,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
780976
Không để đảng viên sai trái dựa dẫm
1
Article
null
,

Không để đảng viên sai trái dựa dẫm

Cập nhật lúc 17:01, Thứ Hai, 03/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việc Bộ Chính trị và các vị lãnh đạo Chính phủ thời gian qua đăng đàn công khai trả lời báo chí, đồng tình với quan điểm của người dân xung quanh vụ PMU 18 cho thấy, Đảng kiên quyết không để cho những đảng viên sai trái dựa dẫm mình trước công luận. 

Soạn: AM 741719 gửi đến 996 để nhận ảnh này

"Cần xây dựng cơ chế để từ nay về sau không ai có thể đem Đảng ra làm bình phong thêm lần nữa". Ảnh: Bộ trưởng Đào Đình Bình trả lời báo giới chiều 29/3/2006

Suốt mấy tháng nay, danh từ "Đảng" được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện thông tin đại chúng từ hai nguồn khác nhau.   

Thứ nhất là những ý kiến đóng góp chân thành của người dân cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X sắp tới. 

Thứ hai là từ miệng các quan chức Bộ GTVT trong vụ PMU18.  Rằng họ là đảng viên A1 (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ), Đảng bộ mà họ lãnh đạo nhiều năm  liền trong sạch vững mạnh. Rằng nhân sự của bộ trưởng là do Bộ Chính Trị quyết định, có gì sai thì Đảng phải kỷ luật họ trước rồi Nhà nước mới có quyền ra ý kiến. Rằng họ đã từng được Đảng ủy khối tặng bằng khen. Rằng việc bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng đã thông qua Ban cán sự Đảng. Rằng việc Bùi Tiến Dũng làm Bí thư Đảng ủy PMU18 là do Đảng bộ cơ sở bầu nên.v.v... 

Họ có biết rằng khi nói ra những lời như trên là làm đau xót cho 2 triệu đảng viên, cho hàng chục triệu quần chúng, nhất là cho những người đã ngã xuống? 

Tôi tin rằng những người học vị cao như TS Đào Đình Bình thì không thể không biết. Nhưng họ cũng biết rằng cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý hiện nay vẫn có  những kẽ hở và họ đang trục lợi từ kẽ hở đó. 

Những khoảng trống đang bị trục lợi 

Kẽ hở đó trước hết nằm ở cơ cấu bổ nhiệm nhân sự "từ trên xuống" hơn là "từ dưới lên".  Phần lớn cán bộ thường được cơ cấu, qui hoạch từ trên xuống, chủ yếu là từ Đảng ủy.  Việc lấy ý kiến của toàn thể nhân viên (dân chủ cơ sở) tuy có được tiến hành nhưng không phải là nguồn duy nhất quyết định.  Hơn nữa, khi lấy ý kiến một đơn vị quá đông, nhân viên hoàn toàn không có thông tin gì về những người mình được lấy ý kiến.  Cùng lắm, họ chỉ biết về những người lãnh đạo đương nhiệm, còn những người có năng lực, có tâm huyết khác trong cơ quan thì, một là lãnh đạo không biết vì không được giới thiệu, hai là toàn thể cán bộ nhân viên cũng không biết vì không có thông tin (trừ những người gần gũi với người đó).  Như vậy, chúng ta không có cơ chế để bộc lộ thông tin nhân sự.  

Kẽ hở thứ hai nằm ở cơ cấu bãi miễn nhân sự tập trung theo kiểu “cổ chai” (bottleneck): “ai (đề xuất) bổ nhiệm thì người đó (đề xuất) bãi nhiệm”.  Người đề xuất bổ nhiệm không dễ gì đề xuất bãi nhiệm. Như vậy có khác gì nói rằng “tôi có thiếu sót trong công tác cán bộ”.  

Quản lý kiểu “nút chai” như vậy sẽ khiến cho cán bộ nào có sai phạm thì cứ việc lo giữ nút chai cho chặt bằng mọi cách thì dù nước trong chai (sức ép công luận) có đầy đến đâu cũng không hề hấn gì. Mà họ lại có nhiều nút ở nhiều tầng khác nhau.  Các nút bấc này, nếu kèm theo “sự im lặng đáng sợ” (lời Cố TBT Nguyễn Văn Linh trong lọat bài “Những việc cần làm ngay” năm 1986) vô tình đã để các quan chức sai phạm sử dụng làm “bình phong”.   

Thông tin về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Đào Đình Bình có ghi rõ “Đề nghị (của Thủ tướng) được gửi bằng văn bản lên Bộ Chính trị theo đúng qui trình xử lý cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị quản lý”.  Sau khi Bộ Chính trị đồng ý thì Thủ tướng mới quyết định.   

Tạm đình chỉ thôi mà đã khó vậy thì cách chức còn khó tới cỡ nào?  Mới hay, thực hiện được Khoản 7 Điều 84 Hiến Pháp (Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm bộ trưởng) là cả một vấn đề lớn mà chỉ đọc Hiến Pháp và Luật Tổ chức Chính phủ thôi không thể biết hết được. 

Tranh cử = tranh luận + ứng cử 

Mấy tháng nay công luận đã sử dụng biện pháp “tăng áp lực nước”  lên các quan chức Bộ GITV. Ảnh: Lê Anh Dũng

Để giải quyết vấn đề bổ nhiệm nhân sự, nhiều nước đi trước chúng ta đã dùng cơ chế “tranh cử công khai” (cơ cấu nhân sự từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống - ở đây phải hiểu “tranh” là tranh luận chứ không phải tranh giành). Các ứng cử viên lập chương trình hành động và tranh luận công khai với các ứng cử viên khác.  Việc tranh luận công khai như vậy sẽ lộ rõ đâu là tài đức thực sự còn đâu là mị dân, mua phiếu.  Khi danh sách ứng cử viên đã công khai thì khó lòng mà “chạy” để được bổ nhiệm. Khi lãnh đạo là người được nhân viên “tâm phục, khẩu phục” thì việc đấu đá nội bộ cũng được giải quyết.  

Ở Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) những năm đầu của thời kỳ Đổi Mới I, khi Bộ trưởng Trần Hồng Quân còn đương nhiệm, đã có cơ chế tự tranh cử chức hiệu trưởng.  Khi đó, TS Đào Công Tiến từ một chủ nhiệm bộ môn đã được toàn thể cán bộ nhân viên của Trường ĐH Kinh tế TP HCM bầu làm Hiệu trưởng và đem lại nhiều thay đổi lớn cho nhà trường. Đáng tiếc rằng vì lý do gì không rõ Bộ GD&ĐT đã bỏ cơ chế này. 

Có người cho rằng cơ cấu nhân sự từ dưới lên khó quản lý thống nhất (nói nôm na là “loạn”), nên phải được kết hợp cùng với cơ cấu nhân sự từ trên xuống. Quan điểm này phù hợp hay không (chứ không phải đúng hay sai) còn tùy vào việc sự “quản lý thống nhất” cần đến mức độ nào, và nó có biến tướng thành “câu kết bè phái” hay không.   

Nhưng có một điều chắc chắn, cơ chế “tranh luận” và “ứng cử” là cần thiết kể cả cho cơ cấu nhân sự từ trên xuống, vì nó cung cấp thông tin cho người có quyền quyết định (dù đó là người dân hay các đồng chí lãnh đạo). Để tránh “hỗn loạn”, cần có cơ chế tranh cử, giới hạn vấn đề có thể tranh cử và xây dựng văn hóa tranh cử, chứ không nên vì sợ hỗn loạn mà không cho tranh cử. 

Tăng áp lực nước và tháo bớt các nút chai 

Để bật nút chai và phá vỡ thế cổ chai, mấy tháng nay công luận đã sử dụng biện pháp “tăng áp lực nước” (tăng sức ép trên báo chí).  Đây là tín hiệu một xã hội công dân đã xuất hiện, một tiền đề của Đổi Mới II. 

Thế nhưng “áp lực nước” mới là một phần của vấn đề. Phần thứ hai là các nút chai cũng cần nới lỏng và bỏ bớt một vài nút không cần thiết (không thể bỏ hết các nút chai vì sẽ mất ổn định chính trị).   

Nhưng quan trọng hơn nữa là cần xây dựng cơ chế để từ nay về sau không ai có thể đem Đảng ra làm bình phong thêm lần nữa. Bộ Chính trị có thể cân nhắc hình thức kỷ luật Đảng và khai trừ ra khỏi Đảng bất kỳ quan chức nào có hành vi dùng Đảng làm bình phong cho sai phạm của mình.   

Ngoài ra, nên chăng thay đổi cơ chế bổ nhiệm, bãi nhiệm theo kiểu “nút chai”.  Không nhất thiết người nào đề xuất bổ nhiệm thì người đó đề xuất miễn nhiệm. Trong tư pháp có nguyên tắc “không đưa người có quyền và lợi ích liên quan tới một vụ án vào xét xử vụ án đó”. Đầu vào có thể là cơ quan Đảng lựa chọn (Đảng cử, dân bầu), song đầu ra thì phải theo qui định pháp luật.  Vai trò của Đảng lúc này là tìm người khác trong số 2 triệu đảng viên của mình hay 78 triệu quần chúng thay thế cho những người đã bị miễn nhiệm. Khoản 7 Điều 84 Hiến pháp (đã trích dẫn ở trên) và Luật Tổ chức Chính phủ đã rõ rồi thì cứ thế thi hành.  Nhà nước pháp trị chính là ở chỗ đó.   

  • Phương Mai 

 

Theo dòng sự kiện

VietNamNet

Họa phúc có mầm, đâu một lúc!

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách hay ngược lại…?

Khi quan chức trở thành “Người của công chúng”

Trách nhiệm của "Tôi" ở đâu?

"Nên từ chức để chứng tỏ mình không vô cảm"

Không thể trông đợi lòng tự trọng

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Đào Đình Bình kiểm điểm lại

Bộ trưởng Đào Đình Bình chưa từ chức!

Tuổi trẻ

Luật đã định rõ cơ chế từ chức
Sai phạm lớn thì phải cách chức chứ không từ chức

Ban bí thư đình chỉ sinh hoạt Đảng của ông Nguyễn Việt Tiến

Tiền phong

Những đề bạt bất chấp dư luận ở Bộ GTVT
Thủ tướng : Bản kiểm điểm của Bộ trưởng Bình chưa cầu thị

 

Ý kiến của bạn:

,
,