Thủ tục hành chính ăn theo hộ khẩu: Nên 'gỡ' sớm!
(VietNamNet) - Ban hành một lộ trình dỡ bỏ các quy định hành chính “ăn theo” hộ khẩu cũng là cách để công khai lộ trình thực hiện quyền tự do cư trú cho người dân. Lộ trình này còn thể hiện một tư duy mới trong việc làm luật, theo đó, luật không còn là những điều khoản chung chung vô thưởng vô phạt mà đã được cụ thể hóa và sau khi ban hành đã có thể đi vào cuộc sống mà không phải chờ đợi hàng chục nghị định hướng dẫn.
Sự vận hành linh hoạt của nền kinh tế theo hướng thị trường đã khiến cách quản lý cư trú theo hộ khẩu bộc lộ nhiều bất cập.
Nền kinh tế đang bước vào công cuộc chuyển đổi, chúng ta chưa thể bỏ ngay chế độ hộ khẩu, nhưng những thủ tục hành chính ăn theo chế độ hộ khẩu thì không có lý do gì để tồn tại.Những thủ tục hành chính ăn theo
Điều 9 (Dự Luật cư trú) Nghiêm cấm: 1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; 2. Lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; 3. Nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký cư trú, quản lý cư trú; 4. Thu, sử dụng lệ phí đăng ký, quản lý cư trú trái quy định của pháp luật; 5. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú... |
Dẫu quản lý bằng hộ khẩu còn không ít bất cập nhưng trong việc quản lý công dân, hộ khẩu vẫn còn những vai trò nhất định. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật QH đã chỉ rõ: “bên cạnh việc bảo đảm quyền cư trú của công dân thì vấn đề cư trú còn liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội.” Đây cũng là lý do cuối cùng để hộ khẩu tồn tại. Tuy nhiên, với “tuổi đời” hơn nửa thế kỷ, đến nay, đã có tới 420 văn bản pháp quy liên quan đến hộ khẩu, (theo thống kê của TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp) trong đó có tới 6 văn bản luật. Khi chế độ hộ khẩu còn tồn tại, những thói quen cũ của cơ quan công quyền chưa kịp thay đổi hoặc không muốn thay đổi và thậm chí không chịu thay đổi là một vấn đề cần làm rõ. Sự "đeo bám", "ăn theo" của nhiều văn bản theo chế độ hộ khẩu đang là công cụ kiếm chác của không ít cán bộ ở các cơ quan công quyền, đồng thời là nỗi lo sợ của không ít công dân.
Từ thực tiễn này, khi thảo luận về Luật Cư trú, QH đã tiếp thu ý kiến: nghiêm cấm việc lấy hộ khẩu thường trú làm điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ khác của công dân trong quá trình hoạch định chính sách.
Dỡ bỏ các thủ tục hành chính - cần có một lộ trình
Với 420 văn bản pháp quy liên quan đến hộ khẩu, đây thực chất là những “giấy phép con” trong lĩnh vực quản lý cư trú. Việc dỡ bỏ nó là một sự tất yếu, nhưng dỡ bỏ thế nào, lộ trình ra sao, ai là người chịu trách nhiệm giám sát lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Ngay ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là QH hiện vẫn chưa đưa ra được một lộ trình cho việc dỡ bỏ này thì việc các cơ quan công quyền địa phương vẫn sử dụng các “giấy phép con” là một điều dễ hiểu.
Một trong những điều kiện bắt buộc của nền kinh tế khi gia nhập WTO là rõ ràng, minh bạch. Theo đó, tất cả các văn bản luật, trước khi ban hành đều phải lấy ý kiến công khai. Đây là cách để mỗi người dân có điều kiện tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống pháp lý. Cũng thông qua cách này, người dân sẽ có điều kiện để nắm rõ các quy định pháp luật, từ đó việc chấp hành pháp luật của dân sẽ là một hành vi tự giác chứ không phải là chuyện bắt buộc. Thêm vào đó, người dân hiểu luật sẽ có cơ sở để giám sát việc thực thi luật của cơ quan công quyền.
Ban hành một lộ trình dỡ bỏ các quy định hành chính “ăn theo” hộ khẩu cũng là cách để công khai lộ trình thực hiện quyền tự do cư trú cho người dân, một trong những quyền cơ bản của con người mà trong điều kiện VN, còn không ít những điều phải than phiền. Lộ trình này còn thể hiện một tư duy mới trong việc làm luật, theo đó, luật không còn là những điều khoản chung chung vô thưởng vô phạt mà đã được cụ thể hóa và sau khi ban hành đã có thể đi vào cuộc sống mà không phải chờ đợi hàng chục nghị định hướng dẫn.
-
Hải Lan
Ý kiến của bạn: