,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
927860
Bóng đá Việt Nam: Để các thầy nội trở thành "vai chính"
1
Article
null
,

Bóng đá Việt Nam: Để các thầy nội trở thành 'vai chính'

Cập nhật lúc 12:22, Thứ Tư, 02/05/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Thời gian qua, bao giới đã tốn nhiều giấy mực cho chuyện thầy nội thế vai rồi những đề nghị lên làm kép chính cho dù nhân vật chính Mai Đức Chung vẫn một mực “Tôi chỉ là người đóng thế!”. Tôi không nghĩ ông Chung nói vậy vì ông yếm thế hoặc ngại những va chạm. Cái chính là làm sao để khi “nhận vai” những diễn viên chính cảm thấy mình được tự trọng và có đầy đủ niềm tin để ngồi vào vị trí ấy… 

Theo dòng sự kiện:

Kỳ 1: "Cascadeur" Mai Đức Chung: Đã đến lúc "rung chuông vàng"!
Kỳ 2: HLV Mai Đức Chung: Người làm thay đổi BĐ nữ VN
Kỳ 3: HLV Mai Đức Chung - Như chúng tôi được biết!
 

1
HLV Mai Đức Chung là người tìm ra cho Công Vinh một vị trí thi đấu rất phù hợp - Ảnh: Hải Anh

Nói đến vai trò các HLV nội làm đội tuyển từ ngày đất nước thống nhất đến nay phải chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một là các ông thầy ở Tổng cục được bốc lên và cứ thế làm theo kiểu nhất thân nhì thế và đặt đâu ngồi đó.  

Hồi đấy cơ quan đầu não của ngành thể thao thường có thói quen kiếm một ông thầy có nhiều lính ở đội tuyển và ấn vào. Giai đoạn hai chính là thời kỳ “bà mối” Strata mang kinh phí đến và dẫn cả thầy nội về làm đội tuyển. Giai đoạn không hưng thịnh nhưng rõ ràng có thầy ngoại thì tất nhiên kèm theo hàng loạt những chuyển biến về cơ chế phải chạy theo.  

Kết quả là đội tuyển tập trung được nguồn lực mà trước đó các thầy nội có nhưng không thể tập trung. Giai đoạn ba là giai đoạn mà người hâm mộ và giới chuyên môn đã và đang đòi hỏi làm thế nào để phát huy vai trò thầy nội thay vì thầy nội cứ núp sau lưng HLV ngoại. 

Những giai đoạn phát triển 

Ba giai đoạn ấy khác nhau rất lớn nhưng tất nhiên nó cũng có sự liên đới và cả đòi hỏi để đạt được những yếu tố tích cực. 

Còn nhớ thời đội tuyển trong giai đoạn bắt đầu hội nhập và được giao cho các HLV nội như Nguyễn Sỹ Hiển, Vũ Văn Tư, Nguyễn Kim Hằng (SEA Games 16 – 1991), Trần Bình Sự, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Vinh (vòng loại World Cup và SEA Games 17 – 1993)… bóng đá Việt Nam có lực lượng rất mạnh nhưng cái yếu lớn nhất là không tập trung được sức mạnh tập thể khi nội bộ phân hóa.  

Chẳng hạn vụ 11 tuyển thủ phía Nam “đào ngũ” sau vài ngày tập trung tại Nhổn hoặc thầy trò to tiếng với nhau trong những chuyến du đấu và tranh thủ buôn chuyến ở SEA Games 17 – 1993). Thời đấy chúng ta không thiếu HLV giỏi và cầu thủ giỏi nhưng cái thiếu lớn nhất là chế độ, tiền lương và công tác điều hành luôn bị hạn chế.  

Thời đấy cả HLV lẫn cầu thủ nhiều khi chỉ chăm chăm vào những chiến xe miễn thuế khi đi nước ngoài hoặc những đợt buôn chuyến sau mỗi lần xuất ngoại chứ chẳng có quyền lợi gì khi gắn vào cái mác đội tuyển. 

Sang đến thời thầy ngoại đến với bóng đá Việt Nam như một sự bắt buộc bắt đầu từ thời Tavares thì lại manh nha một sự phân hóa trong ban huấn luyện đặc biệt là sự khác biệt lớn giữa thầy ngoại và các trợ lý.  

Vụ ông Weigang cứ sáng ra thì “good morning” với các trợ lý Việt, nhưng trưa, chiều và tối thì tranh cãi và to tiếng nhau những chuyện vớ vẩn từng là chuyện dài nhiều tập. Thậm chí cũng từng có chuyện các trợ lý kể công còn ông HLV trưởng (ngoại) thì cứ ung dung và có huy chương là công thầy ngoại…  

Tuy nhiên, phải thừa nhận giai đoạn thầy ngoại là giai đoạn mở ra cho bóng đá Việt Nam những hy vọng khi tập trung được nguồn lực, được sức mạnh tập thể đồng thời cũng là giai đoạn chỉ ra cho bóng đá Việt Nam một khuôn phép trong định hướng về cách làm bóng đá quy củ bắt đầu từ đội tuyển.  

Giai đoạn mà cầu thủ không bận rộn với những lần xuất ngoại để buôn chuyến mà đã có thể hài lòng với công sức bỏ ra khi quyền lợi và tiền lương, thưởng được đáp ứng đầy đủ. 

Bây giờ lại đến một giai đoạn quan trọng không kém đó là khi mọi cái đi vào nề nếp hơn thì cũng lại là lúc các ông thầy nội của bóng đá Việt Nam mất đi thói quen chiến đấu và dám đối đầu với công việc của một người thuyền trưởng. 

Vì sao ông Mai Đức Chung được ủng hộ? 

Ông Mai Đức Chung ngoài tài năng còn có cái “son” của một người thầy. Ông nắm đội tuyển nữ (tất nhiên từ cái nền ban đầu của các thầy ngoại Giả Quảng Thác, của Stephen Darby) thì đội tuyển nữ vô địch. Mới đây khi HLV Riedl về Áo chữa bệnh và buộc phải thế vào thì ông Chung lại hoàn thành xứ mệnh một cách hoàn hảo.  

Cái son và cái số cầm quân của ông Chung mới chỉ là một phần. Còn cái phần lớn hơn mà ông được ủng hộ đó là người hâm mộ nhiều lúc ngán ngẩm với những món ăn cũ kỹ của ông Riedl. Sau thời gian quá dài gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Riedl xem chừng rất thuộc nhưng khi vận hành đội tuyển thì nhiều lúc lại không chịu hiểu người Việt Nam hoặc đánh giá hết tư chất của cầu thủ Việt Nam. Và đó là thất lợi rất lớn của việc sử dụng thầy ngoại trong giai đoạn hiện nay. 

Thời gian thế vai, ông Chung đã mạnh dạn làm những thay đổi hàng loạt. Thay đổi từ liều lượng đến lối chơi và điều chỉnh một số vị trí cho hợp lý hơn. Kết quả là đội tuyển Olympic Việt Nam như một cây non được tưới thêm nguồn nước và được chăm bón tốt hơn để phát triển đúng hơn và phù hợp hơn. 

Ông Chung được nhiều người ủng hộ và thậm chí là được để nghị (một cách không chính thức) về việc mạnh dạn lên kép chính trong trường hợp khẩn cấp và cần đổi mới nhưng ông thẳng thừng từ chối. 

Sự từ chối của ông Chung được hiểu theo nhiều nghĩa mà những người gần ông và hiểu được cá tính của ông sẽ không có giải mã. 

Sự khác biệt ở cùng một chiếc ghế 

1
HLV Mai Đức Chung (phải) sau trận thắng trước Olympic Oman - Ảnh: TTrẻ

Ông Chung là người của VFF, ông Chung cũng là người của Ủy ban, của bộ môn bóng đá và tất nhiên ông Chung cũng có nhiều chỗ phải hiểu rằng áo mặc không qua khỏi đầu.  

Ông không khó chịu với cái áo mình mặc nhưng ông hiểu nếu ông nhận lời lên lái trưởng thì ông sẽ phải tự gỡ rất nhiều khoản mà tự ông không thể gỡ. Thậm chí ông Chung hiểu rằng ở thế của một trợ lý được thế vai, ông có nhiều cái quyền và nhiều khoản an toàn hơn là khi ông làm HLV trưởng thực thụ.

Cùng một chiếc ghế HLV trưởng nhưng nếu là thầy ngoại thì những lời đề nghị bao giờ cũng khác. Ở đây, khi làm người thế vai, ông Chung được quyền sử dụng tất cả những “thời giá” như ông Riedl đã và từng làm.

Ông Chung khi làm những phần việc thay người vắng mặt chỉ bận tâm có việc phát huy tối đa về mặt chuyên môn với cái guồng máy được áp dụng cho thầy ngoại và đó là điều mà những đời thầy nội trước đây không bao giờ có. 

Cái hoàn cảnh của người thế vai được nới lỏng về cơ chế (thoáng như thầy nội) khác hẳn với hoàn cảnh của một thầy nội lên làm thuyền trưởng và phải trực tiếp lái một con tàu với nhiều thứ và nhiều điều kiện kèm theo nó. 

Chiếc ghế của ông Chung ngồi tạm khác hẳn với chiếc ghế mà ông Chung sẽ ngồi nếu gật đầu chấp nhận làm HLV trưởng và đặt ông Riedl ra bên ngoài hoặc ở một chức vụ khác như giám đốc kỹ thuật. 

Và còn một vấn đề tế nhị nữa là trách nhiệm và công sức đầu tư sẽ đổ vào rất lớn nhưng tiền lương lại rất thấp, nó chỉ thuộc loại trung bình thấp của một HLV hạng xoàng ở CLB và nó chẳng thấm vào đâu so với mức lương và các khoản khác mà hàng tháng cả Ủy ban lẫn Liên đoàn phải dốc vào số tiền lớn cỡ vài trăm triệu.

 Để các thầy nội trở thành vai chính 

Đừng viện vào lý do ông Chung từ chối mà hãy thẳng thắn với việc đặt ông Chung vào vị trí ấy thì sẽ đáp ứng được điều kiện làm việc như thế nào. 

Cũng đừng nghĩ đến bài toàn kinh phí sẽ giảm khi thuê thầy nội mà hãy nghĩ đến mặt tích cực của việc có thầy nội ngồi ở chỗ đấy sẽ tạo ra những hiệu ứng gì như ông Chanvit từng ngồi trên ghế HLV trưởng Thái Lan. 

Ông Chung trả lời với báo chí cứ từ chối bởi ông hiểu làm người đóng thế có những cái quyền như một thầy ngoại sẽ dễ hơn trong việc điều hành. Thực chất dù rất muốn nhưng chưa ai đặt vấn đề thẳng thắn với ông Chung về việc nhận “vai chính” cả.  

Nếu đặt vấn đề ấy tất nhiên phải kèm theo hàng loạt những vấn đề phụ như việc ông Riedl sẽ ngồi đâu chứ không phải là hình thức soán ngôi để bớt chi phí mà tăng hiệu quả. Cả những vấn đề xây dựng những thầy nội sẵn sàng gắn bó với công tác huấn luyện đội tuyển như thế nào. Cả chuyện tiền lương, chuyện “cây gậy và củ cà rốt” cũng phải rõ ràng như từng chi tiết với thầy ngoại vậy.  

Cái chính không phải là thầy nội có dám không mà là làm thế nào để thầy nội thoải mái nhất khi ngồi vào chiếc ghế của thầy ngoại mà có thể phát huy tốt vai trò của mình lẫn đóng góp nhiều cho bộ mặt và sự phát triển của bóng đá Việt Nam như ông Chung đang đóng góp khi làm kẻ thế vai. 

Ông Chung không thể làm thầy với đồng lương vài triệu mỗi tháng mà phải tính đến đơn vị là ngàn USD để yên tâm gắn bó và cũng để mạnh mẽ dám làm, dám nhận. 

Lâu nay chúng ta có những cái rất hay mâu thuẫn với nhau nhưng chưa khắc phục được đó là tự ti khi giao việc cho thầy nội và rồi có giao thì lại “tự ti” luôn cả cái khoản đầu tư cho thầy nội như đã rộng tay với thầy ngoại. 

Cái tự ti ấy dẫn đến cả tự ti của những người làm công tác huấn luyện. Và rồi cái tự ti ấy kéo theo cả cách nhìn theo một góc hẹp của chính thầy nội.

Vì thế mà để thầy nội vượt qua cái ngưỡng làm kẻ thế vai mãi mãi thì sự tự tin của thầy nội thôi vẫn chưa đủ. Nó cần phải có hàng loạt cái kèm theo từ cơ chế đến chế độ và cả điều kiện để thầy nội phát triển cùng bóng đá nội.  

Điều ấy tốt hơn là sử dụng chất xám ngoại cho những vụ mùa cần huy chương rồi đằng sau là những khoảng trống hoặc những chuỗi dài ức chế và lãng phí. 

  • Nguyễn Nguyên

     

Ý kiến của bạn?

,

Tin khác

,
,