,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
813505
Nghề... Bộ trưởng?
1
Article
null
,

Nghề... Bộ trưởng?

Cập nhật lúc 17:57, Thứ Sáu, 30/06/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ở các nước, Bộ trưởng hay chính khách cũng chỉ là một nghề. Đã là nghề thì đều bình đẳng như những nghề khác, đều có nghĩa vụ với nghề cũng như quyền cơ bản của nghề. Trong các quyền đó có quyền bình thường của một công dân, quyền được tôn trọng đời tư, với tư cách là một công dân.

Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ do Thủ tướng đề xuất, cùng với 2 Phó Thủ tướng mới còn có 7 bộ trưởng mới được bổ nhiệm. Nghề bộ trưởng trong giai đoạn hiện nay có gì khác so với trước?

Bốn ngày chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 9 được truyền hình trực tiếp cho cử tri cả nước theo dõi. Trên nghị trường, các bộ trưởng phải giải trình những vấn đề nóng bỏng thuộc lĩnh vực quản lý của mình mà cử tri quan tâm. Những giải trình chưa thỏa đáng được các nghị sỹ chất vấn làm rõ. Dân gian vẫn coi đây là thời điểm mà các bộ trưởng phải “trả bài” cho các “giám thị” nhân dân. Cũng như kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa kết thúc chưa lâu, không phải bộ trưởng nào cũng thuộc bài để vượt qua kỳ sát hạch của dân chúng.

"Oách" như Bộ trưởng

Thời bao cấp, bộ trưởng gắn liền với những chiếc Volga do Liên Xô sản xuất, với những bìa mua thực phẩm hạng A, với những đoàn xe hộ tống khi đi công cán. Khi nền kinh tế chuyển đổi, những tiêu chuẩn cũ không còn nhưng Bộ trưởng vẫn là VIP.

Bộ trưởng chủ trì các cuộc họp, tham gia các buổi lễ động thổ, cắt băng khánh thành, cho ý kiến chỉ đạo, ký các quyết định liên quan đến quốc kế dân sinh... Tần suất xuất hiện của những bộ trưởng trên các  phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều.

Bộ trưởng "oách" như vậy nên bộ trưởng không chỉ là hiện thân của sự thành đạt, của quyền lực. Nhiều cô gái trẻ tuổi, có nhan sắc chỉ dám mơ tới con cái bộ trưởng, thậm chí chỉ được làm quen thôi cũng là một niềm tự hào...

Còn chuyện một ai đó có may mắn chụp ảnh chung với bộ trưởng thì lập tức mang hình đó ra hiệu, xử lý lại cho đẹp, phóng to, đóng khung hoành tráng treo ở nơi sang trọng nhất của nhà mình như là một niềm tự hào, vừa khoe khoang với bạn bè, vừa dọa những người yếu bóng vía. Nhất là những anh công an phường vẫn có thói quen thăm viếng vào những thời điểm không mong đợi.

Bộ trưởng "oách" như vậy nên không ít người thèm được ngồi cái ghế ấy dẫu phải trả bằng mọi giá. Câu chuyện của thầy trò Nguyễn Việt Tiến - Bùi Tiến Dũng có thể coi là một ví dụ.

Nỗi khổ của Bộ trưởng

Là thành viên chính phủ, người thay mặt Thủ tướng điều hành cả nước trong lĩnh chuyên môn mình được phân công, bộ trưởng oách là điều dễ hiểu. Chỉ đạo của bộ trưởng, ý kiến của bộ trưởng đáng giá ngàn vàng.

Nhưng chỉ nhìn thấy cái oách của bộ trưởng mà không nhìn thấy nỗi khổ của bộ trưởng là một điều sai lầm.

 

Cùng với vinh quang là trách nhiệm. Luật đời thật công bằng. Các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước lĩnh vực công tác mình được phân công. Trước Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bộ trưởng phải có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà cử tri băn khoăn hoặc chưa hài lòng.

Tuy thời gian chất vấn mỗi bộ trưởng chỉ có một tiếng đồng hồ, việc chất vấn chưa truy đến cùng, làm rõ bản chất vấn đề cũng như trách nhiệm nhưng chừng đó thôi cũng làm cho không ít bộ trưởng vã mồ hôi.

Trước nghị trường, Bộ trưởng Đào Đình Bình phải giải trình về trách nhiệm của mình trong "sự cố" PMU 18. Ông thanh minh, những sai phạm đó là cả quá trình. "Tôi thì mới về làm Bộ trưởng hơn 3 năm nay, các dự án mà các cơ quan điều tra phát hiện thấy thất thoát đều diễn ra trước đây, rồi một số vụ việc tiêu cực phát sinh cũng đều xảy ra trước khi tôi về nhận nhiệm vụ. Nhưng với tư cách đứng đầu, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cử tri và QH về những sai phạm đã diễn ra".

Giải trình của ông Bình được bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách của QH nhận xét: ''Bộ trưởng Đào Đình Bình nắm vấn đề chắc nhưng hơi muộn''.

Ông Quách Lê Thanh, Tổng thanh tra Chính phủ cũng phải trả lời 9 câu hỏi chất vấn xung quanh các vụ tiêu cực trong ngành Thanh tra, vụ nhận tiền “chạy tội” cho Lương Cao Khải... Trả lời của ông Thanh đã không làm vừa lòng các “nghị sĩ”. Bà Dương Thu Hương nhận xét: “Tôi cho rằng cách trả lời như thế chưa thấy được vấn đề. Rất nhiều đại biểu hỏi, một vụ việc thanh tra nhiều lần không phát hiện ra tiêu cực thì nguyên nhân tại đâu? Chất lượng thanh tra có vấn đề hay thanh tra có chuyện tiêu cực? “

Sự căng thẳng của cuộc “sát hạch” ở nghị trường khiến không ít bộ trưởng lúng túng. Nhiều khi đại biểu hỏi mà bộ trưởng không nhớ, còn hỏi lại đại biểu, thành ra trả lời không đến nơi đến chốn, không thấu đáo. Cũng có những câu trả lời của bộ trưởng chưa hay, được công chúng nhắc lại như những câu chuyện khôi hài. Ví dụ như Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển được nhớ đến với câu trả lời ở kỳ họp trước: “Tôi xin chịu trách nhiệm, được chưa?”.

Bộ trưởng cũng chỉ là một nghề

Bộ trưởng oách là vậy, bộ trưởng khổ là vậy, nhưng suy cho cùng lương bộ trưởng cũng chỉ được trên dưới 5 triệu đồng/tháng, tương đương với mức lương của một cô thư ký mặc váy ngắn ở một công ty liên doanh.

Những nổi khổ ở nghị trường được công chúng chứng kiến cũng chỉ là phần nổi của những nỗi khổ.

Trong khi thiên hạ có quyền kinh doanh, có quyền làm giàu, có quyền sắm xe đẹp, ở nhà sang, có quyền đi du lịch đây đó thì với bộ trưởng, mọi thứ đều không thoát khỏi con mắt xét nét của người đời.

Ông Đào Đình Bình “lỡ” có đi tắm bùn ở Nha Trang vài ngày cũng bị quy cho là thiếu trách nhiệm với vụ lật tàu ở Lăng Cô. Ông Trương Đình Tuyển có tiết kiệm chút ít cũng bị chê là “cá gỗ” là keo kiệt.

Bộ trưởng nào “lỡ” có một vài ba cái biệt thự hoặc “lỡ” cho con cái đi du học nước ngoài theo dạng tự túc cũng bị cho là không minh bạch. Còn chuyện tài sản của các bộ trưởng, thứ trưởng ở ta hiện nay là bao nhiêu, tưởng dễ như việc đếm tiền trong túi, nay vẫn nằm trong bức màn bí mật.

Thói quen tuyệt đối hóa hình tượng bộ trưởng hay xem thường bộ trưởng trước những việc mà họ chưa hoàn thành đều là biểu hìện của những cách nhìn sai lệch.

Ở các nước, bộ trưởng hay chính khách cũng chỉ là một nghề. Đã là nghề thì đều bình đẳng như những nghề khác, đều có nghĩa vụ với nghề và quyền cơ bản của nghề. Trong các quyền đó có quyền bình thường của một công dân, quyền được tôn trọng đời tư, với tư cách là một công dân.

Ý kiến của bạn:

,
,