Đấu thầu đề tài cấp nhà nước: Quản lý khoán trọn gói
(VietNamNet) - Đã là khoán sản phẩm thì các nhà KH có quyền hưởng những sự chênh lệch khi làm tốt. Không thể cho rằng: các phòng thí nghiệm làm kém, lặp lại nhiều lần mới ra sản phẩm nhưng tiêu tiền có hoá đơn chứng từ lại tốt hơn những phòng thí nghiệm làm tốt ngay và chí phí ít hơn.
"Cần thiết lập các network của những phòng thí nghiệm để khi đưa ra đấu thầu thì sẽ đấu thầu các mạng trước" (Ảnh: website trường ĐH Cần Thơ) |
Vừa qua, Bộ Khoa học - công nghệ (KHCN) đã chính thức công bố danh mục 95 đề tài và 4 dự án cấp Nhà nước thuộc các lĩnh vực KHCN năm 2006 để kêu gọi các tổ chức và cá nhân tham gia "đấu thầu". Đây có thể là một tín hiệu vui để tạo ra sự cạnh tranh công khai, để các nhà khoa học trẻ đựơc "chơi" trên cùng sân với những cây đa, cây đề trong làng khoa học. Nhưng để làm được điều này, cũng rất cần những đột phá trong quản lý. Bình luận của TS Nguyễn Quốc Bình, PGĐ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh.
Lập network các nhà khoa học
Tại các nước phát triển, những đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Nhà nước thường mang tính chiến lược. Nó không phải là một đề tài cụ thể, mà thường là những chương trình dài hạn, cần có nhiều phòng thí nghiệm kết hợp với nhau thành network (mạng) để cùng giải quyết chung một đề tài.
Vậy là, cần thiết lập các network của những phòng thí nghiệm để khi đưa ra đấu thầu thì sẽ đấu thầu các mạng trước. Nên mời các chuyên gia hàng đầu thế giới tham gia phản biện khi chấm điểm hồ sơ dự thầu.
Việc thông báo rộng rãi quy trình xét duyệt đề tài trước các phương tiện truyền thông đại chúng, ít nhất là sáu tháng, cũng tạo điều kiện cho các nhóm dự thầu có cơ hội chuẩn bị chu đáo.
Tất nhiên, khi lập nework cũng cần phải tính đến các trang thiết bị hiện có trong phòng thí nghiệm. Và việc phân bổ các đề tài cũng cần tính đến yếu tố địa bàn. Sao cho khuyến khích nghiên cứu ở các vùng kinh tế khác nhau, khuyến khích sự hợp tác của các viện, trường ở thành phố lớn với các đơn vị của tỉnh nhỏ. Dĩ nhiên, sự lựa chọn hợp tác đó phải mang tính thuyết phục của giới khoa học.
Dự báo thấp hơn khả năng: Hạn chế sáng tạo
Sau khi công khai đấu thầu hạn chế, việc quản lý ngân sách nhà nước trong khoa học cũng cần nhiều đột phá. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Canada, để được ngihệm thu đề tài, chủ nhiệm đề tài không cần phải nói trước họ sẽ phải đạt được cái gì.
Lý do là, khi nghiên cứu, người ta không thể dự đoán trước rằng sẽ đạt được những kết quả cụ thể như thế nào.? Thường, người ta vẫn hay đặt ra những mục tiêu cao hơn cái có thể đạt được, nhằm phát huy tối đa khả năng nghiên cứu với số kinh phí được duyệt.
Do vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài trước thường là cơ sở để đảm bảo họ có được đảm nhận những đề tài tiếp sau hay không? Kết quả tốt thì những chương trình tiếp theo sẽ được ưu tiên. Nếu không, cơ hội sẽ dành cho nhà nghiên cứu tiềm năng hơn. Chính vì lẽ đó, những nhóm nghiên cứu sẽ bảo vệ danh dự của họ bằng những kết quả tối đa mà họ có thể làm được thay vì chỉ phải trình cho bộ phận quản lý những kết quả dự tính sẽ làm được.
Ở VN, để chắc chắn đảm bảo được nghiệm thu, các chủ nhiệm đề tài thường đưa ra những kết quả dự báo thấp hơn khả năng của mình.
Vô hình chung, chúng ta đã giới hạn sự sáng tạo của các nhà khoa học trong nghiên cứu và gây ra lãng phí kinh phí. Tất nhiên, năng lực thực sự của họ phải được đánh giá từ những công trình đã được đăng tải trên các tạp chí lớn của nước ngoài hay các patent (bản quyền) của họ.
Ngược lại, khi không thu nhận được kết quả theo dự tính thì chủ nhiệm đề tài không thể nào hoàn trả tiền được. Vì họ cũng đã chi trả như dự kiến cho các thí nghiệm. Do vậy, cách quản lý kinh phí cho các đề tài khoa học của chúng ta như hiện nay đang tạo ra một nguy cơ tự lừa dối mình bằng những kết quả chưa chắc đã thực sự đúng hay cần thiết.
Không nên cấp kinh phí theo kiểu "tự khai báo"
Đã là đề tài cấp Bộ hay cấp Sở, càng nên coi trọng giá trị ứng dụng. Cách đấu thầu cũng nên dựa trên nguyên tắc khả năng của các phòng thí nghiệm. Kinh phí rót xuống sẽ phải dựa vào khối lượng công việc và do các hội đồng đánh giá và quyết định trước thay vì dựa vào tự khai báo của các đề tài như vẫn làm.
Như vậy, cần quản lý theo kết quả được đặt ra trước chứ không theo kinh phí, vì đâu cần biết nhà khoa học chi tiêu như thế nào cho đề tài của họ? Đã là khoán sản phẩm thì họ có quyền hưởng những sự chênh lệch khi họ làm tốt. Không thể cho rằng các phòng thí nghiệm làm kém lặp lại nhiều lần mới ra sản phẩm nhưng tiêu tiền có hoá đơn chứng từ lại tốt hơn những phòng thí nghiệm làm tốt ngay và chí phí ít hơn.
Nếu chúng ta quản lý theo khoán trọn gói thì không cần phải kiểm tra chi tiêu từng chi tiết. Chúng ta chỉ kiểm tra khi họ không làm ra được sản phẩm mà thôi. Có như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho xã hội và khuyến khích nhân tài.
-
TS Nguyễn Quốc Bình
Ý kiến của bạn: