,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
830586
Cách làm luật hiện nay chịu nhiều rủi ro?
1
Article
null
,

Cách làm luật hiện nay chịu nhiều rủi ro?

Cập nhật lúc 17:16, Thứ Ba, 15/08/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ở Việt Nam ta, việc làm luật dường như vẫn đang được tiến hành theo chiều ngược lại: soạn thảo văn bản trước rồi trình lên Chính phủ sau. Rủi ro của cách làm này là rất lớn. Nếu Chính phủ không chấp nhận chính sách được đề ra, mọi cố gắng soạn thảo sẽ trở nên vô ích.

"Với quy trình lập pháp có các công đoạn mạch lạc thì sản phẩm của nó là các văn bản pháp luật có chất lượng".

Làm luật là chuyện hết sức hệ trọng. Bởi các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của hàng triệu con người. Các hành vi bị điều chỉnh có thể đưa tới trật tự và thịnh vượng, nhưng cũng có thể dẫn đến rối loạn và bế tắc. Tất cả phụ thuộc vào công nghệ làm luật.

Công nghệ làm máy tính, ôtô... của các nước tiên tiến là những công nghệ cao. Công nghệ làm luật của họ có vẻ cũng như vậy. Vấn đề là: tiếp thu công nghệ làm máy tính, ô tô ... thật không dễ, tiếp thu công nghệ làm luật còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm hiểu công nghệ làm luật của họ để bồi bổ tư duy và làm giàu trí thức. Suy cho cùng, một người phải ăn kiêng thì vẫn có thể đọc thực đơn và sách dạy cách nấu các món ăn ngon.

Quy trình lập pháp phổ biến thường có hai công đoạn: công đoạn của chính phủ và công đoạn của nghị viện. Đây là hai công đoạn với ý nghĩa khác nhau. Không phải là một việc được làm hai lần. Đại loại, công đoạn của chính phủ là công đoạn hoạch định chính sách và dịch chính sách thành các quy phạm pháp luật. Công đoạn của nghị viện là công đoạn thẩm định chính sách về mặt lợi ích và thông qua thành pháp luật.

Công đoạn của chính phủ không bắt đầu bằng việc tìm cách đưa các tên luật vào chương trình lập pháp, mà bằng việc nhận biết cuộc sống đang phát sinh vấn đề gì. Vấn đề phát sinh sẽ được nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và đề ra chính sách (Đây thường là công việc mà các bộ phải làm). Chính phủ sẽ xem xét và phê chuẩn chính sách được đề ra trước khi việc soạn thảo văn bản được bắt đầu.

Ở Việt Nam ta, công việc dường như vẫn đang được tiến hành theo chiều ngược lại: việc soạn thảo văn bản xảy ra trước, việc trình Chính phủ xảy ra sau. Rủi ro của cách làm này là rất lớn. Nếu Chính phủ không chấp nhận chính sách được đề ra, mọi cố gắng soạn thảo sẽ trở nên vô ích. Đó là chưa nói tới tình trạng văn bản có thể được soạn thảo mà không có chính sách đi kèm. Hậu quả là không thể triển khai văn bản vào cuộc sống.

Soạn thảo văn bản pháp luật là dịch chính sách đã được phê chuẩn thành mệnh lệnh hành động. Chính sách là một chuyện, dịch chính sách đó thành mệnh lệnh để điều chỉnh hành vi là một chuyện khác. Không học thì không làm được.

Thông thường các vấn đề về kỹ thuật soạn thảo văn bản, các vấn đề về chuyên môn là công việc của chính phủ chứ không phải công việc của nghị viện. Điều này không có nghĩa là nghị viện không tham gia vào khâu kỹ thuật văn bản. Tuy nhiên, các uỷ ban của nghị viện mới có thể tham gia vào khâu kỹ thuật văn bản, chứ không phải là nghị viện ở phiên họp toàn thể.

Công đoạn lập pháp ở nghị viện các nước chia làm ba bước (còn gọi ba lần đọc). Mỗi bước đều có nghĩa lý riêng, không phải là một việc làm ba lần cho kỹ.

Bước thứ nhất, chính phủ trình dự thảo của mình. Chính phủ làm rõ vấn đề, lý giải tại sao vấn đề không xử lý được bằng những công cụ hiện có, đưa ra chính sách để giải quyết vấn đề và trình văn bản được soạn thảo. Trong bước này, nghị viện không thảo luận gì thêm vì nếu không nghiên cứu, không tham vấn với cử tri thì các vị nghị sĩ chưa thể phát biểu gì cả.

Bước thứ hai, nghị viện thảo luận về chính sách do chính phủ đề ra sau khi các nghị sĩ đã nghiên cứu dự luật và tham vấn với cử tri. Các nghị sĩ thảo luận để thông qua dự luật ở tầm chính sách. Nếu được thông qua dự luật được chuyển đến uỷ ban tương ứng. Nếu không được thông qua, dự luật bị bác bỏ.

Bước thứ hai không chỉ là để thông qua chính sách, mà còn để gửi thông điệp cho xã hội về chính sách có thể được ban hành. Việc làm này giúp cho cử tri có thể tham gia ý kiến về dự luật. Nếu các vấn đề về việc chính sách sắp được ban hành sẽ ảnh hưởng đến người dân như thế nào, ai được, ai mất không được tranh luận rõ, thì người dân khó có thể đóng góp ý kiến.

Sau bước thứ hai, dự án luật sẽ được chuyển cho ủy ban tương ứng. Thông thường, tại uỷ ban này, tất cả các vấn đề về câu chữ, kỹ thuật còn lại sẽ được hoàn thiện. Sau khi dự luật được hoàn thiện, uỷ ban sẽ biểu quyết về dự luật đó và có báo cáo trình ra nghị viện để kiến nghị thông qua hoặc không thông qua dự luật. Thông thường khi uỷ ban đề nghị thông qua dự luật, nghị viện các nước sẽ thông qua ngay mà ít khi có thảo luận gì thêm.

Bước thứ ba, nghị viện chính thức thông qua dự luật. Giai đoạn này rất ngắn gọn.

Với quy trình lập pháp có các công đoạn mạch lạc như trên thì sản phẩm của nó là các văn bản pháp luật có chất lượng. Thực tế cho thấy, thiếu một triết lý rõ ràng, một quy trình mạch lạc, càng nhiều cơ quan được thành lập, càng làm cho việc làm luật trở nên rối rắm, tốn kém mà chất lượng thì chưa chắc đã được nâng lên.

  • Nguyễn Sĩ Dũng

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Làm luật: Không học không làm được

Hãy hiểu nhà đầu tư hơn

Để khắc phục tình trạng luật "ngóng cổ" chờ nghị định

Dùng nghị định "kiềm chế" giấy phép con...

Tuổi trẻ

Thay đổi cách thức làm luật

“Cởi” và “trói”
Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư: Lùi chứ chưa tiến

Tiền phong

Quốc hội cải tiến cách thức thảo luận dự án Luật

Ý kiến của bạn:

,
,