Dùng nghị định 'kiềm chế' giấy phép con...
(VietNamNet) - TS Nguyễn Đình Cung, trưởng ban kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng tâm lý "ôm để quản" là lý do chính để nảy sinh tình trạng "mỗi tuần ra đời một giấy phép con". Ông cũng nói thêm, một nghị định về việc ban hành các loại giấy phép mà các ông đã soạn thảo sẽ là "thuốc đặc trị"...
TS Nguyễn Đình Cung: "Sắp có thuốc đặc trị giấy phép con". |
"Trung bình mỗi tuần một giấy phép con", thông tin mà ông Nguyễn Đình Cung nêu ra trong Hội thảo trong hội thảo về “Sáu năm thi hành Luật doanh nghiệp 1999: những vấn đề nổi bật và bài học kinh nghiệm” (diễn ra ngày 25-5 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tổ chức) rất được báo chí quan tâm trong các bài tường thuật.
Điều đáng lưu ý hơn là nhận định mà ông Cung đưa ra từ hội thảo này là " Điều nguy hiểm là các giấy phép mới thường được "cài cắm" vào các nghị định và pháp lệnh. Như vậy các giấy phép đã được luật hoá và điều này đang dần "gặm nhấm", hạn chế sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp và phạm vi tác động của Luật". Ông cũng cho biết rằng, "sắp có thuốc đặc trị cho việc 'loạn" giấy phép con".
Vậy "thuốc đặc trị" đó là gì? Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đình Cung.
"Đặc thù" Việt Nam: Nghị định là quy phạm pháp luật (?)
Thưa TS, trình bày của ông tại Hội thảo có nhắc đến các nghị định và pháp lệnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc "lạm phát" giấy phép con. Theo ông, tại sao chúng ta lại bắt buộc có nghị định hướng dẫn khi áp dụng một bộ luật nào đó? Ở các nước khác có như vậy không?
- Vì những quy định trong luật chưa đầy đủ nên phải có Nghị định để bổ sung. Ở nước ngoài, nghị định chỉ có tác dụng hướng dẫn các thao tác hành chính cho bộ máy nhà nước chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật.
Ông có cho rằng, với cách làm lâu nay của chúng ta là để cho một cơ quan bên Chính phủ vừa chuẩn bị dự thảo Luật vừa ra nghị định hướng dẫn nên nếu có ý nào mà biết chắc rằng QH sẽ khó mà thông qua thì họ sẽ để dành rồi "biến hoá" để đưa vào vào Nghị định hướng dẫn?
- Theo tôi thì cần phải nói rõ ra thế này: Có ba khả năng để ban hành các Nghị định dưới luật.
+Thứ nhất, khi gặp phải những vấn đề phức tạp chưa quy định được cụ thể trong lụât, sẽ giành thời gian nghiên cứu để ra nghị định.
+Thứ hai, đó là cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nên ban soạn thảo mỗi người một ý khiến ban soạn thảo không thống nhất được, người ta để lại và ban hành nghị định.
+ Thứ ba, có số người vì lợi ích cục bộ, chưa đưa vào luật mà để lại ra nghị định.
Thế ông nghĩ sao về nhận định: trình độ làm luật của ta còn kém, chưa sát với cuộc sống cho nên mới ra những điều khoản chung chung - đó là đất sống của nghị định và giấy phép con?
- Theo tôi, Không ai có đầy đủ kiến thức về mọi lĩnh vực. Muốn nâng cao chất lượng làm luật thì Đại biểu QH phải có văn phòng và thư ký giúp việc. Phải chuyên trách và có bộ máy giúp việc thì công việc của ĐBQH mới có hiệu quả.
Con đường "chui lòng vòng" của giấy phép con
Vậy, việc mỗi tuần lại ra đời một giấy phép con, làm ảnh hưởng đến sự cởi mở, thông thoáng, tiến bộ mà Luật doanh nghiệp hướng đến - như ông cảnh báo trong hội thảo - có nằm trong khả năng thứ ba ("đẻ "giấy phép con vì lợi ích cục bộ) hay không?
- Cũng có. Có nhiều vấn đề mà trước đây Chính phủ đã bỏ đi, hoặc QH đã thảo luận hàng loạt mà chưa thống nhất, sau đó khi xây dựng nghị định mới hoặc sửa đổi bổ sung nghị định cũ, người ta đã đưa những thứ mà đáng lẽ khi bàn đã bỏ, lại đưa vào nghị định mới. Đây lại là những vấn đề nằm trong trường hợp thứ ba.
Ví dụ như trường hợp thẻ người đại diện sở hữu doanh nghiệp, khoảng năm 2000 - 2002 khi thảo luận về vấn đề giấy phép, đã thống nhất là sẽ bỏ, cùng với mấy trăm loại giấy phép khác. Sau này bổ sung sửa đổi nghị định, loại giấy phép này lại vòng vèo "chui" vào trong một nhánh của bộ luật về sở hữu trí tuệ.
Việc có nhiều pháp lệnh được nâng lên lên thành luật, sửa đổi luật hoặc ban hành luật mới càng tạo điều kiện cho những điều khoản đã bỏ đi lại "chui" lòng vòng đó khiến cho doanh nghiệp lại phải "cõng" thêm một số giấy phép con nào đó.
"Đẻ" giấy phép con để "ôm" tất cả...
Tình trạng này có phải xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, mỗi luật là do một Bộ riêng soạn thảo. Thứ hai, các đại biểu của mình khi tham gia đóng góp ý kiến cho luật đã không hề quan tâm đến quyền lợi của những đối tượng chịu tác động từ các bộ luật?
- Nói một cách công bằng, tư tưởng, tâm lý muốn quản lý, muốn kiểm soát vẫn thống trị và chi phối tư duy của phía soạn thảo luật và cơ quan thông qua luật.
Mà đã muốn kiểm soát thì rõ ràng phải ban hành giấy phép, dựa vào giấy phép. Ban hành giấy phép là để quản lý chứ không hề phân tích một cách khoa học rằng, mục tiêu của giấy phép ấy là đặt ra nhằm mục tiêu gì? Đưa ra rồi, có những thứ giấy phép liệu có đạt được mục tiêu đó không? Liệu có công cụ nào có thể thay thế cho giấy phép, vẫn đạt hiệu quả cao mà lại ít tốn kém hơn hay không?...
Lẽ ra, cần phân tích một cách khoa học từ mục tiêu, công cụ thực hiện đến điều kiện để cấp giấy phép... Làm được như vậy, chúng ta sẽ phân biệt được tính cần thiết và tính hợp lý của từng loại giấy phép.
Ngay người soạn thảo cũng chưa thực hiện những nghiên cứu khoa học như vậy thì rõ ràng, người quyết định là các đại biểu QH cũng chưa có đủ thông tin để cân nhắc lợi hại. Khi chưa được trang bị một phương pháp luận khoa học thì các đại biểu QH sẽ bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng có sự tác động tốt tới xã hội.
Hậu quả: Có người được nhận phong bì?
Nhưng có một bộ phận nào đó vẫn nghĩ giấy phép con làm lợi cho họ? Và chính "giấy phép con" là tiền đề nảy sinh tham nhũng?
- Phải nói công bằng, rằng giấy phép con là công cụ giúp Nhà nước dễ quản lý nhất. Nhưng với người chịu tác động thì nó đắt đỏ nhất và kém hiệu lực bậc nhất.
Song với tâm lý thích kiểm soát thì bao giờ và đầu tiên, giấy phép con cũng là công cụ đắc lực nhất.
Sau đó, trong quá trình thực hiện mới nảy sinh vấn đề, vì rằng có giấy phép thì sẽ nảy sinh xin - cho, từ đó sinh ra tham nhũng....
Các bạn phải thấy thế này, có thể người này "soạn" giấy phép con nhưng người khác "hưởng" phong bì chứ không phải người "đẻ" giấy phép con là nhằm tới cơ hội...cho để nhận phong bì.
"Lấy độc trị độc"
Theo ông, làm thế nào để hạn chế tư duy "đẻ giấy phép con để quản cho dễ"?
- Nhiều người trong chúng ta mong muốn một môi trường thông thoáng đối với doanh nghiệp và nhìn thấy các giấy phép con là một lực cản. Nhiều người đã nghĩ đến mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vấn đề là làm thế nào, ai làm và làm ra sao? Lâu nay, truyền thông đã làm thay đổi được khá nhiều mà bằng chứng là một bộ phận công chức đã thay đổi được tư duy.
Còn thuốc đặc trị mà ông từng nhắc đến?
- Vừa qua chúng tôi đã nghiên cứu trình lên một nghị định về quản lý giấy phép kinh doanh. Trong đó, đưa ra một phương pháp luận, một công nghệ hợp lý, khoa học để sản sinh ra giấy phép. Nếu các giấy phép được sinh ra theo đúng công nghệ trong nghị định này, thì sẽ bảo vệ được lợi ích chung cho xã hội và không làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của cá nhân trong xã hội. Phải trang bị một phương pháp tư duy khoa học. Dù đại biểu QH là cơ quan thẩm định hay soạn thảo, đều sẽ có phương pháp luận chung. Còn chúng ta hiện nay đang "đẻ" ra nó một cách tùy tiện. Tôi đã trình lên Bộ KH - ĐT. Bộ đang gửi đến các bộ khác để lấy ý kiến.
Không "nâng" thành luật vì ... sợ kém hiệu lực thực tế!
Thưa ông, nhưng nghị định không có quyền phủ quyết các luật đã được QH thông qua, và khi đó những giấy phép con "chui" vao đâu đó trong các Luật gây hạn chế sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp thì nghị định mà các ông sắp trình dù có được thông qua cũng không thể điều chỉnh?
- Tất cả những quy định về kinh doanh, dù là Luật hay Pháp lệnh thì đều do Chính phủ soạn thảo, QH thông qua. Nghị định này sẽ chi phối cả quá trình soạn thảo, bổ sung, sửa đổi và thực hiện quy định về giấy phép kinh doanh.
Chúng tôi muốn kiến nghị rằng, chiếu theo nghị định này để rà soát lại toàn bộ quy trình ban hành luật xem đã đúng công nghệ hay chưa? Nếu chưa đúng sẽ phải sửa đổi lại. Chính phủ hoàn tòan có điều kiện để chỉnh sửa lại.
Vậy tại sao các ông không nghĩ có thể "nâng" nghị định này lên thành một pháp lệnh hay là luật về việc "ban hành các loại giấy phép"?
- Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi đã lường trước tình huống này và thấy rằng không phải không có lý. Nhưng từ yêu cầu thực tiễn, và xét ý nghĩa, tác dụng, hiệu lực thực tế trong cơ chế chúng ta, thì nghị định không thua kém so với luật.
Luật có hiệu lực pháp lý nhưng nghị định có hiệu lực thực tế. Nhưng để "ra" được luật thì phải mất 2, 3 năm trong khi hiện này giấy phép con đang "sinh sôi" với tốc độ nhanh. (Gần đây càng tăng vì QH thông qua nhiều luật) Và điều thứ ba, rất khó nói, đó là... đụng vào QH lại sẽ rất khó thông qua, mà đôi khi được thông qua rồi, thì lại không có hiệu lực thực tế.
-
Lương Bích Ngọc - Lê Nhung (thực hiện)
Ý kiến của bạn: