Tham nhũng và lỗi hệ thống
(VietNamNet) - Xử lý vụ việc là cần thiết nhưng tìm ra giải pháp ngăn ngừa tham nhũng để sửa lỗi hệ thống mới là công việc cấp bách để giải quyết được thực chất vấn đề tham nhũng hiện nay.
"Khi cấp trên đến "thăm" cấp dưới, đôi khi chặc lưỡi cầm phong bì vì lời "giải trình" rất hợp tình, hợp cảnh: "Tiền bồi dưỡng thêm bù cho công tác phí quá thấp". |
Vào Google, gõ hai chữ: 'tham nhũng", sau 0,19 giây, sẽ hiện lên 897.000 từ, cụm từ có nội dung liên quan. Vấn đề tham nhũng nóng đến mức, nhà sử học Dương Trung Quốc từng ví: tham nhũng là giặc nội xâm.
Ngày 1.6.2006 vừa qua, Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Sau ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X và kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 khoá XI, Nội các chính phủ vừa được bổ sung thêm một phó thủ tướng đặc trách chống tham nhũng. Một cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng sắp ra đời.
Mới đây, tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những hành động quyết liệt chống tham nhũng rất được dư luận ủng hộ. Vào thời điểm này, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã tỏ rõ quyết tâm của toàn Đảng trong việc chống tham nhũng. Trong chương trình nghị sự hàng tháng của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, vấn đề chống tham nhũng lại được cày xới lại một cách quyết liệt hơn.
Đây là dịp để chúng ta nhìn lại vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng ở VN một cách thực tế để tìm ra nét đặc trưng nhất của nó.
Khi còn đương chức, Chủ tịch Trần Đức Lương từng nói: "Cần phải rút ra những kết luận mang tính chung để ngăn ngừa từ gốc, sửa sai những lỗi có tính hệ thống trong công tác cán bộ của Đảng, nếu không sẽ còn có những vụ tham nhũng khác".
Có người nói rằng nếu chiếu theo định nghĩa chung có tính quốc tế mà xét, có lẽ gần hết hệ thống công chức Việt Nam đều...mắc tội tham nhũng. Tính chính xác của câu nói này còn phải xem xét nhưng đó là một nhận xét đáng để suy nghĩ.
Tham nhũng là gì? Trong “Tools to support transparency in local governance”(công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương) tổ chức Minh bạch thế giới (TI) đã nêu một định nghĩa của Klitgaard, MacLean, Abaroa và Parris, được nhiều định chế quốc tế và học giả sử dụng như sau: "Tham nhũng có nghĩa là lạm dụng chức vụ cho lợi ích riêng. Chức vụ là một vị trí công tác dựa trên cơ sở niềm tin, mà từ đó một người được nhận một thẩm quyền hành động nhân danh một định chế nào đó. (sđd. tr.23). |
Ở các nước, khi mức lương cơ bản của công chức nói chung đã đáp ứng đủ những nhu cầu bình thường thì tham nhũng chủ yếu là để nói về những quan chức muốn làm giàu bất chính. Còn ở Việt Nam, một khi đồng lương trên giấy tờ không đủ để chi trả những nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, đi lại, học hành...) và nguồn thu nhập ngoài lương cao hơn nhiều lần so với cái gọi là lương thì cần phân biệt công chức tham nhũng thành hai loại.
Loại thứ nhất là tham nhũng tệ hại cần lên án (làm không tốt chỉ tìm cách bòn rút của công, gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân để họ phải cung phụng mình). Loại thứ hai là tham nhũng để tồn tại hoặc làm tốt nhưng cơ chế đãi ngộ bất hợp lý nên tìm cách chế biến để có thu nhập.
Vậy làm thế nào để công chức không còn buộc phải tham nhũng để tồn tại? Ý kiến đề xuất giảm hơn nửa công chức, làm lành mạnh bộ máy, xã hội hoá các lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải làm để có tiền trả lương cho những người thực sự cần cho bộ máy hành chính của TS Lê Kiên Thành đã được nhiều bạn đọc VietNamNet chú tâm, phân tích, mổ xẻ để tránh những "tác dụng phụ" như "người tài, người tốt ra đi, người tồi ở lại".
Dù nói hay không, nhiều người đều nhìn thấy một thực trạng: Cuộc cạnh tranh để trở thành công chức Nhà nước là gay gắt (có thể một số cuộc cạnh tranh là không lành mạnh hoặc thiếu tính minh bạch như dùng phong bì đi đêm, tận dụng mối quan hệ thân quen).
Làm thế nào để những công dân VN ở độ tuổi lao động không coi làm công chức là con đường kiếm sống ít rủi ro và nhiều cơ hội nhất? Đó là cần có một cơ chế đủ mạnh để tạo môi trường thông thoáng bình đẳng cho mọi cơ hội làm việc. Điều đó chỉ có thể tìm thấy ở một nền kinh tế thị trường thực sự, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng. Có thế, một giải pháp cải cách hành chính triệt để - mới mong có tính thực tế. Nếu không, sẽ không một công chức nào - dù tồi, chấp nhận ra khỏi guồng máy. Mà rất có thể, họ sẽ lại tạo thêm cơ hội tham nhũng cho lãnh đạo cấp trên để được tồn tại. Và vô hình chung, chúng ta lại thay điều xấu này bằng điều tồi tệ hơn.
Công chức không thể "một mình" tham nhũng nếu không có sự thoả hiệp của "đối tác". Một chủ tài khoản biết mười mươi những khoản khai trong bản thanh toán của cán bộ đi công tác là khai khống nhưng họ vẫn ký chi bởi họ biết nếu "chiểu theo nguyên tắc" thì sẽ không ai còn muốn rời căn phòng máy lạnh ở công sở để đi xuống địa phương.
Và khi cấp trên đến "thăm" cấp dưới, đôi khi cũng chặc lưỡi cầm phong bì vì lời "giải trình" rất hợp tình, hợp cảnh: "Tiền bồi dưỡng thêm bù cho công tác phí quá thấp". Việc tồn tại những văn bản, pháp quy thiếu tính thực tế để người dân muốn "làm tắt cho nhanh" còn "quan" thì nhìn vào đâu cũng thấy tội là cơ hội của tham nhũng. Một khi người dân thấy việc thực hiện những quy định của pháp luật còn phiền nhiễu hơn việc bị thoả hiệp với sự nhũng nhiễu của công chức thì tệ tham nhũng khó mà chống được.
...Dù chúng ta không tuyên bố: 'Sống chung với tham nhũng" nhưng tham nhũng vẫn tồn tại như một quy luật khách quan. Có nghĩa là 'chủ quan" của chúng ta có vấn đề. Nhiều người gọi đó là "lỗi hệ thống"... |
Đó là chưa kể vì sự trì trệ của cơ chế, sự không hợp lý trong cách đánh giá, quản lý, sự lạc hậu với đời sống của những văn bản pháp quy khiến nhiều doanh nghiệp phải xé rào. Việc xé rào như thế, nếu "bị" soi ắt có tội. Nhìn ở góc độ này, đôi khi ranh giới giữa sự năng động và phạm quy thật mong manh và khó tránh. Nhưng nếu không có nhân tố dám phá rào, ắt hẳn nền kinh tế Việt Nam không thể có những bước tiến đáng ngạc nhiên sau 20 năm đổi mới. Nếu bây giờ, làm một cuộc "đại sát hạch", chắc không nhiều lắm doanh nghiệp và công chức dám tuyên bố: "Chúng tôi không sai".
Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, người dân vẫn chứng kiến những vụ việc tham nhũng được phanh phui nhưng tệ nạn này lại không thấy dấu hiệu giảm. Có nghĩa là dù chúng ta không tuyên bố: 'Sống chung với tham nhũng" nhưng tham nhũng vẫn tồn tại như một quy luật khách quan. Có nghĩa là "chủ quan" của chúng ta có vấn đề. Nhiều người gọi đó là "lỗi hệ thống". Vậy thì, xử lý vụ việc là cần thiết nhưng tìm ra giải pháp ngăn ngừa tham nhũng để sửa lỗi hệ thống là công việc cấp bách để giải quyết được thực chất vấn đề tham nhũng hiện nay.
-
VietNamNet
Ý kiến của bạn: