Thi tốt nghiệp: Thi thỏa hiệp!
(VietNamNet) - Khả năng cạnh tranh tích cực - điều không thể thiếu khi hội nhập - đã bị triệt tiêu bằng sự thỏa hiệp của cả hệ thống. Kiến thức thu nhận được dựa trên cái gốc ngày càng mục ruỗng đi của sự gian lận ngày càng bành trướng ngang nhiên. Những nguy cơ nhìn thấy từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh giắt "phao" trong người trước giờ thi môn Văn ngày 31/5. Bảo vệ và lao công dọn "phao" sạch sẽ ở cổng trường ngay sau khi buổi thi kết thúc. Ảnh chụp tại Hội đồng thi trường THPT Trần Hưng Đạo và THCS Giảng Võ (Hà Nội). Phạm Hải |
Cả làng cùng tăng
Cuối tuần qua, những con số rộn ràng của kỳ thi tốt nghiệp được định hình.
Hà Tây - điểm nóng của thi cử - năm nay có một chuyển dịch nhỏ trong tỷ lệ tốt nghiệp. Cũng gọi là giảm, nhưng độ xê dịch chỉ ở sau dấu phẩy, từ 99,80 xuống còn 99,27%. Nghệ An xuống một chút trong cái thế vời vợi, 96,56%. Hải Phòng, Nam Định vẫn duy trì truyền thống suýt soát 98, 99% như nhiều năm. TP.HCM tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp "đầu bảy" (từ 70%) của năm ngoái như Cà Mau, Bình Phước, Cần Thơ...năm nay cũng khởi sắc, trong đó Bình Phước khả quan hơn cả, vọt lên hơn 20%.
Thống kê đẹp đẽ của kết quả bài thi khá tương thích với những con số báo cáo "sạch sẽ" ngay khi kết thúc đợt thi (chỉ 1 giám thị và hơn 100 thí sinh phạm quy).
Trái với những báo cáo vô hồn và những con số lạnh lẽo từ các địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng nóng hổi hàng loạt hiện tượng gian lận thi cử. Trèo tường ném bài, giám thị bắt tay với công an không còn là hình ảnh duy nhất ở điểm nóng Hà Tây mà lan từ Bắc Giang tới Nghệ An, Bình Phước. "Mua giám thị" chẳng phải chuyện duy nhất có ở một hội đồng của Hà Tây mà phủ tới Đắc Nông.
Tới tấp trong hàng ngàn email dồn dập đổ về tòa soạn những ngày đó, bức xúc nhất là những ta thán về gian lận khắp nơi.
Hẳn những người trong cuộc biết rõ hơn ai hết một kỳ thi khác, chẳng rườm rà, kềnh càng hay tốn kém mà vẫn cho kết quả thật hơn bất kỳ kết quả nào. Người thi làm bài tự giác không quay cóp, người coi, chính là những thầy cô thân thiết của học trò trong suốt 3 năm học thì nghiêm như những Bao Công.
Đó là kỳ thi thử để xem chất lượng thực sự của học trò trường mình thế nào, thử xem khả năng đỗ ĐH của học trò trường mình ra sao. Kết quả của kỳ thi đó, chỉ để "biết với nhau", hoặc không thành điểm số, hoặc để biết vậy mà ứng phó, không có trong các bản báo cáo thành tích, và do vậy, cũng chẳng nằm trong một thống kê nào trong báo cáo hay tổng kết về hoạt động của một năm học, về chất lượng của một khóa đào tạo.
Trong khi, vẫn những thầy cô giáo đó, những học sinh và phụ huynh đó, khi được "nâng cấp" lên trong một kỳ thi quốc gia với sự tham gia của chính quyền, công an, với những rườm rà của ban bệ, với những kềnh càng của tổ chức, có cả sự tham gia từ phó chủ tịch UBND cấp huyện hay cấp tỉnh, cùng với lực lượng an ninh hùng hậu, lập tức "bắt tay" nhau. Sự thỏa hiệp, được xuê xoa với một chữ "tình", để đề lọt ra, để đáp án tuồn vào, để cả một hội đồng thi có tới 500 bài thi "sai như nhau"...và để long lanh những con số mà, sau một chút "chặc lưỡi", một thoáng áy náy, rồi đâu lại vào đấy.
Cái giá của thỏa hiệp
Theo dòng sự kiện |
Tuổi Trẻ Lại đùa dai quá cỡ ! Cả hội đồng thi có bài thi giống nhau! Tỷ lệ tốt nghiệp THPT Nam Định: 99,87% |
150 ngàn, 170 ngàn, thậm chí có nơi 500 ngàn là cái giá mà mỗi thí sinh ở Hà Tây, Đăk Nông "tình nguyện trong thế ép buộc" đóng góp để gọi là, như cách giải thích của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây, bồi dưỡng tiền xăng xe cho giám thị trong những ngày coi thi vất vả bên cạnh số tiền "hẻo" của Nhà nước (chỉ có 25.000 đồng).
Phổ biến hơn cả là mức đóng góp vài chục ngàn mà cả thầy lẫn trò định danh là "tiền ngu".
Học sinh giỏi muốn nghiêm túc cũng "chẳng dại gì" hoặc mất động lực tự giác chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi. Học sinh trung bình muốn "làm nghiêm" cũng thành đơn độc với lời châm chọc "dốt mà chảnh". Học sinh kém hoan hỉ hơn cả vì được tiếp tế rào rào.
Gia đình cần một tấm bằng cho con em mình, chí ít là căn cứ tối thiểu để tiếp tục những sự nghiệp khác: học nghề, nhập ngũ hay dự cuộc thi ĐH cam go. Nhà trường cần những con số đẹp để khẳng định hiệu quả "nâng cao chất lượng giáo dục". Tỉnh muốn số đẹp để "sang" thêm trong báo cáo về những thành tựu văn hóa xã hội đạt được trong năm. Xã hội chưa chuẩn bị cho một sức ép lớn của những người "không có bằng tốt nghiệp, không biết tiếp tục làm gì".
GS Lê Ngọc Trà phân tích "Nhà trường là nơi có trách nhiệm đào tạo những công dân tốt cho xã hội. Nhưng nhà trường cũng là sản phẩm của xã hội. Xã hội phải đặt nền móng cho giáo dục bằng cách tự làm sạch mình khỏi tâm lý hư danh, khoa cử, khỏi những thói chạy chức chạy quyền, tham ô, giả dối và những đảo lộn về giá trị, đạo đức trong xã hội".
Thế nhưng trong tam giác gia đình - nhà trường - xã hội, ai sẽ bắt đầu "không chấp nhận thoả hiệp"?
Sự dũng cảm hi hữu của Quảng Nam năm kia, của Khánh Hòa năm ngoái khi chấp nhận tỷ lệ tốt nghiệp ở mức 74%, 64% dường như đã bị thoả hiệp, ở trong một môi trường và lề thói đánh giá năng lực con người dựa trên những con số thành tích cao vống và tìm kiếm hiệu quả của sự việc bằng cái bắt tay "vui vẻ cả làng".
Kết quả thi tốt nghiệp cho thấy một thảm hoạ trong bối cảnh, hơi nóng gia nhập WTO của Việt Nam đang phả rát sau lưng.
Nguồn nhân lực hội nhập không chỉ với nền tảng tri thức vốn không khó lắm để trang bị ở thời đại cứ 1 giây lại nảy sinh tri thức mới và 1 phút nhấp chuột có thể thu nhận vô số thông tin.
Sự dai sức để "tập bơi trên biển" phải được tựa vào nền tảng vững chắc là sáng tạo và trung thực, mà nói như GS Hoàng Tuỵ, là hai đức tính thật sự cần thiết để thành công trong quá trình hội nhập.
Và bản lĩnh cạnh tranh tích cực - điều không thể thiếu khi hội nhập - cũng đã bị triệt tiêu bằng sự thỏa hiệp của cả hệ thống.
Ra sân chơi lớn bằng sự thoả hiệp được không, với những con số ảo đẹp kia?
-
Hạ Anh
Ý kiến của bạn: