,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
782398
1.000 PMU cần cơ chế kiểm soát và quản lý minh bạch
1
Article
null
,

1.000 PMU cần cơ chế kiểm soát và quản lý minh bạch

Cập nhật lúc 19:23, Thứ Năm, 06/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet)- Phải sửa đổi cơ chế quản lý một cách hệ thống chứ không thể đợi vụ việc xảy ra rồi mới tính chuyện từ chức, cách chức... GS Phạm Phụ nhận định về trách nhiệm của Nhà nước qua vụ PMU 18.

"Thiếu cơ chế kiểm soát có trách nhiệm và quản lý minh bạch, không tham nhũng mới là chuyện lạ".

Chỉ đến khi vụ việc tiêu cực của PMU 18 vỡ lở ra, với một sự thật cay đắng, thì mọi người mới vội vã tìm hiểu, PMU là cái gì thế nhỉ? Cơ chế hoạt động ra sao? Nghiên cứu gần đây nhất của Tổ công tác ODA Chính phủ mới phát hiện ra: Các PMU ở nước ta “chưa ra ngô, cũng chưa ra khoai”!?.

Ta thử xem xét từ bản chất của PMU (Project Management Unit), một kiểu tổ chức phổ biến trên thế giới, tên VN gọi là “Đơn vị quản lý dự án”. Trước hết, từ “dự án” có nghĩa là công việc có thời hạn, không như là việc kinh doanh ở một công ty - về nguyên tắc là vô thời hạn; “đơn vị” ở đây cũng không có nghĩa là một pháp nhân kinh doanh và đóng thuế trước pháp luật.

PMU chỉ là đơn vị do một tổ chức hay công ty nào đó thành lập để thực hiện một dự án cụ thể trong thời hạn nhất định với nhiệm vụ: Quản lý sao cho chất lượng dự án đúng theo quy định, trong giới hạn về chi phí và thời gian. Xong dự án thì phải quyết toán cho dự án và PMU giải tán.

... "Chúng tôi trông đợi sẽ có những bước điều tra tiếp theo với quan điểm cải thiện hệ thống và cách thức làm việc trong thực hiện dự án làm sao để đáp ứng yêu cầu về trách nhiệm và minh bạch". (Ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, theo Tuổi Trẻ).

Sau nữa, ở những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu “mờ” hoặc ở các công ty cổ phần, có chuyện quyền sở hữu tách rời quyền sử dụng, như luôn phải có hai cơ chế: Cơ chế Hội đồng quản trị có chức năng kiểm soát (và quyết định chính sách) và cơ chế thực thi (Executive) với giám đốc điều hành để tổ chức thực hiện. Ở PMU cũng có chuyện tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng. Nhưng PMU chỉ là một đơn vị đại diện của tổ chức lập PMU, không là công ty nên không có tổ chức Hội đồng quản trị. Do vậy, tổ chức lập PMU phải có trách nhiệm xây dựng Cơ chế kiểm soát. Và, kiểm soát là phải bao gồm cả: (1) Giám sát thực tế, (2) So sánh đối chiếu giữa thực tế với kế hoạch và (3) Sửa sai, trong đó có việc đảm bảo cho chi tiêu là đúng mục đích và hợp lý.

Với PMU 18, chỉ xin lấy một ví dụ, việc cho mượn xe là chi tiêu sai mục đích. Đương nhiên ông giám đốc điều hành Bùi Tiến Dũng là người chịu trách nhiệm.

Nhưng, đâu là trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc xây dựng cơ chế kiểm soát với đầy đủ cả ba chức năng nói trên?

Đâu là trách nhiệm trực tiếp của ban kiểm soát trong chức năng so sánh và sửa sai, tương tự như trách nhiệm về mặt này của ông chủ tịch Hội đồng quản trị ở công ty vậy? Về mặt giám sát, Bộ cũng sử dụng xe cho mượn thì không thể nói là không biết.

Cũng cần phải nói thêm là, có cơ chế kiểm soát cũng chưa đủ để ngăn cản tham nhũng vì đôi khi vẫn có sự liên kết giữa 2 cơ chế, ví dụ như ở các công ty lớn vừa bị đổ vỡ cách đây vài năm, Enron, Worldcom… Vì vậy, còn có một vấn đề thiết yếu khác là quản lý minh bạch hay còn gọi là quản lý trong suốt (transparency).

Cứ hình dung thế này, ta để ông giám đốc trong một cái lồng (các ràng buộc) rất rộng và trong suốt. Ông muốn nằm thì nằm, ngồi thì ngồi. Muốn làm việc thì làm mà muốn chơi thì chơi… nhưng tất cả mọi hành động của ông đều phải được mọi người nhìn thấy, nghĩa là phải công khai trước công chúng. Như thế mới ổn. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào con đường quy định cho ông chi tiêu việc này là không quá 2%, việc khác là 5%... thì tôi tin rằng người ta có nhiều phương cách để nhào nặn các con số cho phù hợp với các khống chế đó.

Tóm lại, có thể nói thậm xưng, thiếu cơ chế kiểm soát có trách nhiệm và quản lý minh bạch, không tham nhũng mới là chuyện lạ. Do vậy, phải sửa đổi cơ chế quản lý có tính hệ thống chứ không thể đợi từng vụ việc xảy ra rồi mới tính đến chuyện từ chức, cách chức hay xử tù.

Chúng ta còn có đến khoảng 1.000 MPU khác nữa kia mà!

  • GS Phạm Phụ

Ý kiến bạn đọc

Ho ten: Nguyễn Quang Toản, Trường Đại học Giao Thông Vận Tải
Email: toan_hutc@yahoo.com

Rất tán thành với ý kiến của tác giả, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Bộ Trưởng làm chủ đầu tư dự án, trong trường hợp PMU18 là Bộ trưởng bộ GTV. PMU18 không có thực quyền, mọi việc nó phải tuân theo sự chỉ đạo của Bộ GTVT (bao gồm cả các cục, vụ tham mưu của Bộ). Nghiệm thu cũng Bộ GTVT. Thậm chí ai trúng thầu: thiết kế, giám sát và thi công cũng do Bộ GTVT quyết định, giao dự án cho nó hay không giao cho nó cũng là Bộ trưởng bộ GTVT. Chuyển nó thành gì đi nữa mà Bộ trưởng bộ GTVT vẫn muốn nó làm sai, để có công bộ hưởng, có tội Bộ Trưởng có nơi để đổ thừa thì kết quả cũng như nhau. Nó thành doanh nghiệp mà là doanh nghiệp sân sau của Bộ Trưởng thì tác hại cũng khôn lường.

Ho ten: Hữu Nguyên, 176 Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM
Email: huunguyen99@yahoo.com

Nhà nghèo phải vay nợ bên ngòai để đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển vững chắc trong tương lai là chuyện ai cũng hiểu và chấp nhận được. Ở cấp độ quốc gia, việc vay vốn nước ngòai cũng phải được thực hiện trên tinh thần ấy. Tức là cần phải đảm bảo được tính hiệu quả của nguồn vốn vay trên cơ sở mang lại những lợi ích và quyền được phát triển của người dân. Chính vì vậy mà “Thông cáo Hà Nội” tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2005 đã đưa ra một định nghĩa về tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA), đó là “tạo đầu ra (lợi ích gặt hái được) tốt nhất so với đầu vào (vốn vay), tạo được tác động giảm nghèo có thể đo lường được”.

Trên cơ sở coi trọng tính hiệu quả và những hành động thực tế hơn là các tuyên bố hòanh tráng, hầu hết các nhà tài trợ và các ngân hàng quốc tế đã mạnh mẽ yêu cầu phía Việt Nam cần cải thiện công tác mua sắm và quản lý nguồn vốn vay ưu đãi. Bởi không phải họ đã không nhìn thấy các tổ chức “có vấn đề” kiểu PMU chẳng hạn. Thậm chí họ còn hiểu rất rõ rằng vì quyền lợi “thâm căn cố đế” của mình mà các bộ chủ quản sẽ không mặn mòi gì trước đề nghị lọai bỏ PMU.

Chuyện gì phải đến rồi cũng đã đến, câu chuyện PMU 18 và những câu chuyện khác tương tự trong Bộ GTVT - nơi đang sử dụng phần lớn nguồn vốn ODA, khiến mọi người bàng hòang nhận ra rằng đã có không ít “lỗ kim” trong khâu quản lý nguồn vốn này đủ lớn để cho “cả đòan lạc đà” chui lọt. Mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) đã gửi một nhóm làm việc tới Việt Nam để rà sóat lại các dự án của WB do PMU 18 quản lý nhằm kết luận 3 vấn đề: Thứ nhất, vốn vay có được sử dụng đúng mục đích không? Thứ hai, các dự án có được triển khai tốt không? Và thứ ba là chất lượng các công trình. Theo ông Klaus Rohland – Giám đốc WB tại VN – đây chính là cơ hội của Chính phủ Việt Nam để đối mặt với sự việc và đưa ra các hành động kiên quyết, không phải nhằm làm yên lòng các nhà tài trợ mà quan trọng hơn là tạo niềm tin cho người dân Việt Nam. Bởi vì người dân không thể yên lòng khi họ biết rằng nguồn vốn vay nước ngòai nhằm mục tiêu phát triển đất nước mà họ và nhiều đời con cháu sẽ phải trả đủ đã và đang được quản lý, sử dụng thiếu minh bạch mà hậu quả nhãn tiền là hàng lọat các công trình kém chất lượng, hàng lọat vụ tham ô, tham nhũng gây thất thóat nghiêm trọng đã xảy ra… như ở PMU 18 của Bộ GTVT. Quan ngại hơn, bởi không chỉ có 1 PMU 18, theo điều tra của WB, hiện có khỏang 1.000 PMU tại Việt Nam có liên quan tới vốn ODA.

Khiếm khuyết và bất cập của các tổ chức PMU giờ đây đã rõ, trách nhiệm và tội lỗi của những người trực tiếp liên quan đang được cơ quan chức năng đánh giá và kết luận. Thế nhưng, PMU ra đời và tồn tại trong rất nhiều năm không phải tự thân nó. Cần phải xem xét trách nhiệm của tòan hệ thống quản lý có liên quan tới PMU. Có thể nói PMU là một cơ chế siêu quyền lực, nhưng tự thân nó không thể có được quyền lực như thế, nếu như các cơ chế giám sát, kiểm tra của Đảng và Nhà nước có hiệu lực trong các tổ chức này. Vậy cần phải xem xét cái gì đã mang lại cho PMU khả năng “siêu quyền lực” như vậy? Gần đây có thông tin WB, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ đánh giá nợ ODA của Việt Nam vẫn nằm trong vòng an tòan. Việt Nam đã bắt đầu trả nợ ODA cho các nhà tài trợ cả gốc lẫn lãi và Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam đã trả nợ đúng hạn. Hiện nguồn vốn vay ODA của Việt Nam chỉ chiếm khỏang 17% vốn đầu tư ngân sách và 11% tổng đầu tư tòan xã hội. Theo đánh giá của WB thì tỷ lệ này là không lớn so với nhiều nước đang phát triển khác. Vì vậy trong thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng nguồn vay ODA.

Nước Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đổ nát, hoang tàn rất cần vốn vay ưu đãi của nước ngòai để xây dựng lại nền kinh tế. Mặc dù nhu cầu vốn rất lớn nhưng người Nhật vẫn luôn tìm mọi cách để huy động nguồn nội lực, hạn chế đến mức thấp nhất nguồn vốn vay bên ngòai nên lúc vay nợ nước ngòai nhiều nhất (1958) số tiền cũng chỉ chiếm có 5% tổng vốn đầu tư của tòan nền kinh tế. Năm 1964, Nhật trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OEDC), một tổ chức của các nước công nghiệp tiên tiến, chưa đầy 20 năm sau chiến tranh. Dĩ nhiên trong quá trình đó, Nhật đã trả hết nợ nước ngòai.

Vay nợ để phát triển là cần thiết, nhưng phải luôn nhớ mình là con nợ và phải biết huy động nội lực cũng như kiểm sóat được quy trình vận hành của vốn vay để đảm bảo đường đi của chúng là minh bạch, đảm bảo mang lại lợi ích và quyền được phát triển của người dân. Bởi đơn giản “có vay thì có trả” mà phải trả bằng những lợi ích gặt hái được từ nguồn vốn vay đó. Như thế người dân mới có thể yên lòng vì biết rằng chúng ta là những con nợ lành mạnh và đáng tin cậy.

Ho ten: Minh Nguyệt, Hà Nội Email: nguyethn@yahoo.com

Tác giả  nói hoàn toàn đúng: Ban quản lý dự án là ban quản lý dự án chứ không thể là doanh nghiệp. Thông thường, người ta thành lập ra ban quản lý dự án để quản lý một dự án nào đó. Sau khi dự án kết thúc thì ban quản lý dự án đó sẽ hết nhiệm kỳ công việc. PMU18 ở đây là đơn vị trực thuộc đại diện của Bộ GTVT là chủ dự án là cơ quan tự mình đảm nhiệm công tác quản lý dự án. Có thể người đưa ra đề xuất này với ngụ ý rằng việc quản lý dự án nên được giao cho những công ty quản lý chuyên nghiệp, chứ không phải là bản thân chủ đầu tư tự làm lấy. Nếu hiểu theo cách này thì đúng.

Suy nghĩ của tác giả cũng giống như suy nghĩ của nhiều người khác khi nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể hơn, kể cả suy nghĩ của ông Giám đốc WB Việt Nam đòi hỏi một sự cải tiến hệ thống. Ngoài những vấn đề ông Trần Du Lịch nêu về trách nhiệm của một số cơ quan khác trong hệ thống quản lý dự án thì còn có thể nhìn nhận trên góc độ quản lý dự án. Tất cả các dự án ODA hay không ODA tại Việt Nam đều có phân cấp rõ ràng trong việc phê duyệt và quản lý tùy thuộc quy mô và mức độ quan trọng của dự án. Vậy là để có thể vận hành được một dự án thì bản thân Bộ GTVT cũng như PMU18 không thể làm gì được bởi có hàng loạt các cơ quan khác cùng tham gia mà cụ thể là Bộ tài chính và Bộ KHĐT.  Những dự án có quy mô lớn thì cấp phê duỵêt cao hơn đó là Thủ tướng hoặc Quốc hội. Với chức trách của những cơ quan phê duyệt, thẩm định và giám sát đầu tư mà không thiết lập những hệ thống quản lý để xảy ra những rủi ro vô cùng lớn như vậy thì những cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm. Hiện tại, công luận mới chỉ đang tập trung sự chú ý của mình vào khúc sau cùng của cả một chu trình quản lý dự án mà thôi mà chưa nhìn vào bức tranh tổng thể của cả một chu trình dự án.

Ho ten: Tran Cong Minh Email: trancongminh@yahoo.com

Doc bai: viet, toi thay cach phan tich va danh gia cua tac gia rat chinh xac. Van de o day la phai co co che quan ly chat che gan voi trach nhiem cu the, ro rang cua tung bo phan va tung ca nhan qyan ly doi voi du an thi moi quan ly va dieu hanh tot du an duoc. Tac gia co de cap: Hiện nay, PMU 18 được ủy quyền toàn bộ mà không có cơ chế giám sát kèm theo, đã tạo ra những sơ hở chết người. Ngam nghi den vu PU 18 va nhung bai hoc lon ve quan ly Nha nuoc doi voi von Nha nuoc, toi thay vua qua viec cac Bo va cac nganh uy quyen quan ly von Nha nuoc cho cac giam doc cong ty duoc co phan tu cac doanh nghiep Nha nuoc, dau do hau nhu cung buong long viec quan ly va su dung nguon von nay, de cho cac giam doc muon lam gi thi lam, ma khong kiem tra lai cach quan ly nhu the nay thi luong von cua Nha nuoc se bi that thoat va lang phi rat lon. Neu co mot cuoc thong ke hien tai thi so von cua Nha nuoc dang duoc uy quyen cho cac gian doc cong ty co phan co von Nha nuoc la bao nhieu, toi nghi la khong nho. Nha nuoc hay kiem tra va danh gia lai xem su lang phi va that thoat o khau nay nhu the nao. Mong rang Nha nuoc hay xem xet lai van de uy quyen von Nha nuoc cho cac giam doc cong ty co phan co von Nha nuoc tham gia, nham tranh that thoat va lang phi tai san cua Nha nuoc tai cac doanh nghiep nay.

 

,
,