Trí thức là ai?
(VietNamNet) - Báo điện tử VietNamNet và Tạp chí Khoa học và Tổ quốc đang mở cuộc thảo luận về chủ đề "Trí thức Việt Nam". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay (với cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự bành trướng sức mạnh của thông tin, của biểu tượng, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức) thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Trên Vietnamnet đang có cuộc tranh luận về trí thức Việt Nam mạnh hay yếu. Bài này mong góp vài ý kiến về chủ đề này.
Hình minh họa: alderac.com |
Khái niệm trí thức
Nói đến mạnh và yếu là vô tình đã gắn giá trị cho khái niệm. Mạnh là thế nào, yếu là ra sao? Dựa vào Hayek, đầu tiên tôi muốn làm rõ khái nhiệm trí thức là gì, và chỉ sau đó mới gán giá trị để có thể đánh giá. Trong tiểu luận “Trí thức và Chủ nghĩa xã hội” viết năm 1949 F. A. Hayek đã phân tích rất sâu sắc về vai trò to lớn của trí thức lên diễn tiến chính trị. Ông gọi trí thức là những người buôn bán đồ cũ chuyên nghiệp về tư tưởng, tức là những kẻ truyền đạt tư tưởng của những người khác (như tư tưởng của Plato, Khổng tử, Đức Phật, Chúa Jesus, Adam Smith, Karl Marx, Einstein, v.v). Họ có quyền lực to lớn. Ông cho rằng “họ nắm được quyền lực này bằng định hướng dư luận”. “Cái đối với người quan sát đương thời có vẻ như là cuộc đấu tranh của các lợi ích mâu thuẫn nhau, thực ra thường đã được quyết định trước từ lâu trong một cuộc đụng chạm của các tư tưởng được giới hạn ở các giới hẹp” của các trí thức.
Theo ông, các trí thức “không chỉ gồm các nhà báo, các nhà giáo, các mục sư, các giảng viên, những người làm quảng cáo, các nhà bình luận radio, các nhà văn hư cấu, những người vẽ tranh biếm họa, và các nghệ sĩ, tất cả những người có thể là các bậc thầy về kĩ thuật truyền đạt tư tưởng, nhưng thường là những kẻ nghiệp dư ở chừng mực liên quan đến thực chất cái mà họ truyền đạt”. Trí thức “cũng gồm nhiều nhà chuyên nghiệp và kĩ thuật, như các nhà khoa học và các bác sĩ, những người thông qua giao thiệp quen thuộc của họ với ấn phẩm mà trở thành những người mang các tư tưởng mới bên ngoài lĩnh vực riêng của họ và là những người, vì tri thức chuyên gia của họ về các chủ đề riêng của họ, được lắng nghe với sự kính trọng về hầu như mọi thứ khác.
Có ít thứ mà ngày nay người thường biết về các sự kiện, trừ thông qua trung gian của giai cấp này; và ngoài các lĩnh vực công tác đặc biệt của mình tất cả chúng ta về khía cạnh này hầu như đều là những người thường, để có thông tin và kiến thức của mình chúng ta phụ thuộc vào những người biến nó thành việc làm của họ để theo kịp dư luận. Chính các trí thức theo nghĩa này là những người quyết định quan điểm và dư luận nào đến với chúng ta, các sự thực nào là đủ quan trọng để được nói với chúng ta, và chúng được trình bày ở dạng nào và từ góc cạnh nào. Chúng ta sẽ có bao giờ biết được các kết quả công việc của chuyên gia và nhà tư tưởng ban đầu hay không, chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của họ”.
Theo nghĩa rộng có thể coi tất cả những ai sống bằng nghề gắn với thông tin, tri thức, khoa học đều là trí thức. Các học giả, các nhà tư tưởng, các chuyên gia, các nghệ sĩ sáng tạo là một tập con của tập hợp các trí thức (có người chỉ coi những người này là trí thức, nhưng ngoài lĩnh vực của họ thì về các lĩnh vực khác họ cũng chỉ là những người thường nên việc chỉ coi những người này là trí thức sẽ hạn chế sức mạnh của khái niệm). Trí thức lại là một tập con của những người lao động trí óc (không lao động chân tay) và hai tập này có xu hướng trùng lên nhau (tức là số lao động trí óc không được coi là trí thức giảm đi). Tại các nước phát triển tỷ lệ của lao động chân tay liên tục giảm và chỉ còn là con số nhỏ.
Giá trị của trí thức
Cho đến đây chúng ta chưa gán bất cứ phán quyết giá trị (tốt-xấu, đúng-sai, hay-dở, v.v.) nào cho khái niệm trí thức. Có người thường gắn phán xét giá trị cao sang, tốt đẹp, ưu tú cho trí thức. Như thế e làm giảm giá trị mô tả của khái niệm, và không thật khách quan, vì thiếu chi những kẻ xấu, đớn hèn, không trung thực trong hàng ngũ những người được coi là trí thức, và có nhiều loại tư tưởng. Nếu gắn giá trị tốt đẹp cho trí thức thì thật khó phân tích các hiện tượng liên quan đến trí thức. Làm sao để cho họ có các đức tính tốt (và tốt là thế nào?) lại là vấn đề khác.
Theo cách hiểu trên ở các nước phát triển trí thức là giai cấp lớn nhất về số lượng và thực sự họ không chỉ có ảnh hưởng lớn đến diễn tiến chính trị mà thực ra họ là những người lãnh đạo xã hội, hơn thế nữa họ là những người thực sự tạo ra phần lớn nhất của cải xã hội. Đấy là sự thực. Và như thế trách nhiệm trên vai giai cấp trí thức là hết sức to lớn.
Trong thế giới hội nhập với sự phát triển của truyền thông và Internet, khi cơ hội cho việc phát biểu ý kiến là hết sức dễ dàng, thì người trí thức một mặt phải có lòng dũng cảm nói lên ý kiến của mình, đấu tranh vì những giá trị phổ quát của nhân loại như tự do, bình đẳng (thực ra là giảm bất bình đẳng) hạnh phúc, thịnh vượng, công bằng xã hội (thực ra là giảm bất công xã hội). Trí thức phải trung thực, độc lập, sáng tạo, tự chủ, góp sức mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước, mặt khác phải có trách nhiệm và cân nhắc về những điều mình nói và mình viết vì chúng có thể có tác động sâu sắc đến xã hội.
Đấy là những đòi hỏi mang tính giá trị với trí thức. Trong số đó tính trung thực có lẽ là quan trọng nhất. Các đặc tính (đáng mong mỏi) mang tính giá trị ấy không phải là cái vốn có như vậy mà phải xây dựng, hình thành và chúng chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố chính trị và kinh tế-xã hội, nhất là các chính sách.
Bay lên Việt Nam |
Trí thức Việt Nam
Vậy trí thức Việt Nam thế nào? Trong chế độ chuyên chế với nền kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp, thì mục tiêu quan trọng nhất của người đi học vào thời kỳ đó là để làm quan. Làm quan tức là phục vụ chính quyền, nên cái ý mà có người cho rằng trí thức Việt Nam có tính cách “phò chính thống”, “thích được chính quyền sử dụng” (như nêu trong bài của GS. Chu Hảo) là điều dễ hiểu nhìn từ bối cảnh lịch sử hàng ngàn năm của nước nhà.
Hiện nay có biết bao nhiêu trí thức ca thán về việc “không được trọng dụng” cũng thể hiện nguyên đức tính cổ xưa ấy. Một thời bằng “sổ gạo”, bằng “biên chế”, bằng “lý lịch” và bao nhiêu “chế độ” khác người trí thức đã bị cột chặt lại, muốn giữ kế sinh nhai thì nhất quyết phải “phò chính thống”, ai dám cả gan nói ngược (mà tư tưởng thì rất nhiều loại, nên luôn có những trí thức truyền bá nó) thì tuyệt đường tồn tại. Cái môi trường nó bắt trí thức phải “hèn”, biến trí thức thành những kẻ sống “ký sinh”, mất hết tính độc lập và sáng tạo.
Muốn “hiền tài là nguyên khí quốc gia” trở thành sự thực, muốn trí thức đóng góp xứng đáng cho đất nước chắc chắn cần nhiều thay đổi. Mà là thay đổi từ cả hai phía, nhà chức trách và bản thân trí thức. Điều kiện cần cho sự phát triển lành mạnh của trí thức là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 và sau đó được thể hiện trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Với hội nhập ngày càng sâu vào quá trình toàn cầu hóa, điều kiện để đạt được tự do ngày càng lớn. Với sự độc lập hơn về kinh tế, với sự tiếp cận thông tin và tư tưởng dễ dàng hơn nhờ Internet và truyền thông, với hiểu biết ngoại ngữ tốt hơn, với sự dễ dàng hơn để bày tỏ ý kiến (do có hàng triệu máy tính, camera số, máy điện thoại di động) trên báo chí, trên mạng, thì tất cả mọi người, kể cả trí thức càng có khả năng hơn để đạt được quyền tự do.
Nhưng trong môi trường ấy trí thức cũng cần có trách nhiệm hơn, có ý thức xây dựng hơn nếu muốn phát huy vai trò to lớn của mình.
-
Nguyễn Quang A
Ý kiến của bạn đọc: