Trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ
(VietNamNet) - Phản ứng nhanh chóng và kịp thời của tân Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng được sự năng động và linh hoạt của một nền hành chính trong xu thế hội nhập.
>> Mỗi ngày Thủ tướng xử lý một vụ, người dân hoan nghênh
"Phản ứng kịp thời của tân Thủ tướng đã đáp ứng được sự năng động và linh hoạt của một nền hành chính trong xu thế hội nhập". |
Trước những vụ việc tiêu cực liên quan đến một số quan chức cao cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị đình chỉ công tác trong thời gian 3 tháng đối với ông Trần Quốc Trượng (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) theo Pháp lệnh công chức.
Đây là một trong những quyết định nghiêm khắc, kịp thời đối với công tác điều hành đất nước của tân Thủ tướng. Động thái này đang được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Đây là nơi quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ TƯ đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Chính phủ chịu trách nhiệm trước QH và báo cáo công tác với QH, Uỷ ban thường vụ QH và Chủ tịch nước. Những nhiệm vụ cơ bản này đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992.
Ở các nước phát triển, Chính phủ là cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm trước QH về việc điều hành đất nước không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa giáo dục ngoại giao, an ninh, quốc phòng... Tất cả những trọng trách đó đặt lên vai người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Để hoàn thành nó, Chính phủ có quyền tổ chức nội các, có quyền lựa chọn các thành viên và đệ trình danh sách này lên để QH thông qua. Cũng chính vì có quyền tổ chức nội các nên Thủ tướng có quyền miễn nhiệm, cách chức các thành viên khi họ không đáp ứng được công việc mà Thủ tướng yêu cầu.
Trách nhiệm và quyền hạn luôn luôn là hai mặt song hành của nguyên tắc quyền lực. Chịu trách nhiệm đến đâu thì phải trao quyền lực đến đấy. Khi được trao quyền lực mà không hoàn thành nhiệm vụ thì anh phải tự nguyện rời bỏ quyền lực.
Đây là một nguyên tắc nghiệt ngã của chính trường.
Trở lại câu chuyện nước ta, trách nhiệm Thủ tướng nặng nề là vậy, nhưng Thủ tướng được trao những quyền gì?
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Điều 114 Hiến pháp có đoạn: “Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ; trình Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Thứ trưởng và chức vụ tương đương; phê chuẩn việc bầu cử; miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Rõ ràng trong việc trao quyền cho Thủ tướng, Hiến pháp của chúng ta vẫn còn mang nặng dấu ấn của nền hành chính cồng kềnh với thủ tục là phải “đề nghị...” . Tuy nhiên với những quyền đã được Hiến pháp trao cho Thủ tướng thì dường như trong mấy nhiệm kỳ Thủ tướng qua vẫn chưa sử dụng hết quyền năng ấy.
Trong dòng chảy cuồn cuộn của của hội nhập, thương trường là chiến trường. Cơ hội chợt đến, chợt đi không đợi một ai. Việc điều hành đất nước đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời. Đó là chưa nói đến chuyện những vấn đề nhạy cảm khác của đất nước như an ninh, quốc phòng, trước các sự kiện đúng sai cần phải có phản ứng kịp thời. Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ là người chịu trách nhiệm trước thủ tướng về lĩnh vực được phân công. Một ông bộ trưởng sai là ảnh hưởng đến ngành đó trong phạm vi cả nước. Khi việc đúng sai đã rõ ràng, được các cơ quan tư pháp phán quyết, việc quyết định số phận của một thành viên chính phủ không còn là chuyện quá khó.
Là người đứng đầu Chính phủ, nên chăng cần phải làm rõ: Thủ tướng có quyền đình chỉ công việc của các thành viên là chuyện bình thường và điều này là phù hợp với nguyên tắc quyền lực của người đứng đầu Chính phủ.
Tệ hành chính quan liêu của bộ máy đang là một vật cản của nền kinh tế. Ở phạm vi địa phương, tệ hành chính quan liêu đã quá rõ. Hàng chục cuộc hội thảo, hàng trăm diễn đàn, hàng ngàn bài báo đã nói về nó. Trong việc trao quyền và nghĩa vụ cho người đứng đầu chính phủ, chưa ai nói đến tệ này. Qua những trình tự trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức các thành viên của chính phủ chúng ta đang thấy dáng dấp của những căn bệnh đó.
Cũng như bộ trưởng, Thủ tướng là một nghề. Đã là nghề thì có quyền và nghĩa vụ của nghề. Khi trao nhiệm vụ cho nghề kèm theo đó là quyền năng cần thiết để thực thi nhiệm vụ ấy. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ thông tin với những thiết bị máy tính có khả năng xử lý thông tin siêu tốc với hàng tỷ phép tính/giây. Hệ thống chính trị của kỷ nguyên công nghệ số đang phải đối mặt với những biến đổi nhanh chóng và sâu sắc của đời sống kinh tế xã hội. Điều hành đất nước trong thời đại ngày nay đòi hỏi phải có một cơ cấu quyền lực gọn nhẹ và linh hoạt với sự giảm thiểu các thủ tục hành chính. Phải chăng vì lý do này mà Thủ tướng Chính phủ ở các nước được trao những quyền năng lớn hơn, linh hoạt hơn chúng ta?
Phản ứng nhanh chóng và kịp thời của tân Thủ tướng chính phủ đã đáp ứng được sự năng động và linh hoạt của một nền hành chính trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những rào cản hành chính. Muốn hội nhập thành công, phải tìm thấy những bất hợp lý ấy để nhanh chóng khắc phục nó, nếu không, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau và nhìn các nước khu vực tăng tốc, cất cánh.
-
Như An
Ý kiến của bạn: