Giảm nhũng nhiễu là tăng cơ hội!
(VietNamNet) - Giảm bớt nhũng nhiễu, tiêu cực là một chủ đề nóng của kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HN vừa rồi. Và lời "kêu gọi": "Đừng để người ta nói động đến Hà Nội là tiêu cực" của Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cũng là sự trăn trở của không ít người HN. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên của Quốc hội, nguyên giám đốc Sở Văn hoá HN.
"Đơn thương độc mã sẽ khó thành công"
- Về vấn đề nâng bậc chỉ số xếp hạng cạnh tranh cho HN, ông Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh chuyện thúc đẩy sự minh bạch của hệ thống hành chính. Là một công dân HN lâu năm, lại từng là giám đốc Sở văn hóa HN, một trong những nơi dễ bị mang tiếng về tệ nhũng nhiễu, ý kiến của ông thế nào?
- Tôi ủng hộ tâm huyết đó của anh Nghị. Đột phá vào khâu cải cách hành chính là một hướng đi đúng đắn, hợp lý, an dân của tân Bí thư Thành ủy HN. Tôi cũng khẳng định rằng việc này trước kia HN đã làm, nhưng vấn đề là làm đến đâu và làm như thế nào. Đây không phải là câu chuyện của một Sở mà là chuyện của tất cả các ban, ngành.
Với tư cách là Thủ đô, "anh" không chỉ làm cho bản thân mà còn làm gương cho cả nước, HN cần đẩy mạnh cải cách hành chính ở tầm cao hơn nữa. Để làm điều này, đòi hỏi phải kiên trì và kiên quyết. Tất cả phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm và thái độ kiên quyết của người đứng đầu. Nhưng không thể cứ đơn thương độc mã mà thành công được.
- Nhiều người nói rằng tệ nhũng nhiễu đã trở thành thói quen, ăn vào nếp của người HN. Từng đứng đầu một cơ quan văn hóa của HN, ông có cho rằng việc thay đổi điều đó sẽ rất khó khăn hay không?
- Quá khó. Bởi nếu như bây giờ, mọi điều quy vào văn hóa đều có lý. Vì xét cho cùng, nói tới văn hóa là nói tới con người. Nhưng nó còn liên quan đến vấn đề kỷ cương, phép nước.
Đây là chuyện sửa hay bỏ đi một thói quen phổ biến trong mọi cấp, mọi ngành. Giả sử mọt người lên đảm nhận công việc trong 2, 3 năm, có thể đề ra nhiều cải cách tiến bộ nhưng để thay đổi thì không dễ.
Thời gian gần đây, tân Thủ tướng đã giải quyết dứt điểm một loạt vụ việc. Động thái rất tích cực, quyết đoán. Đó là cơ hội cho Hà Nội xử lý nghiêm tệ nhũng nhiễu.
"Cấp trên không hành xử trung thực sẽ gây phiền nhiễu cho cấp dưới"
Theo dòng sự kiện |
Hà Nội chọn ''con người và thủ tục'' làm khâu đột phá ''Không để mang tiếng làm việc với Hà Nội là tiêu cực'' |
- Chúng tôi vẫn còn nhớ, thời điểm ông còn là giám đốc Sở Văn hoá HN, theo đánh giá của nhiều người thì tệ nhũng nhiễu đã giảm đi phần nào. Vậy, ông đã từng chứng kiến những câu chuyện nhũng nhiễu nào? Ở thời điểm đó, đã có cấp dưới nào bị mất chức hay chưa?
- Riêng vấn đề cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, sự nhũng nhiễu nhìn thấy bắt đầu ngay từ khâu thụ lý hồ sơ. Thường thì, khi nhận hồ sơ xin cấp phép của người dân, cán bộ thụ lý không nêu rõ yêu cầu và nói rõ hồ sơ cần những gì, hồ sơ đã có và còn thiếu gì. Cứ nhận "rồi để đấy", hôm sau người ta đến lại nói thiếu một thứ nào đó, về lo xong lại kêu thiếu thứ khác...
Biết được hiện tượng đó, chúng tôi đã yêu cầu phòng quản lý văn hóa phải thông báo công khai những yêu cầu đầy đủ của một bộ hồ sơ. Đồng thời, người tiếp nhận cũng phải ký tên, lưu lại ngày tháng trên bộ hồ sơ đó để làm rõ trách nhiệm từng người. Hồ sơ chưa đủ điều kiện, không được phép tiếp nhận. Chính tinh thần đó đã làm giảm đi rất nhiều sự nhũng nhiễu. Trong suốt thời gian đó cũng ít có ai kêu ca về giấy tờ.
Nhưng nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu mà cũng cần phải dẹp bỏ, đó là sự thoả hiệp từ phía người dân. Đến nộp hồ sơ hôm trước, họ chỉ mong công việc được giải quyết ngay hôm sau. Vậy nên, họ sẵn sàng nhét phong bì vào hồ sơ để thúc cho công việc "chạy".
Để những người có ý tưởng thực hiện được ý đồ tốt đẹp của mình, không dễ. Một sở, ngành có hàng chục phòng ban, mà phòng ban nào cũng có thể dính dáng đôi chút đến một giấy phép chung. Lâu nay cơ quan công quyền đã tạo ra cho người dân thói quen hễ cứ đến cửa hành chính là phải tiêu cực. Thói quen đó đã ngấm vào từng người dân.
Để giải quyết, cần làm từ cả hai phía.
Và ông đã "xử" người ngoài làm hỏng công chức thế nào?
- Chúng tôi đã từng đưa ra cách xử lý là, nếu phát hiện ban ngành, công ty nào nào gửi gắm tiền bạc cho các cán bộ hành chính là chúng tôi ngừng việc cấp phép, bởi "anh" đã làm cho cán bộ của chúng tôi hư hỏng, trong khi chúng tôi đang có biện pháp xiết chặt kỷ luật với họ. Hơn nữa, một số ít cán bộ thường muốn công việc nhanh, lại gọi điện xuống cho chúng tôi để thúc ép, trong lúc hồ sơ thiếu đủ thứ. Anh muốn làm "tắt", muốn tác động. Nếu người đứng đầu mà xuê xoa, nể nang đồng ý, thì giải quyết xong một trường hợp sẽ tiếp tục phải làm tiếp những trường hợp khác, dẫn đến cơ chế xin - cho...
- Vậy trong thời gian làm ở Sở, có lần nào ông nhận được cuộc điện thoại "chỉ đạo" từ trên nhưng ông không tiếp nhận và trong một lần họp lãnh đạo, ông bị nhắc khéo điều gì về việc mình đã "ứng xử cứng" hay không?
- Chưa hề có. Bởi, tôi luôn ứng xử thẳng thắn và... phù hợp với văn hoá HN. Ở chỗ, nếu có ai đề nghị một vấn đề gì đó, tôi sẽ rất tích cực, mềm mỏng nhưng không thay đổi nguyên tắc, đó là hồ sơ phải đầy đủ. Tôi chưa bao giờ gọi điện cho cấp dưới để "khẩu dụ" hay bút phê, rằng "các đồng chí cần làm nhanh". Tôi chưa bao giờ vướng vào trường hợp nhờ cấp dưới để rồi lại "cắn răng" giải quyết những việc sai nguyên tắc mà cấp dưới nhờ vả.
- Có nhiều người đứng đầu cơ quan tuy rất khó chịu với tệ nhũng nhiễu nhưng vẫn không thể chống được bởi nhiều khi cấp dưới làm gì họ không thể kiểm soát hết?
- Tôi nói với cấp dưới của mình là: "Tôi tin các ông. Tôi phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước, nhân dân. Nhưng các ông thì phải chịu trách nhiệm với tôi. Nếu có một việc sai không cố ý, cấp trên chắc chắn không thể xử lý miễn chức tôi. Nhưng nếu để xảy ra việc sai ấy, các ông là người làm trực tiếp thì chắc chắn tôi sẽ không để các ông ngồi ở vị trí đó nữa".
"Hãy đến đây, thời gian nhanh nhất, mọi thứ đều minh bạch"
- Ông đã từng rất tâm huyết với ý tưởng: "một cửa" trong việc cấp phép treo biển quảng cáo mà rồi hình như không thành công. Vì sao vậy?
- Việc quảng cáo tấm lớn, Ủy ban nhân dân TP đã ký quyết định số 10, nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được. Đó là một ví dụ tiêu biểu cho việc không thoả thuận được giữa các ngành về cùng một vấn đề. Ngành xây dựng cứ dựa vào quy định hướng dẫn của ngành để lý luận rằng những biển quảng cáo đó không khác gì công trình xây dựng, không thể chỉ thỏa thuận mà phải cấp phép hẳn hoi. Giao thông công chính cũng cho rằng đó là vấn đề của họ. Rồi kiến trúc sư trưởng lại đặt nó dưới góc độ quy hoạch kiến trúc.
Tôi chỉ đặt vấn đề, rằng, cái lý là đúng, nhưng người dân không muốn và không biết đi nhiều cửa. Chính vì vậy, trong quyết định 10 cũng nêu rõ chỉ cần thỏa thuận nơi này, nơi khác và đi xin giấy phép một "cửa" thôi. Nhưng rồi, việc cải cách ấy cũng không thực hiện được. Người dân vẫn phải đến chỗ này, chỗ khác để "chạy" cho được một giấy phép.
Và khi người dân đã thấy phức tạp quá, thì họ không cần xin phép nữa. Họ chạy đến giúi tiền vào một nơi nào đó, ở phường, ở quận miễn là sau đó dựng lên được một tấm biển quảng cáo không phép. Dựng lên được rồi, để hạ xuống là rất khó.
- Qua câu chuyện đó, có thể thấy rằng, càng nhiều cửa thì càng dễ nhũng nhiễu, và người dân càng dễ làm sai?
- Đúng thế. Biển quảng cáo chỉ là chuyện nhỏ, còn chưa nói đến chuyện to hơn như xin giấy phép xây nhà, xin cấp phép đầu tư. Vì việc xin phép xây, sửa nhà khó quá nên ở HN mới mọc lên nhan nhản nhà "siêu mỏng", nhà trái phép... Và khi một người dân đã làm sai được rồi, thì có cả ngàn người dân sẽ làm sai theo. Tất cả những điều đó kéo theo một thói xấu, là nhiều người nhũng nhiễu. Mà người dân có làm sai như thế thì những công chức nhũng nhiễu mới có cớ mà kiếm tiền. Mà nhiều người làm sai thì lại càng "cần" phải nhũng nhiễu là vì sao, vì biết thừa "anh" làm sai, và để mặc việc sai trái đó diễn ra cho dễ bề nhũng nhiễu. Họ nuôi cái sự sai sót ấy, để có cơ hội nhũng nhiễu. Cứ luẩn quẩn như vậy nên tiêu cực, tham nhũng mới khó chống.
Vậy nên, đã xử lý là phải kiên quyết. Mà xử được rồi thì càng phải kiên trì để không cho cái sai tái phạm.
Hôm nay, Hội nghị TƯ 3 và cả cuộc họp của UBTVQH đều nhấn mạnh đến quyết tâm chống tham nhũng. Tâm huyết của ông về chủ đề này?
- Một tâm huyết nữa mà tôi muốn đề xuất là, khi quảng cáo môi trường cạnh tranh không chỉ của HN mà cả các địa phương khác, chúng ta nên thay khẩu hiệu: ưu đãi giá đất rẻ, giá nhân công rẻ nhất bằng cách quảng bá rằng, đến đây, thời gian nhanh nhất và mọi thứ đều được minh bạch, thông thoáng.
Đó mới là điểm hấp dẫn mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Bởi những khoản tù mù, linh tinh tuy không tốn kém nhưng mất quá nhiều thời gian. Và mất thời gian, sẽ mất cơ hội. Mà mất cơ hội là mất đi nhiều thứ lắm...
-
Lương Ngọc - Lê Nhung
Ý kiến của bạn: