Độc chất 3-MCPD: Kiểm định bất cập, người dân lãnh đủ
(VietNamNet) - "Kết quả đo đạc thường chỉ nằm trong các báo cáo nghiệm thu đề tài rồi cất kỹ trong ngăn kéo, không công bố ra quốc tế để còn có người phản biện và sử dụng. Cấp trên lại càng không quan tâm đến các kết quả đúng hay sai", GS Phạm Duy Hiển phân tích về vụ "bí mật thông tin độc chất 3-MCPD trong nước tương" từ góc nhìn khoa học.
Trong cuộc gặp gỡ với báo giới ngày 25/5 vừa qua về vụ độc chất 3-MCPD trong nước tương, ông PGĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố có bốn đơn vị đủ khả năng phân tích độc chất này, nhưng mỗi đơn vị cho ra một kết quả. Do đó Sở không dám "ăn chắc" 100% khi đưa ra kết luận cuối cùng. Làm sao dám "ăn chắc" khi có mẫu nước tương chứa đến 55 gam 3-MCPD, như thể cứ mỗi can nước tương dung tích 20 lít, nhà sản xuất rót thêm vào đó một lít độc chất trước khi xuất xưởng!
Công luận và báo giới có thể chưa hài lòng với sự bất lực của chính quyền trước sức ép quá lớn do những hiểm nguy khi sử dụng thực phẩm kém chất lượng gây ra. Nhưng tiếc thay, những gì mà ông PGĐ Sở Y tế cho biết trong cuộc họp báo lại là sự thực. Nó có cùng mẫu số chung với hàng loạt sự cố khác xảy ra gần đây về thức ăn, nước uống, vắc xin, mỹ phẩm, tôm cá xuất khẩu... thậm chí cho đến cả điện kế, một loại thiết bị quá đơn giản mà chính quyền cũng không dám tin vào các cơ quan giám định trong nước. Cho nên 3-MCPD vượt quá tầm tay của Sở Y tế thành phố là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Là một người gắn bó lâu năm với nhiều phòng thí nghiệm phân tích vi lượng, tôi cho rằng cái mẫu số chung đó là bằng chứng rõ nhất về sự "bất cập" của nền khoa học nước ta nói chung, và đặc biệt là về một lĩnh vực khoa học chính xác liên quan đến phân tích, kiểm định và kiểm chuẩn nói riêng. Đây là những hoạt động có chức năng giữ ổn định và an toàn cho xã hội trong cơ chế tự do cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay.
Kiểm định chất MCPD-3 (ảnh: cesti.gov.vn) |
Đo lường chính xác (metrology) và chuẩn hoá (standardization) là khoa học cơ bản nhất trong mọi ngành khoa học, thiếu nó mọi ngành khoa học công nghệ rất khó cất cánh và phát triển. Chính vì thế mà đây là nội dung nghiên cứu của những Viện khoa học đầu tiên được xây dựng ở các nước phương Tây như Physicalische Technische Reichsanstalt ở Đức năm 1870 và National Bureau of Standards năm1901 ở Mỹ. Cũng nhờ biết cách đuổi theo độ chính xác ngày càng cao trong các phép đo mà nhiều phát minh lớn của nhân loại ra đời. Einstein dám phủ nhận sự tồn tại của giá đỡ ánh sáng (ê te) và phát minh ra thuyết tương đối trước đây hơn 100 năm là nhờ có Michelson và Morley đo được vận tốc ánh sáng 300.000 km/s chính xác đến 0,03 m/s.
Chúng ta có Tổng Cục Đo Lường Tiêu Chuẩn (TC ĐLTC) và Chi Cục ở các địa phương, nhưng hoạt động đo lường chính xác và tiêu chuẩn hoá chưa được xem là nghiên cứu khoa học bài bản ở nước ta. Mặt khác, chính đây cũng là lỗ hỗng lớn nhất trong hệ thống đào tạo và nhiều ngành khoa học công nghệ. Nó giải thích tại sao Việt Nam có rất ít công trình nghiên cứu tầm quốc tế về thực nghiệm, ứng dụng và công nghệ, nơi mà độ tin cậy chưa đủ tầm của các phép đo sẽ rất dễ dàng bị hệ thống phản biện phát giác ngay trước khi xem xét nội dung tiếp theo. Cho nên, Toán, Vật lý lý thuyết và các bộ môn lý thuyết khác luôn chiếm quá một nửa trong số chưa đầy 80 bài báo làm tại Việt Nam (chỉ bằng 1/10 con số của Thái Lan) và được chấp nhận đăng trên các tạp chí quốc tế hàng năm.
Trong lĩnh vực phân tích, kiểm định và kiểm chuẩn chúng ta có gần như đủ mọi thứ, từ trang thiết bị tinh vi đến con người và hệ thống quản lý chất lượng (quality management) từ cơ sở sản xuất, cơ sở kiểm định cho đến quản lý tầm vĩ mô, trong đó nhiều phòng thí nghiệm kiểm định được Tổng Cục Đo Lường Tiêu Chuẩn (TC ĐLTC) cấp giấy chứng nhận (accreditation) theo chuẩn quốc gia VILAS. Nhưng chỉ khi nào phải vào cuộc một cách nghiêm túc thì những yếu kém "chết người" mới bộc lộ rõ, mà 3-MCPD là một trong rất nhiều thí dụ. Còn bao nhiêu trường hợp tương tự khác chung sống đâu đó bên ta, mà ta đâu có hay biết.
Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc với báo chí chiều 26/5. Ảnh: Đặng Vỹ |
Nhà nước đầu tư không ít tiền của vào các phòng thí nghiệm kiểm định và quan trắc. Phần lớn đều sử dụng những đầu dò hi-tech, tín hiệu được số hoá, tự động ghi đo và xử lý kết quả bằng máy tính. Phải nói rằng, những thành tựu này chỉ mới xuất hiện trong mấy năm gần đây nhờ có cuộc cách mạng thông tin trên thế giới. Nhưng càng hiện đại, thiết bị lại càng đỏng đảnh, nó chỉ biết "chiều lòng" những ai hành xử có văn hoá khoa học. Phòng thí nghiệm kiểm định phải tuân thủ đầy đủ các quy trình bảo đảm chất lượng (quality assurance, QA) như một thứ kỹ luật nghiêm ngặt thường quy, được thiết lập sau khi trải qua giai đoạn thử nghiệm, có khi lên đến hàng nghìn mẫu, để tiệm cận đến độ ổn định và chính xác như cuộc sống đòi hỏi.
Thế nhưng, rất nhiều phòng thí nghiệm của chúng ta chưa đủ kiên nhẫn hoàn thành việc này trước khi xông ra thị trường làm dịch vụ. Rất ít phòng thí nghiệm có hệ thống QA và kiểm soát nội tại (internal audit). Lại có những đơn vị ăn "tiền chùa" của nhà nước, thiết bị mới lắp đặt đã hỏng ngay, nhà nước chi hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, vẫn cứ hỏng. Kết quả đo đạc thường chỉ nằm trong các báo cáo nghiệm thu đề tài rồi cất kỹ trong ngăn kéo, không công bố ra quốc tế để còn có người phản biện và sử dụng. Cấp trên lại càng không quan tâm đến các kết quả đúng hay sai. Trong khá nhiều trường hợp, máy cho ra con số nào thì cứ mang nó ra báo cáo, thậm chí không chỉ rõ sai số là bao nhiêu, từ đâu ra. Khá hơn, là những thiết bị có khả năng hoạt động, nhưng cho ra kết quả sai lệch, và chỉ được phát hiện khi tham gia kiểm định chéo với các phòng thí nghiệm có thương hiệu trên thế giới.
Được biết, hiện nay TC ĐLTC đang tiến hành cấp giấy chứng nhận (accreditation) cho một số phòng kiểm định theo chuẩn quốc tế ISO 17025. Đáp ứng được 15 yêu cầu về quản lý và 10 yêu cầu về kỹ thuật theo ISO 17025 không phải là chuyện dễ đối với nhiều phòng kiểm định trong nước. Cho nên, mong sao việc này làm đúng bài bản, không nhân nhượng, nể nang. Đừng để xảy ra tình trạng bằng chứng nhận ISO 17925 chỉ là cái mác để người ta dễ làm ăn.
ISO 17025 không thể tạo ra bước đột phá trừ phi biết gắn kết nó với những hoạt động đào tạo đội ngũ trong lĩnh vực đo lường chính xác và chuẩn hoá. Khoa học này cần phải được giảng dạy nghiêm túc, và cập nhật thường xuyên ở mọi bộ môn của trường đại học. Ngoài những đặc thù riêng về đo lường của từng ngành, môn kỹ thuật xử lý thống kê áp dụng chung cho mọi ngành cũng phải được giảng dạy bài bản. Xử lý thống kê là linh hồn của đo lường chính xác và việc ra quyết định về các trường hợp giống như sự cố 3-MCPD. Hơn thế nữa, một số kỹ thuật xử lý thống kê cơ bản đều sẵn có trong phần mềm EXCEL phổ dụng trong tất cả các máy tính hiện nay.
Sự cố đang gây xôn xao 3-MCPD nói lên nhiều chuyện, nhiều bài học. Nhưng xét về tầm nhìn, thì quả bóng đang đến chân hai Bộ GDĐT và KHCN.
-
Phạm Duy Hiển
Ý kiến của bạn: