,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
882700
Bóng đá và Đại học - Thái Lan và Việt Nam
1
Article
null
,

Bóng đá và Đại học - Thái Lan và Việt Nam

Cập nhật lúc 10:57, Thứ Tư, 03/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Tuyển Việt Nam lại thua Thái Lan ở King Cup 2006. Qua những lần giao đấu gần đây, lúc thua khi thắng, tuyển Việt Nam nhìn chung vẫn dưới cơ. Một khoảng cách rõ ràng, tuy chưa lớn đến mức làm tiêu tan mọi hy vọng của người hâm mộ muốn Việt Nam trở thành đối thủ số một của Thái Lan ở khu vực này. Xem bóng đá chạnh liên tưởng đến nền Đại học (ĐH) và Khoa học (KH) nước nhà" - GS Phạm Duy Hiển đưa ra một vài so sánh thú vị.

Ai mạnh hơn về đại học?

Các SV trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nhận bằng cử nhân trong lễ tốt nghiệp năm học 2005-2006. (Ảnh: Trung Kiên)

Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp lâu nay vẫn nghĩ rằng ta và họ cũng ngang ngửa trong cùng một đẳng cấp, cùng nằm trong vùng trũng Đông Nam Á. Họ mạnh hơn ta chút ít về KH ứng dụng thì ta lại mạnh hơn họ về KH cơ bản. Nhưng kiểm chứng nhận định trên ra sao? Bằng những cuộc thi đấu quốc tế nào?

Năm 2004, ĐH Giao Thông Thượng Hải có xếp hạng 500 trường ĐH thuộc hàng top trên thế giới, trong đó họ chỉ lấy các thành tích nghiên cứu khoa học tầm quốc tế làm tiêu chí, như giải Nobel và Fields, số nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất (highly cited researcher), số bài báo quốc tế và số lần được trích dẫn theo cơ sở dữ liệu Web of Science v.v… Không có trường ĐH nào của Thái Lan và Việt Nam lọt được vào top 500 này, nên không có cơ sở gì để so sánh ta với người bạn láng giềng được.

Năm 2005, Times Higher Education ở Anh xếp hạng các trường ĐH trên thế giới dựa vào kết quả thăm dò trên 1300 học giả thuộc 88 nước cùng với ba tiêu chí khác là tỷ số sinh viên/giảng viên; mức độ toàn cầu hoá căn cứ trên tỷ lệ phần trăm số giảng viên và sinh viên nước ngoài và số bài báo quốc tế được trích dẫn. Mỗi tiêu chí lại được cho một trọng số để tính điểm, lớn nhất là tiêu chí đầu tiên, 50%, các tiêu chí tiếp theo lần lượt là 10%, 20% và 20%. Đại học Chulalongkorn ở Bangkok "bất ngờ" lọt vào vị trí thứ 121 trong top 200 trên toàn thế giới, thậm chí còn trên cả các trường ĐH rất nổi tiếng như Maryland hay Texas A&M của Mỹ, hoặc bằng vai phải lứa với các bậc lão làng như Gottingen (Đức) và Liverpool (Anh).

Vị trí thứ 121 của Chulalongkorn có được là nhờ nhận xét tốt của 1300 học giả và điểm số cao về tỷ lệ giảng viên/sinh viên. Nhưng về nghiên cứu KH thì trường ĐH nổi tiếng nhất này của Thái Lan chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Trong khi đó các trường ĐH Mỹ, Anh, Đức vừa kể trên đạt được từ 7 đến 13 điểm, còn California Institute of Technology đứng đầu bảng với 100 điểm.

Năm 2006, Times Higher Education lại xếp hạng một lần nữa, cũng dùng những tiêu chí nói trên. Lần này, Đại học Chulalongkorn tụt xuống vị trí 161, mặc dù điểm số về tỷ lệ giảng viên/sinh viên có tăng hơn trước.

ĐH Giao Thông Thượng Hải rất có lý khi xếp hạng các trường ĐH chỉ dựa vào thành tích nghiên cứu KH tầm quốc tế. Kết quả xếp hạng của họ nhìn chung khá phù hợp với công bố của News and World Report khi xếp hạng các trường ĐH Mỹ dựa trên nhiều tiêu chí khách quan, hơn là căn cứ theo kết quả thăm dò các học giả như Times Higher Education. Vả lại, ai cũng biết nghiên cứu KH để có công trình đăng trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng là nghĩa vụ và áp lực đè nặng lên cuộc sống của mọi giảng viên ĐH, bởi nó quyết định chất lượng đào tạo sinh viên trong cuộc hội nhập toàn cầu hiện nay. Publish or Perish là điều tâm niệm hàng ngày của họ.

"Không mà có, thậm chí có rất nhiều"

ĐH Chulalongkorn (Bangkok). Ảnh tư liệu

Mặc dù điểm nghiên cứu KH rất thấp nhưng sự nhìn nhận của số đông học giả đã khẳng định thương hiệu và chất lượng của ĐH Chulalongkorn, mà không dễ gì các ĐH Việt Nam có thể đạt được trong 10-15 năm tới. Bởi trong con số 0 về thành tích nghiên cứu KH của Chulalongkorn lại là cả một không gian rộng lớn với nhiều cung bậc khác nhau của ĐH các nước kém phát triển. Số bài báo quốc tế của ĐH Chulalongkorn, cho dù còn rất nhỏ nhoi so với các ĐH tiên tiến, cũng đủ để làm nên thương hiệu, khiến cho các học giả phải nhìn nhận chất lượng đào tạo của họ.

Trong không gian của các nước kém phát triển đó, vị trí của họ và ta lại rất xa nhau. Lục lọi vào cơ sở dữ liệu Web of Science, ta sẽ không khỏi bàng hoàng nhận ra sự cách biệt quá lớn. Lớn hơn khoảng cách về bóng đá rất nhiều, thậm chí còn hơn cả sự cách biệt gấp 5 lần hiện nay về thu nhập bình quân trên đầu người của hai nước.

Bảng thống kê số 1 dưới đây ghi lại tổng số bài báo quốc tế công bố trong hai năm 2001-2002. Chọn hai năm này vì khoảng thời gian từ đó đến nay vừa đủ để các đồng nghiệp nghiên cứu và trích dẫn các công trình, mà lại chưa quá dài để mất đi tính thời sự. Cột cuối cùng cho thấy mức chênh lệch giữa hai nước. Khoảng cách giữa Thái Lan và ta là 4,2 lần về tổng số bài báo quốc tế, trong khi dân số Thái Lan chỉ bằng ba phần tư dân số Việt Nam. Nhưng khoảng cách về các tiêu chí khác lại còn lớn hơn, và đây mới là những điều rất đáng lo ngại.

Thứ nhất, số bài báo làm từ các cơ sở trong nước của Thái Lan nhiều gấp 8 lần Việt Nam với tổng số lần được trích dẫn nhiều gấp 16 lần. Nghĩa là các công trình nghiên cứu của Thái Lan dùng nguồn nội lực vừa nhiều hơn ta về số lượng, vừa cao hơn ta về chất lượng. Làm một công trình KH bằng nguồn nội lực của nước mình, nhất là các công trình thực nghiệm và công nghệ, đòi hỏi phải có đầu tư thích đáng cả về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh phí v.v… mới hòng chen được vào một chỗ đứng nào đó trên mặt tiền thế giới, mà xung quanh toàn là các nước tiên tiến và giàu có. Mặt khác, chính nhờ các công trình dùng nguồn nội lực này mà ta mới trực tiếp đào tạo đội ngũ và đưa các kết quả KH vào kinh tế và đời sống của đất nước, những mục tiêu không thể đạt được khi nhà khoa học một mình lên đường đến làm việc tại một cơ sở nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, đến 89% số bài báo dùng nguồn nội lực của Thái Lan được thực hiện ở các trường ĐH. Trong khi đó, số bài báo từ trường ĐH của ta chỉ chiếm chưa đầy 40%. Khác ta, Thái Lan biết tập trung nghiên cứu KH về trường ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo, một chính sách tối ưu của các nước chậm phát triển.

Thứ ba, đa số (60%) bài báo dùng nguồn nội lực của VN là về Toán và Vật lý (phần lớn là Vật lý Lý thuyết). Đây vừa là thế mạnh, vừa là điểm yếu của ta, khi Toán và Vật lý lý thuyết chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí. Trong khi đó, Toán và Vật lý ở Thái Lan chỉ chiếm chưa đầy 5%, nghĩa là có thể nói hiệu quả đầu tư cho KH của họ lớn hơn ta nhiều. Thái Lan có rất nhiều ngành KH vừa thực tiễn vừa khá hiện đại mà VN ta chưa có. Những ngành này phần lớn lại tập trung vào các trường ĐH. Mạnh nhất trong số này là các ngành y dược, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Bảng 1: Tổng số bài báo quốc tế công bố trong hai năm 2001-2002 của Thái Lan so với Việt Nam. Số lần trích dẫn tính đến tháng 12/2006.

    Thái Lan Việt Nam Tỷ lệ so sánh (Thái Lan/ViệtNam)
1 Tổng số bài báo quốc tế 3103 737 4
2 Hợp tác với nước ngoài 1739 564 3
  Tổng số lần được trích dẫn 13912 4681 3
3 Làm tại các cơ sở trong nước 1364 173 8
  Tổng số lần trích dẫn 5324 323 16
  Từ các trường ĐH 1208 69 17
  Số bài báo toán và Vật lý 68 104 0,7


Trở lại Đại học Chulalongkorn

Xin trở lại ĐH Chulalongkorn với bảng 2 dưới đây để thấy cái không gian bên trong con số 0 về nghiên cứu KH của họ theo Times Higher Education. Cột cuối cùng cho thấy khoảng cách giữa họ với các ĐH hàng đầu của ta. Rất tiếc là không tìm được các số liệu chính thức về số giáo sư, tiến sỹ của họ để so sánh. Nhưng không còn gì để bình luận thêm, khi những con số tự nó biết nói. Mong sao những người có trách nhiệm đối với ĐH và KH nước nhà có quyết sách để cả hai cùng sớm cất cánh.

Bảng 2: Số bài báo quốc tế của ĐH Chulalongkorn so với ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM trong hai năm 2001-2002.

  ĐH Chulalongkorn ĐHQG Hà Nội ĐHQG TP.HCM

Tỷ lệ so sánh (ĐH Chulalongkorn trong tương quan với 2 trường ĐHQG)

Số bài báo 302 25 8 12 - 38
Tổng số lần trích dẫn 948 63 13 15 - 73
Bài báo Toán và Vật lý 15 21 7 0,7 - 2
  • Phạm Duy Hiển

Ý kiến của bạn:

,
,