Ô nhiễm và tiếng kêu của dòng sông, ngọn gió, cộng đồng...
(VietNamNet) - Đòi hỏi về đảm bảo an toàn tối đa luôn là tiếng kêu gọi thiết tha, không chỉ của dân cư nằm cuối các luồng gió, các dòng nước mà của cả mọi dân tộc, mọi quốc gia có hay không có điện nguyên tử.
Sự kiện, 100 tấn benzene và nitrobenzene từ vụ nổ của nhà máy hoá chất Cát Lâm tràn xuống sông Tùng Hoa, vùng biên giới đông bắc Trung Quốc, dù xảy ra đã hai tuần, vẫn được các phương tiện truyền thông quốc tế và nước ta theo dõi chặt chẽ.
Sông Tùng Hoa (TQ) bị ô nhiễm nặng sau vụ nổ nhà máy hoá chất Cát Lâm. |
Vấn đề không chỉ ở sự nguy hại với khả năng gây ung thư và các bệnh về tuỷ sống con người của loại hoá chất độc hại này. Dư luận chú ý đến việc gần 4 triệu người dân của thành phố Cáp Nhĩ Tân, cách Cát Lâm 320 km ở hạ lưu sông Tùng Hoa, không dám dùng nước sông trong 4 ngày liền. Mức độ nghiêm trọng còn ở chỗ, bên kia biên giới, trên dòng sông Amua; nối thông với Tùng Hoa, thành phố Khabarôpski của nước Nga đã chính thức báo động. Chính quyền Nga đã cho máy bay chở đến hiện trường 50 tấn hoá chất nhằm xử lý váng dầu đang tiến dần về Khabarôpski.
Và như vậy, rõ ràng, điều quan tâm, nỗi lo lắng của dư luận báo chí của cộng đồng thế giới không chỉ giới trong phạm vi một sự kiện cụ thể nữa. Nó buộc công luận nhìn nhận trên một bình diện rộng lớn hơn, khái quát hơn về những sự cố môi trường xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng trong một nước, thậm chí nhiều nước.
Trước hết là những sự cố xảy ra ở đầu một dòng sông, đầu một nguồn nước, liên quan đến cư dân cả một lưu vực rộng lớn. Ở đây, câu chuyện đang xảy ra ở biên giới Trung-Nga chỉ là một ví dụ cụ thể.
Trong những năm qua, những ảnh hưởng môi trường khác nhau đối với hệ sinh thái, với đời sống hàng chục triệu con người, với nhiều quốc gia trên những dòng sông lớn, như Mekong, Danube v.v...đã trở thành vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa nhiều quốc gia liên đới. Nhiều vấn đề nảy sinh giữa các nước trong vùng sông Mekong vẫn đang trong quá trình thương thảo. Ngoài ra, trên thế giới, cũng đang xảy ra tranh chấp, đấu tranh gay gắt, thậm chí đổ máu để giành giật và bảo vệ nguồn nước quý giá và trong lành giữa các nước, đặc biệt ở Trung Đông, Phi Châu.
Trong mọi tình huống, nếu không nhân nhượng lẫn nhau, điều hoà quyền lợi mọi phía thoả đáng, hàng triệu dân cư lương thiện sẽ trở thành nạn nhân. Thông thường, các cộng đồng ở hạ lưu của các dòng sông chịu cảnh thiệt thòi nhiều hơn. Vì vậy, thế giới hãy lắng nghe, hãy quan tâm đến tiếng nói của những con người ở cuối những dòng sông, cuối các nguồn nước.
Tương tự các hiểm hoạ về môi trường nước, không khí cũng là đối tượng mọi quốc gia quan tâm. Loài người sẽ điêu đứng nếu không giữ được bầu không khí trong lành bao bọc hành tinh của mình. Hẳn thế giới vẫn còn nhớ tai hoạ phóng xạ của nhà máy điện nguyên tử Chernobil 20 năm trước trên lãnh thổ Cộng hoà Ucraina. Chỉ trong một đêm, sau vụ nổ của lò phản ứng, luồng gió thổi từ đông sang tay đã đem chất phóng xạ chết người rải trên nhiều vùng của các nước Tây và Bắc Âu, đưa mức phóng xạ không khí ở nhiều địa điểm lên cao hơn bình thường cả 100 lần.
Từ sự cố khủng khiếp này có thể đưa chúng ta đến sự liên tưởng. Đó là tình huống một “Chernobil” khác hy hữu, dù ở xác suất một phần triệu, có thể xảy ra với một trong những nhà máy điện nguyên tử đang cấp tập mọc lên dọc bờ biển đông nam quốc gia láng giềng Trung Hoa. Nếu bất hạnh, sự cố trùng hợp với một đợt gió mùa đông bắc, đối với miền Bắc Việt Nam chúng ta, do nằm cuối luồng gió, và chung cả bờ biển, việc trở thành nạn nhân là điều khó tránh khỏi.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng nhận thức được rằng, trước tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế thế giới, trước sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng, thế giới khó tránh khỏi sự lựa chọn điện nguyên tử. Nhưng sự đòi hỏi về trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi quốc gia trong sự bảo đảm an toàn tối đa của việc lựa chọn địa điểm và công nghệ lò phản ứng, bảo đảm đầy đủ nhất văn hoá an toàn trong xây dựng và vận hành các nhà máy điện nguyên tử, luôn là tiếng kêu gọi thiết tha, không chỉ của dân cư nằm cuối các luồng gió, và dòng nước mà của cả mọi dân tộc, mọi quốc gia có hay không có điện nguyên tử.
Nói đến môi trường khí quyển, mọi người không thể quên rằng, ô nhiễm khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính đang là vấn đề nhức nhối của thời đại. Lượng “khí nhà kính” CO2 trên trái đất đã đến mức báo động đỏ. Nghị định Kyoto về giảm khí nhà kính không được nhiều chính phủ, kể cả nước giàu nhất với lượng khí thải nhiều nhất, cam kết thực thi.
Rõ ràng, trong các vấn đề ô nhiễm phóng xạ và khí thải nhà kính, hay môi trường không khí, nói chung, thế giới này càng không còn biên giới, và cả quả đất đích thực là mái nhà chung của mọi quốc gia. Vì vậy, quả không thừa, khi nhân loại liên tục và ngày càng mạnh mẽ cất lên tiếng gọi tất cả các chính phủ, đặc biệt của các quốc gia giàu mạnh hãy hành động thiết thực và kịp thời vì sự yên bình của mái nhà chung đó.
Sự kiện ô nhiễm môi trường vừa xảy ra ở biên giới Trung Nga một lần nữa thức tỉnh các cộng đồng dân cư trên thế giới. Việt Nam chúng ta, với vị trí địa lý khá nhạy cảm, lại càng phải tỉnh táo hơn, quan tâm hơn, nhanh nhạy hơn và mạnh mẽ trong mức độ cần thiết theo những nguyên tắc pháp lý quốc tế và đường lối hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc. Đó là tiếng nói, là vận mệnh của một quốc gia, của những cộng đồng dân cư có chung một đại dương mênh mông với nhiều quốc gia lớn, nằm cuối con sông lớn Mekong và cuối những cơn gió mùa ...
Ý kiến của bạn: