Những sát thủ vô tư trên đường phố
>>GS hàng đầu thế giới bị xe máy đâm tại Hà Nội
>>Từ GS bị xe máy đâm, nhìn lại ý thức giao thông
>>Mỗi người phải xem lại mình!
>>GSVS Nguyễn Văn Đạo qua đời vì tai nạn giao thông
Sự kiện giáo sư Seymour Papert (thuộc viện công nghệ Massachusetts- Mỹ) - một trong những nhà toán học và giáo sư hàng đầu thế giới vừa đến Việt Nam thì ngày 5/12 đã bị tai nạn giao thông trên đường phố Hà Nội và đang ở trong tình trạng hôn mê tại bệnh viện Việt- Pháp đã gây xôn xao dư luận.
Chưa đủ, sáng 11/12 này, giáo sư Nguyễn Văn Đạo - nhà cơ học hàng đầu của Việt Nam cũng vừa qua đời vì tai nạn giao thông. Và cả hai đều là tai nạn do xe máy. Đau đớn thay, thảm hoạ xảy đến với giáo sư Seymour Papert đúng vào lúc ông đang hết lòng cho một Việt Nam an toàn, ngõ hầu tìm ra biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, dù nghề của ông là toán học và công nghệ thông tin.
Hai trường hợp thương tâm trên không phải là ngoại lệ đối với sự mất an toàn giao thông hịên nay ở VN.
Những lưỡi hái thần chết ''dạo phố''
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành giao thông vận tải, mỗi ngày ở VN trung bình có hơn 40 người chết và cũng có tới hơn chừng đó người bị thương. Theo báo Giao thông vận tải, đến hết tháng 9/2006, cả nước đã xảy ra 10.858 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 9.510 người, làm bị thương hơn 10.700 người. Hai giáo sư nói trên của chúng ta chỉ là hai trường hợp trong số hai mươi ngàn người bất hạnh mỗi năm tại VN.
Mong các nhà báo đi đầu trong cuộc chiến chống tai nạn giao thông |
Hàng người dân Việt Nam đều chứng kiến người thân thuộc của mình gặp phải tai nạn giao thông. Báo chí phải đưa vấn đề này ra công chúng để toàn dân nhìn lại vấn đề này thật nghiêm túc, nhà nước cũng nhìn vấn đề này nghiêm túc hơn và có biện pháp để giải quyết thoả đáng. Đề nghị báo chí viết lên một loạt các bài về tai nạn giao thông. Mong các nhà báo đi đầu, mở màn cuộc chiến chống lại tai nạn giao thông cho toàn dân! Hoàng Nguyên - ĐH MIT |
Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một kẻ mù loà. Không phân biệt người tốt và kẻ xấu khi đưa ngang lưỡi hái vào mạng sống của ai đó. Nhất là khi thần chết đồng hành cũng những "sát thủ" trên đường phố.
Lưỡi hái của thần chết nằm trong tay những tài xế nồng nặc hơi men, những "giặc lái" cố tình phóng nhanh vượt ẩu tiết kiệm xăng tăng chuyến, chở vượt tải trọng...
Thần chết trao lưỡi hái cho những trai tráng đi xe máy hung hăng đánh võng lạng lách vượt ẩu trên đường phố. Những kẻ hoặc không biết luật hoặc không thèm biết đến luật giao thông. Những kẻ đầu óc trống rỗng không còn gì để tự tin và tự hào ngoài việc "khủng bố" người đi đường bằng những cú vượt phải tạt qua sát sạt trên đầu xe người đi đường khác, gây ớn lạnh sống lưng và lấy nỗi khủng khiếp của kẻ khác làm khoái cảm...
Trung bình, cứ 5 người VN thì có một người sử dụng xe máy tham gia giao thông. Nhìn những ngả đường đen đặc xe máy mà ghê. Những chiếc xe ken sát nhau, với những người ngồi trên xe hầu hết là không mảy may trang bị bảo hiểm tối thiểu, không thể không rùng mình lo sợ. Ngoài những nhược điểm khách quan thì ý thức của đa phần người dân VN khi tham gia giao thông đang hết sức non kém và là nguyên nhân quan trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Hoang dại về ý thức cộng đồng
Cũng theo thống kê của cảnh sát giao thông, thì có tới hơn 50% người tham gia giao thông không dùng đèn báo khi chuyển hướng, 85% không dùng còi đúng quy định, 70% không dùng phanh tay, 90% không sử dụng đúng quy định bóng đèn chiếu sáng xa gần và 72% không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên ô tô xe máy.
Vượt phải, lạng lách đánh võng là một cử chỉ hết sức nguy hiểm, gây chết người trong nháy mắt, thì đa phần thanh thiếu niên và nam giới thường xuyên sử dụng. Phụ nữ từ tốn hơn khi đi đường, nhưng nhiều người cũng thường xuyên vượt ẩu, rất có thể do thiếu hiểu biết luật giao thông!
Rõ ràng, trong nhiều người tham gia giao thông ở VN hiện nay có quá nhiều hoang dại, thậm chí còn ở trình độ "dã man" về ý thức cộng đồng và hiểu biết. Khi đó, trên tay mỗi người điều khiển phương tiện cơ giới, vô tình đã cầm ngang một lưỡi hái của thần chết.
Khi mỗi năm ta có hơn hai chục ngàn người vừa chết vừa bị thương, nghĩa là có thêm khoảng gấp 4 đến năm lần số người bị cướp đi sự bình ổn và bị tàn hại cả cơ hội có hạnh phúc trên đời. Nhiều gia đình ly tán. Nhiều trẻ em không được đến trường. Số người nghèo đói dốt nát tăng lên.
Cần một chương trình truyền thông ATGT hiệu quả!
Các bệnh vịên trên cả nước đầy rẫy những trai tráng nằm bất động trần truồng, tiêu, tiểu bất kỳ dưới lớp chăn đắp, trên mỗi chiếc giường đơn cấp cứu có thể chen chúc tới vài ba người đang được người thân cố kéo dài cuộc sống thực vật bằng máy thở, bằng máy trợ tim, bằng bình oxy...Quá nhiều gia đình phải bán tất cả tài sản, cầm cố vay lãi để lấy tiền cứu sống người thân, mà kết quả chỉ là nghĩa địa, hoặc chỉ để chuộc về một thân tàn ma dại, tàn phế suốt đời và là một gánh nặng vĩnh viễn cho ngưòi thân.
Tiếc thay, đó hầu hết lại là những trai tráng. Theo thống kê của UNICEFT năm 2004, hầu hết các ca tử vong ở tuổi 15-19 đều là người đi xe máy! Đó là sự tổn thương quá lớn cho lực lượng lao động của đất nước. Đó là lực lượng lẽ ra phải bắt đầu gánh lấy trách nhiệm công dân và gia đình, làm ra của cải và phồn vinh cho gia đình và xã hội.
Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc và gặt hái được nhiều qua hội nhập, nếu chúng ta tự hào rằng VN mến khách, thì mỗi người hãy tự điều chỉnh mình, trước hết là tự cứu mình và cứu người, đem sự an toàn ra đãi mình và đãi khách bằng sự cẩn trọng khi tham gia giao thông.
Rõ ràng, đã đến lúc cần tìm những biện pháp hữu hiệu, sáng tạo hơn, tích cực hơn, đối với lĩnh vực an toàn giao thông. Mà "vũ khí" đầu tiên phải kể đến là truyền thông để tác động vào cộng đồng.
Chúng ta cần một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để ''những lưỡi hái tử thần'' không còn nghênh ngang trên đường phố!
-
Võ Thị Hảo