,
221
460
Ô tô - Xe máy
oto
/oto/
93395
Công nghiệp ôtô châu Âu đối mặt với thua lỗ
1
Article
null
,

Công nghiệp ôtô châu Âu đối mặt với thua lỗ

Cập nhật lúc 10:46, Thứ Hai, 11/08/2003 (GMT+7)
,

Các hãng ôtô ở châu Âu lao vào cuộc chiến giảm giá để giành giật thị phần.

Các hãng ôtô châu Âu lần lượt đối mặt với tình trạng thua lỗ, hậu quả của cuộc chiến giá cả trong điều kiện công suất dư thừa, nhu cầu giảm sút. Nhiều hãng đã bắt đầu thực hiện cải tổ, giảm chí phí, đưa ra mẫu xe phong cách mới... nhưng chưa có gì bảo đảm tương lai sẽ sáng sủa hơn.

Mới đây, Renault, PSA Peugeot Citroen và Chrysler đã đồng loạt thông báo những tin tức xấu, còn hãng Volkswagen (VW) cũng tuyên bố rằng lợi nhuận của hãng trong quý II cũng đã bị giảm đi một nửa. Đến lượt hãng Fiat của Italia ngày 31/7 đã thông báo rằng hãng mình đang ở trong tình trạng thua lỗ tồi tệ chưa từng có.

Tình trạng ảm đạm như vậy trong ngành sản xuất xe hơi chủ yếu là do việc giảm doanh thu bán hàng tại các nước Tây Âu, do tình trạng dư thừa công suất (thừa đến 30%) và do cuộc chạy đua giảm giá hay cung cấp các dịch vụ đặc biệt như miễn phí bảo hiểm cho xe. Vấn đề rắc rối khi các hãng áp dụng chế độ giảm giá là “đã giảm thì còn tiếp tục phải giảm nữa”. Chẳng hạn như ở Anh, giá xe ôtô giảm 7% so với năm ngoái và thậm chí có một số hãng buôn xe đã giảm giá đến 30%. Thị trường xe hơi châu Âu thật đúng là “vạn người bán một người mua”.

Việc tăng doanh thu đột biến vào tháng 6 vừa qua cũng không thể cứu vãn ngành công nghiệp xe hơi châu Âu thoát khỏi cuộc suy thoái. Doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay vẫn bị giảm đến 2,6% và tình hình vẫn sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Ông Jean Martin Folz, Tổng giám đốc hãng Peugeot, dự báo rằng trong năm nay thị trường sẽ bị sụt giảm 3-4%. Một số nhà quan sát khác thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn nữa. Ông Graeme Maxton, nhân viên hãng tư vấn Autopolis dự đoán rằng mức sụt giảm trong năm nay là 5,7% và năm 2004 là 2,59%. Ông cũng cho rằng cho đến cuối năm nay thị trường sẽ chỉ tiêu thụ được 13,2 triệu chiếc so với doanh số cao nhất 15,1 triệu chiếc của năm 1999. Pháp và Đức là hai nước có mức sụt giảm lớn nhất với lý do nền kinh tế đã suy yếu lại đi kèm với một chu kỳ suy thoái của nhu cầu mua xe.

Điển hình của tình trạng thua lỗ trên là tình hình bán hàng của các hãng Daimler Chrysler, BMW và Volkswagen ở Mỹ. Một chi nhánh của Daimler Chrysler đã bị thua thiệt đến hơn 1 tỷ đôla trong quý II năm nay vì cuộc cạnh tranh giá cả đã buộc họ phải giảm giá những chiếc xe hơi còn chưa bán được đang chồng chất ngày càng nhiều trong các kho hàng ở Mỹ. Ông Bernd Pischetsrieder chủ hãng VW nói rằng ông ta thà tập trung vào việc bán những chiếc xe để thu lợi nhuận ở Bắc Mỹ còn hơn là lao vào tranh giành thị phần. Trong khi đó, hãng BMW (doanh thu của hãng này giảm 5% trong nửa đầu năm nay) vẫn tiếp tục giảm giá mạnh tại Mỹ nhằm vượt lượng xe Mercedes và Lexus. Dự kiến lợi nhuận quý II của BMW sẽ giảm 15%.

Việc suy giảm lợi nhuận đến 49% trong quý II của VW một phần là do những vấn đề trục trặc ở Mỹ nhưng cũng một phần là do nền kinh tế yếu kém của Đức, nước đang phải chịu một mức thuế cao vô lý dẫn đến tình trạng suy giảm lượng xe hơi tiêu thụ. Ông Pischetsrieder đang cố gắng cải tiến loạt sản phẩm đã lỗi thời của VW và lấp lỗ hổng bằng những kiểu xe mới. Ông không muốn lặp lại sở thích của những người tiền nhiệm trong việc sản xuất loại xe 4 khung gầm.

Hãng Peugeot từ lâu đã nổi tiếng trong việc quản lý vòng đời sản phẩm, luôn luôn duy trì được sự hấp dẫn của những chiếc xe hơi mới dưới thương hiệu Peugeot hoặc Citroen. Tuy nhiên ngay cả thành công này cũng không thể ngăn chặn lợi nhuận ròng nửa đầu năm sụt giảm tới 12%. Hãng Peugeot vốn là hãng sản xuất xe hơi với số lượng lớn nhất châu Âu, luôn hoạt động với 100% công suất so với mức trung bình của ngành là khoảng 75%.

Nhìn bề ngoài thì tình hình của Renault có vẻ khả quan với doanh thu tháng 6 tăng 13% do nhu cầu mua mẫu xe mới nhất - Megane, rất lớn. Tuy nhiên đây chỉ là một tin vui không có gì đáng kể sau khi doanh thu nửa đầu năm tại châu Âu sụt giảm tới 6,8%. Đồng thời 31% lượng tăng đó của Renault là do công của Nissan, một hãng đang lên ở Nhật mà Renault nắm đến 44% cổ phần. Bốn năm trước, Renault đã cứu nguy cho Nissan và bây giờ thì đến lượt Nissan giúp “ân nhân” của mình qua cơn hoạn nạn. Louis Schweitzer, chủ tịch Renault thừa nhận rằng ông ta đã để cho loạt sản phẩm của hãng trở nên quá lỗi thời. Ông bày tỏ hi vọng rằng những mẫu xe mới như Megane, Megane Scenic và Escape với phong cách hoàn toàn khác sẽ giúp Renault tìm lại thời hoàng kim. Thế nhưng những chiếc xe kiểu dáng cầu kỳ hiệu Avantime và Vel Satis của Renault đã lại thất bại.

Hai nạn nhân chịu tổn thất nặng nề nhất trong cuộc suy thoái này là General Motors châu Âu và Ford châu Âu. Hai hãng này đều đã bị Renault, Peugeot và Volkswagen bắt kịp vào cuối những năm 90. Kể từ đó hai hãng này nỗ lực cắt giảm quy mô và tăng hiệu suất để thu lợi nhuận. General Motors đã đóng cửa một nhà máy lắp ráp ở Anh và đề ra kế hoạch đưa mẫu xe Adam Opel của mình sang Đức bằng cách giảm giá cực mạnh và xúc tiến bán hàng. Tuy nhiên kế hoạch đạt mức hoà vốn trong năm nay của tập đoàn này đã bị General Motors châu Âu làm cho phá sản và một lần nữa tập đoàn này lại phải đối mặt với những thua lỗ của chi nhánh châu Âu (khoảng 500 triệu đôla).

Hãng Ford cũng đang trong tình trạng tương tự. Hãng này đã đưa vào thị trường châu Âu loạt xe tân tiến nhất cũng như hiện đại hoá các nhà máy đặt tại châu Âu và rốt cuộc chẳng hề có một xu lợi nhuận nào. Trong quý II hãng này đã bị lỗ 525 triệu đôla trong một vụ làm ăn tưởng chừng đã kiểm tra cặn kẽ. Năm ngoái, hãng này cũng đã phải chịu đựng một cú sốc tồi tệ từ việc kinh doanh xe Jaguar. Tháng tới, Ford dự định sẽ làm một cuộc cách mạng trong ban điều hành các chi nhánh ở châu Âu bằng việc bổ nhiệm một người đứng đầu để tiết kiệm triệt để từ các phân nhánh Ford, Volvo, Jaguar và Land Rover.

Fiat hiện vẫn là hãng sản xuất xe hơi yếu kém nhất tại châu Âu. Thị phần của nó quá nhỏ bé so với các đối thủ khác. Tập đoàn Italia này đã thu được 10 tỷ EUR (tương đương 11,5 tỷ đôla) từ việc chuyển nhượng và phát hành cổ phiếu. Số tiền này sẽ được rót vào việc sản xuất 26 mẫu xe mới trong vòng 3 năm. Hiện nay ông Giuseppe Morchio đang điều hành tập đoàn này. Ông này nổi tiếng vì đã vực dậy nhà máy sản xuất săm lốp Pirelli khi nhà máy này bên bờ vực phá sản. Ông ta đang hi vọng việc làm mới lại những chiếc xe Fiat đã quá nhàm chán sẽ đem lại cơ hội cho hãng và để thuyết phục General Motors đầu tư thêm 1 tỷ EUR tài trợ cho dự án cải tổ của mình. Fiat có thể gây ngạc nhiên cho những người hay hoài nghi là Fiat sẽ hồi phục, một hoặc hai sản phẩm hàng đầu sẽ nhanh chóng thúc đẩy hiệu suất và biến thua lỗ trở thành lợi nhuận. Tuy nhiên cuộc chiến tranh giá cả làm cho kế hoạch này rất khó mà hoàn thành.

(Hồng Hạnh - Theo Economist)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,