,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
784064
Làm gì để kiếm 2 tỷ USD/năm?
1
Article
null
,

Làm gì để kiếm 2 tỷ USD/năm?

Cập nhật lúc 09:20, Thứ Tư, 12/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ở cả Tây Âu và các nước Đông Á, tiền viện trợ đã được sử dụng để vực dậy những ngành sản xuất có khả năng xuất khẩu chứ không phải để xây dựng những “đại công trình” kém hiệu quả.

 

"Chính phủ nên trao số tiền vay ODA cho người nào có khả năng quản lý khoản vay và hoàn vốn, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân". (Ảnh: Một công trình xây dựng bằng vốn ODA của Hà Nội)

 

Đây không phải là câu chuyện thành công của tỷ phú Bill Gates, hay tuyên truyền cho công nghệ Casino của Las Vegas, mà là câu chuyện của một nước nghèo châu Á sau bao nhiêu năm chiến tranh đang cố gắng bắt kịp các nước láng giềng.

Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, từ năm 2006 – 2010, Việt Nam sẽ phải trả nợ nước ngoài 10 tỷ USD, tương đương 2 tỷ USD/năm. Trong đó, 64,5% là nợ chính phủ từ các nguồn tài trợ chính thức (ODA).

Phần lớn cán bộ công chức đều cảm thấy số tiền hai tỷ đô là lớn, nhưng nhiều người không có cảm giác tiếc khi phải trả số nợ này. Có thể bởi vì họ chưa bao giờ trực tiếp đóng thuế thu nhập.

Hai tỷ đô la,
tức là số tiền xuất khẩu 13 triệu tấn gạo một năm, một con số mà chúng ta chưa bao giờ, và có lẽ không bao giờ đạt được. Hai tỷ đô la, tức là số tiền bán đi 33,3 triệu thùng dầu thô. Nếu biết rằng phần lớn – nếu không nói tất cả, sản lượng khai thác dầu của VN là các liên doanh, mà phía VN chỉ được chia từ 20 – 50% lợi nhuận, thì 2 tỷ đô la là số tiền Nhà nước thu được sau khi bán đi khoảng 70 triệu thùng dầu thô (tất nhiên đến lúc nào đó chúng ta sẽ cạn dầu). Hai tỷ đô la còn là tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành dệt may, ngành thủy hải sản hay ngành da giày (mặc dù lợi nhuận thu được thấp hơn rất nhiều).

Nếu tính GDP trên đầu người của VN là 450 đô la một năm, thì để làm ra 2 tỷ đô-la cần tới sức lao động của 4 triệu rưỡi người làm việc không ăn, không mặc, tương đương số dân của cả Thủ đô Hà Nội. Hai tỷ đô-la là tổng số tiền của 3 triệu kiều bào trên khắp thế giới gửi về cho người thân. Hai tỷ đô la là 4,5% GDP, trong khi mức tăng GDP hàng năm của chúng ta là 7,5%.

Mấy năm vừa qua, chúng ta chưa phải trả nợ ODA là do còn trong thời gian ân hạn. Nếu trừ tiền trả nợ, chắc chắn mức tăng GDP của VN không thể ấn tượng như những năm vừa rồi.

 

Theo sơ đồ trên (nguồn: Đại sứ quán Nhật Bản), 2 tỷ đô la tương đương với tiền ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho VN hai năm. Đó cũng là tiền thuế của người dân Nhật Bản. Như vậy kiếm được 2 tỷ đô la không hề đơn giản.

Nhưng con số 2 tỷ đô la đó tưởng to mà không to. Nó chưa bằng số tiền Nhà nước giao cho PMU 18 quản lý (34.600 tỷ đồng). Nó chỉ bằng 1/7 số tiền định bỏ ra để xây Sân bay Long Thành, hay 1/2 số tiền đổ vào Nhà máy hóa dầu Dung Quất, hoặc gấp đôi số tiền xây dựng các nhà máy đường trong nước, nhà máy Đạm Phú Mỹ hay Hầm Thủ Thiêm.

Những dự án trên có hiệu quả không, hiệu quả đến đâu, và thất thoát bao nhiêu? Đã đến lúc phải làm một cuộc tổng kiểm toán về vấn đề này.

Từ đầu những năm 2000, GS David Dapice, ĐH Harvard, trong bài viết "Helping Vietnam to Make Better Choice" đã đưa ra bằng chứng rằng VN sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư của VN là 27% GDP, trong khi tỷ lệ tăng GDP thực tế (do IMF tính lại) trong những năm 1990 là 4,5%. Trong khi đó Ấn Độ phát triển kinh tế gần 6% GDP/năm với tỷ lệ đầu tư chỉ có 21% GDP.

Theo GS Dapice, một trong những nguyên nhân thiếu hiệu quả là nguồn vốn vay không được dùng vào những ngành có thể xuất khẩu, mà lại sử dụng vào những công trình ít hiệu quả (như đã kể trên). Ngoài ra, chưa ai thống kê được con số thất thoát ODA do tham nhũng, hay số tiền ODA “quay lại” chính quốc do các ràng buộc về nhà thầu xây dựng, về giá vật liệu, về chi phí thuê chuyên gia, lập dự án. (Ví dụ, tỉ lệ “quay lại” của ODA Mỹ là 60%).

Thế giới không thiếu gì câu chuyện cả một quốc gia vỡ nợ như Ba Lan, Brazil, Argentina hay Bắc Triều Tiên. Song cũng có những câu chuyện thành công về sử dụng tiền viện trợ và tiền ODA.

Chẳng hạn, các nước Tây Âu trong kế hoạch Marshall (1947-1953), đã sử dụng hiệu quả 13 tỷ đô la để tái thiết kinh tế sau Chiến tranh Thế giới II. Rồi Đài Loan và Hàn Quốc trong nghiên cứu của A. Krueger và V. Ruttan (Aid and Development).

Ở cả Tây Âu và các nước Đông Á, tiền viện trợ đã được sử dụng để vực dậy những ngành sản xuất có khả năng xuất khẩu chứ không phải để xây dựng những “đại công trình” kém hiệu quả. Tạm gác những ý đồ chính trị của các kế hoạch ODA sang một bên, điều có thể thấy là tài và đức của những người sử dụng và phân bổ nguồn vốn ODA đóng vai trò rất quan trọng.

ODA chỉ thành công ở những quốc gia ổn định chính trị, ít tham nhũng, có nền kinh tế mở và luật lệ minh bạch. VN đã có tiền đề về ổn định chính trị, song để sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả, cần chọn những người có trình độ, được đào tạo bài bản, có đạo đức và có tâm để quản lý vốn, đồng thời trả lương cho họ xứng đáng và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, Chính phủ phải có tiêu chí rõ ràng khi phân bổ nguồn vốn ODA. Không thể cấp cho các công trình thuần túy chính trị mà kém hiệu quả kinh tế. Chính phủ nên trao số tiền vay ODA cho người nào có khả năng quản lý khoản vay và hoàn vốn, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Ở những Cánh đồng bất tận đâu đó trên làng quê VN đang có những người nông dân có thể sử dụng đồng vốn ODA quý báu hiệu quả hơn các quan chức ở hơn 1000 PMU trên khắp cả nước hiện nay. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ODA chỉ có hiệu quả nếu nó đi cùng với sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm tích lũy của nhân dân. Điều đó sẽ dễ xảy ra hơn nếu người dân được vay vốn ODA để học tập, xây bệnh viện hay sản xuất hàng xuất khẩu – từ đó có nguồn vốn để tích lũy. Cũng vì vậy mà nhiều nhà kinh tế cho rằng ODA theo chương trình (program – với sự tham gia của người dân) hiệu quả hơn là các ODA theo dự án (project – các đại công trình).

Nếu không phân bổ nguồn vốn ODA có hiệu quả, một lúc nào đó VN sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đó là sự kiện vi phạm trong các hợp đồng vay. Khi đó, các khoản ODA đến hạn đồng loạt (accelerated) và tình trạng vỡ nợ sẽ xảy ra.

  • Phương Mai

Ý kiến bạn đọc

Ho ten: Văn Trung, TP. HCM
Email: vantrung@yahoo.com
Cảm ơn tác giả Phương Mai và Vietnamnet đã chuyển tải đến độc giả những thông tin bổ ích. Thật ra, đối với chúng tôi, những sinh viên kinh tế ra trường cách đây 7 năm, thì những thông tin trên (trả nợ ODA, tham nhũng,…) không phải là thông tin mới. Tuy nhiên, chúng tôi thật mừng là những thông tin này đã bắt đầu đến được đến với tất cả mọi người dân VN thông qua báo chí. Tôi ước mong sao những thông tin trên được đưa vào trong các bài học chính khoá cho những học sinh phổ thông VN chúng ta (học sinh lớp 10 là nên biết rồi) để các em biết được rằng nước mình nghèo ra sao. Hơn nữa, các em học sinh hiện nay có quyền được biết các em phải trả nợ cho ai trong tương lai (các em chính là lực lượng lao động chủ yếu trong 5 -10 năm tới), và chúng ta có nhiệm vụ phải làm điều này.

Tôi tin rằng đề xuất của tôi không chỉ là ước mong. Chúng ta không nên đưa giáo dục chính trị Marx-Lenin quá nhiều vào các trường ĐH. Thay vào đó, hãy cung cấp trung thực những thông tin về thực trạng đất nước cho các em, để các em biết được mình sẽ phải đối mặt với cái gì sau khi ra trường. Các em có biết rằng tiền thuế thu nhập cá nhân (nếu đi làm thuê và may mắn có lương cao), tiền bảo hiểm xã hội của các em (kết dư mỗi năm bao nhiêu tỉ mà, ngoài ra dân Việt Nam không được biết thu chi ngân sách quốc gia ra sao, nên rất có thể tiền bảo hiểm xã hội đến một lúc nào đó sẽ được bù chéo qua để trả nợ ODA),…. sẽ được dùng để trả nợ nước ngoài ???

Nguy cơ VN trở thành Argentina thứ hai không phải là thấp đâu. Đặc biệt là khi mà hiện nay việc thành lập các tập đoàn tài chính – ngân hàng trên cơ sở các ngân hàng quốc doanh (bản chất là doanh nghiệp nhà nước) đang trở thành mốt và được chính phủ cổ súy. Bong bóng đất vẫn đang treo lơ lửng trên đầu, chỉ chực chờ ngày nổ (không quá 5 năm nữa, bong bóng đất sẽ nổ). Rồi hiện nay đang cổ suý cho đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN.

Nhớ lại sự kiện Thái Lan 1997, khi ấy Thái Lan (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) vay tài chính nước ngoài mà sản xuất không hiệu quả (dù rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng ở mức đáng nể).Thời gian ân hạn của các ngân hàng nước ngoài đã hết; thế là sụp đổ. Trường hợp Thái Lan khác VN chúng ta ở chỗ: tư nhân Thái Lan nợ, con số khá minh bạch. Doanh nghiệp nhà nước VN nợ, con số nợ không minh bạch. Hơn nữa, các ngân hàng quốc doanh VN chúng ta đã bao lần “khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất” cho các doanh nghiệp quốc doanh lỗ rồi, với con số bao nhiêu. Rồi đến bây giờ các ngân hàng quốc doanh này lại dự định trở thành các tập đoàn tài chính nữa bằng cách bán cổ phần ra nước ngoài.

Thực chất của vấn đề là chuyển nợ từ người này thành nợ của người khác, để qua mặt dân chúng VN. Quý vị có nghĩ rằng một ngày đẹp trời nào đó, khi mà BIDV có 49% cổ phiếu thuộc nước ngoài thì lãi suất cho vay đối với các khoản vay quốc doanh VN sẽ tăng lên, không cho “khoanh nợ, dãn nợ” tiếp hay không ? Khi đó, ngân sách quốc gia sẽ phải chi ra để trả nợ. Hay là khi đó, VN chúng ta quyết định “xù nợ” để trở thành Bắc Triều Tiên như hiện nay. Hay là con cháu chúng ta phải “gồng mình” trả nợ.

Tôi nhớ như in những lần đi học chính trị ngoại khoá (có điểm danh, nếu vắng sẽ bị trừ điểm vào các môn xã hội và có thể bị cấm thi,…) về “diễn biến hòa bình”, về “mặt trái của kinh tế thị trường” khi còn học ĐH. Nghe sao nó sáo rỗng. Thầy ở trên nói những chuyện không thật, còn ở dưới đây chúng tôi bàn về chính trị, về những con số mà các thầy dạy về tài chính cung cấp cho chúng tôi. Đó là những con số về nợ nước ngoài, là vốn vay ODA, là khoảng thời gian ân hạn, là tỷ lệ thất thoát trong ngành xây dựng. Bây giờ, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn: vui vì mình đã không tham gia vào “đại lộ tham nhũng”, vui vì mình đã nhận định đúng tương lai, nhưng buồn cực độ vì những nhận xét của mình khi xưa giờ đã thành hiện thực, buồn cực độ cho tương lai đất nước chúng ta. Tôi biết rằng lời lẽ của tôi hơi giận dữ và có đoạn hơi khó hiểu. Mong rằng quý báo đài cảm thông và nếu được, xin viết lại rõ hơn.

Do không thấy các vấn đề lớn như “vỡ nợ quốc gia”, “tập đoàn tài chính” hữu danh vô thực và đầy nguy cơ như VN ta hiện nay được đăng tải trên các báo, tôi mạo muội viết lên (không có số liệu) để nhờ quý báo đài có những bài phân tích sâu sắc (số liệu, dẫn chứng) về các vấn đề trên đăng tải đến độc giả. Một lần nữa, cảm ơn tác giả và Vietnamnet.

Ho ten: Hồ Hà Anh,  Quảng Bình
Tôi rất tán thành với đánh giá trên. Vay vốn ODA cũng như vay vốn ngân hàng để phục vụ một hoạt động sản xuất. Để sử dụng có hiệu quả, trước hết cần phải có phương án cụ thể, có nguồn lực, con người cụ thể (đủ năng lực, và tinh thần trách nhiệm với vốn vay). Chúng ta chỉ biết kêu gọi đầu tư, vay vốn, và tìm cách sử dụng cho bằng hết mà lợi ích mang lại chỉ là những khoản bòn rút từ các công trình sẽ được đầu tư.

Ho ten: Mai Quý Tuệ, Bắc Ninh
Email: tueevntelecom@yahoo.com
Bài viết của chị Phương Mai rất hay! Nó phản ánh được tình hình chung của nước ta hiện nay trong việc sử dụng đồng vốn tài trợ. Nhưng phải nói thêm rằng: chúng ta hàng ngày vẫn đã và đang nhìn thấy những thất thoát do những "con sâu tham những" gặm nhấm. Nhưng để làm được những điều mà trong bài báo đã viết thì Chính phủ cần phải có những cải cách lớn mang tính chất tổng thể, cần phải "hiện đại, sáng tạo" trong cách suy nghĩ của một số cán bộ chuyên trách...còn rất nhiều điều muốn nói. Tôi luôn tin tưởng và hy vọng Đảng và Chính phủ ta sẽ có những đường lối đúng đắn và sát thực để xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường Quốc khác!

Ho ten: Phạm Trung Nguyên
Tôi không đồng ý với ý kiến của bài viết của bạn. Bạn đánh gía "số vốn ODA mà chúng ta vay được dùng để xây dựng là không hợp lý" theo tôi là không đúng.

Đất nước có giàu mạnh được hay không phải kể đến công đóng góp của toàn dân và góp phần gián tiếp vào đó là sự đóng góp của GTVT, của một cơ sở hạ tầng phát triển. Bạn hãy thử nhìn lại VN những năm trước và những năm bây giờ xem. VN đã thực sự có được cơ sở hạ tầng phát triển hay chưa? Theo tôi việc đầu tư vốn ODA vào các công trình như bạn đã kể trên là vào những công trình GTVT, xây dựng cơ sở hạ tầng là hợp lý. Nhưng cái cách mà các cán bộ nhà nước thực hiện nó mới làm chúng ta phải xem xét lại vấn đề quản lý của chúng ta.

Tại sao trong những năm lại gần đây ta luôn có những vụ án kinh tế nghiêm trọng với khối lượng tiền bạc trong những vụ án ấy làm chúng ta không khỏi giật mình. Các nhà quản lý cũng có những cái lý lẽ của nhà quản lý để quyết định một việc gì đó liên quan đến sử dụng nguồn vốn vay ODA.

Chúng ta với quan điểm của những người đứng ngoài không thể lấy quan điểm của người ngoài cuộc mà áp đặp cho họ (qua báo chí) mà gây áp lực cho họ mà chỉ có thể góp ý để cùng bàn bạc và đưa ra được ý kiến mà theo số đông là hợp lý nhất.

Theo bài viết trên thì chỉ có 1 điểm duy nhất tôi đồng ý với tác gỉa là chúng ta phải sử dụng nguồn vốn ODA cho hợp lý, cho hiệu quả để tránh tình trạng VN trở thành vỡ nợ. Nhưng bạn khoan hãy đánh giá là nguồn vốn vay đổ vào các công trình lớn là không hợp lý, khi mà đất nước đang rất cần những công trình như vậy để phát triển.Thử hỏi công trình Thuỷ điện Sơn La đang xây dựng có cần thiết không? Công trình nhà máy lọc dầu có cần thiết không.v.v...? Và còn nhiều những công trình khác nữa.

Ho ten: NCM, Email: congminhtvha@yahoo.com
Tôi đã ứa nước mắt khi đọc các số liệu tổng hợp này. Những tưởng tâm hồn mình đã chai cứng khi đã quá quen với những tin tức tham nhũng, hối lộ nhan nhản hàng ngày trên các mặt báo. Nhưng không, tôi thật sự xúc động và cảm thấy rất đau lòng. Thế mới biết nước ta, dân ta còn nghèo quá. Những người nông dân chân đất lam lũ cả năm trời thu nhập chẳng là bao, thế mà lại phải trích một phần đóng thuế nông nghiệp. Chắc họ cũng không thể biết rằng phần công sức, mồ hôi đó của mình lại phải mang đi trả nợ nước ngoài và biết đâu đã vào túi các quan tham mất rồi... Mỗi người dân khi thực hiện một giao dịch hay mua một món hàng đều phải đóng góp một khoản thuế cho ngân sách. Thế nhưng tôi không thể biết chắc rằng tiền thuế thu nhập của tôi, tiền thuế nông nghiệp của Ba Mẹ tôi đã đi đâu, về đâu...

Ho ten: Trần Sỹ Nam, Lớp CNTT1A_Học viện kỹ thuật quân sự
Email: transynam24@gmail.com
Tôi nhận thấy việc chính phủ VN dành phần lớn nguồn vốn ODA cho đầu tư xây dựng cơ bản là một chiến lược đầu tư lâu dài, vì vậy việc đánh giá về kết quả mà nó đem lại không thể nhìn thấy trong ngày một ngày hai mà phải là cả một giai đoạn.

Việc dùng vốn ODA để tập trung cho một ngành công nghiệp nào đó thì chúng ta có thể nhận thấy hiệu quả mà nó mang lại trong một hai năm từ nguồn ngoại tệ mà nó có thể đem về nhờ xuất khẩu. Nhưng việc đầu tư làm một con đường, một hầm đường bộ thì hiệu quả của nó có thể thấy trong cả chục năm tiếp theo. Nhưng có một điều dễ nhận thấy hiệu quả mà nó đem lại là thúc đẩy sự phát triển cho cả một vùng kinh tế, hiệu quả đó khó nhận ra nhưng nó rất to lớn. Hơn nữa việc làm đường sá cầu cống, cơ sở hạ tầng giao thông... là những công trình đòi hỏi nhiều vốn. Song việc thu lại vốn là rất khó khăn, do đó các doanh nghiệp VN không mặn mà với việc đầu tư trong lĩnh vực này, mà nguồn vốn của họ cũng không đủ để làm những công trình lớn như vậy.

Đây là những công trình cần thiết. Việc chính phủ đầu tư là chính đáng và rất cần thiết. Có chăng là việc quản lí nguồn vốn này chưa được tốt nên thất thoát còn cao mà thôi.

Ho ten: NTBQT, Email: hllqt2007@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của người viết bài này. Mục đích của chúng ta là dân giàu nước mạnh, ai ai cũng biết đều này nhưng làm thì rất khó khăn. Dân số chúng ta hiện nay trên 80 triệu người, đa số là những người có hoàn cảnh không được khá giả. Do đó, nếu chúng ta có thể dùng nguồn vốn ODA để cho họ vay để sống, làm việc, ăn học thì khi họ thàn công thì họ sẽ đóng góp rất nhiều cho lợi ích nước nhà (tất nhiên ý của tôi ở đây là có thể trích một phần lớn để làm việc này thì có ích hơn). Làm như vậy thì mỗi người dân VN mới cảm thấy mình được quan tâm hơn khi sống trong một đất nước nghèo. Hơn nữa, hầu hết các cán bộ ngày nay hầu như tài thì kém, đức lại cũng kém. Vì thế chúng ta cần trích một số tiền để huấn luyện họ trờ nên tốt hơn bằng những phương thức thực tế và đạo đức. Cuối cùng, nếu thực hiện như vậy thì người đứng đầu nhà nước phải năng động hơn trước rất nhiều và đừng nên chỉ có nói suông.

Họ tên: Lê Văn Quyết,  Hoà Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hoá
Email: Catbui10101982@yahoo.com
Tôi không phải là người am hiểu về kinh tế nói chung và đầu tư nói riêng. Song tôi cũng là một cán bộ kỹ thuật. Thiết nghĩ những nhà lãnh đạo cần xem xét để có được những quyết định đúng đắn nhất. Thực tế thì không thiếu gì những mô hình trên thế giới và chỉ cần làm phù hợp với VN là chúng ta có thể làm theo họ.

Tôi nhận thấy rằng điều này không khó khăn gì với những người làm trong ngành cả. Đưa vốn cho chính người dân cũng không hẳn đã tốt. Cái chính là đưa đúng nơi có thể phát triển đồng vốn và mấu chốt là chống được triệt để tệ tham nhũng. Thiết lập luật lệ nghiêm minh và sử dụng được những người có tài có đức. Nhưng căn cứ vào đâu để xét người đó có tài, có đức. Đó mới là một câu hỏi lớn mà tôi muốn gửi đến những người làm công tác lãnh đạo?

Còn ý kiến của quý vị?

 

,
,