,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
783788
Quản lý nợ nước ngoài, trách nhiệm thuộc ai?
1
Article
null
,

Quản lý nợ nước ngoài, trách nhiệm thuộc ai?

Cập nhật lúc 09:34, Thứ Ba, 11/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nếu các khoản thu thuế thông thường được sử dụng không hiệu quả thì quốc gia sẽ nghèo đi. Nhưng khi các khoản vay sử dụng không hiệu quả thì gánh nặng nợ nần cho các thế hệ mai sau ngày càng chồng chất.

Vốn ODA phải là một nguồn ngân sách,sử dụng nguồn vốn này cần phải được quản lý như các nguồn ngân sách khác. Ảnh: Nguyên Vũ

Cuối cùng, sau nhiều lần chống chế, người đứng đầu Bộ GTVT cũng đã nhận trách nhiệm của mình trong vụ PMU18 và tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, câu chuyện không vì thế mà lắng dịu xuống.

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã nói rằng “nếu Chính phủ VN không xét xử vụ PMU18 một cách nghiêm minh, niềm tin của các nhà tài trợ có thể bị lung lay”. Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng thì cho rằng “Hệ thống giám sát, kiểm tra ở nước ta đã buông lỏng quản lý nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) đến nỗi hiện nay Quốc hội vẫn chưa có được bất kỳ báo cáo nào về nguồn vốn này”.

Câu chuyện lúc này không còn giới hạn ở Bộ GTVT nữa mà là vấn đề quốc gia: sử dụng và quản lý các khoản nợ vay nước ngoài. Nếu vấn đề này không được giải quyết thấu đáo, thì tác hại của việc mất uy tín đối với các nhà tài trợ nước ngoài chỉ là nhỏ so với tác hại của gánh nặng nợ nần.

ODA – nguồn ngân sách “đặc biệt” và gánh nặng nợ nần

ODA, ngoại trừ một tỉ lệ "cho không", phần lớn là một khoản nợ quốc gia. Đã là nợ thì phải trả, người trả là thế hệ này hoặc thế hệ sau, thông qua phần đóng thuế hay tài nguyên đất nước. Do đó, vốn ODA phải là một nguồn ngân sách. Về nguyên tắc, việc sử dụng nguồn vốn này cần phải được quản lý như các nguồn ngân sách khác, thậm chí phải chặt chẽ hơn.

Đơn giản, nếu các khoản thu thuế thông thường được sử dụng không hiệu quả thì quốc gia sẽ nghèo đi, nhưng các khoản vay sử dụng không hiệu quả, không những quốc gia nghèo đi mà gánh nặng nợ nần cho các thế hệ mai sau ngày càng chồng chất. Đây chính là điểm “đặc biệt” của nguồn vốn ODA.

Đến nay, khi nhiều câu hỏi đang đặt ra trong việc quản lý các khoản vay, thì tổng số nợ quốc gia đã lên đến 20 tỷ USD và mỗi năm nước ta phải trả nợ bình quân 2 tỷ USD (khoảng 32 nghìn tỷ đồng). Hãy so sánh con số này với ngân sách để xem có đáng giật mình hay không.

Năm 2005, tổng thu ngân sách là 211 nghìn tỷ đồng, nhưng phần thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đã chiếm gần một nửa (98 nghìn tỷ). Phần thu nội địa chỉ có 115 nghìn tỷ đồng. Ai cũng biết, khi gia nhập WTO, phần thu thuế xuất nhập khẩu sẽ còn rất nhỏ và nguồn dầu thô không phải là vô tận. Như vậy nguồn thu ổn định chỉ bằng khoảng 14% GDP (đây cũng là con số thu ngân sách bình quân của các nước trên thế giới), có cố lắm cũng được khoảng 17% là cùng, trong khi số nợ phải trả đã chiếm gần 4%, tương đương với 1/4 nguồn thu nội địa. Một con số khổng lồ.

Câu hỏi "lấy nguồn ở đâu để trả các khoản nợ này" là điều không dễ trả lời. Vậy mà qua vụ PMU18 vừa rồi, xem lại cách thức quản lý và sử dụng vốn ODA, mới thấy rằng việc xác định trách nhiệm đối với các khoản vay này không phải là điều đơn giản.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm sử dụng có hiệu quả các khoản vay ODA đương nhiên thuộc về chủ đầu tư. Đây chính là lý do mà ông Bộ trưởng Bộ GTVT phải từ chức khi để cho cấp dưới của mình gây ra thất thoát, lãng phí.

Mặt khác, Nghị định 90/1998/NĐ-CP và Nghị định 134/2005/NĐ-CP đã chỉ rõ: Bộ Tài chính là cơ quan quản lý tài chính đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ. Hay nói cách khác, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý việc chi tiêu, trả nợ các khoản vay nước ngoài như bất kỳ một khoản ngân sách nào.

Do đó, cùng với chủ đầu tư, Bộ Tài chính không thể là người "ngoài cuộc" khi xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng nguồn vốn này. Tuy nhiên, cho đến nay, khi mà Bộ GTVT đã nhận trách nhiệm của mình thì vẫn chưa thấy động tĩnh gì về phía Bộ Tài chính. Phải chăng Bộ Tài chính đã hoàn thành trách nhiệm hay không hề liên quan?

Đâu là giải pháp?

Một số ít quan chức nước ngoài chịu trách nhiệm điều phối vốn ODA thường có những lời biểu dương thành tựu và hiệu quả sử dụng loại vốn này. Có lẽ phải tỉnh táo hơn khi nghe những lời biểu dương như vậy. Họ chỉ giữ những vị trí này trong một nhiệm kỳ nhất định, họ không chịu trách nhiệm trả nợ thay cho dân Việt Nam, và không phải ai cũng giữ nguyên quan điểm sau khi rời vị trí. 

Đã thành thông lệ, trong các dự án ODA, các nhà tài trợ thường “cho” chủ đầu tư sử dụng một khoản kinh phí dùng vào các hoạt động quản lý, như mua xe ô tô chẳng hạn. Với vài chục dự án mà PMU18 được giao quản lý, mỗi dự án có tiêu chuẩn được mua vài ba chiếc xe và họ cứ vô tư mua sắm làm cho số đầu xe gần bằng tổng số cán bộ nhân viên là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại một chút sẽ thấy ngay tính phi lý của việc “cho” này. Tiền vay là tiền của mình. Sử dụng và quản lý nó như thế nào là quyền của mình chứ không có chuyện "cho" như vậy được.

Lúc này, câu chuyện trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn. Để tránh tình trạng ngân sách được sử dụng vô tội vạ mà anh “kế toán trưởng” nói rằng mình không biết gì, thì tất cả các nguồn vốn vay ODA cần phải đưa vào ngân sách và quản lý việc chi tiêu như tất cả các khoản chi tiêu khác.

  • Thảo Nguyên

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Chính phủ yêu cầu các Bộ soát cơ chế phân bổ ODA

Tôi đau xót nhất là họ xem vốn vay ODA như "của chùa"

"Cần đánh giá trách nhiệm của cả hệ thống quản lý"

1.000 PMU cần cơ chế kiểm soát và quản lý minh bạch

Để tránh kẽ hở cho cơ chế đổ lỗi

Tuổi trẻ

Chính phủ phải chịu trách nhiệm sử dụng viện trợ

Làm gì để trả nợ mỗi năm 2 tỉ đôla?    

Thanh Niên

Khi mỗi người Việt Nam đang nợ 37,5 USD vốn vay ODA


Ý kiến của bạn:

 

,
,