đến Việt Nam đều muốn lên Sa Pa và nhiều người đã tìm đến một ngôi khách sạn bình dân nằm nép mình dựa vào sườn núi mãi bên dưới chân con dốc Cầu Mây, cạnh con đường đá liên xã bắt đầu trải dài rồi uốn lượn bao quanh thung lũng Mường Hoa tuyệt đẹp. Ngôi khách sạn này mang một cái tên hoàn toàn Pháp là L’Auberge có nghĩa là Quán trọ nông thôn. Du khách biết mà tìm đến vì trong hầu hết các cuốn sách hướng dẫn du lịch của Pháp đều có giới thiệu về ông chủ khách sạn là một người hiểu nhiều biết rộng, nói trôi chảy một thứ tiếng Pháp văn hoa cách đây gần một thế kỷ. Đặc biệt là ông thường sẵn lòng dành thời gian ân cần trò chuyện với những người đến từ phương xa.
Nếu bạn đi đến một miền đất lạ, biết địa chỉ một người như thế, thử hỏi bạn có muốn tìm đến hay không. Và thế là khởi thuỷ từ một căn nhà nhỏ dành một vài phòng làm phòng trọ cho du khách (đấy là vào các năm đầu 1990 khi du khách nước ngoài lần đầu tiên được phép tự động đi lên các vùng xa xôi mà không cần các giấy tờ thủ tục chặt chẽ) ngôi khách sạn L’Auberge từ chỗ đúng là một quán trọ nhà quê đã dần dần được xây cất thêm, nâng tầng, mở rộng diện tích, vươn mình dựa cả vào vách núi phía sau lưng tạo thành một hình thế kiến trúc độc đáo với hầu hết các phòng đều có cửa sổ mở rộng nhìn qua thung lũng Mường Hoa với dãy Hoàng Liên và đỉnh Fan Si Pan lừng lững trước mặt.
Công việc kinh doanh phát đạt ngoài cả sự mong muốn lúc đầu. Rất nhiều du khách, nhất là người Pháp, muốn được trò chuyện với ông chủ bên những bộ bàn ghế trên các bao lơn nhìn ra mênh mông mây trắng và núi rừng, hay bên các món ăn thuần Pháp trong phòng ăn ấm cúng bên cạnh các tủ sách đủ loại đủ thứ tiếng do du khách đi trước đã để lại, hoặc lần mò tìm đọc những cuốn sách cổ mà ông chủ đã giữ được suốt hơn một nửa thế kỷ. Nhiều người sau một hai lần tâm tình đã trở thành thân thiết và sau này họ vẫn thường xuyên thư từ qua lại với ông chủ nhã nhặn hiếu khách.
Gửi kèm theo các bức thư như thế, có cả những bức ảnh mà người chụp chính là những thương gia hoặc sĩ quan Pháp đã sống ở Sa Pa vào những năm 1940, mà các du khách là con cháu họ, đã tìm thấy trong các album gia đình. Đó thật là những tư liệu rất quy hiếm cho những ai muốn tìm hiểu về Sa Pa. Một bức có nhiều người thích được chụp vào năm 1938 với cảnh con suối và chiếc Cầu Mây nổi tiếng khi ấy vẫn còn làm hoàn toàn bằng song mây. Trong ảnh thấy cây rừng, chiếc cầu và mặt suối phủ đầy tuyết trắng đẹp lạ lùng và nước ảnh vẫn còn chưa phai màu. Hiện nay bức ảnh này và một số ảnh khác nữa đã được phóng to treo trên các bức tường của khách sạn.
Theo gợi ý của khách, khách sạn của ông là nơi đầu tiên ở Sa Pa có máy vi tính nối mạng cho du khách sử dụng và có lẽ là nơi hiện nay có nhiều đầu máy nhất với cả điện thoại Internet, webcam, đặt tại Internet shop ngay ở mặt tiền, đặt cả ở phòng ăn và phòng lễ tân. Phòng ăn tại đây có nhiều cửa thông ra một sân trời rộng rãi có kê bàn ghế để khách có thể tuỳ chọn để ăn uống, đọc sách, trò chuyện ngay ngoài trời, tận hưởng khí núi trong lành.
Thông thường thì đang làm ăn phát đạt như vậy, các ông chủ sẽ nghĩ đến chuyện mua ô tô, tìm hướng kinh doanh mới, mở rộng giao du ồn ào phô trương. Nhưng ông chủ này lại giao lại mọi việc cai quản cho bà vợ và mấy người con giai con dâu. Ông xây cho mình một thư phòng và tự tay kiến tạo một khu vườn phong lan và hoa núi trên một góc sân thượng vốn là vách núi đá làm nơi dưỡng tâm dưỡng thần. Càng ngày ông càng ít muốn tiếp xúc giao du trò chuyện và lẳng lặng sống kín đáo như mấy chục năm về trước ông đã sống, khi cả cái thị trấn du lịch này bị bỏ rơi trong hoang vắng vì chiến tranh và đói nghèo.
Sa Pa. |
Tôi tự thấy, càng ngày ông càng muốn rút ngắn thời gian trò chuyện để lặng lẽ rút ra khỏi các cuộc thù tiếp ồn ào và càng ngày cái vẻ siêu thoát thanh nhịn càng thấm đậm trên dung mạo, trên cách cư xử và cả trong giọng nói của ông, như ta vẫn thường thấy ở những người đã nhiều năm tu tập thiền tịnh.
Đã nhiều lần tôi định tâm ngồi trò chuỵện với ông theo kiểu phỏng vấn để viết vào các trang sách và bài báo của mình nhưng rồi lần nào tôi cũng thấy ông nhã nhặn hướng câu chuyện sang những người khác hoặc sang chuyện cây cỏ, núi rừng. Vài tháng trước đây, khi đưa một đoàn quay phim lên Sa Pa, tôi có tìm lên mảnh vườn phong lan và ngôi thư phòng trên núi của ông. Mảnh vườn tươi tốt rực rỡ ngày trước thì giờ đây đã có vẻ như không còn được thường xuyên chăm sóc và đã thưa hơi người. Phải chăng là cả phong lan cũng không còn làm ông bận tâm được nữa, cũng như trước kia ông đã chẳng còn bận tâm đến việc khách đến thuê phòng đông hay vắng.
2. Ở Sa Pa tôi còn có một người bạn quý luôn sẵn lòng giúp đỡ mỗi khi tôi muốn lần mò tìm hiểu về mọi chuyện của vùng đất đầy hấp dẫn này. Anh rất nổi tiếng cả ở Sa Pa lẫn trong giới báo chí khắp đất nước vì ai ai cũng biết anh là người đầu tiên đã một mình lần mò tìm lại các con đường hiểm trở từ Sa Pa lên tới đỉnh núi Fan Si Pan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương. Phải qua bao vất vả hiểm nguy của mười mấy lần thất bại, rồi nhờ những thanh niên người Mông giúp đỡ, anh mới đặt chân được lên đỉnh núi oai hùng được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Thành công âm thầm lặng lẽ của anh đã đánh thức khát vọng chinh phục của biết bao người. Dần dần cho đến nay các tuyến đường dành cho du khách leo núi Fan Si Pan đã được hình thành và dịch vụ leo núi Fan Si Pan đã phát triển thành một mảng kinh doanh phát đạt tại Sa Pa.
Đã có thời người Sa Pa coi anh như một anh hùng, đã nhiều năm anh là Trưởng phòng Văn hoá của Sa Pa, chơi guitar rất hay và vẽ rất đẹp. Đúng vào lúc du lịch Sa Pa đang hồi thịnh phát, anh lại lẳng lặng quay về với niềm đam mê của mình là tìm kiếm khôi phục các loài cây quý hiếm của núi rừng, nhất là say mê thuần phục các loài phong lan rừng độc đáo của Hoàng Liên Sơn. Trước kia tìm anh còn dễ nhưng bây giờ mỗi khi tôi muốn gặp anh đều phải hỏi qua mấy người, leo đến cả tiếng đường núi thì may ra mới tìm thấy anh đang lúi húi đâu đó trong các vườn cây heo hút giữa rừng.
Cái phong cách nhỏ nhẹ, kín đáo và thâm trầm ấy, tôi cũng còn nhận thấy ở nhiều người quen khác cũng là dân gốc gác nơi này. Sa Pa thực ra mới chỉ đông đúc ồn ào trong vòng mươi năm lại đây, còn suốt sáu bảy chục năm trước ở đây chỉ là một thị trấn nhỏ bé, nhiều đổ nát và xa cách với thế giới bên ngoài. Phải chăng cả một quãng đời dài sống và lớn lên giữa khung cảnh núi rừng vừa hoang vu vắng vẻ vừa hùng vĩ trầm mặc, sống giữa ngàn mây biến ảo vô thường, con người nơi đây đã âm thầm ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác bị hấp thu một cách vô thức cái lẽ biến dịch mong manh của một kiếp người trước sự vĩnh hằng của đất trời. Đây có thể là một thí dụ khá rõ về cái điều mà người ta thường gọi là ảnh hưởng hay tác động của môi trường lên tính cách con người. Vì thế mới có chuyện con người ở mỗi vùng đất có một tính cách nào đó đặc trưng dễ nhận ra.
3. Đang viết bài này, tôi lại chợt nhớ tới một người bạn mới quen ở Tam Đảo, một thị trấn du lịch trên núi cao đã từng có một thời nổi tiếng vàng son. Là một cư dân thế hệ thứ hai, được đẻ ra ngay tại Tam Đảo, anh bạn này sau khi bôn ba trong ngành du lịch đã trở về đầu tư ngay tại quê nhà và đã thành công rực rỡ. Lúc nào tại phòng lễ tân trong ngôi khách sạn khổng lồ của anh cũng có bạn bè chờ đợi, chuyện trò, ăn uống, lúc nào cũng có người đưa hợp đồng, đưa hoá đơn để ký,đưa tiền để thanh toán, để đầu tư.
Lúc nào cũng thấy anh đang làm ba bốn việc chồng chéo lên nhau. Ấy thế nhưng chẳng lúc nào anh quên để mắt đến bạn bè, dù cũ dù mới. Và nhiều khi anh mải vui chuyện tào lao với bạn mà quên cả chuyện kinh doanh. Đặc biệt là khi câu chuyện đụng chạm đến những ký ức, những kỷ niệm về mảnh đất Tam Đảo. Giọng ề à, nhỏ nhẹ nhưng đầy yêu mến, anh từ từ kể lại những thước phim của tuổi ấu thơ đã ghi đậm trong tâm tưởng. Khi ấy anh đã thành một người khác hẳn, chẳng ăn nhập gì với bao nhiêu sa lông, nội thất hào nhoáng xung quanh, khác hẳn với vẻ quyết đoán nhanh thoăn thoắt của một doanh nhân đang hồi phát đạt. Nhiều khi anh còn say sưa vừa gõ tay lên đùi vừa ề à hát những bài ca về Tam Đảo thân yêu của mình một cách hồn nhiên như trẻ nhỏ.
Nhớ đến anh bạn hiền hoà vui tính này, tôi hiểu cái chất núi rừng đã thấm vào máu anh từ ngày mới lọt lòng mẹ. Cái căn cốt ấy rồi sẽ có lúc thức dậy đến độ không tự kiểm soát được. Và tôi biết sẽ đến một ngày không xa có thể thấy anh đột ngột buông bỏ mọi sự kinh doanh thương trường, xa rời mọi tiệc tùng ồn ã để thanh thản quay về với vô vi, giống như các con người thiền tịnh mà tôi biết ở trên Sa Pa vậy. Mà đã là vô vi thì còn cần gì phải bận tâm đến hình tướng. Vì thế trong bài này các bạn cũng sẽ không thấy có các bức ảnh chân dung cũng như không có cả tên tuổi của những người mà tôi quý trọng.
-
Phạm Hoàng Hải