Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách hay ngược lại…?
(VietNamNet) - Hành xử của một số lãnh đạo Bộ GTVT cho thấy, cần phải có hệ thống và cơ chế giám sát lẫn nhau giữa những vị trí chủ chốt - phân tích của nhà báo Lại Vĩnh Mùi.
"Anh Tiến có nói với báo chí rằng ''Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm''. Bộ trưởng ở đây phải hiểu là cả... 3 đời Bộ trưởng". Ông Đào Đình Bình trong cuộc họp với báo giới chiều 29/3 |
Dân gian ta có câu: “Ba ông thợ da bằng một ông Gia cát”. Gia Cát Lượng (một nhân vật trong bộ tiểu thuyết Tam quốc Diễn nghĩa), nổi tiếng về tài thao lược, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, biết cả mệnh trời, nằm ở lều tranh mà biết trước rằng thiên hạ sẽ chia ba. Tài giỏi như thế nhưng vẫn chỉ bằng … “ba ông thợ da”. Có thể tìm thấy nhiều câu tương tự như vậy trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt.
Sự so sánh có vẻ khiên cưỡng, nhưng ý tứ thì rất rõ: trí tuệ tập thể luôn mạnh hơn của cá nhân. Chắc chắn rằng, sự so sánh đó xuất phát từ thực tế cuộc sống, nhưng đồng thời nó cũng phản ánh một thực tế là tâm lý người Việt – vốn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi ý thức Nho giáo - luôn coi trọng tập thể, cộng đồng hơn cá nhân. Việc làng, việc nước thường được đem ra bàn tại các hội đồng. Sự sáng suốt của các bậc cao nhân luôn là yếu tố đảm bảo bình yên cho cuộc sống của dân làng.
Những nhà sáng lập Đảng CSVN đã tiếp thu truyền thống đó của dân tộc, vận dụng tư tưởng này và nâng trí tuệ tập thể lên một tầm cao mới, biến nó trở thành một nội dung chủ yếu trong nguyên tắc tổ chức của mình và ghi rõ trong Điều lệ: “Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.
Còn nhớ trong những năm nửa sau của thế kỷ trước, trong một số Đảng cộng sản xuất hiện tệ sùng bái cá nhân, đặt lãnh tụ lên trên tập thể TW, đưa ra những quyết định chủ quan, duy ý chí, gây hậu quả nặng nề cho nhân dân các nước. Rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học này, Đảng CSVN càng có nhiều chủ trưong biện pháp để tăng cường sức mạnh trí tuệ tập thể, hạn chế những quyết định độc đoán, chuyên quyền của các cá nhân, góp phần làm nên những thành công của cách mạng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã và đang bị vi phạm nghiêm trọng. Nhiều người lợi dụng nguyên tắc này, lợi dụng danh nghĩa tập thể để thu vén lợi ích cá nhân. Khi cần ra quyết định có lợi cho bản thân hoặc phe cánh, họ đưa ra chiêu bài "cá nhân phụ trách". Khi sự việc đổ bể, họ đưa "danh nghĩa tập thể" ra chịu trách nhiệm, còn cá nhân họ không phải chịu trách nhiệm gì cả. Khi đơn vị có thành tích, họ luôn gắn với công lao cá nhân, khi công việc bê trễ hoặc vụ việc vỡ lở, họ quay sang đổ lỗi cho nhau. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” biến thành “cá nhân lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm”.
Vụ việc tiêu cực ở PMU 18, lối hành xử của Bộ trưởng Đào Đình Bình và Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cho thấy, họ rất hiểu nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhưng đã vận dụng hoàn toàn ngược lại. Trong cuộc gặp báo chí ngày 29/3, ông Tiến nói:“ Về nguyên tắc tất cả công tác can bộ đều phải thông qua Ban cán sự Đảng bằng hình thức họp trao đổi tập thể. Riêng trường hợp Bùi Tiến Dũng là trao đổi trực tiếp lấy ý kiến cá nhân". Ông Tiến đưa ra quan điểm: Bộ trưởng – Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GTVT cũng là người trực tiếp bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng cho thấy rõ trách nhiệm của Bộ trưởng và ông Bình nên từ chức. Còn cá nhân ông Tiến thì không. Đến lượt mình, ông Bình phản bác: “Anh Tiến có nói với báo chí rằng ''Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm''. Bộ trưởng ở đây phải hiểu là cả... 3 đời Bộ trưởng. Các dự án ODA đã được tiến hành từ năm 1995, từ thời đồng chì Bùi Danh Lưu qua thời đồng chí Lê Ngọc Hoàn rồi mới đến tôi.”
Nói như hai ông thì cuối cùng, lỗi là do cả tập thể, các ông chỉ có một phần trách nhiệm và khuyết điểm của các ông chỉ ở mức “thiếu kiên quyết”, “không sâu sát” và sẵn sàng kiểm điểm, nhận kỷ luật. Không hiểu bạn đọc nghĩ sao chứ chúng tôi xin miễn bình luận gì thêm.
Điều đáng nói là vụ việc ở PMU 18, ở Bộ GTVT không còn là hiện tượng cá biệt và đặc biệt. Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ tiêu cực ở Tổng Công ty Dầu khí, ở VNPT, ở Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Công ty xăng dầu Hàng không, Công ty Pjico…Nhiều quan chức phụ trách chống tham nhũng đã phải thừa nhận rằng, càng chống thì tham nhũng càng tăng. Điều này buộc người ta phải đặt câu hỏi: “Vì sao cơ chế này lại dễ bị lợi dụng đến vậy? Phải chăng vấn đề không còn chỉ đơn giản là chuyện vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách mà nằm trong chính bản thân nguyên tắc này. Nếu nguyên tắc này có vấn đề thì có thể áp dụng những nguyên tắc khác để chống tiêu cực được không?”
Thật không đơn giản khi trả lời câu hỏi này. Nhưng thực tế cho thấy mặc dù cuộc chiến chống tham nhũng luôn cam go, quyết liệt, một mất một còn, vậy mà có nhiều nước đã gặt hái thành công mà không nhất thiết phải áp dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo.
Mỗi nước có một cách khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, nhưng có một nét chung là minh bạch hoá nền kinh tế, giao quyền lãnh đạo cho cá nhân đồng thời áp dụng nguyên tắc tạo ra một hệ thống giám sát trách nhiệm của nhiều cơ quan tổ chức và đặc biệt là của các tổ chức quần chúng. Cá nhân có quyền hạn lớn hơn, nhưng phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hành động của mình, không còn cơ hội để đổ tội cho ngưòi khác.
Có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại vấn đề từ nguyên tắc.
-
Lại Vĩnh Mùi
Ý kiến của bạn: