,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
777442
Từ vụ PMU18 đến tài sản công và...
1
Article
null
,

Từ vụ PMU18 đến tài sản công và...

Cập nhật lúc 18:28, Thứ Năm, 23/03/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) -  Bản chất của các khoản vay ODA là nợ quốc gia, những người đóng thuế trên quốc gia đó phải trả nên cần phải quản lý chặt chẽ như ngân sách nhà nước.  Quản lý thế nào để không xảy ra những sự cố như ở PMU 18? Bình luận của tác giả Thảo Nguyên.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến tới cơ quan điều tra bằng chiếc CROWN sang trọng. (Ảnh Phạm Hải)

Cuối năm 2004, dư luận đã một dạo xôn xao về việc ông Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cưỡi trên chiếc xe trị giá đến 3.000 con trâu. Nhưng vào đầu năm 2006, công chúng đã không thể thốt nên lời khi biết rằng ông Tổng giám đốc PMU18 đã “cưỡi” trên hàng trăm chiếc xe và hơn thế nữa đã mang số tiền tương đương một nửa số trâu của 11 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng đi đánh bạc.

Câu chuyện ở đây không phải vấn đề trâu bò mà là cơ chế quản lý tài sản công như thế nào mà một số ít người lại có thể lấy tiền thuế của nhân dân đi “đốt” như vậy?

Lạm dụng – vấn đề muôn thủa của tài sản công

Tài sản công, hiểu đơn giản, chính là những gì thuộc sở hữu của Chính phủ. Nói rộng ra, chúng thuộc sở hữu của mọi người dân, được đại diện bởi Chính phủ. Đối với tài sản công, hai vấn đề luôn được quan tâm là hành vi ăn cắp (tham nhũng) và sử dụng lãng phí.

Việc quản lý tài sản công được mua sắm trực tiếp từ ngân sách nhà nước đã là một việc vô cùng khó khăn, nhưng việc quản lý tài sản công từ các dự án có nguồn vốn ODA còn khó khăn hơn gấp bội mà nguyên nhân của nó nằm ở hai vấn đề hết sức cơ bản. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa người sở hữu và người thừa hành. Thứ hai là những vấn đề của việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Tài sản công được giao cho các đơn vị, cá nhân sử dụng để thực thi những nhiệm vụ mà người nộp thuế giao phó. Nhưng, khác với tài sản tư, loại tài sản gắn liền với quyền sở hữu và quyền lợi cá nhân, nên nó được quản lý và sử dụng một cách chặt chẽ khi mà một ai đó được giao sử dụng luôn biết nhiệm vụ của mình là gì. Trong khi, đối với tài sản công, việc xác định nhiệm vụ và đánh giá mức độ hoàn thành đối với người được giao sử dụng là điều không dễ dàng. Do đó, việc lạm dụng tài sản công là điều rất dễ xảy ra.

Để tránh lạm dụng, cần phải có những quy định hết sức chặt chẽ việc sử dụng tài sản công. Nước Pháp đã làm tương đối tốt điều này. Trong một chuyến công cán, tổng thống đưa gia đình đi nghỉ mát và ông ta phải trả các chi phí phát sinh cho những hoạt động ngoài việc công. Ở Việt Nam, điều này chưa rõ ràng. Vì vậy, việc đem xe công đi chùa chỉ là một chuyện nhỏ trong hàng nghìn cách thức lạm dụng của công.

Những kẽ hở của nguồn vốn ODA

Xe công để không bám đầy bụi tại nhà xe trụ sở PMU18 - Ảnh: TTO

ODA (official development assistance) dịch sang tiếng Việt gọi là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Đây là nguồn vốn mà chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho các nước đang phát triển vay với thời gian dài và lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Thoắt qua, thì thấy mục tiêu của việc làm này là rất cao đẹp và đáng trân trọng. Nhưng xem kỹ lại, nó cũng có những vấn đề riêng.

Thứ nhất, việc tiếp nhận những nguồn vốn này phải chấp nhận rất nhiều điều kiện kèm theo mà phần thiệt thòi luôn thuộc về bên nhận tài trợ.

Thứ hai, đối với các dự án thực hiện từ nguồn vốn này, thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ rằng, việc quản lý sẽ tốt hơn các nguồn vốn cấp phát từ ngân sách quốc gia. Điều ngược lại đã xảy ra. Bản chất của các khoản vay ODA là nợ quốc gia, những người đóng thuế trên quốc gia đó phải trả nên cần phải quản lý chặt chẽ như ngân sách nhà nước. Nhưng do sự không rõ ràng và những điều kiện kèm theo mà các cơ quan quản lý hay tiếp nhận nguồn vốn này không được toàn quyền quyết định. Hoặc họ nghĩ rằng nó không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của mình mà đã có giám sát của bên tài trợ, những người có trình độ quản lý cao hơn nên mọi chuyện sẽ ổn.

Thực tế, vấn đề ở các cơ quan của các nhà tài trợ cũng tương tự như các cơ quan nhà nước thông thường. Quyền lực, tầm ảnh hưởng của một cá nhân, một đơn vị được đo bằng số tiền chi tiêu, số cán bộ hiện có chứ ít khi được đo bằng hiệu quả hoạt động.

Trong một số nghiên cứu của mình, giáo sư William Easterly, nguyên cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới, đã quan sát thấy rằng, cơ hội thăng tiến của những người làm việc trong các tổ chức hỗ trợ phát triển được căn cứ vào quy mô của dự án, số tiền được giải ngân, chứ ít khi căn cứ vào hiệu quả của dự án. Một dự án kéo dài vài chục năm làm sao có thể biết được điều gì sẽ xảy ra? Nếu dự án có thất bại hoàn toàn thì khoản nợ các nhà tài trợ cho vay vẫn không mất đi vì nó là nợ quốc gia.

Chính khe hở và việc không phân định rõ ràng này đã làm mảnh đất béo bở nuôi dưỡng những tiêu cực như ở PMU18.

Vốn ODA: có vay, có trả

Việc được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao là tín hiệu đáng mừng. Nhưng việc cảm thấy hồ hởi khi được vay nhiều tiền của các tổ chức này cao lên là điều không nên vì vay thương mại tuy lãi suất cao hơn nhưng vì áp lực rõ ràng làm ta phải tính toán việc sử dụng đồng tiền tốt hơn.

Nhưng vấn đề cuối cùng vẫn là hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn, vì đã đi vay thì phải trả. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu những hiện tượng như PMU18, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các khoản nợ vay, thì không những gánh nặng nợ nần cho thế hệ mai sau ngày một nặng thêm mà lòng tin của công chúng cũng ngày càng mai một.

 Ý kiến của bạn:

,
,