,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
770559
Intel đầu tư vào VN, bồn trũng cho dòng chảy chất xám
1
Article
null
,

Intel đầu tư vào VN, bồn trũng cho dòng chảy chất xám

Cập nhật lúc 20:48, Thứ Năm, 02/03/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việc các đại gia danh tiếng chọn VN không chỉ thuần túy là mở rộng sản xuất. Điều quan trọng hơn là niềm tin vào một môi trường đầu tư ổn định, vào thiện chí nâng cấp kỹ thuật, phát triển công nghệ, là triển vọng của nguồn nhân lực không chỉ rẻ mà còn có chất lượng cao.

 

 

 
Chủ tịch HĐQT Intel Craig Barrett công bố dự án đầu tư vào Khu CNC TP.HCM. (Ảnh: AP)

 

Sự kiện Intel đầu tư 300 triệu USD vào VN đã đồng loạt xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Việc một "gã" khổng lồ thuộc lĩnh vực công nghệ cao từ bên kia bán cầu cam kết bỏ vốn đầu tư không chỉ là một lá phiếu cho sức hấp dẫn VN mà còn tạo ra một bồn trũng thu hút dòng chảy của nguồn nhân lực chất lượng cao. (Trước khi vào Việt Nam, Intel đã có những  nhà máy sản xuất chip điện tử tại Thượng Hải, Thành Đô (TQ), Malaysia, và Philippines).

Đẳng cấp của nền kinh tế

Nhìn vào những thành tựu của hai mươi năm đổi mới, điều gì làm chúng ta không khỏi lo âu?

Điểm lại các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn có thể kể đến ba lĩnh vực. Nguyên liệu gồm: Dầu thô (7tỷ USD) than đá (0,7 tỷ). Nông sản gồm: Thuỷ sản (2,7 tỷ) gạo (1,4 tỷ), cà phê (0,7 tỷ). Một số mặt hàng gia công như: dệt may (4,8 tỷ), giày dép (3 tỷ)... Tất cả đều thuộc loại giá trị gia tăng thấp nhất trong số những sản phẩm mà lời người đang sản xuất. Liệu Việt Nam sẽ đi đến đâu nếu chỉ mang những sản phẩm này ra trình với sân chơi thế giới?

Những con số về số lượng lao động hay giá trị xuất khẩu chỉ nói lên qui mô của nền kinh tế. Giá trị gia tăng của sản phẩm và trọng lượng của sản phẩm mới nói lên đẳng cấp của nền kinh tế. Với tất cả lòng trân trọng dành cho những người lao động, chúng ta vẫn phải so sánh như sau:

Để thu được số tiền 250 USD, người ta có thể bán gì?

Một tấn gạo.

Một chiếc TV trọng lượng 20 kg.

Một chiếc điện thoại di động trọng lượng 100 gam.

Một con chip máy tính trọng lượng 10 gam.

Một phần mềm máy tính trọng lượng 0 gram.

Trọng lượng của sản phẩm, đó là một thước đo đẳng cấp nền kinh tế. Nhưng việc giảm trọng lượng gắn liền với hàng loạt những điều kiện: vốn liếng, công nghệ, thương hiệu, thị trường... Hầu hết những điều kiện này không sẵn có trong nước.

Từ khi mở cửa hội nhập với thế giới, một số ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn đã được bắt đầu. Trong số đó có thể kể đến, công nghiệp ô tô, điện tử, điện lạnh, linh kiện máy tính, phần mềm... nhưng hầu hết những ngành này đều mới chỉ bắt đầu và thường chỉ ở công đoạn gia công lắp ráp, nghĩa là công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất.

Nghịch lý của thị trường lao động

Có thể nói gì về một nguồn nhân lực hiện nay với hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động của Việt Nam? Mạnh về qui mô, nhưng chưa thể nói cao về đẳng cấp.

Các công ty công nghệ cao thường kêu ca về trình độ người lao động không đáp ứng được nhu cầu. Nhưng không ít kỹ sư chuyên ngành điện tử, viễn thông tốt nghiệp từ các trường danh tiếng như Cambridge, Massachusetts... khi về nước không tìm được chổ để phát huy kiến thức nên đành lại quay ra nước ngoài.

Đây chính là nghịch lý "con gà và quả trứng" đã kéo dài bao năm qua. Không có đầu tư công nghệ cao vì không có chuyên gia giỏi. Không thu hút được chuyên gia giỏi vì không có cơ sở sản xuất công nghệ cao!

Kinh nghiệm  từ những nước có hoàn cảnh tương đồng với VN cho thấy, con đường đi đến nền công nghệ cao đều bắt đầu bằng gia công lắp ráp, nhưng phải có lộ trình tiến lên bậc cao hơn. Từ việc tiếp xúc với kỹ thuật, công nghệ, người bản xứ làm quen với quy trình và những kỹ thuật sản xuất, chế tác. Từng bước đảm nhận các công đoạn quan trọng cho đến khi nắm bắt toàn bộ quy trình, khẳng định một thương hiệu riêng, tiêu thụ trên toàn cầu. Đó chính là con đường mà ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc, ngành điện tử viễn thông của Đài Loan, ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ đã đi qua.

Với khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu, VN đặt hy vọng, nền kinh tế sẽ dựa vào công nghệ cao, các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị cao thay vì dựa vào lợi thế nhân công rẻ như hiện nay. Dự án của Intel không chỉ là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ vào VN mà còn là lớn nhất vào lĩnh vực mà VN đang đặt nhiều hy vọng.

Bồn trũng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Soạn: AM 718177 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Mô hình nhà máy sản xuất chip của Intel sẽ xây dựng tại khu CNC thành phố HCM, trên 46,7 hecta đất. Ảnh: VNN

Năm 2006 đã bắt đầu với những tín hiệu đột phá để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn "con gà và quả trứng". Đầu tiên là tập đoàn Canon (Nhật Bản) ký hợp đồng thuê đất để sản xuất máy in laser lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh. Sau đó ít lâu, Brother cũng được cấp giấy phép 300 triệu USD đầu tư sản xuất các loại máy fax, điện thoại, photocopy, máy in tại Hải Dương. Và bây giờ, Intel nhận giấy phép đầu tư sản xuất và thử nghiệm chip máy tính tại TP.HCM.

Việc các đại gia danh tiếng chọn VN không chỉ thuần túy là đầu tư vốn để mở rộng sản xuất. Điều quan trọng hơn thiết lập thương hiệu Việt Nam trên bản đồ công nghệ cao thế giới, như tạp chí Business Week đã nhận định. Đây là khẳng định niềm tin vào con người Việt Nam, vào một môi trường ổn định, vào một thiện chí đổi mới. Đây cũng là một cam kết chiến lược để tham gia cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam, để nhân lực không phải rẻ mà phải có chất lượng cao.

Lãnh đạo tập đoàn Intel cho biết họ sẽ tuyển người, đưa đi đào tạo và sau đó trở về làm việc trong nhà máy. Mục tiêu của Intel là đào tạo 3 triệu nhân lực đủ sức đảm đương những phần việc quan trọng trong một nhà máy công nghệ cao. Về phía mình, TP.HCM cũng đã đưa ra những gói hỗ trợ rất cụ thể. Các cơ sở sản xuất, cơ sở kiểm định sản phẩm đều được hỗ trợ cho nguồn nhân lực thích ứng với môi trường làm việc của Intel.

Với sự có mặt của những tập đoàn công nghệ cao, không bao lâu nữa VN sẽ có những cơ sở sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng lớn. Không những thế, đây thực sự là những cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, nơi có môi trường, tác phong làm việc và cả nguồn thu nhập đều theo chuẩn mực quốc tế. Nơi mà mọi người có tài năng, có trí tuệ, có chuyên môn đều có điều kiện cống hiến, hưởng thụ bằng năng lực đích thực của mình.

Đó thực sự là những bồn trũng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi các dòng chảy chất xám đổ về làm động lực cho các ngành kinh tế phụ trợ.

Từ một nước thiếu đói, qua 20 năm đổi mới, VN đã có những loại nông sản, thủy sản mang thương hiệu Việt chinh phục thế giới. Từ một nước lạc hậu, bằng chính sách cởi mở, hợp tác, khơi thông dòng chảy vốn, công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, không lâu nữa, sẽ có những sản phẩm “High - tech” mang nhãn hiệu: Made in Vietnam.

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào điều đó.

  • Hải Công

 

Ý kiến bạn đọc

Ho ten: Nguyễn Thành Trung
Dia chi: 252-l3 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội
Email: trungbaeo@yahoo.com

Tieu de: Một góc nhìn nhận mới
Noi dung: Từ sự kiện này tôi thấy chúng ta có thể mở rộng góc nhìn. Việc chúng ta vẫn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN nước ngoài là không hợp lý. Chúng ta cần có vốn đầu tư, chúng ta cần công nghệ kỹ thuật tiên tiến và hiện đại, chúng ta cần kinh nghiệm quản lý, chúng ta cần kinh nghiệm cạnh tranh thực tế của nền kinh tế toàn cầu hóa những điều này chỉ có thể được đáp ứng tốt nhất khi chúng ta được những tập đoàn lớn, công nghệ cao trên thế giới đầu tư. Bởi vậy chúng ta phải nhìn nhận những DN này cũng là một DN trọng tâm của VN và là DN của VN. Hãy thử tưởng tượng nếu chúng ta được đầu tư bởi 10 -15 DN hàng đầu trên thế giới thì nền kinh tế của chúng ta sẽ có sức bật mạnh mẽ từ nguồn GDP mà các DN này đem lại và quan trọng hơn nữa là công nghệ, trình độ quản lý mà chúng ta tiếp nhận được

Ho ten: Nguyễn Hồng Quân
Dia chi:
Email: ng.hong.quan@gmail.com

Tieu de: Tôi bất ngờ
Noi dung: Vừa đọc dòng tít trên trang nhất, tôi vô cùng xúc động. Tôi không ngờ sự việc này lại xảy đến sớm vậy. Trước đây tôi từng đọc một bài báo bàn về khả năng các công ty công nghệ cao sẽ đầu tư vào VN, trong đó không lạc quan mấy về khả năng có một công ty của Intel, dù là nhỏ, hiện diện trên lãnh thổ nước Việt  Vậy mà hôm nay đọc được bài báo này, tôi vui mừng hết sức. Đây rõ ràng là một cơ hội rất tốt để trình độ KH-KT cũng như kinh tế của VN đi lên.

Ho ten: Nguyễn Tiến Lợi
Dia chi: Kỹ sư CNTT, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Tuyên Quang
Email:

Tieu de: Ý kiến cá nhân về đầu tư
Noi dung: Theo tôi việc Canon, Intel đều là những công ty đa quốc gia, có uy tín trên thế giới đầu tư vào VN sẽ là cú "hích" cho CNTT của VN nói riêng và lĩnh vực công nghệ cao của VN nói chung. Đây sẽ là tiền đề cho chúng ta thu hút nguồn chất xám từ bấy lâu nay hầu như đang chảy ra nước ngoài vì không có môi trường làm việc phù hợp trong nước. Nhưng cũng đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một cơ chế "mạnh" cấp Nhà nước để làm nền móng cho việc phát triển các công ty công nghệ cao của chính chúng ta, vừa ổn định và tạo môi trường phát triển cho các nhà khoa học trong nước, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao và tiến tới dần dần chủ động về mặt khoa học - công nghệ.

Ho ten: Nguyễn Văn Cường
Dia chi: Lớp Sử K26A Trường ĐH Khoa học Huế
Email: changngo@yahoo

Tieu de: Việt Nam có khả năng trở thành con rồng Châu Á
Noi dung: Việc tập đoàn Intel đầu tư vào VN là một tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với ngành CNTT mà còn là tín hiệu đáng mừng đối với triển vọng thu hút luồng đầu tư mới vào VN. Qua hơn 20 năm chúng ta không ngừng thực hiện đổi mới làm cho môi trường kinh doanh trong nước ngày càng thông thoáng , đã và sẽ là điều kiện thuận lợi để VN có thể đón nhận những luồng đầu tư mới. Với những kết quả đã đạt được nếu VN duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện tại trong một thời gian dài, cùng với việc tham gia vao mái nhà kinh tế thế giới WTO, thì triển vọng VN trở thành con rồng mới của Châu Á như đánh giá của nhiều chuyên gia là hoàn toàn có thể .

,
,